Netflix cũng đang là cái gai trong mắt của nhiều cái tên cộm cán ở Hollywood vì lo sợ nó sẽ giết chết phim chiếu rạp truyền thống. Vậy cuối cùng, bản chất thật sự của Netflix là gì?
Sinh ra đã khác biệt
Ra đời vào năm 1997, Netflix có xuất phát điểm là một dịch vụ thuê băng đĩa qua thư tín được thành lập bởi Reed Hastings và Marc Randolph. Tuy nhiên, trong những năm đầu mới thành lập thì dịch vụ truyền thông này chưa đạt được thành công đáng kể nào. Mãi cho đến đầu thế kỉ XX, Reed Hastings mới nhận thấy được tiềm năng khổng lồ của Internet và quyết định sẽ chuyển hướng cách thức kinh doanh vào mảng nội dung số.
Khác với những ông lớn truyền thông còn lại ở Hollywood, Netflix có mặt trên mọi thiết bị phát hình phổ biến như TV, PC, điện thoại và máy tính bảng, giúp cho khách hàng có thể truy cập dịch vụ ở bất cứ đâu. Hãng thu tiền bằng cách cho khách hàng mua gói thuê bao hàng tháng. Chính nhờ tầm nhìn vĩ đại đó mà giờ đây Netflix đang là số một trong lĩnh vực của mình khi đang có mặt tại gần 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, điều mà hiếm có dịch vụ khác làm được điều tương tự.
Luôn theo đuổi tôn chỉ phải là kẻ khác biệt từ những ngày đầu, Netflix vẫn đang phát triển với tốc độ vũ bão nhờ hướng đi độc đáo của mình. Năm 2013, dịch vụ truyền hình trả phí này đã tạo ra một cuộc cách mạng tại Hollywood khi cho ra mắt loạt phim dài tập đầu tay là House of Cards với trọn bộ 13 tập một lúc.
Đây là điều chưa từng có tiền lệ tại kinh đô điện ảnh khi lâu nay những bộ phim dài tập thường được phát hành mỗi tuần một tập, thậm chí là có nhiều phim bắt khán giả phải chờ khoảng hai tháng gọi là nghỉ giữa mùa để có thể theo dõi trọn vẹn bộ phim. Ngay sau khi phát hành mùa đầu tiên của House of Cards, Netflix lập tức nhận được sự ủng hộ to lớn từ công chúng bởi vì giờ đây họ không cần phải chờ một quãng thời gian khá dài để biết tiếp được diễn biến của câu chuyện hay hơn thế nữa là họ không bị làm phiền bởi quảng cáo trong quá trình xem phim.
Tiếp nối thành công đó, Netflix chi mạnh hơn vào việc sản xuất nội dung gốc của mình và đã cho ra đời rất nhiều loạt phim chất lượng như là Sense 8, Stranger Things, The Haunting of Hill House… và nhiều trong số chúng trở thành biểu tượng của nền văn hóa đại chúng.
Không chỉ dừng lại địa hạt phim bộ dài tập, Netflix tiếp tục phá vỡ quy tắc truyền thống của chuỗi chiếu phim khi hãng quyết định phát hành Beast Of No Nation, một phim điện ảnh, trên dịch vụ cùng ngày bộ phim ra rạp vào năm 2015. Tuy bị các chủ rạp lớn tại Mỹ tẩy chay nhưng người xem lại tỏ ra thích thú với bộ phim vì chất lượng tuyệt vời của nó. Thậm chí, từng có những tranh cãi vì Viện hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ quyết định bỏ qua bộ phim, không đưa vào danh sách tranh cử giải Oscar năm đó.
Cái gai trong mắt các ông lớn trong ngành công nghiệp điện ảnh
Các chủ rạp lớn ở Mỹ như AMC, Regal hay Cinemark có lý do chính đáng để tẩy chay Netflix vì họ lo sợ rằng khi Beast Of No Nation đã được phát hành trên Internet rồi thì người xem sẽ chẳng mặn mà với việc bỏ tiền ra rạp xem phim nữa.
Nên nhớ rằng vào năm 2015, tại thời điểm Beast Of No Nation được phát hành thì Netflix đã nắm trong tay gần 70 triệu thuê bao trên toàn cầu, trong đó thì tại Mỹ có tới 43 triệu thuê bao. Như vậy có nghĩa là tại thời điểm đó có 43 triệu người Mỹ không cần phải sắp xếp thời gian ra rạp để thưởng thức Beast Of No Nation mà chỉ cần về nhà bật TV lên là đã có thể theo dõi được bộ phim. Thậm chí là họ có thể xem phim trên smartphone trong giờ nghỉ trưa của ngày làm việc. Như vậy có thể nói, hệ thống rạp chiếu bóng Mỹ mất trắng gần 43 triệu khách hàng tiềm năng.
Không chỉ các chủ rạp, các đạo diễn bậc thầy của Hollywood cũng tỏ ra khó chịu với Netflix. Họ cho rằng Netflix đang hủy hoại việc thưởng thức một bộ phim đúng nghĩa với hệ thống máy chiếu, âm thanh chất lượng cao ngoài rạp. Một số thậm chí còn cho rằng phim được phát hành trên Netflix không phải là phim điện ảnh đúng nghĩa.
Hai trường hợp nổi bật nhất trong trường hợp này là đạo diễn Steven Spielberg và Christopher Nolan. Về phía Steven Spielberg, ông cho rằng phim được Netflix sản xuất không nên được đem đi tranh cử tại giải Oscar mà chúng chỉ phù hợp với những giải thưởng cho phim truyền hình như là Emmy. Gay gắt hơn, với cương vị là người đứng đầu phân nhánh Đạo diễn trong Viện hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ, Steven Spielberg đã đệ trình ý kiến rằng sẽ không để trường hợp như Roma (bộ phim có chất lượng xuất sắc nhưng chỉ được công chiếu tại rạp chiếu lệ để đủ tiêu chuẩn tranh cử Oscar) tái diễn tại giải Oscar. Christopher Nolan cũng có những trăn trở tương tự với Spielberg khi cho rằng người xem sẽ khó lòng thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm điện ảnh qua màn hình laptop.
Xa hơn đất Mỹ, Netflix cũng vấp phải nhiều sự chỉ trích tại các giải thưởng danh giá trên trường quốc tế khác như là LHP Cannes danh giá. Khi đem Okja và The Meyerowitz Stories đi tranh giải Cành Cọ Vàng tại đây vào năm 2017, Netflix bị Liên đoàn Rạp chiếu phim Pháp và chủ tịch ban giám khảo Pedro Almodóvar chỉ trích gay gắt. Và ngay sau đó, Cannes cũng ban hành một quy định mới rằng các bộ phim dự giải phải được phát hành tại các rạp của Pháp. Điều này phần nào gây bất lợi cho Netflix vì ở Pháp, các phim chỉ được phát hành trên nền tảng Internet ba năm sau khi ra rạp.
Lý lẽ của Netflix
Năm 2018, khi giám đốc LHP Cannes Thierry Frémaux phát biểu rằng các phim của Netflix vẫn được chào đón ở LHP danh giá miễn là chúng không được đem đi tranh giả. Netflix tất nhiên không để những đứa con của mình chịu thiệt khi rút hết các bộ phim ra khỏi khuôn khổ LHP và phát biểu rằng: “Không có lý do gì đến dự mà không được tranh giải, chúng tôi chọn sẽ làm tương lai của ngành điện ảnh. Nếu Cannes chọn là lịch sử của ngành, thì cũng được thôi.”
Để đáp trả lại động thái của đạo diễn Steven Spielberg, Netflix đã tweet trên Twitter rằng:
“Chúng tôi yêu điện ảnh. Dưới đây là một số thứ mà chúng tôi cũng yêu mến không kém:
- Giúp những người không có khả năng tài chính hoặc sống ở những nơi không có rạp phim có thể tiếp cận được bộ phim.
- Cho phép mọi người, ở bất cứ đâu, có thể thưởng thức những bộ phim được ra mắt vào cùng một thời điểm.
- Giúp các nhà làm phim có thêm nhiều cách để chia sẻ tác phẩm nghệ thuật của mình. Những điều này không hề loại trừ lẫn nhau”.
Nói một cách công bằng, lập luận của Netflix không hề sai. Thực tế, Netflix đã giang tay ra cứu vớt nhiều dự án khỏi cảnh thua lỗ nếu ra rạp như là Mowgli: Legend of the Jungle hay là Cloverfield: Paradox. Đây đều là những bộ phim được đầu tư khủng nhưng đến cuối cùng, hãng sản xuất ban đầu cảm thấy không tự tin về chất lượng của chúng và tìm đến Netflix để “cầu viện”.
Bên cạnh đó, Netflix còn là nền tảng giúp các bộ phim đến từ các nền điện ảnh nhỏ được phát hành rộng rãi trên trường quốc tế. Lấy ví dụ như phim Hai Phượng của Ngô Thanh Vân đã được Netflix mua lại và được phát hành trên nền tảng này tại nhiều quốc gia kể từ ngày 22/5 và phim cũng sẽ có mặt tại thị trường Bắc Mỹ vào tháng 9 năm nay. Đây là một dấu hiệu tích cực cho điện ảnh Việt Nam khi trước đây để các bộ phim nội địa có thể tìm được ra quốc tế là vô cùng khó khăn. Nhiều phim như Âm Mưu Giày Gót Nhọn, Mỹ Nhân Kế đưa tin rầm rộ là được ra rạp tại Mỹ nhưng thực tế doanh thu rất khiêm tốn và chỉ được trình chiếu hạn chế tại các khu vực có nhiều người Việt sinh sống chứ chưa thể len lỏi được vào danh mục thưởng thức của người bản địa.
Chỉ trích nhiều là thế nhưng thực tế không ai có thể phủ nhận những lợi ích mà Netflix đem lại cho người xem đại chúng. Việc một dịch vụ công nghệ mới đe dọa sự tồn tại của một ngành công nghiệp cũ không còn là một câu chuyện mới, đơn cử như cuộc chiến dài hơi giữa các dịch vụ gọi xe như Uber, Grab với các hãng taxi truyền thống. Công bằng mà nói, người hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến này không ai khác chính là những người sử dụng dịch vụ khi họ có đa dạng lựa chọn hơn trong việc lựa chọn phương thức giải trí hằng ngày. Sự tồn tại của Netflix cũng thúc đẩy ngành công nghiệp chiếu rạp truyền thống tìm cách phát triển tốt hơn để phù hợp với thời đại.