Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Nếu bản Việt là 'Tháng năm rực rỡ', thì nguyên tác Hàn 'Sunny' là tháng năm… dữ dội!

Có thể dễ dàng nhận thấy, ở bản gốc "Sunny", tuổi trẻ của những cô gái rất dữ dội, khi lớn lên, họ lại có cuộc sống u ám, nặng nề. Sự tương phản này bị giảm đi trong phim "Tháng năm rực rỡ", đồng thời, tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tạo màu sắc tươi mới, nhẹ nhàng hơn.

Tháng năm rực rỡ là tác phẩm đang nhận nhiều chú ý thời gian gần đây, phim do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực hiện, remake từ nguyên tác điện ảnh Hàn Quốc mang tên Sunny. Bộ phim quy tụ hàng loạt gương mặt nổi bật như Thanh Hằng, Hồng Ánh, Mỹ Uyên, Mỹ Duyên, Hoàng Yến Chibi, Khổng Tú Quỳnh, Jun Vũ, Hoàng Oanh,…

Trailer “Tháng năm rực rỡ”.

Là bộ phim remake từ nguyên tác Hàn Quốc, nhưng Tháng năm rực rỡ thấm đẫm màu sắc Việt Nam. Phim lấy bối cảnh là hai cột mốc quan trọng của lịch sử nước nhà: năm 1975 - thời điểm Tổng thống Thiệu bỏ trốn khi chiến dịch Hồ Chí Minh thành công và năm 2000 - lần đầu tiên Tổng thống Bill Clinton cùng phu nhân sang thăm Việt Nam, hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa quan hệ hai nước. Đầy khéo léo và tài tình, mốc thời gian này cũng khiến việc nhóm Ngựa Hoang năm 1975 và cuộc gặp lại giữa Mỹ Dung - Hiểu Phương trở nên hợp tình, hợp lý hơn.

Mặt khác, chính việc lấy bối cảnh năm 1975, năm 2000 khiến phim Tháng năm rực rỡ nhận ý kiến trái chiều từ phía khán giả. Không ít người xem cho rằng các phân cảnh bạo lực học đường, nữ sinh hút thuốc lá, dọa nạt bạn bè gây ra cái nhìn sai trái về hình ảnh học sinh Đà Lạt xưa.

Tuy nhiên, thực tế, Tháng năm rực rỡ phiên bản Việt Nam đã có nhiều chỉnh sửa, thêm thắt, lược bỏ so với bản gốc Sunny. Phim điện ảnh Sunny có phần nặng nề hơn, không ít khán giả đã xem cả hai bản cho rằng: “Nếu phim Việt là Tháng năm rực rỡ, thì nguyên tác Hàn Quốc là Tháng năm… dữ dội!”.

Những hình ảnh trong “Sunny”.

Tuổi trẻ dữ dội của nhóm nữ quái trong bản gốc “Sunny”

Trước tiên, phải kể đến những phân cảnh bắt nạt học đường tại Hàn Quốc, đây vẫn là vấn nạn nơi trường học ở xứ sở Kim chi. Chính vì thế, việc học sinh mới Im Na-mi bị soi xét khi chuyển đến ngôi trường mới là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bên cạnh đó, học sinh Hàn cũng thường chia bè kéo cánh, chơi thành các nhóm nhỏ, từ đó dẫn đến phân đoạn hai nhóm nữ sinh hẹn đánh nhau sau giờ học trong Sunny.

Không những vậy, ở bản gốc Sunny, có hai cảnh bạo lực học đường, với hình ảnh thầy giáo đánh đập học sinh dã man. Cảnh đầu tiên được xem là chất xúc tác khiến nhân vật Sang-mi (Kiều Chinh ở bản Việt, Chun Woo-hee thủ vai trong bản gốc) phẫn uất đỉnh điểm, từ đó dẫn đến việc Su-ji (Tuyết Anh, Min Hyo-rin thủ vai ở bản gốc) bị rạch mặt. Cảnh thứ hai giải thích lý do cả nhóm Sunny bị đuổi học dưới sự bạo hành dã man của thầy giáo.

Tuy nhiên, trong bản Việt Nam Tháng năm rực rỡ, những phân cảnh bạo lực này đã bị cắt bỏ. Hình ảnh về người thầy ở bộ phim chỉ được thể hiện qua cô giáo dạy Văn (Lan Phương thủ vai) dễ tính, nhẹ nhàng. Nhân vật rất đời thường, gần gũi, không những thế, cô vẫn còn nhớ đến nhóm nữ quái Ngựa Hoang, và giúp Hiểu Phương tìm được bạn cũ Lan Chi thông qua card visit.

Ở bản gốc Sunny, không chỉ thể hiện vấn nạn bạo lực học đường, bộ phim còn bộc lộ một số đặc trưng “rất Hàn Quốc”, khi học sinh xứ sở Kim chi, đặc biệt là nữ sinh, dành sự quan tâm đặc biệt cho ngoại hình, thậm chí coi vẻ bề ngoài là yếu tố đánh giá người khác. Khi Im Na-mi mới chuyển đến trường học mới, cô đòi bố mẹ mua giày của những nhãn hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas giống các bạn. Ngoài ra, học sinh và thầy, cô giáo trong Sunny thường lấy “phẫu thuật thẩm mỹ”, “mắt hai mí, mắt một mí” để trêu đùa nhau.

Thay vì cách đùa thiên về trêu chọc ngoại hình như “phẫu thuật thẩm mỹ”, “mắt một mí”, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khai thác sự khác nhau thú vị về đặc trưng vùng miền, hay những lời thoại, ngôn từ gần gũi khán giả Việt Nam qua cách Hiểu Phương “lên đồng”, Thùy Linh chửi thề… Do đó, nhóm nữ quái Ngựa Hoang cũng hiện lên trong sáng, giản dị và quen thuộc với cô, cậu học trò Việt hơn.

Đặc biệt, ở cảnh nhóm nữ quái Ngựa Hoang đánh nhau cùng một nhóm khác khi cuộc biểu tình bất ngờ xảy ra trên phố, phân cảnh trong bản Việt Nam được xem là kém dữ dội hơn so với nguyên tác Hàn Quốc. Cảnh quay của Sunny gây ấn tượng bởi quy mô hoành tráng, số lượng người tham gia “chiến đấu” đông đảo. Trong khi đó, Tháng năm rực rỡ tái hiện mâu thuẫn dân tộc một cách nhẹ nhàng và có phần ý nhị hơn.

Cảnh đánh nhau trong “Sunny”.

Ngựa Hoang và cuộc sống bớt u ám, nặng nề hơn bản gốc “Sunny”

Hình ảnh nhóm nữ quái Sunny khi đã trưởng thành cũng có phần nặng nề và u tối hơn. Ở Tháng năm rực rỡ, Hiểu Phương (Hồng Ánh thủ vai) sở hữu cuộc sống sung túc, êm đềm, có người chồng dù bận rộn nhưng vẫn quan tâm gia đình. Trong khi đó, Im Na-mi bản Hàn Quốc là người phụ nữ nội trợ bị mắc kẹt giữa guồng quay tẻ nhạt, lặp đi lặp lại. Người chồng Na-mi thể hiện rõ tính gia trưởng của đàn ông Hàn thời điểm đó: giàu có, lạnh lùng, sáng đi không chào hỏi, không cười nói, về đưa tiền và tối đòi… có thêm đứa con nữa.

Không những thế, Sunny còn chồng thêm lớp màu u ám bởi nhân vật Geum-ok (Lee Yeon-kyung và Nam Bo-ra thủ vai), cô bạn đeo mắt kính với cây gậy ba tông sau này phải làm nội trợ, chăm sóc nhà chồng và bị chị dâu khinh dù là người học hành tới nơi tới chốn nhất. Cuộc sống quanh quẩn, mắc kẹt của Geum-ok khiến bộ phim trở nên nặng nề và dàn trải hơn phiên bản Việt.

Ngoài ra, không dồn khó khăn cuộc sống cho bất cứ thành viên nào một cách rõ ràng như bản gốc Sunny, ở Tháng năm rực rỡ, bi kịch của Bok Hee (Kim Sun Kyung thủ vai) được chuyển một phần sang cho Jang Mi (Go Soo Hee) - Lan Chi phiên bản Việt. Trái lại, Bok Hee trong nguyên tác bị nhân đôi nỗi khắc khổ khi vừa làm gái, vừa phải nuôi con bị bệnh.

Lan Chi trong “Tháng năm rực rỡ”.

Đặc biệt, phim Tháng năm rực rỡ đã tối đa hóa những chi tiết thể hiện tình cảm giữa các thành viên Ngựa Hoang. Nếu trong bản gốc, Na Mi lúc trưởng thành đắn đo việc tìm kiếm bạn cũ vì: “Mình còn phải dành thời gian chăm lo gia đình”, thì ở phiên bản Việt, Hiểu Phương sốt sắng tìm mọi cách liên lạc với Lan Chi, Thùy Linh. Gác lại khó khăn trong cuộc sống, các cô gái Ngựa Hoang hết mình sống lại những năm tháng tuổi trẻ rực rỡ.

Những cô gái Ngựa Hoang ở phiên bản Việt bớt u ám, nặng nề hơn.

Có thể dễ dàng nhận thấy, ở bản gốc Sunny, tuổi trẻ của những cô gái rất dữ dội, khi lớn lên, họ lại có cuộc sống u ám, nặng nề. Sự tương phản này bị giảm đi trong phim Tháng năm rực rỡ, đồng thời, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tạo màu sắc tươi mới hơn, Hiểu Phương lạc quan, Thùy Linh rất “nhiệt”, Mỹ Dung trẻ trung và mạnh mẽ. Từ đó, mang đến một tác phẩm - tuy không giàu giá trị hiện thực như nguyên tác - nhưng nhẹ nhàng và đáng yêu hơn.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Thảo

Được quan tâm

Tin mới nhất
Lời cảnh báo của Duy Mạnh