Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Lời tiễn biệt cố NSND Tuệ Minh - Đóa hồng xinh đẹp phóng khoáng của điện ảnh Việt

NSND Tuệ Minh luôn tạo ra những khoảnh khắc diễn xuất cực kỳ sống động trong những vai diễn rất ngắn. Đó là cô bán gạo trong "Em bé Hà Nội" (1975) của đạo diễn Hải Ninh, sơ Khuyên cuồng tín trong "Ngày lễ thánh@ (1976) của Bạch Diệp...

Sáng ngày 24/02/2018, NSND Tuệ Minh đã từ trần vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 80 của mình tại Hà Nội, kết thúc cuộc đời đầy ánh hào quang và hạnh phúc khi còn trẻ nhưng lại cô quạnh ở cuối đời. Sinh năm 1938 trong gia đình gốc Hà Nội, bà sở hữu nhan sắc xinh đẹp với học vấn cao, được nhiều người theo đuổi, mến mộ. Năm 1952, bà theo học ở Bắc Giang trong một lớp học có nhiều lứa tuổi. Bà từng kể với nhà báo Hồng Thanh Quang: “Tôi vào loại bé nhất. Tôi còn nhớ, có lần lớp tôi học phải tham dự một khóa cải tạo tư tưởng. Cả lớp ngồi thảo luận với nhau. Các anh giục tôi phát biểu. Tôi lúc đó nhát lắm, mặc dù là cây văn nghệ khá nổi trong trường. Nghĩ mãi cũng chẳng biết mình phải cải tạo tư tưởng về chuyện gì đành chỉ nói gọn một tiếng: 'Vâng, tôi cũng đồng ý!'”.

Sau đó, trường học có phong trào thanh niên xung phong, bà muốn tham gia nhưng vì bé quá nên cứ bị gạt ra ngoài. Bà đành phải tự tìm con đường khác để theo đến cùng thực tế kháng chiến. “Tôi tìm lên chỗ bà cô, bà là em ruột nhà văn Kim Lân. Lên đấy, cô tôi bảo, nếu cháu muốn thì hãy tới cùng một đơn vị bộ đội đang đóng quân gần đây, gần Bắc Giang”.

Vốn là người sợ máu, thế nhưng đêm đầu tiên ở cùng đơn vị bộ đội, bà đã gặp ngay cảnh một đồng chí bị hy sinh trong khi đi làm đường. “Tôi phải tham gia vào việc khênh xác đồng chí ấy đi khâm liệm. Tôi hãi quá. Và điều này đã gây ra ấn tượng rằng tôi đi tham gia kháng chiến rồi mà còn “tiểu tư sản” quá!… Rồi sau đó đã diễn ra một cuộc gặp tình cờ.

Có anh bộ đội trông thấy tôi đang lăn lộn cùng đơn vị làm đường, đã kéo tôi ra một chỗ mà bảo: “Em ơi, việc này đâu phải dành cho em. Hãy để cho những chàng trai lực lưỡng làm việc này. Chỗ của em phải là nơi múa hát!”. Nghe thấy vậy, tôi buồn lắm. Tôi về lại chỗ bà cô. Tình cờ, nhà văn Kim Lân ghé ngang qua đấy. Hay chuyện, ông mới đưa tôi lên với Đoàn Văn công Trung ương ở gần Thái Nguyên. Lãnh đạo lúc bấy giờ của đoàn là những ông Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Thế Lữ, Học Phi… Các ông ấy bảo tôi diễn thử, tôi cũng hát, múa thử ngay. Và được nhận vào Đoàn!”. 

Diễn viên Tuệ Minh.

Cũng từ đó, NSND Tuệ Minh - khi ấy chỉ là cô Văn công trẻ xinh đẹp - đã có dịp theo học hỏi từ những người anh, người chú như Thế Lữ, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi (con trai nhà thơ Thế Lữ) và cả người chồng sau này của mình - nhà văn Nguyễn Đình Thi. Bà kể trong niềm hạnh phúc khi ôn lại những tháng ngày thơ ấu của mình: “Tôi vẫn nhớ là, lần đầu tiên tôi lên sân khấu là trong hoạt cảnh “Trận cầu Vó ngựa”, âm nhạc của anh Lê Yên. Trong hoạt cảnh này có đoạn nói về đoàn người tản cư, già có, trẻ có. Ông Thế Lữ chỉ tôi bảo, hóa trang cho cô bé này thành bà già! Thế là tôi thành bà già trong vai diễn đầu đời. Tan vỡ, ngồi một mình, nước mắt bất giác ứa ra, chắc mình xấu lắm nên đạo diễn bảo đóng bà già…”.

Bà có giọng nói mượt mà, biểu cảm, trẻ trung, nên được Xưởng phim Việt Nam tuyển làm công việc lồng tiếng. Nhưng dường như con người diễn viên trong bà vẫn thổn thức, khao khát, nên bà đã có cơ hội để có được vai diễn nhỏ trong bộ phim Chung một dòng sông vào năm 1959.

Năm 1961, bà được đạo diễn Huy Vân - Hải Ninh lựa chọn tham gia phim điện ảnh Một ngày đầu thu cùng với các diễn viên nổi tiếng khác như Trà Giang, Mạnh Linh, Quý An. Cô gái 23 tuổi Tuệ Minh ngày đó được giao vai nữ chính Thơm. Cô cùng với Dưỡng (Quý An) là hai quân báo viên có nhiệm vụ đi điều tra vị trí địch. Họ đến một vùng giáo dân và tìm gặp anh Kiên (Hoàng Uẩn) là du kích.

Chị Kiên (Trà Giang) là một người đàn bà rất yêu chồng, nhưng chị sợ nếu để chồng hoạt động thì sẽ bị khủng bố và hạnh phúc gia đình họ bị tan vỡ. Chị Kiên ngăn cản chồng, xung đột với Thơm. Đột nhập đồn địch để làm nhiệm vụ trinh sát, Dưỡng bị bắt và bị thủ tiêu. Địch tổ chức cuộc càn quét lớn vào làng. Anh Kiên bị địch giết vì đã che giấu Thơm, người nữ quân báo. Cuối cùng chị Kiên hiểu ra rằng hạnh phúc gia đình không thể giữ trọn vẹn, nếu như đất nước còn bị quân thù dày xéo.

Tuệ Minh trong vai Thơm.

Bà đóng cùng với diễn viên gạo cội Trà Giang.

Nhận ra tình yêu lớn lao đối với hoạt động nghệ thuật, bà đã xin được học bổng để trau dồi văn hóa ở Liên Xô, vun đắp cho ước mơ trở thành diễn viên thực thụ của mình. Truyện vợ chồng anh Lực (1971) là câu chuyện mang đề tài xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu và lạc hậu. Các nhân vật như Hương, anh Lực, ông Củng,… trong phim không những đại diện cho số đông người người dân ở ngoài đời mà còn có cái gì đó thật sự là của riêng họ.

Diễn viên Trần Phương trong vai Lực.

Anh Lực (Trần Phương) là chủ nhiệm hợp tác xã, người luôn có mối bận tâm đến miếng cơm công việc của người dân trong xóm. Tuy nhiên, vợ anh - cô Hương thì chỉ muốn giữ lại cho gia đình, cho chồng cho con, chính vì thế có những lúc suy nghĩ bất đồng dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình. Bằng sự cảm hóa của người chồng và tình yêu gia đình, cô Hương đã giác ngộ và trở thành một người bạn đồng hành của chồng trong công việc. Câu thoại kết phim của nữ diễn viên Tuệ Minh ở cuối phim đã khép lại tác phẩm: “Anh à, vì yêu anh thương con mà nhiều lúc em đâm ra nghĩ quẩn. Bây giờ thì em hiểu ra rồi, yêu anh, em sẽ mãi mãi giúp anh. Bảo vệ những điều anh suy nghĩ, những việc anh đang làm vì bà con hợp tác xã. Em sẽ theo anh, sống thế nào để gìn giữ lòng tin yêu của bà con đối với phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ trong thôn, trong xóm”. 

Vai diễn Hương trong “Truyện vợ chồng anh Lực” mang về giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 cho NSND Tuệ Minh.

Ngày đó, nhiều người đã lên tiếng chê bai đạo diễn Trần Vũ khi lựa chọn nữ diễn viên Tuệ Minh - một cô “Tây đầm” từ Liên Xô về vào vai nông dân. Thế nhưng, bỏ qua mọi dè bỉu, ông đã nói với hai diễn viên chính là Tuệ MinhTrần Phương“Ta cùng chết với nhau vậy! Nhưng tớ vẫn tin ở các bạn…”. Kết quả là bộ phim đã thành công và mang về giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 cho NSND Tuệ Minh vào thời điểm đấy.

Nhắc đến bà, nhiều người ở thế hệ trước thường nhớ ngay đến hình ảnh một nữ diễn viên có những sáng tạo vô cùng độc đáo trong diễn xuất. Không có lợi thế sắc vóc, nhưng NSND Tuệ Minh luôn tạo ra những khoảnh khắc diễn xuất cực kỳ sống động trong những vai diễn rất ngắn. Đó là cô bán gạo trong Em bé Hà Nội (1975) của đạo diễn Hải Ninh, sơ Khuyên cuồng tín trong Ngày lễ thánh (1976) của Bạch Diệp, cô Thương bị bắn chết khi đang bơi thuyền trên sông Bến Hải trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972) của Hải Ninh. Bà cũng là một trong số ít nữ diễn viên thành công trên cả màn ảnh và sân khấu, mà ví dụ điển hình là vai cô Phượng trong kịch Cách mạng của Nguyễn Khải.

NSƯT Đức Lưu và diễn viên Tuệ Minh khi đóng bộ phim mang tên “Việt Nam”.

Sau này, khi đã nổi tiếng với nhiều vai diễn chính, nghệ sĩ Tuệ Minh chia sẻ rằng, bà vẫn không quên được ấn tượng của cái “vai không thành vai” ấy khi bà hăng hái chạy trên cánh đồng khô nứt nẻ, ngã lên ngã xuống dưới ánh nắng chói chang… Về quan điểm nghề nghiệp, NSND Tuệ Minh từng chia sẻ: “Người diễn viên không có kỹ năng biểu diễn thì chỉ đóng được một vai minh hoạ chính mình là hết rồi… Khi đã biết diễn xuất (không hề diễn) thì đó là tài năng lớn, cao hơn rất nhiều so với sự không biết biểu diễn mà cứ tự nhiên như nhiên… Tất nhiên, đánh giá bình luận thế nào về các vai diễn là quyền của của mỗi khán giả, của mỗi nhà báo, nhưng tôi vẫn buồn khi thấy mình không được hiểu đúng, đánh giá đúng. Ở đời, được hiểu đúng là quan trọng lắm! Không phải lúc nào cái mình muốn chọn cũng là cái mình được chọn”. 

Sinh ra trong gia đình tri thức có lối sống phóng khoáng, lại được tiếp xúc với nền văn hóa nước ngoài của Liên Xô từ khi còn trẻ, NSND Tuệ Minh nhận mình là một phụ nữ “tiểu tư sản”. Thế nhưng, bà lại nghiêm túc trong chuyện tình cảm của mình, xác định rõ ràng ranh giới giữa cuộc đời và nghệ thuật. “Tôi không chấp nhận thứ tình cảm nhập nhằng… Không dám nhận rằng mình lúc nào cũng tỉnh táo, nhưng khi nhận thấy thứ tình cảm không lành thì tôi dám can đảm tự đương đầu và tự xử, trước tiên là đối với bản thân mình… Làm nghệ thuật, ai tránh được những sự rung cảm, xao xuyến…” - Bà trải lòng.

Bà được nhiều người trong giới văn chương biết đến với tư cách là người vợ đảm đang, hiền thục của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Thời còn mạnh khỏe, bà đã chia sẻ với báo chí về cuộc gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Đình Thi: “Tôi và nhà văn Nguyễn Đình Thi gặp nhau từ trong kháng chiến chống Pháp. Anh Thi gửi bà mẹ vợ và hai con nhỏ mồ côi mẹ cho đoàn tôi, khi anh đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi thương anh bằng tình cảm của một cô em gái. Tôi nghĩ về anh ấy, như về một người đàn ông trông có vẻ vững vàng trong mọi chuyện nhưng hóa ra lại có nhiều nỗi niềm đến thế”.

Trong mắt bà, người anh trai ấy là một người rất dịu dàng. Có lần, ông hỏi bà: “Em đã đọc Kiều chưa?”. Bà đỏ mặt trả lời: “Chưa ạ!”. Ông bảo: “Ấy chết, em phải đọc Kiều đi chứ!”. Thế là bà tìm Truyện Kiều đọc với cái suy nghĩ: Anh mình đã bảo thì mình phải làm, không lần sau gặp, biết nói với anh thế nào!”.

Nguyễn ĐìnhThi (trái) và Tố Hữu.

Cũng chính người anh ấy đã gả chồng cho bà, “một người chồng có học, tử tế, có tâm hồn nghệ sĩ”. Tuy nhiên, chuyện tình duyên của bà gặp nhiều trắc trở, đến năm 1983, bà đi sang Moskva trong thành phần đoàn điện ảnh Việt Nam tham dự một hoạt động quốc tế. Lúc đó, nhà văn Nguyễn Đình Thi sang Tiệp Khắc công tác. Khi hay tin bà đang ở Moskva, mặc dù có thể ở Tiệp Khắc để nghỉ thêm một số ngày, ông đã xách vali sang Liên Xô ngay. Gặp ông, bà mừng rơi nước mắt khi nhìn thấy ông tội nghiệp, gầy xanh, ốm yếu với xếp hạng loại D - loại kém nhất. Ấy vậy mà, cũng trong ngày hôm đó, ông đã nhỏ nhẹ nói với bà:

“Anh đã có tình cảm với em từ lần đầu gặp gỡ nhưng anh biết là mình không có quyền gì với em, em trẻ trung, trong sáng như vậy… Nhưng hôm nay, anh phải nói với em điều mà anh từng dự định là sẽ sống để dạ chết mang theo… Anh không biết còn sống được hơn hai năm nữa không… “.

Đấy, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã tỏ tình với nghệ sĩ Tuệ Minh như vậy đấy! Trong 20 năm sống cùng ông suốt quãng đời còn lại, bà từng thú nhận rằng mình chưa cảm thấy hết được tất cả tình cảm của anh ấy. “Chỉ khi anh ấy qua đời rồi, tôi mới cảm nhận được hết tôi đã bị mất một điều to lớn thiêng liêng thế nào. Tôi cảm thấy một nỗi thiếu hụt khủng khiếp và đau đớn. Tôi cứ nghĩ, giá người chết đi là mình chứ không phải Anh thì có lẽ mình sẽ dễ chịu hơn…”. 

Nghệ sĩ Đức Lưu (trái) tới thăm nghệ sĩ Tuệ Minh ở trung tâm dưỡng lão.

Người nghệ sĩ tài hoa ấy từng nói, cuộc đời mình là những chuỗi ngày “đã có hạnh phúc và đã có những bất hạnh. Nhưng đó là cuộc sống, phải không?”. Sau khi nhà văn - nhà thơ Nguyễn Đình Thi mất, NSND Tuệ Minh ở với hai người con gái của mình. Người con gái thứ nhất vẫn ở cùng bà, nhưng người con gái thứ hai thì đang ở Pháp. Ngày bà bị tai biến, bà vẫn ở trong căn phòng của mình, có người giúp việc trông nom, nhưng rồi thấy mẹ buồn, cô đơn, sức khỏe càng ngày càng yếu hơn nên vào đầu năm 2016, người con gái thứ hai đã trở về Việt Nam và đưa mẹ vào sống trong trung tâm dưỡng lão Thiên Đức ở Đông Ngạc - Từ Liêm để có người chăm sóc về mọi mặt được đủ đầy.

Ngày mới vào trại, bà không nói được gì, mắt không mở ra được, gầy gò ốm yếu. Dù không nói được nhưng bà còn nhớ được hết tất cả những bạn bè đến thăm. Khi có nhà báo hỏi bà có thích bài thơ nào mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi làm tặng không, bà gật đầu nói nhỏ nhẹ: “Có, bài Nhớ“.

Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây

Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn

Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người

(Nhớ - Nguyễn Đình Thi)

Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

Ngày 10/1/2016, bà được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vì những cống hiến to lớn cho nghệ thuật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của nền văn hóa Việt Nam. Đây là niềm hạnh phúc không chỉ của riêng nghệ sĩ Tuệ Minh mà còn đối với rất nhiều những người yêu mến bà, bởi lẽ Hãng Phim truyện Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Hội đồng cấp Bộ xét tặng danh hiệu NSND cho bà, nhưng lần nào cũng không đủ phiếu. Trước đó, ở đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 7 năm 2011, bà cũng không có tên trong danh sách xét tặng NSND.

Bà được thứ trưởng Bộ VH -TT&DL Vương Duy Biên trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân tại nhà vào ngày 27/01/2016.

Và bây giờ, bà đã từ trần vào đúng ngày sinh nhật của mình. Có thể với mọi người, đây là nỗi đau vô bờ bến, nhưng với bà, một người phụ nữ đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, gánh chịu nỗi đau 10 năm xa vắng người chồng, người anh, người đồng đội của mình, một người mẹ - người bà phải trải qua những ngày tháng cuối đời nơi viện dưỡng lão cô quạnh đến thương cảm…, thì đó chính là cuộc đoàn tụ với nhà văn Nguyễn Đình Thi.

Em chưa về,
Anh đứng ngồi không yên,
Lúc vắng Anh,
Em lửa cháy trong lòng!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tiến Đạt

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tiếc cho Quế Ngọc Hải