Phim Ảnh

'Midnight Special' gợi nhắc kỷ nguyên vàng của dòng phim sci - fi

Chia sẻ

Bộ phim kinh phí thấp của đạo diễn Jeff Nichols phảng phất hơi thở của những tác phẩm sci – fi kinh điển.

Midnight Special: Món quà bất ngờ với kinh phí làm phim eo hẹp

Ra đời năm 2016, Midnight Special là dự án phim độc lập kinh phí thấp của đạo diễn Jeff Nichols gây bất ngờ khi nhận được về những phản hồi tích cực từ người xem. Cậu bé Alton 8 tuổi (Jaeden Lieberher ) có những quyền năng kỳ lạ phải chạy trốn khỏi sự truy đuổi của giáo phái Ranch cả quân đội. Dưới sự bảo vệ của cha mẹ em ( Michael Shannon, Kirsten Dunst) và một người bạn của họ (Joel Edgerton), Alton tìm cách quay trở về thế giới mà cậu vốn thuộc về.

Bộ phim thực sự đã gây ngạc nhiên với một nội dung tương đối hoàn thiện và hình ảnh trau chuốt.

Jeff Nichols từng thành công với Take Shelter năm 2011, cũng với diễn xuất của Michael Shannon. Midnight Special ra mắt như một sự tiếp nối phong cách làm phim độc lập và đầy chiêm nghiệm của vị đạo diễn trẻ. Dưới phông nền u tối và chậm rãi pha thêm một chút kịch tính, Midnight Special với kinh phí vỏn vẹn 18 triệu đô la hiện lên đẹp mắt đến mức ngạc nhiên. Đồng thời, tác phẩm cũng truyền tải được khá trọn vẹn thông điệp về một thế giới đầy hoài nghi với những thứ vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta.

Alton là một cậu bé đặc biệt, với những quyền năng không thể giải thích bằng khoa học, điều khiến nhà cầm quyền sợ hãi, khiến mẹ đẻ cậu rời bỏ và những người dân xung quanh tôn thờ như hiện thân của thần thánh. Cuộc chạy đua với thời gian, trốn tránh sự truy đuổi của súng đạn được khắc hoạ trong Midnight Special vô tình bao nhiêu thì những mẩu đối thoại giữa Alton và cha mẹ cùng những người bảo trợ lại thấm đẫm tình thương và hy vọng bấy nhiêu. Đáng tiếc rằng mạch phim đôi khi rơi vào những khoảng lặng quá dài, nhưng nhìn chung Midnight Special khiến những khán giả hoài niệm về một thời dòng phim khoa học viễn tưởng từng thống trị màn ảnh.

Diễn xuất đầy cảm xúc của Michael Shannon và Jaeden Lieberher trong vai người cha Roy và đứa con trai Alton.

Hai thập niên vàng phim sci - fi

Ngay từ khi điện ảnh manh nha được hình thành, khoa học viễn tưởng đã là đề tài được các nhà làm phim đặc biệt quan tâm vì đặc thù trong việc truyền tải thông điệp và khả năng sáng tạo về mặt thị giác. Những tác phẩm như Metropolis (1927), 2001: A Space Odyssey, Planet of the Apes (1968), Star Wars (1977) hay series Star Trek đều đặt dấu son rực rỡ của mình trong lịch sử điện ảnh.

“Metropolis” - một trong những tác phẩm kinh điển khai phá đề tài khoa học viễn tưởng trên màn ảnh.

Thập kỉ 80 - 90 là khoảng thời gian thăng hoa của dòng phim sci - fi với nhiều đại diện lớn như series Terminator với sự tham gia của người hùng cơ bắp Arnold Schwarzenegger hay series Alien của Ridley Scott, Back to the Future (1985), Blade Runner (1982).

Đặc điểm chung của những tác phẩm này là kĩ xảo đi trước thời đại, tính sáng tạo, đặt ra và giải quyết những vấn đề ở tương lai. Thậm chí nhiều ý tưởng trong các bộ phim thời kỳ này còn được ứng dụng để chế tạo những chi tiết ngoài đời thực, như trong series Star Trek. Cách kết hợp tinh tế và hoành tráng giữa hình ảnh và nội dung, giữa tính giải trí và thông điệp truyền tải đã đưa 20 năm trong lịch sử này mãi mãi trở thành hai thập kỷ vàng của dòng phim khoa học viễn tưởng.

“Terminator 2: Judgment Day” được coi là đỉnh cao của series Terminator nói riêng và dòng phim sci - fi nói chung.

Phim khoa học viễn tưởng: Sự thoái trào và hy vọng vào ngày trở lại

Sau khi lên đến đỉnh cao vào cuối những năm 90, dòng phim sci - fi nói chung đã đi vào lối mòn dẫn đến kết cục lụi tàn không khó để đoán ra. Với thành công tương mại khổng lồ của những bom tấn trước đó, nhiều nhà sản xuất đã bắt đầu đổ xô vào thị trường phim khoa học viễn tưởng mà quên đi nhiệm vụ hàng đầu của một tác phẩm điện ảnh để sáng tạo và truyền đạt tư duy sáng tạo tới người xem.

Một mô tuýp bắt đầu hình thành trong những tác phẩm sci - fi thời kì sau này, là một nhân vật anh hùng sống trong thế giới lộn xộn cố gắng sống sót để giành lấy thứ gì đó. Những Johnny Mnemonic (1995), Species (1995), Escape From LA (1996), Battlefield Earth (2000)…kể cả 2 phần tiếp theo của series kinh điển Star Trek đều không nắm bắt được thị hiếu của khán giả. Điều này đã khiến những người yêu điện ảnh tin rằng phim khoa học viễn tưởng đã tự đào nấm mồ chôn mình để nhường chỗ cho những dòng phim mới trỗi dậy.

“Sunshine” năm 2007 được coi là một thất bại đáng tiếc vì chọn nhầm thời điểm ra mắt, khi khán giả đã “bội thực” với các kiểu “viễn tưởng” trên màn ảnh.

Không trách được khán giả khi người xem đã chán ngán với đủ thể loại lai tạp từ mọi ngóc ngách của vũ trụ trên màn ảnh, đủ các kiểu người máy quái vật thậm chí từ một vũ trụ khác. Điều họ cần là một sự cách tân đủ lớn, một thông điệp đủ mạnh xứng đáng với kỳ vọng đặt ra. Lúc này dòng phim siêu anh hùng vốn tưởng chừng chỉ tồn tại trong niềm tin của những trang truyện tranh bỗng nhiên trở thành vị cứu thế.

Sở hữu thế mạnh về hiệu ứng thị giác, gây ấn tượng bằng cảnh chiến đấu hoành tráng cháy nổ, dòng phim siêu anh hùng cùng với phim hậu tận thế dành cho khán giả trẻ đồng thời lại vô cùng nhẹ nhàng về mặt nội dung không đòi hỏi phải tư duy quá nhiều. Khán giả thích thú chứng kiến những công trình nổi tiếng, các toà nhà chọc trời, các đại dương… trong phút chốc ngập chìm giữa khói lửa và người dân thường kêu khóc trông chờ sự ra tay của một hoặc một nhóm siêu anh hùng.

Thành công của “The Avengers” đã nổ phát súng báo hiệu thời kỳ thống trị màn ảnh của phim siêu anh hùng.

Tuy nhiên hy vọng hồi sinh dòng phim khoa học viễn tưởng đã tới vào năm 2009 màu xanh biếc như ngọc mang tên Avatar. Hoàn hảo trong nội dung, chỉn chu và cách tân về mặt hình ảnh, siêu bom tấn 3D này đã tạo nên một cuộc cách mạng trong cách làm phim hiện đại và đặt nền móng cho sự trở lại của phim sci - fi đầu những năm 2010.

Không chỉ những tác phẩm bom tấn mới được người xem đón đợi, như Rise of the Planet of the Apes (2011), Prometheus (2012), Star Trek: Into Darkness (2013), Edge Of Tomorrow (2014) , Interstellar (2013)… mà cả những bộ phim độc lập kinh phí thấp cũng nhận được nhiều quan tâm từ phía người xem như Ex Machina (2015), Looper (2012), Take Shelter (2011), Snowpiercer (2013)…

Một cảnh trong phim “Ex Machina”.

Mặc dù vậy con đường phía trước của phim khoa học viễn tưởng vẫn còn khá mông lung. Không có nhiều dự án phim thực sự mới, thay vào đó là phong trào “hồi sinh” những tác phẩm kinh điển, bằng những tác phẩm làm lại hoặc các phần tiếp theo (sequel, prequel, threequel…). Terminator: Genisys là một sự chắp vá, Robocop (2014) thì nhàm chán. Tương lai của Prometheus 2 vẫn còn được đặt dấu hỏi khi phần 1 khiến khán giả thất vọng với một nội dung lộn xộn, Avatar 2 thì bị hoài nghi trước cái bóng quá lớn của phần đầu.

Thế nhưng các phần tiếp theo của Star Wars thì lại rất hứa hẹn sau thành công của Star Wars: The Force Awakens cuối năm 2015, cũng như Star Trek Beyond sẽ ra mắt trong năm nay khiến khán giả vô cùng háo hức. Thành công về mặt chuyên môn của Midnight Special là tín hiệu tốt chỉ ra rằng khán giả vẫn chưa quay lưng với dòng phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên để có thể cạnh tranh với những bom tấn siêu anh hùng đang ăn nên làm ra như ngày nay, phim viễn tưởng rất cần tìm cho mình một lối đi cách tân. 

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất