Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Năm 2019, Netflix sẽ tung 90 phim 'nhà làm' phục vụ khán giả - Cùng xem lại list phim ấn tượng trong thời gian qua

Trong khi các studio điện ảnh nổi tiếng như Universal hay Warner Bros. chỉ cho ra mắt khoảng 30 tựa phim mới mỗi năm, ‘tay đua mới' Netflix đã công bố sẽ phát hành đến tận 90 bộ phim gốc trong năm 2019, hứa hẹn một năm đầy tham vọng, đưa cái tên Netflix lên tầm cao mới trong vai trò nhà sản xuất.

Theo Giám đốc phụ trách mảng Phim do chính hãng sản xuất - Scott Stuber, Netflix đã lên kế hoạch sản xuất 55 bộ phim chiếu rạp và phim truyền hình trong năm 2019, trong đó có các bom tấn sở hữu kinh phí khủng lên đến 200 triệu USD. Ngoài ra, số phim tài liệu và hoạt hình mà Netflix hợp tác sản xuất với những đơn vị khác sẽ đưa tổng số phim do hãng phát hành lên đến 90, một con số được xem là không thể đối với cả những “ông lớn” của Hollywood.

Điều này có nghĩa là hàng tuần, những người sử dụng dịch vụ của nhà đài này sẽ liên tục có những lựa chọn mới với các tựa phim thuộc nhiều thể loại khác nhau. Đồng thời, đây cũng là một tin đáng mừng cho những nhà làm phim được Netflix chiêu mộ và quan trọng hơn, là cơ hội để Netflix khẳng định vị trí của mình trong lĩnh vực phim ảnh.

Cụm từ “Netflix Original” đang dần trở nên uy tín trong giới phát hành phim, bảo đảm độ hot cho các phim mới ra lò.

Tuy nhiên, số lượng phim khủng đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều khó khăn trong việc giới thiệu phim đến khán giả. Với quá nhiều lựa chọn, người dùng sẽ khó mà theo dõi và cập nhật mỗi khi có tựa phim mới “lên kệ”. Bên cạnh đó, không phải thể loại nào cũng phù hợp với đa số người xem, nhất là khi Netflix đang muốn phát triển mảng phim nghệ thuật.

Dù các sản phẩm gốc được đông đảo khán giả đón nhận trong năm qua, chất lượng đồng đều cũng là một vấn đề mà Netflix cần phải lưu tâm khi đặt ra mục tiêu đầy tham vọng này. Trong lúc chờ Netflix ra mắt 90 tựa phim mới, hãy cùng điểm lại các bộ phim nổi bật nhất đến từ nhà đài này thời gian vừa qua nhé!

Five Came Back

Chẳng phải là cái tên được nhiều khán giả trẻ biết đến, bộ phim tài liệu Five Came Back kể về hành trình theo đuổi nghệ thuật đầy dũng cảm của năm vị đạo diễn Hollywood trong Thế chiến thứ II, được thuật lại bởi năm vị đạo diễn danh tiếng Hollywood thời nay, trong đó có Steven SpielbergGuillermo del Toro. Họ đã không chùn bước trước làn bom đạn để mang những hình ảnh khốc liệt của cuộc chiến đến với toàn thế giới. Không chỉ lưu giữ một mảnh ghép lịch sử giữa hàng loạt tựa phim hiện đại, Netflix còn mua bản quyền những tác phẩm tuyên truyền mà các đạo diễn đã thực hiện nhằm kêu gọi tinh thần kháng chiến trong thời chiến để gợi lên sự tò mò cho khán giả về chủ đề thú vị này.

Poster phim “Five Came Back”.

Trailer phim tài liệu “Five Came Back”.

The Crown

The Crown là loạt phim truyền hình thuộc thể loại “prestige drama”, mang hơi hướng đen tối và đậm chất văn học. Mười tập phim sẽ đưa người xem đến gần với những ngày đầu thừa kế ngôi vương của Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị, được thể hiện bởi nữ diễn viên Claire Foy bên cạnh “Doctor Who” Matt Smith trong vai phu quân Philip. Không chỉ nổi bật với những màn tái hiện các sự kiện lịch sử quan trọng như London's Great Smog, đám sương khói ô nhiễm đã cướp đi mạng sống của 12 nghìn người vào năm 1952, The Crown còn là câu chuyện về việc gánh vác trọng trách quốc gia nặng nề của vị nữ hoàng trẻ tuổi.

“The Crown” kể về cuộc đời nữ hoàng Elizabeth dưới ánh hào quang…

… và cả trong bóng tối.

Trailer phim “The Crown”.

Gerald's Game

Được mệnh danh là cuốn tiểu thuyết “không thể thành phim” của ông vua truyện kinh dị Stephen KingGerald's Game chính là nỗi ám ảnh trong giới đạo diễn. Song, đạo diễn người Mỹ Mike Flanagan đã mạnh dạn biến nó trở thành một tấn bi kịch khó quên, pha lẫn các yếu tố kinh dị trên sóng truyền hình. Đối diện với cuộc hôn nhân dần trở nên nhàm chán, đôi vợ chồng Jessie (Carla Gugino) và Gerald (Bruce Greenwood) quyết định thuê một căn nhà riêng tư bên hồ để hâm nóng tình yêu. Đây là mạch truyện chính của Gerald's Game.

Poster phim kinh dị “Gerald's Game”.

Vừa còng tay vợ vào giường để thử cảm giác mới lạ, Gerald đột nhiên lên cơn đau tim và đột tử, bỏ lại Jessie bị khoá vào giường trong căn nhà không một bóng người. Tại đây, sau hàng giờ ở một mình trong căn phòng với xác chết của chồng, Jessie bắt đầu gặp ảo giác, khơi dậy những bí mật đen tối tưởng chừng đã ngủ say của cô. Làm nổi bật khía cạnh tâm lý phức tập của mỗi người, Gerald's Game nói về việc ai cũng có những vấp ngã trong quá khứ và cách chúng ta đứng dậy, lấy đó làm sức mạnh và bước tiếp.

Bộ phim pha trộn giữa màu đỏ và các màu tối, tạo cảm giác rùng rợn đến ám ảnh.

Trailer phim “Gerald's Game”.

Mindhunter

“Cái ác là bẩm sinh hay được nuôi dưỡng?” chính là câu hỏi được đặt ra xuyên suốt mười tập phim trinh thám tội phạm Mindhunter. Theo chân hai thanh tra FBI Holden Ford (Jonathan Groff) và Bill Tench (Holt McCallany) tra khảo những tên giết người hàng loạt trong nhiều vụ án (những vụ án được lấy cảm hứng từ các phi vụ có thật), người xem sẽ bước vào thế giới đầy rẫy tội ác, được nghe những câu chuyện thời thơ ấu, chứng kiến bi kịch và cả những quyết định không thể tha thứ của những kẻ thủ ác. Với bốn tập phim được thực hiện bởi đạo diễn phim “giật gân” nổi tiếng David Fincher, dù không có những cảnh máu me kinh dị, Mindhunter vẫn đầy ám ảnh, khiến khán giả phải suy nghĩ về ranh giới thiện-ác trong mỗi con người.

Bộ đôi thanh tra FBI với mục tiêu nghiên cứu tâm lý tội phạm.

Nhìn người đàn ông có ngoại hình hiền lành này, ai có thể nghĩ đây chính là tên sát nhân hàng loạt Edmund Kemper đã hạ sát 10 mạng người, trong đó có ông bà và mẹ mình?

Trailer phim “Mindhunter”.

American Vandal

Ai là người đã vẽ bậy lên xe của giáo viên? Ai đã bỏ thuốc xổ vào nước chanh khiến cả trường tiêu chảy? American Vandal là series phim tài liệu trinh thám dài tám tập theo phong cách châm biếm, khai thác chủ đề tội phạm học đường khiến người xem tự hỏi liệu đây chỉ là một trò đùa hay là một vụ án có thật. Tưởng chừng như chỉ là trò nghịch ngợm tuổi học trò, những cuộc điều tra của cậu học sinh Peter (Tyler Alvarez) đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, tiết lộ mâu thuẫn giữa học sinh, giáo viên và những mặt tối được giấu kín trong nhà trường.

Những vụ án dở khóc dở cười diễn ra ở trường trung học…

… đều được Peter và bạn mình xâu chuỗi và ghi lại một cách chuyên nghiệp, không khác nào một bộ phim tài liệu tội phạm thứ thiệt.

Đoạn trailer của “American Vandal” được tung lên mạng và khiến hàng loạt cư dân mạng tin rằng đây là một vụ án có thật.

Dear White People

Được chuyển thể từ bộ phim dài tập cùng tên, Dear White People xoay quanh đề tài phân biệt chủng tộc trong bối cảnh học đường, kể về quá trình thích nghi của một nhóm học sinh da màu tại một trường đại học danh giá thuộc Ivy League. Dù là trường đại học hàng đầu nước Mỹ, tại đây vẫn tồn tại những vấn đề kì thị chủng tộc, thậm chí là bắt nạt và sử dụng bạo lực. Mang chủ đề đậm chất thời sự nhưng vẫn giữ được sự hài hước cần có, bộ phim còn làm nổi bật khía cạnh nhân văn với những khoảnh khắc lắng đọng tình người giữa đời sống thường nhật hối hả.

Poster “đá xéo” của “Dear White People”.

Dàn diễn viên đa dạng từ người Mỹ gốc Phi đến gốc Á.

Trailer phim “Dear White People”.

Orange Is The New Black

Đã quá quen thuộc với những fan phim truyền hình, Orange Is The New Black là “series gốc” (do chính Netflix sản xuất) được xem nhiều nhất của nhà đài. Lấy bối cảnh nhà tù nữ, bộ phim xoay quanh cuộc sống và mối quan hệ giữa các nữ phạm nhân, cũng như câu chuyện quá khứ của họ.

Poster hai màu đen và cam nổi bật của “Orange Is The New Black”.

Bắt đầu dựa trên hồi ký của Piper Chapman, người buộc phải ngồi tù vì một lần bị lừa vận chuyển ma tuý 10 năm về trước, Orange Is The New Black đã trở thành một trong số những loạt phim truyền hình tâm lý tội phạm xuất sắc nhất trong những năm gần đây. Đặc biệt hơn, bộ phim có sự góp mặt của dàn diễn viên nữ vô cùng tài năng, với những màn thể hiện nổi bật, đã đưa hàng loạt cái tên lên tầm cao mới ở Hollywood, điển hình như Taylor Schilling, Laverne CoxUzo Aduba.

Có những phân cảnh vô cùng cảm xúc đã lấy đi không ít nước mắt của người xem.

Trailer phim “Orange Is The New Black”.

Stranger Things

Stranger Things là một “cơn sốt” đột ngột bùng nổ chỉ sau vài đêm và khiến cả thế giới bàn tán không ngừng về loạt phim khoa học viễn tưởng lấy bối cảnh thập niên 80. Xoay quanh cuộc tìm kiếm cậu bé bị mất tích của băng nhóm những đứa trẻ, Stranger Things là sự tổng hợp của những điều rất lạ kì, cuốn hút khán giả ngay từ phút đầu tiên.

Băng nhóm ba cậu chàng…

… và một cô bé bí ẩn lạ kỳ.

Đi qua các cung bậc cảm xúc vui, buồn, đau đớn hay hồi hộp cùng các nhân vật nhí, người xem sẽ không thể rời mắt khỏi màn hình mà “cày” hết tám tập phim, để rồi nôn nao chờ đợi phần tiếp theo ra mắt. Bên cạnh đó, màu sắc hoài cổ và hàng loạt các chi tiết gợi nhớ về những năm 80 cũng là điểm ấn tượng ở loạt phim này.

Trailer của hiện tượng “Stranger Things”

Black Mirror

Hãy quên những câu chuyện kinh dị đẫm máu hay các sát nhân hàng loạt đi, công nghệ mới là thứ mà con người phải thật sự dè chừng. Series tâm lý đen tối đến từ nước Anh Black Mirror tập trung vào những tác hại của công nghệ nếu chúng ta lạm dụng nó. Dù đó là những công nghệ đi trước thời đại, những phân đoạn ám ảnh kia lại thật đến bất ngờ, thậm chí có những “tiên đoán” của nhà sản xuất Charlie Brooker vào năm 2011 đã trở thành sự thật.

Trong mỗi tập phim là một loại công nghệ hiện đại khác nhau

Liệu có khi nào những giả thuyết về số phận con người được đặt ra trong “Black Mirror” sẽ trở thành hiện thực?

Mỗi tập phim của Black Mirror đều là một câu chuyện độc lập, với cốt truyện và dàn diễn viên hoàn toàn khác nhau. Mua lại quyền phát hành Black Mirror kể từ mùa ba, những tập phim được ra mắt trên Netflix được đánh giá là các tập hay nhất của series, trong đó có “Nosedive” xoay quanh nhu cầu chứng tỏ bản thân trên mạng xã hội, “San Junipero” kể câu chuyện tình nơi thế giới ảo mà người già thường tìm đến để níu giữ thanh xuân hay “Shut Up And Dance” theo chân cậu bé bị tống tiền vì xem phim “cấm”.

Cặp tình nhân của “San Junipero”.

Vị trí trong xã hội được quy định dựa trên thang điểm trong “Nosedive”.

Trailer mùa ba của “Black Mirror”.

Master of None

Là bộ phim về cuộc sống, tình yêu, tình bạn và món mì Ý thơm lừng, cái tên cuối cùng trong danh sách này, Master of None, hiện lên vô cùng nhẹ nhàng, hài hước và chân thực đến không ngờ. Dù dõi theo các nhân vật trên màn ảnh, chắc chắn ai cũng sẽ thấy bản thân mình đâu đó trong những câu chuyện thường nhật của anh chàng diễn viên người Ấn Độ Dev (Aziz Ansari) và nhóm bạn, trong những khoảnh khắc ấm áp nơi đô thị tất bật. Bên cạnh đó, Master of None còn bày tỏ sự kính trọng và lấy cảm hứng từ những cái tên gạo cội của làng điện ảnh như Woody Allen hay Mike Nichols, thể hiện rõ qua khía cạnh nghệ thuật và hình ảnh, cũng như một số phân cảnh của loạt phim.

Chàng diễn viên bước vào độ tuổi 30 Dev.

Dev và những người bạn chí cốt.

Trailer phim “Master of None”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết screencrush

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?