Phim Ảnh

Muốn phim Việt thoát khỏi dòng chick-flick, hài - tình cảm: Đầu tiên là vấn đề 'tiền đâu'?

Phương Thảo
Chia sẻ

Thay vì bỏ số tiền vài chục tỷ - con số không hề nhỏ đối với các nhà làm phim Việt Nam - để làm một bộ phim hành động chưa tới (mà đúng hơn là không đủ kinh phí để làm cho tới), những người "cầm trịch" có thể đầu tư chi tiết, chỉn chu vào thể loại dễ làm, dễ dựng, dễ xem hơn. 

Những năm trở lại đây, nền điện ảnh Việt Nam có bước chuyển biến tích cực. Các bộ phim chạm mức doanh thu 100 tỷ đồng như Em là bà nội của anh, Em chưa 18, Siêu sao siêu ngố, Để Mai tính 2 đã khẳng định khán giả ngày càng dành quan tâm cho phim điện ảnh trong nước. Đồng thời, đây là dấu hiệu khả quan giúp người hâm mộ Việt Nam hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào sự phát triển tương lai của điện ảnh nước nhà.

Trường Giang trong “Siêu sao siêu ngố”.

Trailer “Siêu sao siêu ngố”.

Mặt khác, không ít ý kiến cho rằng, phim nội trở thành đối thủ ngang sức với phim ngoại trong cuộc đua phòng vé trong nước, không đồng nghĩa việc các tác phẩm Việt có chất lượng ngang ngửa phim quốc tế. Có thể dễ dàng nhận thấy, bộ phim trăm tỷ Để Mai tính 2, Siêu sao siêu ngố thuộc thể loại giải trí, hài gây cười, Em chưa 18 cũng là phim tình cảm, nhẹ nhàng, dễ xem nhưng khó nhớ.

Trailer “Em chưa 18”.

Trong khi đó, Em là bà nội của anh và dự án phim đang nhận nhiều phản hồi tích cực, được kì vọng sẽ “soán ngôi” Siêu sao siêu ngố năm 2018 - Tháng năm rực rỡ đều là phim remake. Những tác phẩm này thuộc dòng phim chick-flick (phim dành cho phái yếu), dễ lấy tiếng cười, nước mắt từ khán giả nữ.

Như vậy, những bộ phim được cho là dấu hiệu khởi sắc của điện ảnh Việt Nam đều thuộc dòng phim chick-flick, phim hài, mang tính giải trí cao. Trong khi đó, không ít dự án phim “chơi lớn”, liều lĩnh khai thác đề tài siêu anh hùng, hành động như Siêu trộm, Lôi Báo, Găng tay đỏ… đều cay đắng chịu lỗ. Có thể nói, điện ảnh Việt khởi sắc về doanh thu nhưng chưa thực sự có bước chuyển mình ở chất lượng.

Đáng chú ý, so với việc làm mới thể loại và có khả năng thất bại cao, không ít nhà làm phim chọn cách làm lại phim nước ngoài, với các thể loại dễ làm, dễ đóng, dễ xem. Hàng loạt dự án phim remake sẽ ra rạp năm 2018 là minh chứng điển hình. Thậm chí, sau “trái ngọt” từ Tháng năm rực rỡ, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tiếp tục remake phim Mỹ 50 First Dates. Do đó, màn ảnh rộng Việt Nam vô tình trở thành tấm gương mô phỏng điện ảnh thế giới…10, 15 năm về trước. Đây là bước tiến doanh thu, hay thụt lùi về thể loại, sự đa dạng, sáng tạo của phim nội?

Trailer “Tháng năm rực rỡ”.

Tuy nhiên, ở một hướng nhìn khác, phim trong nước được hô hào sáng tạo, đổi mới, thoát khỏi thể loại phim chick-flick, phim hài nhảm, nhưng một vấn đề tiên quyết đặt ra: kinh phí làm phim. Có thể thấy, kinh phí sản xuất phim Việt là rất nhỏ so với mặt bằng chung điện ảnh quốc tế. Cụ thể, bộ phim ăn khách xô đổ mọi kỷ lục về doanh thu - Em chưa 18 có chi phí làm phim chỉ ở con số 12 tỷ.

Mẹ chồngCô Ba Sài Gòn là hai bộ phim nổi bật năm 2017 vừa qua. Trong khi Cô Ba Sài Gòn được đánh giá tích cực về sự trau chuốt, chỉn chu ở từng khung hình, bối cảnh và trang phục nhân vật, thì Mẹ chồng lại là tác phẩm duy mỹ, khiến khán giả mãn nhãn khi thưởng thức. Tuy nhiên, người hâm mộ không khỏi dành lời khen cho đoàn làm phim, khi kinh phí sản xuất phim khá thấp: Mẹ chồng - 9 tỷ đồng, Cô Ba Sài Gòn - chưa đến 20 tỷ đồng.

Bối cảnh, tạo hình nhân vật trau chuốt trong “Cô Ba Sài Gòn”.

Không những thế, Em là bà nội của anh cũng được xem là dự án phim remake thành công. Tác phẩm nhận phản hồi tích cực từ người hâm mộ, đồng thời, gặt hái nhiều thành tựu tại các phòng vé. Dù vậy, kinh phí làm phim chỉ vỏn vẹn con số 16 tỷ. Trong khi đó, bản gốc Hàn Quốc chi 5,7 triệu USD (129 tỷ đồng Việt Nam) để sản xuất bộ phim này.

Trailer “Em là bà nội của anh”.

Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy, nhà làm phim quốc tế, hay gần hơn là các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc tỏ ra mạnh tay khi bỏ ra con số đầu tư lớn cho mỗi tác phẩm điện ảnh. Xét riêng trong mùa Tết Âm lịch 2018 vừa qua, Tây Du Ký 3: Nữ Nhi Quốc được khán giả không khỏi kỳ vọng là “bom tấn” có kinh phí 150 tỷ Việt Nam đồng. Tuy nhiên, phim nhận nhiều ý kiến trái chiều từ người hâm mộ Trung Quốc và không được chú ý tại các rạp Việt Nam.

Trailer “Tây Du Ký 3: Nữ nhi quốc”.

Đừng vội hô hào các nhà sản xuất Việt Nam mạnh dạn khai thác chủ đề siêu anh hùng, hành động. Hãy nhìn sang những “bom tấn” quốc tế với mức kinh phí khủng khó lòng nghĩ đến. Black Panther - bộ phim cạnh tranh cùng phim Việt Siêu sao siêu ngố trên màn ảnh Việt Nam - “ngốn” số tiền 200 triệu USD. Trước đó, phim siêu anh hùng nhà DC Justice League sở hữu chi phí 300 triệu USD. Đối với Fast and Furious 8, con số này lên tới 250 triệu USD. Và, làm sao nền điện ảnh nước nhà “đuổi kịp” Hollywood 15, 20 năm trước, khi năm 2011, Fast and Furious phần đầu tiên đã chịu chi 38 triệu USD (tương đương 865 tỷ đồng).

“Black Panther”.

“Justice League”.

Các tác phẩm nổi bật màn ảnh Hàn Quốc, Trung Quốc những năm trở lại đây đều có mức đầu tư khủng, như Along with the Gods - siêu phẩm Hàn Quốc 800 tỷ đồng “làm mưa làm gió” màn ảnh rộng châu Á thời điểm cuối năm 2017; Đảo địa ngục của Song Joong Ki với gần 600 tỷ đồng, hay phim Hành động biển Đỏ - tác phẩm Hoa ngữ đang gây chú ý thời gian gần đây có kinh phí sản xuất 70 triệu USD, tương đương 1600 tỷ Việt Nam đồng.

“Along with the Gods”.

Phim “Đảo địa ngục”.

Trong khi đó, các bộ phim hành động do Việt Nam sản xuất có kinh phí chưa bằng…con số lẻ của những bom tấn quốc tế: Lôi Báo (30 tỷ đồng), Fan cuồng (26 tỷ đồng), Găng tay đỏ (15 tỷ đồng)… Tác phẩm siêu anh hùng “made in Việt Nam” của đạo diễn Victor Vũ sử dụng số tiền đầu tư bằng 1/230 lần phim siêu anh hùng của nhà DC - Justice League, và bằng 1/150 lần phim siêu anh hùng nhà Marvel - Black Panther. 

Trailer “Lôi Báo”.

Như vậy, việc đa số nhà sản xuất phim trong nước lựa chọn dòng phim chick-flick, phim tình cảm, hay thậm chí là phim hài là hoàn toàn dễ hiểu. Thay vì bỏ số tiền vài chục tỷ - con số không hề nhỏ đối với các nhà làm phim Việt Nam để làm một bộ phim hành động chưa tới (mà đúng hơn là không đủ kinh phí để làm cho tới), những người “cầm trịch” có thể đầu tư chi tiết, chỉn chu vào thể loại dễ làm, dễ dựng, dễ xem hơn.

Mặt khác, khi các tác phẩm Việt khó lòng cạnh tranh với phim ngoại về phần kỹ xảo, hành động, thì cái thu hút người xem của những bộ phim trong nước chính là sự gần gũi, quen thuộc, dễ dàng chạm đến trái tim, tạo sự đồng cảm cho khán giả Việt. Và, dòng phim tình cảm, phim hài hước nhẹ nhàng, có tính giải trí cao có thể dễ dàng làm tròn nhiệm vụ ấy.

Không ít người hâm mộ khẳng định thể loại phim chick-flick chưa, và cũng không bao giờ là một dòng phim dễ dãi. Dù nhẹ nhàng, dễ khóc, dễ cười, nhiều tác phẩm vẫn mang đến cảm xúc đẹp cho khán giả và để lại ý nghĩa nhân văn, nhất là các phim khai thác trọn vẹn yếu tố dân tộc. Trên hết, bản chất của một tác phẩm không nằm ở kỹ xảo, pha hành động khiến người xem “ố á”, mà trong chính giá trị mà phim truyền tải.

Bất cứ sự phát triển nào cũng đòi hỏi thời gian. Ngay cả khi nhà làm phim Việt Nam mạnh tay bỏ ra con số kinh phí gấp 100, 200 lần thời điểm hiện tại, thì chưa chắc tác phẩm ấy đã thành công. Bởi lẽ, không ít khán giả Việt vẫn tỏ ra hoài nghi trước các phim trong nước gắn mác “bom tấn”. Như vậy, chính những bộ phim như Tháng năm rực rỡ, Em là bà nội của anh, Em chưa 18, Siêu sao siêu ngố - dù là phim remake, hay thuộc dòng phim chick-flick, phim hài - vẫn phần nào tạo dựng niềm tin cho khán giả vào điện ảnh nước nhà. Từ đó, các nhà sản xuất mới có tiền đề, cơ sở để làm nên “bom tấn” trong tương lai.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Thảo

Tin mới nhất