Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Mới 3 tập đầu, liệu khán giả có đối xử quá bất công với 'mẹ chồng cay nghiệt' trên sóng VTV?

Bộ phim Sống chung với mẹ chồng gây sốt ngay từ những tập đầu lên sóng, và đa phần khán giả đều chỉ trích sự khắt khe, cay nghiệt của người mẹ chồng.

Không nằm ngoài sự suy đoán của phần đông khán giả, bộ phim Sống chung với mẹ chồng đã gây sốt ngay từ ngày những tập phim đầu tiên. Khai thác câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu từ muôn đời nhưng với cách nhìn mới mẻ, bộ phim như “nói hộ tiếng lòng” của nhiều nàng dâu thời hiện đại bằng những tình huống quen thuộc, đơn giản mà chân thực, mang đậm hơi thở cuộc sống.

Trong cơn bão bình luận của khán giả, dễ dàng để nhận thấy số đông mọi người tỏ ý đồng cảm, thương xót cho cô con dâu trẻ, hết lời chê trách bà mẹ chồng quá khắt khe, cay nghiệt, khiến cuộc sống gia đình bức bí, ngột ngạt. Nhưng nhìn đi cũng nên nhìn lại, ẩn đằng sau những hành động ấy, bà Phương (nghệ sĩ Lan Hương “bông” thủ vai) thật sự đáng trách hay đáng thương?

Tình yêu cho con trai quá lớn bỗng dưng thành “cái tội”

Sống chung với mẹ chồng mở đầu bằng những chuyển biến chóng mặt của cuộc sống gia đình Thanh (diễn viên Anh Dũng) và Vân (Bảo Thanh đóng) từ khi yêu nhau cho đến lúc trở thành vợ chồng. Ngay trong đêm tân hôn, một sự cố dở khóc dở cười diễn ra: vì không đóng kín cửa, bà Phương (NSND Lan Hương “bông”) vô tình nhìn thấy cảnh hai vợ chồng son đang âu yếm nhau. Lo lắng trước việc con trai bị con dâu “cưỡi lên người”, người mẹ vội vàng xô cửa chạy vào “giải cứu” cho con trai, nạt nộ cô con dâu. Dù khá ngượng ngùng và bức xúc nhưng cả Vân và chồng đều “cấm khẩu”, không biết làm gì trước tình cảnh oái oăm này.

Mới 3 tập đầu, liệu khán giả có đối xử quá bất công với mẹ chồng cay nghiệt trên sóng VTV?

Cảnh dở khóc dở cười của vợ chồng Vân trong đêm tân hôn.

Không những thế, dù con trai đã lớn nhưng sự quan tâm của bà Phương vẫn không hề suy giảm, thậm chí còn có phần tỉ mỉ thái quá. Bà mua sẵn ga trải giường cho hai con, đi chọn nhẫn cưới cũng kè kè bên cạnh. Sợ con trai muộn giờ làm, bà phăng phăng vào phòng lật chăn gọi dậy. Thấy con trai rửa bát, bà vội vã giật lấy tạp dề… Những chuyện tưởng chừng như vô cùng nhỏ nhặt nhưng lại ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của vợ chồng Vân.

Dù con trai đã lớn, có gia đình riêng nhưng bà Phương vẫn luôn lo lắng cho con từ những điều nhỏ nhặt nhất. Khi Vân và Thanh đi tuần trăng mật, bà không thể ngủ vì quá nhớ con.

Nhiều khán giả khi xem những tập mở đầu vội buông lời chê trách, cười cợt bà Phương, cho rằng đây là những việc làm thừa thãi, thậm chí vô duyên khi con trai đã trưởng thành, có gia đình riêng. Ai cũng từng nghe câu “Con dù lớn vẫn là con của mẹ”, nhưng đặt trong tình huống này chẳng còn ai nhớ đến nữa. Việc quan tâm, chăm sóc con trai vốn đã trở thành thói quen trong suốt mấy chục năm qua, tự nhiên như việc ăn cơm uống nước sao có thể thay đổi, biến mất trong một sớm một chiều? Cái lý lẽ được bà nhắc đi nhắc lại: “Mẹ nhiều kinh nghiệm, mẹ quyết toàn là điều đúng, điều tốt thôi” nghe có vẻ khiên cưỡng, cứng nhắc nhưng âu cũng là bắt nguồn từ tình yêu thương vô bờ bến của một người mẹ. Không thể phủ nhận nhà biên kịch đã cường điệu hóa sự thật và xây dựng bà Phương thành một nhân vật điển hình để phim có những tình huống “gay cấn” và hấp dẫn đối với người xem, nhưng rõ ràng đây không phải bà mẹ chồng xấu xa trên. Có chăng là sự yêu thương chồng con hết mực cùng với việc quan tâm quá sâu đã khiến cuộc sống con trai con dâu mất đi phần nào tự do trong những ngày đầu chung sống.

Con dâu cần thời gian thích ứng với cuộc sống nhà chồng, vậy mẹ chồng thì sao?

Trong Sống chung với mẹ chồng, Vân là đại diện tiêu biểu cho nhiều cô dâu trong cuộc sống hiện đại. Được bao bọc trong vòng tay cha mẹ từ nhỏ rồi lớn hơn chút nữa lại xa nhà lên thành phố trọ học đại học, cô chưa từng phải chịu cảnh sống chung với một gia đình xa lạ. Ra mắt nhà chồng với tư cách người yêu, cô mỉm cười ngọt ngào trước sự đon đả, chiều chuộng của chồng và mẹ chồng tương lai, nhưng khi về chung sống mọi việc lại phức tạp hơn thế. Từ cách ăn uống, nói năng, đi lại, cô đều phải xem ý mẹ chồng. Nhiều người cho rằng cần một khoảng thời gian đủ dài để Vân bắt nhịp cuộc sống mới, để thật sự coi đây là ngôi nhà mình. Nhưng mọi người dường như quên đi rằng bà Phương cũng cần điều đó.

Bà Phương cũng cần thời gian thích nghi với cuộc sống mới, cùng thành viên mới không cùng máu mủ trong gia đình.

Sinh ra được duy nhất một cậu con trai, tình cảm từ xưa đến nay bà Phương chắt chiu hết cho Thanh. Vậy mà đứa con mình mang nặng đẻ đau, nuôi từ tấm bé bỗng dưng lại yêu và bị kiểm soát bởi một người phụ nữ khác, dù muốn dù không thì người mẹ nào cũng sẽ trải qua sự hụt hẫng vì thay đổi này. Câu nói của bà Phương: “Mẹ nuôi con khôn lớn bằng này không phải để con nghe con gái nhà người ta về đây cãi mẹ” nghe qua thì có phần ích kỷ, cay nghiệt, nhưng đó cũng là một phần sự thật.

Vốn là người phụ nữ nội trợ, lấy việc chăm sóc gia đình làm niềm vui duy nhất, nay bị san sẻ cho người khác, hỏi ai chẳng thấy trống vắng? Khoảng cách lớn giữa hai thế hệ, chưa thể lập tức làm quen với cuộc sống gia đình có thêm thành viên mới, sự sợ hãi khi nghĩ đến việc “mất con” (nghe có vẻ khá trẻ con nhưng là tâm lý khá phổ biến)… khiến cho bà mẹ chồng nào cũng cần một thời gian bắt nhịp cuộc sống mới trong ngôi nhà của mình, giống như tâm trạng nàng dâu mới vậy. Và có lẽ khi đã thật sự hiểu, thông cảm, yêu thương nhau như người trong nhà, thì lúc đấy cuộc sống gia đình mới có thể quay về guồng quay cũ.

Yêu thương không có lỗi, lỗi tại cách yêu thương chưa “chuẩn” mà thôi

Ngay từ khi ra mắt bộ phim, đạo diễn Vũ Trường Khoa đã cho biết anh không có ý phân xử ai đúng ai sai trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Những tình huống được đưa ra một cách khách quan, và phần đánh giá sẽ tùy thuộc vào góc nhìn, cảm nhận của từng khán giả. Anh cũng không chủ đích xây dựng một bà mẹ chồng xấu xa trên màn ảnh. NSND Lan Hương, người đóng vai bà Phương cũng từng chia sẻ, nhân vật của bà không xấu, chỉ có điều cách yêu thương con không thực sự phù hợp.

Trong 3 tập đầu, bà Phương cũng có nhiều hành động với chủ ý tốt dành cho con dâu, như hầm gà cho Vân ăn hay khuyên cô dậy sớm tập thể dục để giữ gìn sức khỏe. Những hành động như đi mua ga trải giường cho các con, đi theo khuyên con chọn nhẫn cưới sao cho vừa đẹp vừa giữ được giá trị… cũng đều có thành ý tốt. Thậm chí đến việc giữ tiền lương của con trai để lo sinh hoạt phí hay không nhận thức ăn từ nhà thông gia vì sợ phiền cũng có thể hiểu được, chỉ là với tính cách bộc trực và tâm lý ấm ức nên cách diễn đạt của bà Phương khiến Vân buồn lòng.

Giá như bà Phương tâm lý hơn một chút, lựa cách góp ý với con khéo léo hơn thì đã chẳng có gì phải bàn, cũng chẳng cần phải dựng thành phim. Sự cường điệu hóa sự thật để phim có những tình huống “gay cấn” và hấp dẫn đối với người xem phần nào khiến hình ảnh người mẹ chồng trở nên xấu xí. Và cũng vì vậy mà Sống chung với mẹ chồng hứa hẹn sẽ còn nhiều nút thắt kịch tính hơn nữa ở phí trước.

Và những người đàn ông, hãy chứng tỏ mình là “nhịp cầu hòa giải” trong gia đình

Trong mỗi gia đình có cảnh mẹ chồng - nàng dâu, hay cụ thể là trong gia đình bà Phương, vai trò của người chồng, người con trai là vô cùng quan trọng. Họ là cầu nối, là mắt xích đóng vai trò hòa giải, giúp con tàu gia đình đi đúng đường ray. Đứng giữa vợ với mẹ, chọn bên nào cũng không được, bênh bên nào cũng chẳng xong, cho nên điều cần thiết nhất ở họ là sự tinh tế, khéo léo và chân thành.

Hơn lúc nào hết, Thanh cần đứng ra làm cầu nối dung hòa mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu ngay lúc này.

Thanh là cậu ấm duy nhất trong nhà, vốn được mẹ nuông chiều từ nhỏ nên anh có phần khá thoải mái trong cách nói năng, cư xử với mẹ. Khi mẹ đang nóng giận hay đang dạy dỗ vợ, anh chàng thường xuyên nhăn mặt và khuyên mẹ đừng nói nhiều nữa. Có thể Thanh cũng đang thấy mẹ có phần quá đáng với vợ, hoặc đang cố gắng giúp Vân cảm thấy thoải mái hơn trong những ngày đầu làm dâu, nhưng cách xử lý có phần thô bạo này khiến người mẹ càng ấm ức, cho rằng anh con trai đang bênh vợ mà sẵn sàng lên giọng với đấng sinh thành. Để dung hòa được mối quan hệ giữa mẹ và vợ, trong thời gian tới Thanh cần khéo léo tinh tế hơn nữa.

Đúng như đạo diễn Vũ Trường Khoa từng chia sẻ rằng, phim Sống chung với mẹ chồng không có nhân vật nào là chính diện hay phản diện. Mỗi người ở mỗi vị trí, mỗi góc nhìn lại có một ý kiến, suy nghĩ khác nhau. Hy vọng bộ phim sẽ như một bức tranh đa chiều, giúp mỗi thành viên trong gia đình có thể đồng cảm, thấu hiểu với nhau hơn, để từ đó việc sống chung với mẹ chồng không còn phải là thử thách quá khó khăn đối với những cô dâu trẻ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vân Ngọc

Được quan tâm

Tin mới nhất