Girl from Nowhere là dự án phim truyền hình chiếu trên Netflix đến từ Thái Lan, với màu sắc kinh dị, rùng rợn lấy bối cảnh học đường. Tình tiết của mỗi tập phim trong các mùa hầu như sẽ không liên quan nhiều đến nhau, duy chỉ có phần hai, sự hiện diện của một nhân vật mới đã ngầm thay đổi một phần mạch truyện.
Cô nàng tóc mái ngang Nanno sẽ xuất hiện ở mỗi tập phim, tại một ngôi trường mới mẻ, bước vào một lớp học tưởng như rất hòa đồng, gần gũi và cô nàng sẽ dần dần vạch trần sự thật đằng sau những học sinh trong lớp. Sau hai mùa phim hết sức thành công, khán giả ngoài chiêm ngưỡng vô vàn cảnh quay giàu ẩn ý và giật gân, còn được chứng kiến nhiều vấn nạn học đường vẫn còn tồn đọng ngoài xã hội, được chỉ mặt gọi tên. Cụ thể, trong phần một, thực trạng thầy giáo “lừa tình” học sinh, bản chất giả dối trong các cuộc thi hoa khôi, tình bạn vụ lợi, sự phân biệt giàu nghèo trong lớp học,... như những u nhọt dần dần được Nanno thanh tẩy. Phần hai, một vài vấn đề mới được nêu lên như sự quan liêu, giả tạo trong các trường nội trú, nam-nữ sinh yêu nhau và có thai,... tiếp tục đẩy cao trào cho series này.
Vậy, nếu Nanno đến Việt Nam thì những thực trạng xấu xí nào trong học đường sẽ phải bị bài trừ?
Tình bạn nắm đấm
Bạo lực học đường từ lâu đã xuất hiện trong học đường. Có một thời gian, những tin tức về việc nữ sinh đánh nhau, quay video đăng lên mạng liên tục xuất hiện. Chưa dừng lại ở đó, những cuộc hẹn giải quyết ân oán của những “giang hồ” tuổi teen thậm chí còn trở thành “trend” trên mạng xã hội. Việc giải quyết thói hư này cần được thực hiện không chỉ từ phía nhà trường, phụ huynh mà còn từ cả bản thân mỗi học sinh. Vậy, Nanno xuất hiện trong một trận ẩu đả, đẩy nó đến đường cùng, tạo ra một kết cục đen tối cũng là một hình thức cho các nhân vật và người xem cảnh tỉnh về nạn bạo lực học đường.
Không thầy, chúng mình sợ ai...
Hầu hết những tình huống xảy ra trong Girl from Nowhere đều nhấn mạnh vào tình huống những học sinh ngỗ ngược, những giáo viên không giữ đúng chừng mực hay những phụ huynh thích bao che cho con cái. Đặt ngược lại vấn đề, khi những giáo viên yêu thương học sinh, yêu nghề và tận tâm với công việc, lại không được học sinh và phụ huynh tôn trọng thì sẽ như thế nào.
Tình huống này hoàn toàn có thể được tái hiện thông qua sự kiện có thật gần đây, khi cô giáo Nguyễn Thị Tuất bị chính học sinh trong lớp không vâng lời, tấn công cô. Nhà trường và phụ huynh đều quay lưng, khiến cuộc sống của cô chật vật, khi yêu nghề nhưng là không được làm nghề.
Để giải quyết, Nanno sẽ "tạo cơ hội" cho một trong số các học sinh xấc xược có cơ hội được đứng lớp quả là một ý kiến không tồi. Đứng trước nhiều áp lực mà người khác phải chịu, chúng ta mới thật sự thấu hiểu cho họ.
Tác phong đến trường
Trong phần 2, tập 6, Nanno đã bước chân vào ngôi trường nội trú và làm trái hoàn toàn những quy định khắt khe đến khó hiểu của trường. Nhờ vậy, Nanno đã khiến trái tim độc ác và mục rữa của các thầy cô ở đây lộ ra. Họ trở thành “kẻ ác” trong mắt học sinh của mình vì luôn tìm cách ràng các em vào những khuôn khổ bó chặt sự tự do và sáng tạo.
Ngẫm lại, ở Việt Nam, câu chuyện tác phong khi đến trường của học sinh cũng là một đề tài gây tranh cãi, trước đó là ý kiến đề xuất để nam sinh mặc áo dài đến trường, gần đây hơn là chuyện một nữ sinh vì xăm mình mà bị buộc thôi học. Mỗi người đều có góc nhìn của riêng mình về tác phong khi đến trường. Với việc mặc áo dài, nhiều ý kiến cho rằng mặc áo dài sẽ làm cho nam sinh không thể tự do sinh hoạt, số khác lại phủ định ý kiến này vì theo họ, việc mặc áo dài cũng là một cách giáo dục các em học sinh về lòng tự tôn dân tộc, giúp nam sinh và nữ sinh đều bình đẳng với đồng phục.
Câu chuyện xăm mình thì càng gay gắt hơn. Lượt người cho rằng học sinh xăm mình là sai chiếm một con số không nhỏ. Số còn lại thì cho rằng, việc xăm mình nếu được kiểm soát, không thể hiện sự lệch lạc thì vẫn nên tôn trọng quyết định của mỗi học sinh.
Vậy thì đâu mới là tác phong chuẩn mực cho học sinh khi đến trường? Để trả lời câu hỏi này, Nanno hoàn toàn có thể thử cách cho nam sinh mặc áo dài, nữ sinh mặc đồng phục để xem liệu trật tự có thay đổi, những ý nghĩ có khác đi không? Câu chuyện sở thích xăm mình, giải pháp để cho các phụ huynh, thầy cô, học sinh công khai những sở thích riêng và dị biệt của mình biết đâu sẽ giúp cho mọi người hiểu được cảm nhận của đối phương.
Tạm kết
Môi trường giáo dục là môi trường có vai trò quan trọng đối với mỗi người vì ở đó, con người học hỏi để hoàn thiện mình nhiều hơn. Vì thế khi ở trong một môi trường giáo dục đen tối, độc hại, học sinh, giáo viên có thể chết dần chết mòn tâm hồn và trí tuệ của mình. Do đó, những vấn đục đang làm mờ sự trong sáng của môi trường này cần được loại bỏ, khai mở cách nhìn mới cho mỗi người. Khi đó, mỗi người ngộ ra rằng, mình cần gì để việc học trở nên hiệu quả và tốt nhất. Nanno có thật sự đáng sợ, hay sự hèn nhát không dám đối mặt và thay đổi trong mỗi chúng ta mới thật sự là thứ đáng phải dè chừng?