Tựa phim Rachel, Jack and Ashley Too nằm trong phần thứ 5 của series Black Mirror theo chân Rachel (Angourie Rice), một người hâm mộ nhí của nữ ca sĩ nổi tiếng Ashley O (Miley Cyrus). Không có nhiều bạn bè kể từ khi chuyển đến ngôi trường mới, Rachel nhận được món quà ngày sinh nhật là Ashley Too - con búp bê được sao chép toàn bộ tính cách của ngôi sao Ashley O, có khả năng di chuyển, lắng nghe và nói chuyện với bất cứ ai. Bộ phim chia thành 2 tuyến tách biệt: một là sự thay đổi của Rachel nhờ nguồn năng lượng tích cực từ búp bê Ashley Too, còn lại là cuộc sống của chính bản thân Ashley O khi xa rời hào quang sân khấu.
Câu chuyện trong Rachel, Jack and Ashley Too khiến khán giả bàng hoàng trước giả thuyết: công nghệ giờ đây đã có thể thay thế hoàn toàn con người, thậm chí làm tốt hơn chính bản thân bản thể.
Công nghệ ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách trong cuộc sống nhân loại: từ nữ học sinh mờ nhạt không ai biết đến Rachel cho đến ngôi sao nổi tiếng toàn cầu Ashley O. Mối tương quan được đặt để khéo léo giữa Rachel và Ashley O cùng lúc gợi cho người xem nhiều chiêm nghiệm: một người ao ước cuộc sống lấp lánh của thần tượng và tìm đến sự thấu hiểu cùng những lời động viên từ một búp bê biết nói, người còn lại bị chính công nghệ kìm kẹp, không được sống với tiếng nói thật sâu bên trong mình. Để rồi khi hai cuộc đời song song giao nhau tại một điểm, mạch phim rẽ sang hướng hoàn toàn khác làm thay đổi cuộc sống của cả hai.
Sự tương đồng giữa Ashley O và búp bê Ashley Too không chỉ là trí não được sao chép toàn bộ, mà cả hai đều bị kìm kẹp bởi giới hạn được tạo ra để làm hài lòng người hâm mộ. Chỉ được sử dụng một phần trí não, Ashley Too sẽ đến lúc gặp trục trặc, còn nữ ca sĩ hàng đầu Ashley O có lúc phải “phát điên”.
Không khác gì con búp bê mang tên Ashley Too được tạo nên bởi công nghệ, nữ ca sĩ Ashley O là sản phẩm của một công thức rập khuôn, cũng bị giới hạn tự do và sức sáng tạo để xây dựng hình tượng mà công chúng muốn nhìn. Thực chất, công nghệ trong cuộc sống và ngành công nghiệp đào tạo thần tượng đều có điểm chung: đại chúng luôn tìm đến những thứ hoàn hảo ngay cả khi nó không có thật. Hai chủ đề mang tính thời sự cao ở xã hội hiện đại đã được biên kịch Charlie Brooker dung hòa, lồng ghép một cách khéo léo trong phim Rachel, Jack and Ashley Too.
Không những thế, bộ phim Rachel, Jack and Ashley Too của ngôi sao Miley Cyrus còn cho thấy sự tỉ mỉ, tinh tế khi tạo nên mối liên kết giữa ngôi sao ca nhạc Ashley O và con búp bê của mình. Ashley Too được đánh thức bởi câu thoại: “Ashley, tỉnh dậy”. Trong trường cảnh quan trọng làm thay đổi hoàn toàn mạch phim, Ashley Too cũng vô tình bị đánh thức bởi bản tin: “Chưa biết đến bao giờ Ashley tỉnh dậy”. Không những thế, khi Ashley O rơi vào trạng thái hôn mê, người phụ nữ hãm hại Ashley O đã sử dụng câu thoại: “Ashley, đi ngủ”, đây cũng là câu lệnh dùng để tạm dừng búp bê Ashley Too.
Bộ phim đã nhấn mạnh sức ảnh hưởng kinh hoàng của công nghệ lên cuộc sống con người thông qua hành trình nổi tiếng của Ashley O: được xây dựng tên tuổi bằng công thức rập khuôn, duy trì sức nóng thông qua búp bê Ashley Too và cuối cùng, ngay cả khi con người thật của cô không thể thức dậy, những người quản lý vẫn có thể kiếm tiền từ sự nghiệp Ashley O thông qua máy móc cùng với “Eternal Ashley” (Ashley bất diệt).
Trong bối cảnh của bộ phim Rachel, Jack and Ashley Too, dường như chẳng bao lâu nữa, công nghệ có thể thay thế hoàn toàn con người, nhất là ở thế giới giải trí - nơi khán giả luôn hướng đến những điều hoàn hảo, bất diệt. Thế nhưng, công nghệ sẽ chẳng bao giờ có được cảm xúc, sức sáng tạo vô tận của người thật cũng như cá tính riêng mạnh mẽ bên trong mỗi người. Điều đó khiến cho “Eternal Ashley” không thể “bất diệt”.