Phim Ảnh

Lý giải khoa học: Cá mập siêu bạo chúa trong ‘The Meg’ có thể sống và hoành hành trong thời hiện đại?

Tuấn Vũ
Chia sẻ

Hãy cùng nghe các chuyên gia hải dương phân tích xem liệu bom tấn kinh dị "The Meg" có khắc họa loài cá mập khổng lồ Megalodon chính xác không nhé.

The Meg (tên Việt: Cá mập siêu bạo chúa) là bộ phim bom tấn kinh dị mới ra mắt. Phim xoay quanh một nhóm nhà nghiên cứu đại dương, khi đang thám hiểm đáy biển thì bất ngờ chạm mặt Megalodon - loài cá mập khổng lồ thời tiền sử. Trong cơn nguy cấp, họ buộc phải nhờ cậy một thợ lặn giải cứu nhà nghề (Jason Statham đóng) để ngăn chặn mối họa từ con thủy quái này.

Trong The Meg, cá mập khổng lồ Megalodon được khắc họa như một hung thần đáy biển - cơ thể dài tới 25 mét, hàm răng rộng đủ để nuốt cả một chiếc lồng chứa người bên trong, khỏe đến mức kéo một du thuyền lật úp. Sau khi xem xong bộ phim, rất nhiều khán giả đặt ra câu hỏi: liệu loài Megalodon có thật hay không? Chúng có lớn, khỏe và đáng sợ như trong phim khắc họa hay không? Và liệu chúng có còn tồn tại tới ngày nay được không? Hãy cùng các nhà nghiên cứu hải dương thực thụ đi tìm câu trả lời.

1. Megalodon có thật không?

Câu trả lời là có thật. Đây là một loài cá khổng lồ sống vào kỷ Tân Cận, thuộc Đại Tân Sinh (23 đến 2.6 triệu năm trước). Tên của chúng nghĩa là “cá mập răng lớn”, và chúng là một trong những tổ tiên xa của loài cá mập hiện đại. Megalodon được khám phá ra vào thế kỷ 19, nhờ những chiếc răng hóa thạch còn sót lại của chúng. Ngày nay, đây là một trong những sinh vật tiền sử được nhiều người biết đến nhất, bên cạnh khủng long.

2. Megalodon có lớn như trong phim miêu tả không?

Không. Dựa vào những chiếc răng được tìm thấy ngày nay, thì con Megalodon lớn nhất cũng chỉ đạt tới độ dài 18 mét, thay vì 22 - 27 mét như trong bộ phim khắc họa. Theo các nhà khoa học, kích cỡ trung bình của một con Megalodon chỉ đạt tới khoảng 10 mét, dù như vậy đã là lớn hơn nhiều so với cá mập hiện đại. Ngoài ra, Megalodon cũng được coi là loài có cú đớp mạnh nhất trong các sinh vật biển.

3. Megalodon có thể tồn tại ở tầng đáy đại dương hay không?

Trong The Meg, các nhà khoa học đã đi xuống độ sâu hơn cả rãnh Mariana (11 km), được coi là nơi sâu nhất dưới đáy đại dương. Tại đây, họ tìm thấy ở đây rất nhiều loài sinh vật cả lớn lẫn bé, tụ tập quanh những lỗ thoát nhiệt dưới nước. Trên thực tế thì ở một độ sâu như vậy, rất khó để một con vật như Megalodon có thể tồn tại. Ngày nay, chỉ có rất ít cá mập sống được ở tầng đáy biển thẳm (4 km), gồm cá mập yêu tinh và cá mập Greenland. Việc chúng đi xuống được tận những khe nứt sâu dưới 6 km là điều rất khó xảy ra. Chưa hết, những loài cá mập sống ở đáy nước sâu thường di chuyển rất chậm (do áp lực nước cao), chứ không thể bơi nhanh, tấn công bất ngờ như trong phim miêu tả.

4. Cơ thể của Megalodon liệu có giống như trong phim hay không?

Khá giống. Dù hiện nay những dấu tích của Megalodon chỉ còn được tìm thấy qua răng hóa thạch, nhưng các nhà khoa học thống nhất rằng quả thực chúng có khoảng 6 mang. Vây lưng của chúng cũng có hình dạng tương tự như vây của cá mập trắng lớn. Ngoài ra, nếu để ý kỹ, người xem sẽ thấy bên dưới bụng con Megalodon trong phim có những “thùy bám”, vốn được cá đực dùng để giữ con cái bên dưới khi giao phối. Bởi vậy, hình dạng con Megalodon trong phim có thể coi là khá sát với miêu tả khoa học của nó ngày nay.

5. Megalodon kiếm ăn ra sao?

Với kích thước khổng lồ và thường xuyên di chuyển, Megalodon chắc chắn cần rất nhiều dinh dưỡng. Bởi vậy, ngược với trong phim, Megalodon hay sinh sống ở tầng gần mặt nước, nơi có nhiều con mồi để nó đánh chén. Bữa ăn của Megalodon cũng rất đa dạng, từ hải cẩu, cá heo đến cả cá voi. Ngoài ra, những con Megalodon nhỏ tuổi thường loanh quanh trong những vùng vịnh như vịnh Panama để săn mồi, trước khi đủ lớn để tìm ra khu vực nước sâu ngoài đại dương.

6. Megalodon có thể vào gần bờ đến mức nào?

Không nhiều. Lý do là kích thước khổng lồ, cùng đặc tính liên tục di chuyển khiến Megalodon chỉ thích hợp với những khu vực nước sâu, rộng lớn. Nếu vào gần bờ, con vật này rất dễ bị mắc cạn và nhiều khả năng sẽ chết trước khi làm hại được những sinh vật ở bãi biển. Giả như Megalodon xuất hiện ở thời hiện đại, cũng rất khó có khả năng nó vào được những bãi tắm có người, mà nếu có vào thì cũng sẽ chết trước khi làm hại được ai.

7. Cuối cùng và quan trọng nhất: liệu Megalodon có thể còn tồn tại tới ngày nay hay không?

Không thể! Khác với nhiều loài sinh vật tiền sử khác, Megalodon rất dễ tìm ra manh mối. Do chúng thay răng liên tục trong suốt cuộc đời, nên ngày nay những hóa thạch răng Megalodon có thể được tìm thấy dễ dàng ở khắp nơi trên thế giới. KHÔNG MỘT HÓA THẠCH NÀO có tuổi đời ít hơn 2 triệu năm, cho thấy loài vật này đã đi đến chỗ tuyệt chủng trong khoảng thời gian đó.

Có nhiều giả thuyết được đặt ra về lý do Megalodon không thể tồn tại. Nguyên nhân lớn nhất được cho là sự cạnh tranh nguồn thức ăn với những đối thủ cá voi và cá nhà táng. Thêm nữa, sự thay đổi khí hậu và dòng chảy đại dương cũng góp phần khiến nguồn thức ăn dồi dào của Megalodon tại các vùng vịnh bị mất đi.

The Meg đang được công chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc.

Chia sẻ

Bài viết

Tuấn Vũ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất