Là ca sĩ lấn sân sang điện ảnh, ban đầu Minh Hằng khiến không ít người nghi ngờ khả năng diễn xuất của cô. Nhưng rồi trải qua bao nhiêu vai diễn từ nhí nhảnh, hồn nhiên tới nặng nề, phức tạp, Minh Hằng dần dần khẳng định được tài năng thiên bẩm và thái độ làm việc nghiêm túc của mình. Xa rời màn bạc tới nửa thập kỷ nhưng ngay trong màn tái xuất đầu tiên, Minh Hằng đã khiến người ta choáng ngợp vì vai diễn quá độc đáo và chói sáng đến vậy.
Bao giờ có yêu nhau là tác phẩm mới nhất do đạo diễn Dustin Nguyễn cầm trịch. Lửa Phật và Trúng số do anh chỉ đạo trước đó đều giành được cảm tình của giới phê bình và khán giả, nên kỳ vọng đặt lên Bao giờ có yêu nhau là rất cao, dẫn đến sức ép dành cho diễn viên nữ chính cũng rất nặng nề. Vậy mà Dustin Nguyễn lại tin tưởng giao phó trọng trách này cho một diễn viên đã vắng bóng 5 năm trời chứ không phải bất cứ tên tuổi nào đang “hot”, chứng tỏ Minh Hằng phải có gì đó khiến cho đạo diễn an tâm về mình như thế. Hãy thử “ngắm nghía” những gì cô đã làm trong phim: một mình thủ diễn hai vai có tính cách đối lập là Linh - trong sáng, dễ thương, nồng cháy; và Phương - trầm lặng, bí ẩn, lạnh lùng. Không phải bất kì thứ kĩ xảo nào mà chính tài năng diễn viên mới có thể lột tả và khẳng định cho người xem thấy: đây là hai nhân vật hoàn toàn khác nhau. Điều đó thể hiện ngay từ poster phim với khung cảnh… hai nàng Minh Hằng ngồi trên mỏm đá, cả hai đều mặc váy hoa và ngoái đầu nhìn về phía sau, nhưng nếu một nàng cười tươi rói và hồn nhiên thì nàng kia chỉ cười mỉm đầy dịu dàng. Nét tính cách trái ngược này sẽ còn xuất hiện xuyên suốt cả phim, mang lại không ít giây phút bất ngờ cho người xem.
Trở lại với nội dung tác phẩm, Bao giờ có yêu nhau là câu chuyện tình yêu pha lẫn chút liêu trai giữa Huy (Quý Bình) và Linh (Minh Hằng). Khởi đầu, hai người đến với nhau vì chung nét đồng điệu trong tâm hồn, cả hai đều yêu thiên nhiên, cây cỏ, hết mình tận hưởng tuổi thanh xuân. Tình yêu giữa họ nảy nở nhanh như mầm non sau mưa, cứ thế lớn mãi, lớn mãi mà không ai ngăn được. Bất chấp sự phản đối của mẹ Linh, đôi trẻ “đưa nhau đi trốn” tới vùng đồi cát Phan Thiết xinh đẹp. Ở đây Huy liên tục gặp phải những cơn ác mộng y như thật, mà cô gái anh tưởng là Linh xuất hiện trong mơ lại quá đỗi xa lạ. Rồi trong một đêm trăng tìm đến hồ sen nơi Bàu Trắng, hai người gặp phải một biến cố khủng khiếp khiến họ chia lìa nhau mãi mãi… Nhưng, đó còn chưa phải là cái kết cuối cùng…
Nửa đầu phim có lẽ sẽ thách thức sự kiên nhẫn của khán giả với những lời thủ thỉ vụn vặt, những buổi hẹn hò lứa đôi không có gì đặc biệt… Tình yêu của Huy và Linh đơm hoa kết trái quá nhanh, họ quấn quýt nhau như thể đã “yêu tự kiếp nào”. Xem đến đây, chắc hẳn một số khán giả đã liên tưởng tới một bộ phim “ngôn tình” đầy éo le với sự xuất hiện của kẻ thứ ba nào đó. Nhưng hóa ra, nửa cuối phim bắt đầu đẩy nhanh nhịp độ, các tình tiết diễn ra dồn dập, nửa thực nửa hư đan xen với nhau, khiến cả rạp chiếu buộc phải im phăng phắc để tập trung chú ý. Các nút thắt dần dần được hé mở, để lộ cả một quá khứ đau thương và phức tạp đằng sau.
Cùng với nhịp phim, diễn xuất của Minh Hằng và Quý Bình cũng càng lúc càng bùng nổ, và trở nên thực sự bóp nghẹt tim người xem ở phân đoạn cả hai bị lũ côn đồ truy đuổi. Bất lực, tuyệt vọng, phẫn nộ, bi thương, oán thán… từng ấy cảm xúc khủng khiếp được truyền tải từ ánh mắt, cử chỉ của diễn viên sang khán giả, khiến tất cả phải nín thở vì choáng váng. Hiếm có cảnh phim nào của Việt Nam lại đạt được đến đỉnh cao cảm xúc như thế. Đôi mắt đẫm lệ của Linh hay cái quỳ vái run rẩy bất lực của Huy chắc hẳn sẽ còn ghim lại trong trí nhớ người xem rất lâu, rất lâu nữa.
Nhưng đằng sau bi kịch của Huy và Linh, hóa ra còn một bi kịch khác đau thương không kém gì. Dòng thời gian bỗng chốc đảo ngược lại, để về với chuyện tình éo le giữa hai chị em sinh đôi Linh - Phương và chàng Huy từ kiếp trước. Chính mối nghiệt duyên từ tiền kiếp đó đã kéo Huy và Linh tới Bàu Trắng, để rồi xảy ra đại họa. Dù vậy, oan hồn của Phương cũng chẳng vui vẻ hơn khi cho tới tận kiếp này, Huy vẫn nặng tình với Linh. Một đoạn hồi tưởng thấm đẫm màu sắc cổ điển lại chính là “sân khấu” để Minh Hằng thể hiện tài năng của mình với hai vai Linh và Phương song song. Dù xuất hiện trong cùng một khung hình nhờ hiệu ứng kĩ xảo, ta vẫn có thể chỉ đích xác đâu là Linh, đâu là Phương nhờ khí chất khác biệt giữa hai người. Nỗi đau khổ của Linh, sự tuyệt vọng bẽ bàng của Phương, và khoảnh khắc khi Phương hét lên trong nước mắt: “Anh sẽ không bao giờ yêu em” là những cảnh cô đọng tính bi của phim.
Một tình yêu đẹp nhường vậy mà lại kết thúc trong thảm kịch, nhưng phim không hề hướng người xem đến cảm xúc tiêu cực. Hình ảnh nhánh thủy tùng vươn lên trong đêm tối, lóng lánh màu xanh của hy vọng. Ừ thì, kiếp này có thể không đến được với nhau nhưng nào ai biết, kiếp sau ta có thể cùng chung đường nữa chăng? Thôi thì cứ tin vào những phép màu của cuộc sống, “rồi người yêu nhau sẽ lại về với nhau” vậy.
Đoạn cuối của bài viết này xin được dành để vinh danh ekip sản xuất, đặc biệt là những người đứng đằng sau khung hình tuyệt đẹp và âm nhạc tuyệt hay của Bao giờ có yêu nhau. Có thể thấy góc camera của phim thỉnh thoảng hơi rung rinh, ánh sáng mờ ảo, thậm chí là “núp” sau đồ vật gì đó… thoạt nhìn có vẻ khó hiểu nhưng thực chất, nó nhằm mô tả cái thực - ảo khó phân định của nội dung. Về âm nhạc, sự kết hợp có vẻ “kệch cỡm” giữa nhạc ngoại, nhạc nội, không lời và có lời hóa ra lại hợp đến thế, đặc biệt là nhạc phẩm Kiếp nào có yêu nhau qua giọng hát đầy khắc khoải và ám ảnh của ca sĩ Thái Thanh là điểm nhấn quan trọng của phim. Dưới lời nhạc ma mị, nhuốm sầu bi, câu chuyện tình yêu tang thương cứ thế mà đi vào lòng người mãi mãi.
Khó có thể nói hết những ưu điểm của Bao giờ có yêu nhau, nhưng đây cũng chưa phải là “viên ngọc” không tì vết. Điểm trừ của phim nằm ở màn dạo đầu quá lê thê và “sến súa”, một số cảnh dàn dựng “quá lố” khiến phim mất đi nét tự nhiên cần có.
Dù vậy, Bao giờ có yêu nhau vẫn là một tác phẩm sáng giá của điện ảnh Việt hiện đại, một thử nghiệm táo bạo và tương đối thành công của Dustin Nguyễn. Chắc chắn Bao giờ có yêu nhau sẽ tìm được vị trí xứng đáng cho mình giống như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã làm được vào năm 2015.
Xem thêm >>> Chiếc váy định mệnh của Minh Hằng trong phim mới
Những poster phim Việt ấn tượng nhất
Có hay không ‘phim giả tình thật’ trong cảnh nóng của Minh Hằng - Quý Bình?