Nằm trong chuỗi bộ phim điều tra “Cảnh sát hình sự”, ngay cả từ trước khi lên sóng, Mê Cung đã luôn nhận được sự quan tâm từ phía khán giả. Có thể nói, thể loại phim truyền hình từng có một thời gian dài “im ắng” trước sự phát triển quá mạnh mẽ của các bộ phim chiếu mạng lẫn chiếu rạp. Không nhiều các bạn trẻ ngày nay có thể dành một khung giờ cố định mỗi ngày để theo dõi một tập phim trọn vẹn trên màn hình TV nữa.
Tuy vậy, các tác phẩm truyền hình vẫn luôn mang nhiều giá trị đời sống, phản ánh hiện thực và được yêu thích bởi một lượng khán giả trung thành. Sau “cơn sốt” Người Phán Xử, người ta lại một lần nữa đặt kỳ vọng vào sự phục sinh huy hoàng của thể loại phim hình sự truyền hình Việt. Đặc biệt hơn nữa, biên kịch của bộ phim điều tra từng “làm mưa làm gió” cộng đồng phim Việt năm 2018 lại tiếp tục chắp bút cho Mê Cung.
Kịch bản chau chuốt, hấp dẫn khiến khán giả “nín thở” theo từng nhịp phim
Đầu tiên, phải dành một lời khen ngợi rất lớn cho sự đầu tư về khâu kịch bản của Mê Cung. Ngoài những phân cảnh tình cảm lãng mạn đòi hỏi sự nhẹ nhàng sâu lắng, thì hầu như nhịp phim luôn được giữ ổn định ở mức nhanh, kịch tính. Tình tiết mới xuất hiện liên tục đòi hỏi người xem phải có sự tập trung nhất định để có thể bắt kịp tiến độ của phim.
Xem thêm: Tập 4 'Mê cung': Hé lộ địa điểm và phương thức chuỗi vụ án giết người của sát nhân Fedora
Nhìn chung, khuyết điểm rõ rệt nhất của phim Việt từ trước đến nay có thể kể đến việc tồn tại các tình tiết thừa, dài dòng, “câu giờ” vì nội dung không đủ khía cạnh khai thác. Tuy nhiên, Mê Cung lại hoàn toàn khắc phục được khuyết điểm đó. Từ “mặt nổi”: tình cảm, điều tra vụ án hình sự, đến “mặt chìm”: bí ẩn đằng sau cái chết của Đăng 8 năm trước, vai trò thật sự của Đông Hoà, đều là những câu hỏi mà người xem liên tục tìm kiếm lời giải đáp và mong chờ chúng sẽ được “gỡ rối” ở những tập phim sau.
Điều làm nên “thương hiệu” của Mê Cung chính là độ chân thật. Biên kịch không hề cố gắng “hoàn hảo hoá” lực lượng cảnh sát trong khi họ cũng là con người. Đôi khi, những con người “có trái tim” ấy lại phải vờ như họ không có. Điều tra là một quá trình truy tìm nhân chứng, vật chứng, suy luận có cơ sở. Chính vì vậy, họ nghi ngờ trực giác của chính mình, và cả đồng đội của họ. Tất cả mọi người đều hiểu, “mạo hiểm” là khái niệm không thể đối với điều tra vụ án. Vậy làm cách nào để không bắt nhầm người và không bỏ sót hung thủ?
Mặt khác, chuỗi vụ án trong phim không hề đi theo lối mòn. Chúng là những tình huống tương đối hiếm gặp, hoặc ít phổ biến, nhưng không phải là không tồn tại. Tác phẩm dường như mang một thông điệp ngầm về những mối nguy hiểm ngoài xã hội, như một lời “cảnh tỉnh” dành cho khán giả.
Các diễn viên chính hoá thân xuất sắc, kể cả nhân vật phụ cũng tròn vai
Nếu như là một khán giả đã theo chân thể loại hình sự từ lâu, có lẽ bạn đã không còn xa lạ gì với những cái tên Hồng Đăng, Doãn Quốc Đam, Việt Anh, Bảo Anh. Đặc biệt, những tên tuổi này cũng từng hợp tác trong bộ phim truyền hình dình đám Người Phán Xử. Tuy chỉ qua 4 tập phim, nhưng khán giả hoàn toàn có thể nhìn nhận được năng lực xuất sắc của dàn diễn viên nhiều kinh nghiệm.
Từng tham gia các bộ phim điều tra vụ án, nhưng cũng nổi lên nhờ tác phẩm Cầu Vồng Tình Yêu, sẽ không quá thử thách đối với Hồng Đăng khi đảm nhận một vai diễn đòi hỏi sự bình tĩnh khi phá án nhưng cũng cần sự dịu dàng với Lam Anh (Hoàng Thuỳ Linh). Với một nhân vật chính có năng lực khứu giác siêu việt, diễn viên thật sự rất khó biểu lộ bằng hành động, mà đa phần phải diễn xuất qua đôi mắt và biểu cảm gương mặt.
Nói đến Hoàng Thuỳ Linh, tuy chưa có nhiều đất diễn, nhưng khán giả cũng rất tò mò, mong chờ màn “tái xuất” của cô gái này sau 10 năm không tham gia dự án phim truyền hình. Có nhiều ý kiến cho rằng nhân vật Linh (MC Thu Hoài) vô tình “lấn át” nữ chính. Nhưng đánh giá ấy thật sự không công tâm khi nhân vật Lam Anh chỉ mới có cơ hội xuất hiện…1/3 tập đầu tiên. Có lẽ ở phần sau của bộ phim, Lam Anh sẽ mau chóng quay về nước sau khi đi du học và đứng phía sau ủng hộ Khánh trong các vụ án.
Diễn viên được nhắc đến và khen ngợi nhiều nhất trong 2 tuần qua có lẽ chính là Doãn Quốc Đam trong vai gã Fedora mắc chứng tự kỷ ám thị. Tuy là diễn viên chuyên trị những vai phản diện, nhưng các vai diễn của anh chưa bao giờ nhàm chán. Từ giang hồ, đến cảnh sát hay kẻ mắc chứng tâm thần, anh đều hoá thân vào nhân vật hết sức nhập tâm. Đối với nhân vật Fedora, diễn viên cần phải thay đổi cả cách nói chuyện, đi đứng, cách di chuyển tay và thậm chí là cả cái nhíu mày. Diễn xuất của Doãn Quốc Đam trong tác phẩm này thật sự “rợn người” và xứng đáng trở thành một điểm sáng trong dự án.
Ngoài ra, các diễn viên phụ cũng diễn xuất tròn vai, hợp tác ăn ý với các diễn viên chính khiến các lỗ hổng diễn xuất hiếm khi lộ ra.
Tổng kết lại, Mê Cung là một tác phẩm xuất sắc của phim truyền hình Việt nửa đầu năm 2019. Với nhịp phim như thế này, nhiều khả năng bộ phim sẽ tiếp tục “giữ nhiệt” của mình đến cuối cùng.
Mê Cung có tổng cộng 30 tập, được chiếu trên VTV3 Thứ 4, Thứ 5 hàng tuần lúc 21h30.