Đường đua phim Việt mùa Tết không có quá nhiều dự án nổi bật, song danh sách các bộ phim sẽ ra rạp trong năm 2019 lại khiến khán giả phải đứng ngồi không yên. Có thể dễ dàng nhận thấy, những nhà làm phim Việt Nam năm Kỷ Hợi 2019 đã khai thác triệt để chất liệu trong nước và đưa tinh thần dân tộc thấm đẫm vào tác phẩm của mình. Các dự án lần lượt ghép thành bức tranh lịch sử đầy đủ với những dấu mốc: từ làng quê Việt Nam trong các giai thoại, cổ tích cho đến đất nước thời kì chống giặc ngoại xâm.
Những bộ phim đậm màu huyền sử lấy cảm hứng từ cổ tích, giai thoại
Công chiếu đúng vào những ngày đầu tiên của năm Âm lịch 2019, bộ phim Trạng Quỳnh của đạo diễn bạc tỷ Đức Thịnh đưa lên màn ảnh rộng nhân vật được yêu thích nhất văn hóa dân gian. Trạng Quỳnh do “hot boy bỏ thi The Face” đảm nhận là một chàng trai tài trí, thông minh hơn người, anh cùng người bạn Xẩm (Trấn Thành) và nàng Điềm (Nhã Phương) lên đường giải oan cho thầy Đoàn, người bị công tử con trai quan lớn vu oan giáng họa. Thông qua tiếng cười hài hước, dí dỏm nhưng không kém phần kịch tính, tác phẩm đã thể hiện niềm tin và ước mơ của những phận đời thấp cổ bé họng của xã hội phong kiến xưa, đồng thời tôn lên vẻ đẹp trí tuệ của người dân Đại Việt.
Trong khi đó, dự án điện ảnh Sơn Tinh - Thủy Tinh của đạo diễn Victor Vũ và phim hoạt hình 3D mang tên Sơn Thần lại cùng lựa chọn câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh làm cảm hứng để đưa lên màn ảnh rộng. Đặc biệt, Sơn Thần là dự án hoạt hình 3D chất lượng cao do Việt Nam sản xuất, được đầu tư công phu nhất từ trước đến nay. Đây cũng là tác phẩm thực hiện hoàn toàn trên máy tính và đánh dấu lần đầu áp dụng thử nghiệm phương pháp công nghiệp hóa hoạt hình 3D hiện đại tại Việt Nam.
Sử dụng công nghệ hiện đại và được thực hiện hoàn toàn trên máy tính, song thông qua trailer được nhà sản xuất tung ra, Sơn Thần vẫn thể hiện tinh thần dân tộc thông qua tạo hình, trang phục nhân vật. Đồng thời, bộ phim cũng hứa hẹn sẽ đem đến tiếng cười giải trí, vui nhộn cùng với bài học nhân văn ý nghĩa.
Giống với những giai thoại về Trạng Quỳnh, nhân vật Trạng Tí cũng đại diện cho trí thông minh và ước mơ chống lại cường hào ác bá của nhân dân xưa. Năm 2019, “đả nữ” Ngô Thanh Vân đã mua lại bản quyền bộ truyện tranh nổi tiếng Trạng Tí - Thần đồng đất Việt và chuyển thể thành live-action. Không chỉ mong muốn ra mắt phần mở đầu vào năm 2019, “đả nữ” còn kì vọng tác phẩm sẽ trở thành sequel cho nhiều phần, ra mắt mỗi hè hoặc Tết cổ truyền hằng năm.
Với đầu óc hơn người, sự thông minh, lém lỉnh và không kém phần hài hước, Trạng Tí là đại diện cho trí tuệ của những con người Việt nhỏ bé, bình dị nhưng vẫn luôn giành chiến thắng, đồng thời thông qua đây, lịch sử nước Việt cũng được hiện lên gần gũi, dễ nhớ hơn. Chính vì thế, dự án của “đả nữ” Ngô Thanh Vân được khán giả kì vọng sẽ là mở đầu hoàn hảo cho sequel Trạng Tí, cũng như Vũ trụ điện ảnh cổ tích Việt Nam.
Những bộ phim đưa người xem về thời kỳ khói lửa
Chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa của Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận để những biên kịch, đạo diễn trong nước khai thác và đưa lên màn ảnh rộng. Sau loạt giai thoại, truyện cổ tích kể về những con người kiệt xuất thuở dựng nước, hành trình giữ nước của dân tộc cũng là câu chuyện nói mãi không hết. Năm 2019, khán giả yêu điện ảnh Việt Nam cũng nóng lòng trước các dự án mạnh bạo khai thác đề tài này.
Đầu tiên, phải kể đến phim ngắn mang tên Những cánh én đầu tiên vừa làm mưa làm gió trên các trang mạng xã hội thời gian qua sau khi tung ra trailer ngắn. Lấy bối cảnh Hàm Rồng, Thanh Hóa năm 1965, phim đưa lên màn ảnh trận không chiến đầu tiên giữa Không quân Việt Nam và Không quân Mỹ. Dưới góc nhìn của nghệ thuật, trận chiến sinh tử đã hiện lên đầy bi tráng với sự cộng hưởng của hình ảnh và âm thanh, khiến người xem không khỏi nổi da gà vì cảm động và tự hào. Đặc biệt, bộ phim sẽ chính thức khởi chiếu vào dịp 30/04.
Trailer “Những cánh én đầu tiên” nhận được phản hồi tích cực từ khán giả vì sự bi tráng.
Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng cho ra rạp phiên bản điện ảnh của Đất rừng phương Nam vào năm 2019. Phim chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An, với bối cảnh là miền Tây Nam Bộ Việt nam vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Theo cha mẹ chạy hết từ vùng này đến vùng khác để di tản, An phải chạy trốn khỏi giặc ngoại xâm và một lần vô tình lạc mất gia đình, trở thành đứa trẻ lang thang. Từ đó, hành trình lưu lạc lắm thăng trầm của An bắt đầu mở ra, để rồi cuối cùng cậu quyết chí đi theo các anh du kích.
Một dự án khác cũng không kém phần hấp dẫn là 90 ngày hạ của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. Bộ phim được lấy cảm hứng từ hình tượng của những giai nhân tài sắc một thời của Sài Gòn ngày cũ: Thanh Nga, Kim Cương, minh tinh tuyệt trần Thẩm Thúy Hằng với các biến cố nghiệt ngã, đoạn tình nồng nàn xưa, qua đó khắc họa cuộc sống và chân dung con người của Sài Gòn thập niên 70.
Lịch sử và văn hóa dân tộc luôn là chất liệu độc đáo, không trùng lặp để các nhà làm phim đưa lên màn ảnh rộng. Năm 2019, những dự án thấm đẫm tinh thần đất nước được xem là dấu hiệu đáng mừng của điện ảnh Việt Nam, khi các tác phẩm trong nước đã không còn cóp nhặt mà nỗ lực mang lên màn bạc “đặc sản” của riêng Việt Nam.