Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Mê 'Diên Hi công lược', 'Chân Hoàn truyện', khán giả khao khát phim cung đấu 'made in Việt Nam'

Không ít người xem Việt Nam đặt ra câu hỏi, vì sao chưa có tác phẩm cổ trang trong nước nào được người hâm mộ yêu thích và ủng hộ?

Dù đã xuất hiện nhiều thể loại phim từ hành động cho đến tình cảm, lãng mạn nước ngoài du nhập vào màn ảnh nhỏ Việt Nam; các bộ phim cổ trang, cung đấu xứ Trung vẫn chưa có dấu hiệu giảm sức nóng đối với khán giả Việt Nam. Chính vì thế, không ít người xem đặt ra câu hỏi, vì sao chưa có tác phẩm cổ trang trong nước nào được người hâm mộ yêu thích và ủng hộ?

Vì sao phim cổ trang, cung đấu dễ trở thành “hit” nếu làm tới?

Các bộ phim cổ trang, đặc biệt là phim thâm cung nội chiến xứ Trung luôn được khán giả châu Á, trong đó có Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ. Bởi, những tác phẩm này không chỉ làm thoả mãn người xem nhờ phần nhìn với trang phục, tạo hình nhân vật độc đáo; mà còn tạo ra tính gay cấn, kịch tính khiến người hâm mộ trông ngóng từng tập.

Không chỉ thế, đa số các tác phẩm cổ trang đều dựa trên những nhân vật và số phận có thật trong lịch sử. Điển hình như bộ phim Diên Hi Công Lược của nhà sản xuất, biên kịch Vu Chính đang làm mưa làm gió màn ảnh nhỏ thời gian gần đây, cũng xoay quanh hậu cung của vị vua Càn Long nổi tiếng. Trong đó, Phú Sát Hoàng hậu (Tần Lam đảm nhận), Kế Hoàng hậu (Xa Thi Mạn thủ vai), Nguỵ Anh Lạc (Ngô Cẩn Ngôn đóng) hay Cao Quý phi (Đàm Trác) đều là những nhân vật có thật. Sức nóng của Diên Hi Công Lược còn khiến khán giả châu Á thi nhau tìm hiểu về thân phận và cuộc đời thật của các nhân vật lịch sử này.

Dựa trên những ghi chép lịch sử không quá chi tiết, các biên kịch xứ Trung đã nhào nặn lên vô số kịch bản với nhiều góc nhìn khác nhau. Do đó, một nhân vật phản diện trong bộ phim này có thể trở thành vai chính diện ở một tác phẩm khác cùng bối cảnh. Chính sự đối lập ấy đã tạo nên sức hút cho dòng phim cổ trang cung đấu và khơi dậy sức sáng tạo bất tận của các nhà làm phim.

Phim “Hậu cung Như Ý truyện”.

Không ít khán giả cho rằng, câu chuyện cung đấu hay tranh chấp quyền lực gay cấn không chỉ có riêng ở xứ Trung. Nếu một dự án phim Việt Nam dám mạnh dạn đầu tư dòng cổ trang, khai thác những câu chuyện, cuộc đời có thật trong lịch sử; chắc chắn rằng khán giả sẽ ủng hộ mạnh mẽ và dành sự quan tâm đến lịch sử nước nhà hơn.

Không những thế, dòng phim lãng mạn, tình cảm, hài hước Việt Nam cũng đang dần đi vào ngõ cụt; điều mà khán giả trong nước cần là một bộ phim được đầu tư chỉn chu, với đề tài độc đáo, mang ý nghĩa nhân văn. Và một tác phẩm lịch sử, cổ trang có lẽ sẽ thoả mãn những điều đó.

Những thử thách quá lớn để làm một bộ phim cổ trang Việt Nam

Điều khiến các nhà làm phim phải lưỡng lự, đắn đo trước khi thực hiện một bộ phim luôn là kinh phí sản xuất. Số tiền quá lớn để đầu tư bối cảnh cổ trang, trang phục và tạo hình nhân vật trở thành một trong những thử thách hàng đầu, bên cạnh việc xây dựng kịch bản và chọn dàn diễn viên phù hợp đóng phim cổ trang.

Lý do đó khiến khán giả Việt Nam hiếm khi được thưởng thức các bộ phim cổ trang, hay có chăng, cũng chỉ là những tác phẩm “xuyên không” đến giai đoạn lịch sử gần hơn. Ngay cả ở phim điện ảnh Cô Ba Sài Gòn, bối cảnh năm 1950 - 1960 cũng chỉ chiếm 1/3 phim. Những phim truyền hình lấy cảm hứng từ nhân vật có thật như Mỹ nhân Sài Thành, Mộng phù hoa cũng chưa thực sự làm hài lòng khán giả về phần hình vì vấn đề kinh phí.

Ngoài ra, nếu làm một bộ phim cổ trang, các nhà làm phim có lẽ sẽ gặp không ít khó khăn khi tìm kiếm địa điểm quay phim. Không có những thánh địa cổ trang hoành tráng như Hoành Điếm, Tượng Sơn, Nam Hải của Trung Quốc; đoàn làm phim Việt Nam chỉ có thể khai thác các địa danh quen thuộc như Huế, Ninh Bình, Tràng An…

Bên cạnh đó, việc viết lại một câu chuyện đầy đủ yếu tố tình cảm, kịch tính từ lịch sử chưa bao giờ là điều dễ dàng. Đây cũng là những vấn đề mà không ít tác phẩm cổ trang Trung Quốc gặp phải, khi không thể vượt qua cửa ải mang tên kiểm duyệt. Bản thân những bộ phim cung đấu Trung Quốc đã được lên sóng, khán giả luôn không ngừng so sánh nội dung phim với lịch sử. Chính vì thế, có lẽ hiếm nhà làm phim nào dám bỏ số tiền lớn ra đầu tư một bộ phim đứng trước nguy cơ không được phát sóng truyền hình.

Diên Hi công lược, Ba Thanh truyện hay Hậu cung Như Ý truyện đều là những phim truyền hình phải trải qua nhiều sóng gió để được kiểm duyệt. Tuy nhiên, nếu như hai bộ phim của Phạm Băng Băng và Châu Tấn “cương quyết” muốn được chiếu truyền hình thì tác phẩm của Vu Chính đang làm mưa làm gió lại “nhượng bộ” chiếu mạng. Ấy vậy mà, thành quả của Diên Hi công lược khiến cho nhiều người khẳng định, chỉ cần phim hay và hợp lòng khán giả, dù chiếu mạng hay truyền hình thì vẫn tạo được cơn sốt. Dẫu vậy, thị trường phim chiếu mạng tại Trung Quốc đang rất phát triển với nhiều nhà phát hành lớn như Tencent, iQiyi, Youku…, trong khi ở Việt Nam, những “ông lớn” của mảng chiếu mạng lại chưa thực sự phổ biến cũng như đảm bảo nguồn thu cho nhà làm phim.

Không dễ dàng để thực hiện một phim cổ trang dựa trên lịch sử Việt Nam, song các nhà làm phim vẫn đang tích cực khai thác chất liệu dân tộc. Đó là Mỹ nhân Sài Thành với nhân vật Hồng Trà, Thanh Trà dựa trên 2 người đẹp nổi tiếng Sài Gòn xưa; Cô Ba Sài Gòn, Song Lang và vũ trụ điện ảnh cổ tích đáng trông đợi của “đả nữ” Ngô Thanh Vân, cùng áo dài, cải lương, truyện cổ tích và những điển tích điển cổ gắn liền chiều dài lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, khán giả vẫn hi vọng rằng, sẽ có một nhà làm phim mạnh dạn làm nên “bước ngoặt” thâm cung nội chiến gắn mác Việt Nam.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Thảo

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố