Điều đó đang xảy ra tại thị trường Việt Nam ngay cả với bộ phim hot nhất tháng 10, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Sau những ồn ào nối tiếp, từ tin đồn lời - lỗ cho tới mâu thuẫn nội bộ, đứa con cưng của Victor Vũ im ắng khá lâu. Mọi con mắt ngóng trông và chỉ chờ phía sản xuất đưa ra cột mốc chính thức. Nhưng lạ thay, một bộ phim còn đang công chiếu ở Việt Nam, mang về tiền vé cũng hoàn toàn nhờ khán giả Việt rồi để rồi, thông tin tác phẩm cán mốc 60 tỷ đồng lại được thông báo trên trang ScreenDaily cách đây 5 ngày.
Lạm xưng “kỷ lục”
Ở bàn tròn của các nhà làm phim hiện nay, chuyện công bố doanh thu giống như một canh bạc. Ai ai đều sở hữu cho mình những át chủ bài riêng. Người úp, kẻ mở, hoặc không ưng ý thì đánh tráo. Với một nền điện ảnh thiếu những phương thức phê bình chuyên nghiệp, khán giả thường dựa vào các tiêu chí có sẵn bao gồm tên tuổi đạo diễn, ngôi sao tham gia hay cảm tính nhất là số tiền đi cùng tác phẩm. 2006, năm mà làng phim Việt đánh dấu bước chuyển mình lớn lao nhất trở về trước khi Áo lụa Hà Đông được ra mắt với kinh phí 1 triệu USD. Sang 2007, Dòng máu anh hùng chính thức vượt qua kỷ lục trên nhờ 1,5 triệu USD tiền đầu tư.
Từ đó đến nay, không khó để kiếm ra những bom tấn Việt được định giá hàng triệu Mỹ kim: Quyên, Bụi đời chợ lớn, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh…Mặc dù vậy, bản chất của kinh phí lại là một con số bất biến, phàm khán giả đã biết rồi mà vẫn chưa thể khiến họ ra rạp xem thì chẳng khác nào “có tiếng nhưng không có miếng”. Do đó, yếu tố doanh thu hẳn đáng tin hơn cả bởi nó luôn tăng theo thời gian công chiếu.
Chỉ nhà sản xuất mới có quyền công bố doanh tùy vào thời điểm thuận lợi nhất. Scandal: Hào quang trở lại từng gây tiếng vang lớn nhưng sau khi kết thúc đợt ra rạp, thành quả của phim hiện vẫn là một bí ẩn. Hoặc thử tra Google cụm từ “Tên bộ phim + kỷ lục phòng vé”, sẽ ra hàng loạt cái tên từ Quả tim máu, Tèo Em, Lật mặt cho tới 49 Ngày…Những thành tích này thậm chí còn nhiều hơn Hollywood bởi đến năm 2009, Avatar mới chiếm được ngôi quán quân phòng vé của Titanic sau 12 năm.
Khi nào “Box office” mới xuất hiện tại Việt Nam?
Lâu nay, khán giả Việt Nam hoàn toàn có thể theo dõi doanh thu chi tiết của các bộ phim ngoại địa nhờ vào website BoxofficeMojo. Đây được xem là một bên thứ ba, liên kết với những hệ thống rạp chiếu và theo dõi thống kê của những nhà phát hành từng ngày để kiểm tra xem phim còn ăn khách hay không. Mojo hiện đã bao phủ 50 vùng lãnh thổ và cung cấp thông tin về kết quả phòng vé cho mỗi phim đến từ 107 vùng lãnh thổ bao gồm cả những nước Châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines…
Hiểu nghĩa đen, “Box office” là quầy bán vé chiếu phim. Trong thuật ngữ điện ảnh, nó lại thể hiện hoạt động tính toán lượng vé bán ra và doanh thu mang lại. Dĩ nhiên, với trên dưới 50 hệ thống rạp khắp cả nước, “Box office” đã có mặt ở Việt Nam từ rất lâu nhưng nếu xét về khía cạnh chuyên môn, ngành điện ảnh trong nước vẫn chưa tồn tại khái niệm này do hầu hết các số liệu đều bắt nguồn từ phía nhà sản xuất.
Thay vì đảm bảo đúng giá trị của một tác phẩm, khía cạnh doanh thu trong nước lại biến đổi liên tục như biểu đồ hình sin. Qua đó mới thấy, điện ảnh Việt đang ngày càng chìm đắm trong trong những thành tích ảo. Báo chí cũng bị động đưa tin mà không thể kiểm chứng thực hư ra sao. Nếu kinh phí đại diện cho chất lượng của bộ phim, thì tiền mang về sẽ phản ánh mức độ yêu thích của khán giả. Vậy nên, những người đứng sau mặc nhiên bơm thổi hoặc công bố tùy hứng vì họ hiểu rằng, hầu hết ai cũng đều ấn tượng bởi yếu tố tiền bạc lên đến hàng tỷ. Những con số tưởng chừng vô tội, nay trở thành công cụ đắc lực để xây dựng một bức tranh về nền điện ảnh Việt Nam trù phú.