Phim Ảnh

Năm 2019: Dấu mốc đặc biệt của 'chị đại' Ngô Thanh Vân với 'Hai Phượng' và 20 năm hoạt động nghệ thuật

Phương Thảo
Chia sẻ

Đánh dấu chặng đường 20 năm cống hiến cho nghệ thuật, năm 2019 chắc chắn sẽ là một dấu ấn đáng nhớ trong sự nghiệp của "đả nữ" 40 tuổi. Đó không chỉ là một năm "bật xa hơn" từ nốt trầm mang tên Song Lang và Về quê ăn Tết, mà còn là khởi đầu cho hàng loạt dự án đáng kì vọng sau đó.

2019 là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của “đả nữ” Ngô Thanh Vân, đánh dấu tuổi 40 của người đẹp đến từ Trà Vinh, cũng là năm thứ 20 kể từ ngày “chị đại” bước chân vào con đường nghệ thuật. Nhìn lại chặng đường 20 năm, khán giả có thể ngỡ ngàng trước những thành tựu của ngôi sao Dòng máu anh hùng trên cả lĩnh vực diễn xuất lẫn sản xuất phim. Không những thế, năm 2019 còn có thể trở thành một cột mốc mở ra sự nghiệp rộng mở hơn của Ngô Thanh Vân trong trọng trách xây dựng “Vũ trụ điện ảnh Việt Nam” đáng trông đợi.

Ngô Thanh Vân là người đẹp Việt Nam có xuất thân là người mẫu tạp chí, cô từng giành ngôi Á hậu 2 trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam qua ảnh, do tạp chí Thế giới phụ nữ tổ chức năm 2000. Bên cạnh đó, Ngô Thanh Vân gặt hái không ít thành công khi tham gia ca hát. Năm 2009, chiến thắng trong cuộc thi sắc đẹp đã mở đường cho “đả nữ” đến với sự nghiệp ca sĩ nhạc pop với một số ca khúc như Vườn tình nhân, Thế giới trò chơi, Ngày tươi sáng, Bí ẩn vầng trăng… Song, lấn sân vào con đường diễn xuất mới là bước ngoặt đưa Ngô Thanh Vân trở thành sao sáng.

Sau khi được biết đến với tư cách Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam qua ảnh năm 2000, Ngô Thanh Vân có cơ hội tiếp xúc điện ảnh thông qua vai diễn chính trong bộ phim Hương Dẻ, một series phim ngắn trên đài HTV. Tuy nhiên, phải đến năm 2006, “đả nữ” mới thực sự chạm ngõ điện ảnh, cô xuất hiện ở tác phẩm Chuyện tình Sài Gòn - dự án do đạo diễn Ringo Le thực hiện. Cũng trong năm 2006, người đẹp sinh năm 1979 tiếp tục đóng cặp cùng Thành Lộc và Võ Thành Tâm ở Hai trong một - đạo diễn Đào Duy Phúc.

Tuy nhiên, tác phẩm khiến khả năng diễn xuất của Ngô Thanh Vân được khán giả thực sự công nhận là Dòng máu anh hùng, bộ phim hành động võ thuật Việt Nam năm 2007, do hãng phim Chánh Phương và Cinema Pictures hợp tác sản xuất và đạo diễn Charlie Nguyễn thực hiện. Lấy bối cảnh cuộc khởi nghĩa chống Pháp vào thập niên 1920, phim kể về sĩ quan mật thám và cô con gái thủ lĩnh nghĩa quân. Tại đây, “đả nữ” hóa thân thành Võ Thanh Thúy, con gái thủ lĩnh Đề Cảnh, cô lớn lên trong gia đình nghèo vùng nông thôn cùng cha và anh trai, trước khi bị giặc bắt giữ và tống tù sau một vụ mưu sát không thành.

Thời điểm đó, Dòng máu anh hùng nhận nhiều phản hồi tích cực từ dư luận và giới báo chí trong nước cũng như quốc tế, phim được đánh giá là một trong số bộ phim võ thuật Việt Nam xuất sắc, chỉn chu nhất từ trước đến nay. Sau thành công từ vai diễn trong Dòng máu anh hùng, Ngô Thanh Vân tiếp tục tạo dựng và củng cố danh hiệu “đả nữ” cho bản thân. Ở bộ phim hình sự, hành động, võ thuật Bẫy rồng, cùng Johnny Trí Nguyễn, người đẹp sinh năm 1979 một lần nữa thể hiện những đòn đá đặc trưng của Vovinam và Taekwondo, cùng không ít kỹ thuật được bổ sung công phu và đẹp mắt hơn. Sự cố gắng, nỗ lực của nữ diễn viên đầy hoài bão còn được khán giả ghi nhận qua các vai diễn ở hàng loạt bộ phim như Biệt đội ưng biển, Lửa Phật,…

Trong khi những bộ phim hành động đưa tên tuổi của Ngô Thanh Vân tỏa sáng với danh xưng “đả nữ”, thì các vai diễn giàu nội tâm cộng hưởng thêm giúp khả năng diễn xuất của cô được cả khán giả đại chúng lẫn giới chuyên gia công nhận, nhất là những tác phẩm điện ảnh như Trăng huyết, Ngôi nhà trong ngõ hẽm…

Không chỉ ở lĩnh vực diễn xuất, Ngô Thanh Vân còn khẳng định tâm huyết, tài năng và bản lĩnh của mình trong vai trò nhà sản xuất. Bắt đầu thử sức sản xuất ở Ngày nảy ngày nay (2015), “đả nữ” tiếp tục lên kế hoạch và thực hiện hàng loạt bộ phim gây tiếng vang sau đó như Tấm Cám: Chuyện chưa kể (2016), Cô Ba Sài Gòn (2017), Về quê ăn Tết (2018), Song Lang (2018) và các dự án chưa ra rạp như Hai Phượng, Ông Kẹ…

Ngô Thanh Vân trong “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”.

“Cô Ba Sài Gòn”

Trong vai trò nhà sản xuất, nếu như Tấm Cám: Chuyện chưa kể và Cô Ba Sài Gòn của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân được lòng cả giới chuyên môn lẫn khán giả đại chúng, thu về doanh thu khả quan, thì trong năm 2018, cả phim Tết Về quê ăn Tết lẫn phim lấy đề tài đam mỹ, cải lương mang tên Song Lang đều trở nên chìm nghỉm trên cuộc chạy đua trăm tỷ phòng vé.

Song, không ít khán giả cho rằng, năm 2018 có thể chỉ là nốt trầm tạm thời trong sự nghiệp sản xuất phim của “đả nữ” Ngô Thanh Vân, người phụ nữ tận tâm, tài trí và rất bản lĩnh. Không thể phủ nhận rằng, Về quê ăn Tết Song Lang dù không ăn khách tại các rạp chiếu, nhưng vẫn được đảm bảo về mặt chất lượng. Trong đó, Song Lang qua diễn xuất của Liên Bỉnh Phát và Isaac được kỳ vọng sẽ trở thành ứng viên sáng giá ở các giải thưởng nghệ thuật.

Do đó, hai bộ phim “thất thu” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vẫn trở thành bước đệm để sang năm 2019, “đả nữ” Ngô Thanh Vân tỏa sáng ở vai trò diễn viên lẫn nhà sản xuất thông qua bộ phim điện ảnh Hai Phượng đang trình chiếu tại rạp.

Chuyện phim Hai Phượng theo chân Hai Phượng (Ngô Thanh Vân), người phụ nữ từng có quá khứ làm bảo kê nhà hàng, quán bar tại Sài Gòn, trở về Cần Thơ để sinh con, chăm sóc, nuôi nấng cô con gái bằng nghề đòi nợ thuê. Cuộc đời của hai mẹ con bước sang trang mới khi Mai bị bắt cóc trong một lần cùng mẹ đi chợ. Lần theo đám người bắt cóc lên Sài Gòn, Hai Phượng trở về chốn cũ, một thân một mình lăn xả, đi vào từng hang cùng ngõ hẻm để tìm con gái và đối mặt với những gã giang hồ lì lợm, nguy hiểm bậc nhất.

Xóa tan mọi hoài nghi của khán giả đại chúng về những bộ phim hành động Việt Nam, Hai Phượng đã cho thấy sự đầu tư, dụng công đến không tưởng trong từng cảnh quay đánh đấm. Hợp tác cùng giám đốc hành động hàng đầu Hollywood - người từng dàn dựng những pha hành động hấp dẫn ở 007, Fast and Furious, John Wick, tác phẩm của Ngô Thanh Vân chiêu đãi người xem một bữa tiệc hành động mãn nhãn; dồn dập, quyết liệt nhưng không gây mệt mỏi, nhàm chán, các bối cảnh được biến hóa linh hoạt cùng những góc quay đa dạng, các pha võ thuật chân thật khiến khán giả vừa thấy “đã”, vừa thấy đau…

Không ngoa khi nói rằng, Hai Phượng là bộ phim hành động Việt Nam hiếm hoi có thể vươn tầm Hollywood. Song, đó không phải là sự rập khuôn, bắt chước máy móc, ăn theo. Trên hành trình Hai Phượng tìm con từ Cần Thơ đến Sài Gòn, những cảnh đánh đấm nổi bật trên phông nền đa dạng nhưng đậm màu sắc Việt Nam: từ bờ sông, cánh rừng cho đến hẻm nhỏ trong thành phố, chuyến tàu chạy trong đêm… Không những thế, các cảnh cận chiến cũng được dàn dựng riêng với thế võ sáng tạo mới, phù hợp với vóc dáng người Việt, tôn lên vẻ đẹp của người mẹ nhỏ bé nhưng lăn xả Hai Phượng.

Trong vai diễn hành động cuối cùng của sự nghiệp, Ngô Thanh Vân khiến giới mộ điệu không khỏi tiếc nuối: “Đến bao giờ, điện ảnh Việt Nam mới có một Ngô Thanh Vân thứ hai?”. Màn thể hiện xuất sắc của “chị đại” trên màn ảnh rộng không chỉ đến từ thực lực và kinh nghiệm dạn dày, mà còn cho thấy sự lăn xả quyết liệt, nghiêm túc đến cầu toàn của “đả nữ” khi vào vai Hai Phượng.

Với tư cách một người làm nghề có tâm, nhiệt huyết với tham vọng mãnh liệt xây dựng điện ảnh Việt Nam, Ngô Thanh Vân đã thực sự tạo nên bước ngoặt nhờ Hai Phượng. Bộ phim không chỉ dừng lại ở phần hành động xuất sắc, mà còn nỗ lực truyền tải thông điệp thấm đẫm tình mẫu tử và mang tính thời sự cao. Phim thẳng thắn xoáy sâu vào những vấn nạn nổi cộm trong xã hội ngày nay: xã hội đen lộng hành, những đường dây buôn bán trẻ nhỏ, lấy nội tạng tinh vi, quy mô lớn và nguy hiểm bậc nhất.

Không chỉ đơn thuần là một bộ phim hành động mãn nhãn, Hai Phượng xứng đáng là tác phẩm nâng tầm điện ảnh Việt Nam, cho thấy nỗ lực làm phim, sự dụng công, trau chuốt trong từng cảnh quay, tạo hình nhân vật, cùng với tư duy điện ảnh hoàn toàn mới của những cái đầu đứng sau.

Không chỉ trình chiếu và tạo cơn sốt tại đất Việt, Hai Phượng cùng Ngô Thanh Vân vươn xa đến thị trường quốc tế với việc ra mắt tại nhiều cụm rạp xứ Mỹ cũng như sớm phát hành trên Netflix để khán giả ở khắp mọi nơi có thể thưởng thức tác phẩm điện ảnh hành động này.

Cuối năm 2017, lộ trình thực hiện làm phim cũng như công chiếu của các dự án điện ảnh đã được “chị đại” lên kế hoạch rõ ràng, chỉn chu nhằm tạo ra một Vũ trụ điện ảnh cổ tích Việt như Trạng Tí: Thần Đồng đất Việt.

Không những vậy, khán giả còn hào hứng hơn với các dự án như Sơn Tinh Thủy Tinh, Thánh Gióng, Thằng Bờm dưới một góc nhìn hoàn toàn khác, mới mẻ hơn, do người thật đóng với các cảnh quay được thực hiện chỉn chu. Bên cạnh đó, Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh hay Trạng Tí đều là các câu truyện cổ tích, được ra đời từ bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh thật, chúng phản ánh đời sống tình cảm, tâm tư và mong muốn nhân dân Việt Nam. Chính vì vậy, khi thực hiện làm lại, các tác phẩm này đều mang tinh thần chung, dễ dàng gợi liên tưởng, kết nối với nhau.

Có thể nói, thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn còn thiếu những tác phẩm mang màu sắc fantasy bởi sự eo hẹp về kinh phí đồng thời lãng phí những câu chuyện cổ tích dân gian. Khát vọng to lớn của Ngô Thanh Vân tưởng chừng là giấc mơ xa nhưng lại hoàn toàn có thể trông đợi. Bởi lẽ vào năm 2016, cô đã thành công khi giới thiệu Tấm Cám: Chuyện chưa kể, gây tiếng vang cho khán giả lẫn giới chuyên môn.

Bên cạnh đó, nhà sản xuất Song Lang cũng không quên xây dựng kế hoạch cho những dự án rom-com đáp ứng nhu cầu thị trường với những bộ phim như Sài Gòn nhiều nắng, Đủ nắng hoa sẽ nở, Đàn bà 30, Phở hay thể loại phiêu lưu Kho báu quốc gia, Đối thủ… 

Đánh dấu chặng đường 20 năm cống hiến cho nghệ thuật, năm 2019 chắc chắn sẽ là một dấu ấn đáng nhớ trong sự nghiệp của “đả nữ” 40 tuổi. Đó không chỉ là một năm “bật xa hơn”, vươn đến thị trường điện ảnh Hollywood khi mang chuông đi đánh xứ người và kỳ vọng Hai Phượng gia nhập câu lạc bộ trăm tỷ, mà còn là tín hiệu cho khởi đầu của Vũ trụ điện ảnh cộp mác Ngô Thanh Vân.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Thảo

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất