Nối dài thành công của hai phần phim trước là Johnny English (2003) và Johnny English Reborn (2011), nam diễn viên Rowan Atkinson tái xuất với Johnny English tái xuất giang hồ (tựa tiếng Anh: Johnny English Strikes Again). Bộ phim bắt đầu khi hệ thống an ninh mạng của nước Anh bị tấn công quy mô lớn, để lộ thân phận của toàn bộ điệp viên làm việc cho chính phủ. Sự việc buộc Johnny English - cựu điệp viên đã trở về dạy học cho một trường tiểu học, phải ra tay tìm kiếm thủ phạm.
Johnny English: Khi may mắn trở thành siêu năng lực
Trên màn ảnh rộng, khán giả điện ảnh thường yêu thích những nhân vật chính có năng lực đặc biệt về sức mạnh, trí tuệ hoặc vô cùng “lầy lội” nhưng được việc. Trái lại, Johnny English là một trường hợp hiếm hoi khi không những chẳng có khả năng riêng, mà còn vụng về đến ngớ ngẩn. Trở lại với Johnny English tái xuất giang hồ, sự ngây ngô, vô dụng của anh chàng điệp viên “Không không thấy” còn được đẩy lên cao hơn, khiến Johnny English trở thành phiên bản hành động của biểu tượng hài Mr. Bean.
Nhiệm vụ của Johnny English thực chất đã được người trợ lý Bound (Ben Miller) làm đến 80%. Về phần mình, cựu điệp viên chỉ biết phá vỡ mọi thành quả ngay khi nhiệm vụ gần như hoàn thành. Không ít cơ hội chiến thắng bị nhân vật của Rowan Atkinson đạp đổ trong phút chốc, từ đó, anh đẩy chính bản thân mình và người trợ lý tội nghiệp vào những tình huống dở khóc dở cười. Không dừng lại ở đó, Johnny English còn liên tục tỏ ra chuyên nghiệp, sành sỏi bằng những hành động và phát ngôn chẳng giống ai, đem đến tiếng cười hài hước cho người xem.
Song, cũng chính vì sự ngớ ngẩn đến khó tin của điệp viên nước Anh được giao nhiệm vụ sống còn, những đối thủ của Johnny English không bao giờ đoán biết và xử lý được anh. Khi đối đầu với điệp viên quyến rũ nhưng chuyên nghiệp hàng đầu Ophelia (Olga Kurylenko đảm nhận), điệp viên “Không không thấy” là người duy nhất nằm ngoài mọi kế hoạch của Ophelia, khiến cô thất bại trong việc ám sát và thậm chí bị anh quay “như chong chóng” tại khách sạn.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Jason (Jake Lacy thủ vai), chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin từng làm điêu đứng toàn bộ hệ thống an ninh mạng của Anh Quốc. Thế nhưng cuối cùng, chính những đồ dùng, vũ khí hiện đại và tối tân đã khiến anh phải chào thua trước cựu điệp viên Johnny English, một người vụng về, ngớ ngẩn và lạc hậu đến mức không biết sử dụng điện thoại. Song, sự may mắn không tưởng chính là siêu năng lực giúp “Mr. Bean” hết lần này đến lần khác làm Jason giận “tím mặt”.
Xuyên suốt hành trình trong Johnny English tái xuất giang hồ, Johnny English chỉ là một cựu điệp viên với bộ dạng chẳng giống ai và hết lần này đến lần khác làm hỏng chuyện. Song cuối cùng, nhân vật phản diện mang dã tâm lớn lao và trí tuệ hơn người vẫn chịu thua vì sự vô tình đầy may mắn của anh. Ở trường đoạn cuối cùng, bộ phim đã xâu chuỗi tất cả những sai lầm, hiểu nhầm lớn bé, từ vũ khí làm chuyển hướng mục tiêu mà Johnny English đặt lại con tàu của Jason, chiếc điện thoại bấm bị nhiễu sóng cho đến cuộc đối thoại oái oăm giữa hai chiếc điện thoại đặt cạnh nhau. Để rồi, tất cả sai lầm được tạo nên bởi Johnny English đã làm nên thành công to lớn, thay đổi cả vận mệnh của cả nước Anh.
Bằng những tình tiết gây cười mang đậm màu sắc “Mr. Bean” và các cảnh quay hành động kịch tính, cộng hưởng với phần hình ảnh và âm thanh khá hoành tráng, bộ phim Johnny English tái xuất giang hồ phần nào làm hài lòng những ai yêu thích thể loại hài hước, hành động. Ngoài ra, không ít người xem cho rằng Johnny English giống cô nàng Domino của Deadpool 2: khi may mắn cũng là một thể loại năng lực, thậm chí, còn là siêu năng lực đem đến thắng lời giòn giã cho nhân vật.
Liệu Johnny English có thể luôn luôn may mắn?
Xuyên suốt bộ phim, sự may mắn chính là điều đã cứu giúp nam chính thoát khỏi hàng loạt tình huống nguy hại đến tình mạng: tại con tàu của Jason, bị ám sát ở khách sạn, khi đeo kính thực tế ảo, lúc đến nhà Jason và cuối cùng là trường đoạn hạ gục nhân vật phản diện vô cùng kì tích. Song thực tế, liệu Johnny English có luôn luôn may mắn; cũng giống như Rowan Atkinson có khả năng thu hút khán giả trong lâu dài với kịch bản và tạo hình quá cũ kĩ như vậy?
Trong khi những miếng hài của màn ảnh thế giới đang ngày càng duyên dáng, dí dỏm và thông minh hơn; thì các điệu bộ gây cười và sự ngớ ngẩn đậm màu sắc Mr. Bean trong nhân vật Johnny English rõ ràng đã trở nên lỗi thời, cũ kỹ. Trong nhiều tình huống, nam chính Johnny English tái xuất giang hồ còn khiến khán giả khó chịu vì quá phá hoại, vụng về, làm dang dở những nhiệm vụ đã sắp hoàn thành. Ngoài ra, kịch bản của bộ phim cũng không có nhiều đổi mới, phần âm thanh và hình ảnh tuy chỉn chu nhưng không để lại ấn tượng mạnh mẽ.
Song thực tế, sự xuất hiện của “Mr. Bean” khiến cho khán giả chẳng cần do dự mà kéo nhau ra rạp, điều đó từng tạo nên thành công vang dội của Johnny English (2003) và Johnny English Reborn (2011), và có lẽ Johnny English tái xuất giang hồ cũng không hề ngoại lệ. Tuy nhiên, sau 7 năm kể từ phần 2 Johnny English, những ý kiến trái chiều ngày một nhiều, sự kém nổi bật so với các bộ phim cùng thời cũng ngày càng rõ rệt. Điều đó khiến khán giả khẳng định rằng, anh chàng điệp viên “Không không thấy” đừng nên tái xuất lần nữa; hoặc có chăng, loạt phim nên đầu tư hơn về kịch bản, tạo hình nhân vật để thực sự thu hút người xem mà không cần dựa vào sự nổi tiếng và may mắn của cá nhân Rowan Atkinson.