Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

‘M’: Tiếng huýt sáo sát nhân, cơn ác mộng đô thị

Những đứa trẻ biến mất và chỉ được tìm thấy khi đã chết. Cả thành phố cuồng loạn trong cuộc truy tìm tên sát nhân.

Cứ đợi một chốc nữa thôi. Ông áo đen rồi cũng sẽ tìm đến đây. Với chiếc dao nhỏ trong tay. Ông ta rồi sẽ băm vằm mày ra.” - Màn hình màu đen dần dần hé lộ một nhóm trẻ con quây thành vòng tròn. Một đứa ở giữa, đếm từng đứa xung quanh theo nhịp của bài đồng dao đáng sợ.

Tương tự trò chơi Vòng quanh Sô-cô-la của Việt Nam, đứa trẻ nào không may trúng vào chữ cuối cùng của bài thì sẽ bị loại, hay nói cách khác, sẽ phải “chết”. Một trò chơi trẻ con với kết quả mang tính ngẫu nhiên, trở nên ám ảnh khi là biểu hiện ngây thơ của của loại tội ác ghê tởm nhất: Tội ác đối với trẻ con.

Đây là cảnh đầu tiên trong M - bộ phim kinh điển của điện ảnh Đức cũng như cả nhân loại, ra đời năm 1931 dưới sự hợp tác của Fritz Lang và vợ ông (khi đó) - Thea von Harbou. Trong di sản hai người để lại, nếu Metropolis là một trong những đại diện sớm nhất của dòng phim sci-fi, thì M là tác phẩm báo trước cho sự ra đời của thể loại film noir sau này. Tuy được sản xuất cách đây gần 90 năm, M vẫn là một bộ phim có tư tưởng vô cùng hiện đại đối với khán giả ngày nay, khơi gợi những suy ngẫm sâu sắc về con người, tội ác và công lý.

Quyền lực của đám đông

Được viết dựa trên tin tức về những tên sát nhân đang ám ảnh nước Đức khi ấy, cốt truyện của M khá đơn giản. Ban đầu, nó như một bộ phim thể loại “cảnh sát hình sự” thông thường, bắt đầu bằng việc một hung thủ giấu mặt gây án và tiếp diễn bằng quá trình điều tra của cảnh sát. Bởi tính lý trí của quá trình này, bi kịch chỉ được gợi ý, chứ không được trực tiếp thể hiện.

Lang đã sử dụng một cách xuất sắc những khoảng trống về hình ảnh cũng như khoảng lặng về âm thanh, để khán giả tự lấp đầy nó bằng tưởng tượng của mình, tạo ra cảm giác bí ẩn và chân thực. Và bởi tính quy trình của công việc pháp lý, khán giả được dẫn dắt cẩn thận qua các bước điều tra như thu thập chứng cứ, phân tích chứng cứ, lấy lời khai nhân chứng, soi chiếu và xác minh… Cảnh sát vạch lên bản đồ những đường compa khoanh vùng để rà soát, thể hiện quyền lực của họ đối với thành phố.

Tuy nhiên, cách làm việc của cảnh sát dần dần lộ rõ sự thiếu hiệu quả. Họ thường xuyên tổ chức các cuộc đột kích vào các tụ điểm ăn chơi của thành phố, lục tìm tên sát nhân trong tuyệt vọng. Sự chậm chạp và dường như bế tắc của cảnh sát khiến dân chúng lo sợ đến phát cuồng. Cả thành phố bị bao phủ bởi một bầu không khí hoang tưởng như các cuộc đi săn phù thủy thời Trung cổ. Một ai đó luôn sẵn sàng bị cho “lên giàn”.

Trong khi cảnh sát yếu ớt và lỏng lẻo như những đường compa, một thế lực khác nổi lên, cứng rắn và quyết liệt hơn, như một “bàn tay sắt”: Đám băng đảng giang hồ.

Đám giang hồ, tức giận vì các đợt càn quét của cảnh sát làm ảnh hưởng đến việc làm ăn và “danh tiếng” (bị đánh đồng với loại tội phạm chúng cho là hạ đẳng), quyết định không thể nhịn nhục mãi được. Để chứng tỏ sức mạnh của mình, đám giang hồ quyết định tham chiến một cách độc lập với cảnh sát. Câu chuyện của M chính thức trở thành cuộc chạy đua quyền lực giữa tổ chức hợp pháp và tổ chức bất hợp pháp, giữa luật nhà nước và luật rừng, xem phe nào sẽ giành lấy thành phố bằng cách tóm được tên sát nhân sớm nhất.

M đặc biệt vì nó không có cá nhân nào thật sự nổi lên với vai trò nhân vật chính. Chuyện phim bị điều khiển bởi các tập thể, trong đó, ngoài lực lượng cảnh sát và băng đảng tội phạm, quyền lực còn bị tranh giành bởi một kẻ thứ ba: Đám đông trên phố.

Tên sát nhân chỉ có thể gây ra án mạng, giễu cợt cảnh sát và làm “lao đao” việc làm ăn của đám giang hồ khi không ai biết hắn là ai. Hay nói cách khác, khi hắn là bất cứ ai trong số những người bước đi trên phố. Những người chung nhau những chiếc bóng đổ dài trên đường, những chiếc bóng đen đặc trên tường, những mũ áo sù sụ giấu bớt nhân dạng. Đám đông cho hắn quyền lực, mà quyền lực này chỉ có thể bị loại bỏ khi hắn bị lôi ra khỏi đám đông. Bị nhận dạng. Bị chối từ sự tồn tại ở dạng tập thể. Bị đẩy về sự tồn tại ở dạng cá nhân, hèn mọn và bi kịch như chính thân phận con người.

Bi kịch của con người

M là phim âm thanh đầu tiên Lang thực hiện (đây là thời kỳ điện ảnh dịch chuyển từ phim câm sang phim âm thanh), và sự hứng thú của ông trong việc tìm tòi áp dụng âm thanh vào nghệ thuật điện ảnh được bộc lộ rất rõ. Ở một cảnh, Lang cho một người đàn ông trên phố thử đàn, tiếng đàn ban đầu rít lên khó nghe nhưng qua ba lần điều chỉnh, trở nên mượt mà vui tai, dường như là một sự chia sẻ với các nhà làm phim cùng thời. Lang hoàn toàn không sử dụng nhạc nền, thay vào đó, khiến cảm xúc khán giả phấn khích bằng cách đan xen những âm thanh tạo cảm giác thực tế với các khoảng lặng bất thường. Nhờ đó, thể hiện một thế giới vừa gần gũi vừa kỳ quái, khiến khán giả căng thẳng và bứt rứt không yên suốt cả bộ phim.

Mọi chi tiết về âm thanh của M đều ấn tượng, song xuất sắc nhất là cách Lang sử dụng các loại âm nhạc ở dạng đơn sơ, cụ thể là bài đồng dao và tiếng huýt sáo, để nói lên chủ đề của phim.

Tiếng huýt sáo là mô típ âm thanh nổi bật trong phim. Tất cả những lần nó vang lên, dù xuất phát từ ai, đều báo trước một sự lộ diện hoặc sự lấn át. Đặc biệt, đối với tên sát nhân, nó là đặc điểm đầu tiên giúp ta phân biệt hắn với những người khác, đồng thời báo hiệu sự xuất hiện của bản năng đen tối bên trong con người hắn ta.

Tương tự tiếng huýt sáo, bài đồng dao có lẽ cũng mang ẩn ý gắn với bản năng đen tối của con người. Trở lại cảnh đầu tiên của M, chúng ta thấy những đứa trẻ quây thành một vòng tròn, một đứa đứng giữa hát bài đồng dao ghê rợn. Mẹ đứa trẻ xuất hiện, quát nó không được hát nữa. Nó ngừng, rồi đợi mẹ quay đi, lại tiếp tục.

Bài đồng dao chứa đựng một thứ ma lực nào đó khiến đứa trẻ không thể kiềm chế, chỉ bị chặn lại một cách ép buộc qua sự xuất hiện của người mẹ, hay chính là cuộc vật lộn giữa bản năng tăm tối và nỗ lực ý thức kiểm soát nó? Bài đồng dao cũng khép đứa trẻ vào một số phận bi kịch đã được định trước, hay chính là bi kịch của tình thế làm người?

Tội ác và sự trừng phạt

Tên sát nhân hàng loạt trong M sẽ không giống như những tên sát nhân trong các bộ phim hiện đại mà bạn quen thuộc. Dù tội ác của hắn có “thú vật” đến thế nào, bạn cũng buộc phải nhìn hắn dưới hình hài một con người. Hắn thách thức bạn suy nghĩ lại về các quan niệm liên quan đến con người, tội ác và công lý.

Đây chính là điều khiến M, dù đã gần một trăm tuổi, vẫn rất “hiện đại” đối với chúng ta. Liên hệ với đời thực, chúng ta vẫn thường tiếp xúc với những thông tin về những vụ án dã man mà trong đó, kẻ phạm tội bị lột sạch những gì liên quan đến con người để trưng ra một “con thú” thuần chất, dễ dàng trở thành mục tiêu cho cộng đồng mong muốn áp đặt mọi sự trừng phạt mà không gợn chút lăn tăn về đạo đức.

Mọi người đều muốn kẻ thủ ác phải trả cái giá đắt nhất, nhưng cái giá nào có thể mang nạn nhân trở lại? M đặt cho khán giả một tình huống đạo đức không dễ gì giải quyết, đặc biệt là khi chúng ta phải đối mặt với loại tội ác ghê tởm bậc nhất là sát hại (thậm chí cả lạm dụng) trẻ em. M buộc chúng ta phải tự hỏi những câu như: Thế nào là công lý? Công lý cần phải được xét trên những điều kiện nào? Công lý có thể được thực thi không? Chúng ta có thật sự tìm kiếm công lý không? Và câu hỏi khủng khiếp nhất:

Khi chúng ta tìm kiếm sự trừng phạt độc ác nhất cho tên sát nhân, phải chăng chúng ta không cần phải tìm đâu xa, khi tên sát nhân đã ở trong chính mỗi con người chúng ta?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Dodieuha

Được quan tâm

Tin mới nhất