Vừa qua, 3 tập phim đầu tiên của phim hoạt hình Monta trong dải ngân hà kỳ cục đã chính thức công chiếu đến khán giả, đặc biệt là các em nhỏ.
Được cầm trịch bởi đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh, Monta trong dải ngân hà kỳ cục chứa đựng hình ảnh bắt mắt, hiện đại và đầy màu sắc, cùng cách xử lí âm thanh hóm hỉnh, vui nhộn. Cuộc phiêu lưu của chú khỉ Monta và hội bạn “kỳ cục” qua các hành tinh “kỳ cục” đã mang lại nhiều tiếng cười rộm rả cho khán giả nhí, đồng thời giúp những ai đang là người lớn được một lần sống lại những giây phút tuổi thơ tươi đẹp.
Cốt truyện đơn giản, dễ đi vào lòng người
Vì phá tan căn bếp vũ trụ của Đầu bếp Tối thượng, chú khỉ học việc Monta bị phạt phải đi dọn dẹp lại các hành tinh trong dải ngân hà. Trải qua 3 Hành tinh Mì, Rác và Bánh Sinh Nhật, Monta cùng hội kỳ cục trên phi thuyền Banana đã có nhiều chuyến du ngoạn hấp dẫn, dở khóc dở cười, nhưng cũng học được nhiều bài học đắt giá về cuộc sống.
Nhà sản xuất đã khéo léo xây dựng câu chuyện sao cho đơn giản nhất, để các khán giả nhí có thể nắm được đại khái, từ đó dễ dàng theo đuổi các nhân vật trải qua từng ải của thử thách. Tuy nhiên, không nên thấy nó đơn giản mà lại bảo Monta trong dải ngân hà kỳ cục chỉ mang tính chất giải trí, đấm đá chứ không sâu sắc. Bên trong mỗi tập phim là một câu chuyện lí thú, có sức nặng và liên hệ thực tiễn cao.
Chẳng hạn, câu chuyện về Hành tinh Rác và nhà vua “nghiện” rác đã lột tả bối cảnh hiện nay khi con người đang tàn phá môi trường nặng nề bằng chính thứ rác thải của mình. Trong đoạn trailer của phim, chú cánh cụt bị mắc kẹt trong vòng nhựa giữ lon soda - loại rác thải mà thế giới hiện nay đang lên án là “hung thủ” giết chết các loài sinh vật biển. Ngoài ra, Hành tinh Rác thực chất chính là Hành tinh Băng giá - nơi sinh sống của các loài sinh vật như gấu tuyết, chim cánh cụt,… Chính lượng rác thải mất kiểm soát đã phá hoại môi trường sống của chúng, trở thành nơi định cư của 352 nghìn tỉ con ruồi.
Hay cùng theo chân Monta đến Hành tinh Mì, nơi đang xảy ra đại chiến “kéo khách” giữa Má Mì Ramen và Dzô Phở. Đó cũng là câu chuyện không mấy xa lạ với cuộc sống hiện nay, khi nhiều thương hiệu sẵn sàng “động thủ” để lôi kéo khách hàng về mình, vô hình trung biến người tiêu dùng thành nạn nhân xấu số.
Ngay từ đầu, nhà sản xuất đã nhấn mạnh thiếu nhi chính là đối tượng chính mà hãng nhắm đến, vì thế những thước phim của Monta trong dải ngân hà kỳ cục đều mang tính giáo dục cao, giúp các bé khi xem phim cũng học hỏi nhiều bài học bổ ích cho cuộc sống hiện tại và sau này.
Sự đột phá về nhân vật, bối cảnh
Không chỉ có sự phát triển về đồ hoạ và âm thanh, các xây dựng tuyến nhân vật của phim cũng tạo dấu ấn đậm nét. Nhân vật chính Monta mang cốt cách anh hùng thiện lương đúng nghĩa, khi luôn luôn xả thân để dẹp loạn các hành tinh. Cậu chàng là hiện thân cho mặt tốt của con người, luôn đứng lên vì lẽ phải và không chịu khuất phục trước cái xấu. Ngoài ra, yếu tố đột phá về Monta đó là chiếc đuôi của chú khỉ đáng yêu này là một thực thể sống, có thể nói chuyện và tự điều khiển bản thân như một cá thể riêng biệt.
Ngoài ra, phi hành đoàn “kỳ cục” còn có cô cừu Sheepora điệu đà, nữ tính nhưng cũng đầy mạnh mẽ mỗi khi chiến đấu cùng thỏi son laze của mình. Tuy nhiên, cô nàng lại… không có tóc, lúc nào cũng đội tóc giả và tìm kiếm những mẫu tóc mới thời thượng nhất.
Bên cạnh đó, chú chim gõ kiến sợ độ cao Pekka cũng là nhân vật đáng yêu không kém. Luôn mang dáng vẻ có phần kỳ quặc, Pekka lại chính là ví dụ điển hình cho sự sáng tạo, khi mỗi phương án cậu đưa ra đều vô cùng “trời ơi” mà không ai có thể nghĩ ra được. Thế nhưng, cũng chính nhờ Pekka mà nhóm “kỳ cục” có thể vượt qua một số cửa ải hóc búa trên các hành tinh.
Tiếp theo là nhân vật rất được yêu thích của phim - chú cá mập hồng Sharkira. Với dáng hình to lớn có phần hơi “đẫy đà”, Sharkira là chú cá mập ăn chay, luôn tỏ ra sợ sệt và nhút nhát. Bên cạnh chú luôn có cá vàng Wally bầu bạn, cùng sống chung trong một bể cá cảnh mà Sharkira đội trên đầu mọi nơi mọi lúc. Tình bạn giữa hai cá thể tưởng chừng không hề liên quan lại tạo hiệu ứng tích cực, truyền cảm hứng đến cho người xem.
Cả bọn “kỳ cục” đều sinh sống trên phi thuyền có tên là Banana, và dĩ nhiên đây cũng là một thực thể sống. Banana có thể biến thân to nhỏ tuỳ ý, lúc nào cũng mang dáng vẻ chuyên cần, hết lòng vì bạn bè và nhiệm vụ. Cô bé phi thuyền này cũng là “cứu tinh” của nhóm phiêu lưu mỗi khi bị truy đuổi đến đường cùng.
Ngoài ra, phim còn có nhiều nhân vật khác trên các hành tinh “kỳ cục”, như cô chó của tiệm Má Mì Ramen, ngài mèo chủ tiệm Dzô Phở, Nhà vua Móc Meo và Hoàng hậu, các cư dân ruồi của Hành tinh Rác, các cư dân bánh ngọt của Hành tinh Bánh Sinh Nhật,… Ê-kíp sản xuất đã để trí tưởng tượng bay cao không ngừng để đem đến những bất ngờ thú vị nhất cho các em nhỏ, cũng như đưa các nhân vật hoạt hình dễ thương từ từ len lỏi vào trí óc, trái tim của khán giả xem phim.
Easter egg - những cái mới rất đỗi “phương Tây”
Một yếu tố khác cho thấy sự đột phá của Monta trong dải ngân hà kỳ cục là sự xuất hiện của các easter egg.
Ở Hành tinh Mì, nếu để ý kĩ thì trong quán Má Mì Ramen có dán áp phích trông giống như bức tranh Uncle Sam kêu gọi gia nhập lực lượng quân sự Mĩ. Nếu trong quá khứ, đây là bức áp phích tuyên bố chiến tranh thế giới thứ I, thì giờ đây nó lại được sử dụng đế “châm ngòi” chiến tranh giữa Má Mì Ramen và Dzô Phở.
Đến với Hành tinh Rác, nhóm “kỳ cục” sẽ được Nhà vua dẫn đi tham quan một loạt kì quan rác lí thú, phải kể đến như Tháp rác nghiêng, Kim tự tháp rác, Vạn rác trường thành,… mô phỏng từ các kì quan nhân tạo nổi tiếng thế giới.
Bên cạnh đó, ở Hành tinh Bánh Sinh Nhật cũng không hề thiếu “trứng phục sinh” để khán giả tìm tòi, từ King Kong, toà tháp Empire State, đến người ngoài hành tinh, hay chú voi nhảy ba-lê thoạt trông như chú hà mã trong phim hoạt hình nổi tiếng Fantasia.
Những chi tiết easter egg được lồng ghép mượt mà vào phim cho thấy sự học hỏi khôn ngoan từ phương Tây, nhằm đem đến một sản phẩm có chất Việt nhưng cũng có tầm quốc tế.
Một chút góp ý “kỳ cục”
Là sản phẩm đầu tiên được tung ra thị trường, Monta trong dải ngân hà kỳ cục cũng khó tránh mắc lỗi. Tuy không có vấn đề gì đáng kể, nhưng với tiêu chí xây dựng sản phẩm từ ý kiến của khán giả, có lẽ tựa phim cần khắc phục một số lỗi nhỏ sau.
Đầu tiên, mạch phim có đôi lúc bị ngưng lại vài giây, giữa các lời thoại nhân vật còn tồn tại nhiều khoảng lặng, làm cho mạch cảm xúc của người xem không được truyền đi liên tục. Các cảnh phiêu lưu, chiến đấu thì cần dồn dập hơn để tạo nên sự kịch tính hơn nữa. Ngoài ra, nhiều khán giả trưởng thành khi xem xong còn cảm khái rằng nhiều cảnh phim có phần hơi “đen tối”, thắc mắc liệu có phù hợp với trẻ nhỏ hay không. Ví dụ như câu chuyện về nhóm Monta tìm bánh ngọt để ăn trên hành tinh đầy cư dân Hành tinh Bánh Sinh Nhật, hay sọ người trong bãi rác trên Hành tinh Rác,…
Kế đến, nhiều khán giả, đặc biệt là người lớn cảm thấy những cái tên nhân vật nên được Việt hoá, chứ không nên là tiếng nước ngoài như hiện tại. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề có thể thay đổi, và không cần thiết phải thay đổi. Nhiều khán giả nhí sau khi xem xong vẫn có thể gọi tên các nhân vật mình yêu thích, vì dù sao đây cũng là những cái tên dễ nhớ, dễ phát âm chứ không phải từ ngữ gì quá cao siêu và phức tạp. Để có thể vươn ra đấu trường quốc tế, việc “quốc tế hoá” các nhân vật của phim là bước đi dễ hiểu và dễ thông cảm.
Những góp ý cuối cùng xin được đưa ra là về cốt truyện của phim. Mong rằng, những tập phim tiếp theo của Monta trong dải ngân hà kỳ cục sẽ có chút móc nối với nhau, chứ không tách biệt và rời rạc như 3 tập đầu tiên, từ đó sẽ đi sâu hơn vào chuyện đời của từng thành viên trên phi thuyền Banana. Tiểu sử về Sheepora, Sharkira, Pekka, Wally và Banana đang là những bí ẩn mà khán giả vô cùng tò mò muốn tìm hiểu.
Suy cho cùng, Monta trong dải ngân hà kỳ cục vẫn là thắng lợi của ngành phim hoạt hình Việt, cho thấy sự đầu tư chỉn chu từ nội dung đến hình thức của một ê-kíp trẻ. Mong rằng những tập phim tiếp theo cũng sẽ thú vị, vui nhộn và “kỳ cục” đến mức đáng yêu như chính cái tên của nó.