Bài viết có spoil, vui lòng xem phim trước khi đọc tiếp!
Thể loại: vườn trường, Tây phong văn, ấm áp văn, hường văn, NP (chuyện xoay quanh nhiều nhân vật), hiện đại đô thị, công thụ bất phân, gương vỡ lại lành, HE
Số phần: Phim chỉ có 1 phần, không có ngoại truyện.
Lưu ý: Không mang phim đi “chuyển ver” hay đăng lại trên các trang khác mà không có sự cho phép của chính chủ!
Câu chuyện công khai tính hướng của cậu học sinh trung học Simon của đạo diễn Greg Berlanti đã chính thức đổ bộ các rạp phim Việt, qua đó mang những thông điệp tích cực về cuộc sống nói chung và cộng đồng LGBT nói riêng. Xuyên suốt 1 tiếng 50 phút của phim, khán giả sẽ được dịp ngồi trên chiếc đu quay mặt trời, cùng Simon rong ruổi trên con đường trải đầy hoa hồng nhưng cũng có chút gai nhọn. Vui buồn lẫn lộn, mang màu sắc lý tưởng hoá nhưng vẫn rất đời thường, Love, Simon là chiếc Oreo nhân cam chua ngọt nhẹ nhàng mà bất cứ ai cũng xứng đáng được thưởng thức.
Câu chuyện “come out” và niềm hi vọng
Dõi theo câu chuyện của Love, Simon, có lẽ người xem sẽ ngầm cảm nhận được một bối cảnh được “hường” hoá nhưng theo cách rất dễ chịu: Simon là cậu học sinh trung học kiểu mẫu sống trong một gia đình tương đối khá giả ở Mỹ, có một nhóm bạn thân thiếu keo sơn gắn bó nhưng mang trong mình một bí mật “lớn tòng ngòng”.
Câu chuyện “come out” luôn là thách thức của phần lớn, thậm chí toàn bộ những ai từng nhận định mình thuộc về cộng đồng LGBT. Áp lực từ gia đình, từ bạn bè, từ xã hội, và lớn nhất là từ chính bản thân mình là yếu tố kìm hãm người đồng tính, song tính và chuyển giới có cơ hội được sống thật với bản thân.
Ấy thế mà trong Love, Simon, “come out” chỉ là một chuyện thường như cơm bữa, hành trình tuyên bố với mọi người thân quen về con người thật của Simon diễn biến theo chiều hướng vô cùng tích cực: cô bạn mới quen nửa năm Abby không bất ngờ và vẫn coi Simon là bạn, có gia đình gồm ba mẹ và em gái tràn đầy tình yêu thương và lòng vị tha vô bờ, có một ngôi trường mang tư tưởng tiến bộ và luôn dang rộng vòng tay chào đón. Đó không phải là một cái gì quá ư hão huyền, mà là một niềm hi vọng về tương lai hạnh phúc, tràn đầy lạc quan mà bất cứ ai thuộc cộng đồng LGBT đều xứng đáng được nhận.
Love, Simon không chỉ là câu chuyện của người đồng tính
Đừng nghĩ Love, Simon chỉ là bộ phim dành cho người đồng tính, vì đây sẽ là tác phẩm mà bất cứ con người nào cũng có thể thấy được chính mình trong đó. Không chỉ được lý tưởng hoá, mà việc “come out” còn được bình thường hoá, khiến cho đó không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng và gây nên nhiều hệ luỵ đáng tiếc.
Đến hơn nửa phim, Simon đã khiến mọi người xung quanh thất vọng và xa lánh, và ngạc nhiên thay đó không bởi vì cậu là gay. Chỉ vì sợ bị Martin tung đoạn chat của mình lên diễn dàn của trường, Simon đã đẩy những người bạn của mình vào tình thế khó xử, gây nên hiểu lầm không đáng có. Chính cách Simon “giật dây” Abby, Nick và Martin hay việc vô ý làm tổn thương tình cảm 13 năm mà Leah dành cho mình đã tạo ra khoảng cách không đáng có giữa hội bạn.
Sau cùng, Simon nhận ra chính việc để bản thân mình bị ám ảnh bởi ý định “come out” đã làm mọi thứ rối tung, và rằng cái Simon sợ chính là sự biến mất của Blue chứ không phải sợ mình bị lộ tính hướng. Có thể thấy, dù đồng tính hay dị tính, mọi người đều mang trong mình những trọng trách, những mối lo riêng. Ngoài Simon ra thì vẫn còn cô bạn Leah crush bạn thân mình từ thời thanh mai trúc mã, hay nỗi lo của người làm cha làm mẹ khi con mình đang vướng bận vào những rắc rối tuổi đầu đời. Love, Simon là bến bờ của những tâm hồn đang mất phương hướng, là liều thuốc giúp giải toả mọi lo lắng muộn phiền, là tấm gương mà ai cũng có thể nhìn vào và thấy mình trong đó, chân thật và gần gũi đến nao lòng.
Dĩa salad tươi mát gần gũi mang tên “gay culture”
Bổ trợ cho một bộ phim hay không thể thiếu vai trò của âm nhạc và cách xây dựng bối cảnh. Love, Simon đã vinh danh hàng loạt những cái tên gạo cội gắn liền với “gay culture” như Whitney Houston, The Kinks, Britney Spears, Lady GaGa, Panic! At the Disco,… Thế nhưng, nếu nhìn ở một góc độ khác, những chứng cứ rất rõ ràng về văn hoá cộng đồng LGBT nêu trên thực chất là yếu tố làm khơi dậy một khía cạnh rất độc đáo khác của người đồng tính.
Ngoài màn “parody” khung cảnh ban đầu trong MV …Baby One More Time thần thánh của công chúa nhạc pop, Simon vẫn có nhiều sở thích và niềm đam mê rất đỗi bình dị và giống với mọi cậu trai cùng lứa khác. Cậu chàng là một fan của Adventure Time với tấm áp phích cỡ trung dán trên tường, có tượng của Công chúa Bubblegum ở đầu giường, là một Potterhead cùng ước muốn được vào nhà Hufflepuff, hay thuộc làu làu hit của Justin Bieber,… Theo đó là một lối ăn mặc theo anh là “chưa chuẩn LGBT”, bằng chứng là Simon phải lên Google để xem một hình mẫu đồng tính thì phải ăn mặc thế nào.
Đỉnh điểm là khi ngồi cạnh Ethan - người bạn đồng học đã “come out” vào năm 16 tuổi, Simon vẫn cảm thấy hai người theo đuổi hai con đường rất riêng, cho dù đều là người đồng tính nhưng mỗi người lại mang một tính cách độc đáo, khác nhau hoàn toàn về lối ăn mặc, cử chỉ và hành vi.
Tuy là thế, Simon vẫn thuộc về cộng đồng LGBT, chí ít là trong một xã hội thì những cá thể luôn mang một gam màu hoàn toàn khác biệt, và Simon là đại diện cho trường phái ẩn mình, chưa hoàn toàn đắm mình trong cái gọi là “gay culture”, và dĩ nhiên đó không phải là điều đáng lên án hay chê trách. Cộng đồng LGBT vẫn luôn sống một cuộc sống bình thường, sinh hoạt và phát triển bình thường, vẫn có quyền theo đuổi lý tưởng và đam mê của mình như mọi người. Simon không thể bước vào ngưỡng cửa đại học với phong thái như I Wanna Dance With Somebody của Whitney Houston? Không sao đâu nhé Simon ơi!
Màn lộ diện gây chưng hửng, nhưng cái kết thì ngọt ngào đúng nghĩa
Song song với hành trình tiết lộ tính hướng của mình, Simon vẫn còn một bài toán cần giải, đó là danh tính của “người yêu qua mạng” Blue. Mang mối nghi ngờ với rất nhiều người, từ anh chàng phục vụ tại Waffle House Lyle, đến cậu bạn chơi dương cầm chung đội kịch Cal, và cuối cùng Blue lại chính là cậu bạn Do Thái gốc Phi Bram.
Từng gây hụt hẫng khi bị Simon phát hiện mình đang “hú hí” với một cô gái khác tại bữa tiệc Halloween, Bram đã quyết định tiết lộ mình là Blue tại chiếc đu quay mặt trời, nơi mà Simon đã dành ra cả chục chiếc vé để ngồi chờ đợi trên vòng quay chóng mặt. Màn tiết lộ có lẽ sẽ làm cho một số khán giả cảm thấy chưng hửng, thậm chí bối rối vì trước đó, Bram là người đầu tiên bị loại khỏi đối tượng tình nghi. Hơn hết, không một suy luận nào được đưa ra, không có lời giải thích xác đáng, chỉ vỏn vẹn ba chữ “Đó là mình” và Bram chính là Blue mà Simon thầm thương trộm nhớ.
Nhiều khán giả còn cho rằng cái kết có khi sẽ thú vị hơn khi Blue lại đích thực là cậu “trai thẳng” Martin, hay thậm chí là người thầy giáo “thù oán điện thoại” Worth. Nhưng mọi thứ đều được xoa dịu khi Bram và Simon trao nhau cái hôn ngọt ngào trên vòng đu quay lãng mạn, bên dưới là tiếng hò reo của những người bạn đồng học đã liên tục ủng hộ cả hai trong suốt thời gian qua. Phải chăng khán giả đã quá quen với những motif phim ngược luyến tàn tâm, hay những cái kết oái oăm đầy suy nghĩ? Đôi lúc, một cốt truyện đơn giản, không kỉ xảo, không ồn ào lại là gàu nước mát giúp cân bằng lại cuộc sống vốn rất đỗi xô bồ, phức tạp như hiện nay.
Trailer phim Love, Simon.
Một câu chuyện tình yêu ngọt ngào thời cấp sách đến trường, một hành trình “dở khóc dở cười” của chàng thanh niên mang trong mình nỗi đau đáu rất riêng, một bài học hay và nhẹ nhàng về gia đình, bạn bè và đời sống. Love, Simon sẽ là viên kẹo ngọt làm tan chảy mọi trái tim của bất kì ai, những người luôn sẵn sàng yêu thương, sẵn sàng chấp nhận và sẵn sàng sống thật với chính bản thân mình.