Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Lắng nghe Martin Scorsese trần tình về phát biểu: 'Phim Marvel không phải là phim điện ảnh'

The New York Times Theo dõi Saostar trên google news

'Tôi nói phim Marvel không phải điện ảnh. Hãy để tôi giải thích.'

“Hồi tháng 10 khi còn ở Anh, tôi có một buổi trả lời phỏng vấn với tờ Empire. Tôi được hỏi quan điểm bản thân về phim Marvel và đã trả lời rằng, tôi có xem một vài phim. Chúng không dành cho tôi, chúng giống như công viên giải trí hơn là phim ảnh, thứ mà tôi đã biết và yêu mến cả cuộc đời. Tóm lại là tôi không nghĩ phim Marvel là điện ảnh.

Một số người nhấn mạnh vào câu cuối của tôi cho rằng đây là lời xúc phạm, hoặc là bằng chứng cho thấy sự ghét bỏ của tôi đối với Marvel. Nếu người nào nhất định suy diễn theo cách đó thì tôi cũng chịu.

Rất nhiều thương hiệu phim được tạo dựng bởi các cá nhân kiệt xuất. Bạn đi ra rạp và xem chúng. Sự thật là việc các bộ phim có lôi cuốn tôi hay không lại phụ thuộc vào tính cách và sở thích cá nhân. Tôi biết rằng nếu mình trẻ trung hơn thì biết đâu lại thấy thích thú với những bộ phim kiểu này, và có khi còn muốn làm một cái. Nhưng khi tôi lớn lên và trưởng thành, tôi bắt đầu định hình gu điện ảnh của riêng mình: rằng chúng là gì và chúng có thể đi tới đâu. Định nghĩa về điện ảnh của tôi so với khái niệm vũ trụ Marvel xa vời như kiểu ta đang ở Trái Đất và nói về hệ sao Nam Môn Nhị vậy.

Đối với tôi, với những đồng nghiệp mà tôi yêu mến và tôn trọng, với những người bạn làm phim khắp nơi trên thế giới cùng thời với mình, điện ảnh mang ý niệm mặc khải - sự khám phá về thẩm mỹ, cảm xúc và tinh thần. Tất cả đều xoay quanh nhân vật, về sự phức tạp, mâu thuẫn của tâm lý con người, cách họ yêu đương và làm tổn thương nhau rồi đột ngột đối diện với chính mình.

“Định nghĩa về điện ảnh của tôi so với khái niệm vũ trụ Marvel xa vời như kiểu ta đang ở Trái Đất và nói về hệ sao Nam Môn Nhị vậy.”

Đó là việc đối mặt với những sự kiện bất ngờ trong cuộc sống mà phim đã kịch tính hóa và diễn giải trên màn ảnh, để rồi khái quát chúng trong hình thức nghệ thuật.

Đây chính là điểm mấu chốt đối với những nhà làm phim chúng tôi: điện ảnh là một hình thức biểu hiện nghệ thuật. Đã có nhiều tranh cãi xảy ra, và chúng tôi bảo lưu quan điểm điện ảnh nên đứng cùng hàng với văn học, âm nhạc, khiêu vũ. Chúng tôi hiểu rằng nghệ thuật có thể đến từ bất cứ đâu trong bất cứ dáng hình nào: trong The Steel Helmet của Sam Fuller và Persona của Ingmar Bergman, trong It’s Always Fair Weather bởi Stanley Donen và Gene Kelly, Scorpio Rising của Kenneth Anger, trong Vivre Sa Vie của Jean-Luc Godard và The Killers từ Don Siegel.

Hoặc giả, trong các tác phẩm của Alfred Hitchcock, tôi biết sẽ có người nói rằng Hitchcock đã tạo nên franchise riêng của ông ấy. Mỗi bộ phim mới của con người này giống như một sự kiện lớn. Có mặt trong một rạp hát cũ, chật ních, thưởng thức Rear Window là một trải nghiệm phi thường: ở đó là sự tương tác sôi nổi giữa khán giả và bộ phim.

Theo cách nào đó có thể nói phim của Hitchcock cũng giống như công viên giải trí. Tôi đang nghĩ tới phần cao trào của Strangers on a Train diễn ra trên vòng xoay ngựa gỗ trong một công viên giải trí thực sự. Hay buổi chiếu Psycho suất nửa đêm trong ngày phim ra mắt, một kỷ niệm không thể quên. Mọi người tới để bị hù dọa và bất ngờ, rồi ra về không chút thất vọng.

“Rất nhiều yếu tố định nghĩa điện ảnh mà tôi biết có thể được tìm thấy trong các phim Marvel. Thứ mà họ còn thiếu là sự mặc khải, khai mở, sự bí ẩn hoặc nỗi nguy hiểm thực sự.”

60 hay 70 năm sau, chúng ta xem lại những thước phim này và vẫn bị chúng làm cho kinh ngạc. Nhưng liệu có phải những yếu tố hù dọa và gây sốc là thứ khiến chúng ta xem đi xem lại? Tôi không nghĩ như vậy. Bối cảnh trong North by Northwest đẹp thật đấy, nhưng chúng sẽ không có gì hơn ngoài những cảnh phim thanh lịch, bùng nổ mà thiếu đi cảm xúc đau đớn ở trung tâm câu chuyện hay sự lạc lối của nhân vật mà Cary Grant thủ vai.

Cao trào của Strangers on a Train là bữa tiệc đối với khán giả, nhưng sự tương tác giữa hai nhân vật chính và màn trình diễn xuất sắc của Robert Walker mới là thứ ở lại với chúng ta tới ngày nay.

Một số người nói phim của Hitchcock đồng nhất, đơn điệu, và có thể họ nói đúng - chính Hitchcock cũng từng băn khoăn về điều này. Nhưng sự “na ná” trong các loạt phim ngày nay lại không giống như xưa. Rất nhiều yếu tố định nghĩa điện ảnh mà tôi biết có thể được tìm thấy trong các phim Marvel. Thứ mà họ còn thiếu là sự mặc khải, khai mở, sự bí ẩn hoặc nỗi nguy hiểm thực sự. Không có gì là mạo hiểm ở đây. Các bộ phim được thực hiện để đáp ứng một loạt các nhu cầu cụ thể từ công chúng và chúng được nhào nặn thành các phiên bản khác nhau trên một số lượng chủ đề hữu hạn.

Nghe tên thì chúng là hậu truyện nhưng về bản chất thì là các phiên bản làm lại (remake), mọi thứ trong đó đều được kiểm soát chặt chẽ về nội dung. Đó là bản chất của các thương hiệu phim hiện đại: nghiên cứu thị trường, thử nghiệm cho khán giả, hiệu đính, sửa đổi, tân trang và sửa sang lại cho đến khi chúng sẵn sàng để tiêu thụ.

Nói một cách khác, phim Marvel là tập hợp tất cả những gì mà những Paul Thomas Anderson, Claire Denis, Spike Lee, Ari Aster, Kathryn Bigelow hay Wes Anderson không bao giờ làm. Khi tôi xem phim của bất kỳ người nào trong số những cái tên trên, tôi biết rằng tôi đang xem một thứ hoàn toàn mới, được đưa tới những không gian trải nghiệm bất ngờ chưa từng được thấy trước đây. Từ đó, ý niệm của tôi về giới hạn trong cách kể chuyện điện ảnh sẽ được mở mang.

Bạn có thể hỏi rằng, rốt cuộc vấn đề của tôi là gì? Tại sao không để yên cho dòng phim siêu anh hùng và các loạt phim nhượng quyền khác? Lý do rất đơn giản. Tại đất nước này cũng như khắp nơi trên thế giới, các loạt phim bom tấn giờ đây là lựa chọn chú yếu của người xem khi tới rạp. Đây là thời kỳ nguy khốn, các phim độc lập giờ hiếm hoi hơn bao giờ hết. Họ rút về các dịch vụ truyền hình trực tuyến. Dầu vậy, tôi không biết một nhà làm phim nào mà không muốn phim của họ được ra rạp để công chúng thưởng thức.

Số đó bao gồm cả tôi, với tư cách một người vừa hoàn thành một bộ phim cho Netflix. Dịch vụ này và chỉ có dịch vụ này mới cho phép chúng tôi thực hiện The Irishman như ý, bởi thế tôi cảm thấy rất biết ơn. Chúng tôi có một rạp chiếu trực tuyến, điều đó thật tuyệt vời. Tôi có muốn phim của mình được chiếu rạp lâu hơn không ấy à? Tất nhiên rồi. Nhưng không quan trọng bạn làm phim với ai, các rạp chiếu bây giờ đều bị thống trị bởi phim nhượng quyền.

Nếu bạn định nói với tôi rằng đây chỉ đơn giản về cung và cầu, mình đưa cho người ta thứ người ta cần, thì tôi sẽ không đồng ý với điều đó. Đây là vấn đề kiểu quả trứng con gà (không thể khẳng định cái nào có trước). Nếu người ta được cho chỉ độc một thứ và nhồi nhét thứ đó liên tục thì hiển nhiên họ chỉ quan tâm và cần thứ đó mà thôi.

Nhưng bạn sẽ nói rằng ai thích phim gì thì về mà xem Netflix, iTunes với Hulu phải không? Ồ tất nhiên, khán giả có thể xem phim nghệ thuật ở bất cứ đâu trừ màn ảnh rộng - nơi mà các nhà làm phim vẫn khao khát phim của họ được chiếu.

Như chúng ta đã biết trong 20 năm qua ngành công nghiệp điện ảnh đã thay đổi chóng mặt. Nhưng thay đổi đáng ngại nhất đã xảy ra một cách âm thầm: các phim dần trở nên bớt mạo hiểm hơn. Không ít bộ phim ngày nay là sản phẩm hoàn hảo được sản xuất để tiêu thụ ngay lập tức. Nhiều dự án trong số này được thực hiện tốt bởi các nhóm cá nhân tài năng. Tất cả đều giống nhau, chúng thiếu một thứ gì đó thiết yếu định nghĩa cho điện ảnh: tầm nhìn thống nhất của một nghệ sĩ cá nhân. Bởi vì, tất nhiên, tính cá nhân nghệ sĩ là yếu tố rủi ro nhất trong quá trình làm phim.

Tôi chắc chắn không ngụ ý rằng phim ảnh nên là hoặc đã từng là loại hình nghệ thuật được nhà nước trợ cấp. Khi hệ thống studio Hollywood vẫn còn sống tốt, tranh cãi giữa đạo diễn và nhà sản xuất là dữ dội và thường xuyên nhưng chúng là chất xúc tác đem tới cho chúng ta các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất.

Ngày nay, mâu thuẫn đó không còn nữa. Có một số cá nhân trong ngành hoàn toàn thờ ơ với chính câu hỏi về nghệ thuật và có thái độ phủ nhận và sở hữu đối với lịch sử điện ảnh - một sự kết hợp chết người. Đáng buồn là ngày nay chúng ta có hai lĩnh vực riêng biệt: ngành công nghiệp nghe nhìn giải trí trên thế giới và mảng điện ảnh. Thỉnh thoảng chúng vẫn chồng chéo lên nhau, nhưng điều đó ngày càng trở nên hiếm hoi. Và tôi sợ rằng sự thống trị tài chính của bên này đang được sử dụng để làm thiệt thòi và thậm chí coi thường sự tồn tại của bên kia.

Đối với bất cứ ai mơ ước làm phim hoặc những người mới bắt đầu, tình thế tại thời điểm hiện tại thật tàn bạo và khắc nghiệt với nghệ thuật. Chỉ riêng việc viết ra những dòng này cũng khiến tôi ngập trong nỗi buồn vô hạn.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết The New York Times

Được quan tâm

Tin mới nhất