Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Maleficent 2': Tiên Hắc Ám Angelina Jolie trở lại trong cuộc đại chiến thông gia

Quá chú trọng vào cuộc chiến ảo lòi giữa hai bên mẹ chồng mẹ vợ, Maleficent 2 dường như đã mất đi phần nào phép màu của một câu chuyện cổ tích Disney.

Maleficent ra mắt năm 2014 đã cải biên câu chuyện Sleeping Beauty đi rất xa so với nguyên tác. Cụ thể, nhân vật phù thủy ếm bùa cho cô công chúa ngủ (Angelina Jolie) hóa ra lại là một bà tiên có lòng nhân hậu. Nhiều nồi bánh chưng qua đi, tình yêu mà Maleficent dành cho Aurora đã phá vỡ lời nguyền, và bà cùng con gái sống hạnh phúc. Cho đến khi bộ phim ra rạp và thắng lớn, khiến Disney quyết định làm thêm một phần nữa.

Maleficent: Mistress Of Evil tiếp nối câu chuyện mà phần đầu để lại 5 năm trước. Lần này, con gái nuôi Aurora của Maleficent aka Công Chúa Ngủ Trong Rừng đã bị ngải yêu quật không đứng dậy nổi. Cô sốt sắng nhận lời cầu hôn và nằng nặc đòi cưới dù người yêu cô đã được thay bằng diễn viên khác. (Phần 1 vai hoàng tử Phillips do Brenton Thwaites đóng, phần 2 được đổi sang cho Harris Dickinson, mà thôi điều đó cũng chẳng quan trọng vì cả hai đều nhạt như nhau).

“Cá không ăn muối cá ươn. Không nghe Mã Lệ trăm đường hư thân.”

Vì chuyện này mà mẹ cô aka Maleficent “Mã Lệ Phi Xuân” phải chân ướt chân ráo tới ăn cơm tối cùng gia đình bên kia. Rồi sau một vài âm mưu, cuộc chiến giữa hai bên nổ ra. Đấy là trailer phim nói thế, còn xem phim thì mới biết được.

Kép chính Angelina Jolie: Tôi là ai, đây là đâu?

Một trong những thiếu sót lớn của Maleficent 2 là không chú trọng vào nhân vật chính như phần phim đầu. Vai diễn của Angelina Jolie mang tiếng là kép chính, nhưng lại khá ít thoại, còn nói lời nào thì khán giả quên luôn lời đó. Chi tiết đáng tiếc nhất có lẽ là tour du lịch về quê với hướng dẫn viên Conall (Chiwetel Ejiofor) mà Maleficent vẫn lặng thinh chẳng nói chẳng rằng cứ như mình hiểu hết vậy. Phần lớn thời gian Jolie bối rối cứ như cô xuất hiện với tư cách diễn viên khách mời chứ không phải là nhân vật trung tâm của phim.

Tuy nhiên chỉ riêng một cảnh này thôi cũng đủ để bạn phải đi xem phim ngay và luôn. Chị Lệ quá đẹp!

Thêm vào đó, có vẻ như lần này đội ngũ CGI, trang điểm và thiết kế phục trang của Disney đã lơ là trách nhiệm khi nhiều chi tiết trên người Maleficent trông khá “ảo”. Từ bộ trang phục ôm sát trong trận chiến cuối cùng, cho tới đơn cử như phần sừng và xương gò má, tất cả đã hạn chế nhiều diễn xuất cơ thể và cử động khuôn mặt của Jolie. Vì thế, dù khả năng diễn xuất và nét duyên dáng của người đẹp vẫn còn đó, bà tiên hắc ám này đã mất đi phần nào ma thuật của mình trên màn ảnh.

Ấy thế mà nhiều trường đoạn phải có sự hài hước của Angelina Jolie thì mới xong, bởi Elle Fanning cũng chỉ biết… đẹp thôi. Đúng chất công chúa bánh bèo, nhân vật Aurora của em xuất hiện với thông điệp: mê trai bỏ mẹ là không tốt. Có điều vì em quá đẹp nên có thể bỏ qua phần diễn xuất của em. Suy cho cùng, cô công chúa trong Sleeping Beauty phiên bản gốc còn chẳng được chạy nhảy nhiều như em.

Cuộc chiến CGI màu mè đúng chất Nhà Chuột

Đạo diễn Joachim Ronning đã áp dụng đúng công thức mà ông từng thực hiện với phần 5 của Pirates Of The Caribbean. Bối cảnh cho xứ Moors, những sinh vật lấp lánh kỳ lạ, tiên sống trong hang như kiểu Avatar cùng trận chiến đầy màu sắc… tất cả làm nên một màn trình diễn đậm tính giải trí từ Disney. Một số chi tiết xử lý kỹ xảo còn chưa khéo, tuy nhiên điều đó không ảnh hưởng nhiều tới trải nghiệm xem phim.

Một trong những thành công của loạt Tiên Hắc Ám nằm trong nỗ lực của Disney phá bỏ ước lệ truyền thống của các câu chuyện cổ tích, đem đến một góc nhìn mới về những nhân vật tưởng như “ác truyền kiếp” như Maleficent chẳng hạn. Tuy vậy, Mistress of Evil đã có thể thành công hơn nếu như đừng quá tập trung vào màn đấu khẩu giữa hai bà thông gia, hay chuyện bà nữ hoàng Ingrith (Michelle Pfeiffer) cứ lải nhải “đây không phải là truyện cổ tích đâu con à”. Vâng, chúng tôi biết điều đó mà.

Bộ phim tiếp cận ý tưởng về sự mất mát, nỗi đau, sự chia cách và tội lỗi, nhưng cuối cùng lại “lật bánh tráng” cào bằng san phẳng mọi bất hạnh bằng pháp thuật. Suy cho cùng, đây cũng chỉ là một tác phẩm giải trí nếu như chúng ta quên đi sự thực là hầu như tất cả những người trong vương quốc Ulstead vào vai kẻ xâm lược đều là người da trắng châu Âu và đám người bị xua đuổi gồm rất nhiều dân da màu, dân châu Á… Một chút hài hước, rất nhiều màu sắc và có tính sáng tạo cao, Maleficent: Mistress of Evil vẫn xứng đáng để cân nhắc cho một bộ phim giải trí nhẹ nhàng dịp cuối tuần.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngọc King.

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc