Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Hậu trường

Livestream khi xem phim chiếu rạp: Hãy cận thận, vì có thể bị… ngồi tù

Có thể nói đây là vấn đề khiến nhà làm phim đau đầu, gây nhức nhối cho nhiều khán giả chân chính.

Những ngày qua, làng phim Việt chào mừng sự lên ngôi của Em chưa 18 - bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử ngành chiếu bóng nội địa với con số 108 tỷ đồng. Với nội dung dễ thương, hiệu ứng lan truyền tốt, bộ phim vẫn giữ được độ nóng sau 2 tuần ra mắt. Nhưng bên cạnh những khán giả đến thưởng thức phim, điều đáng buồn là có một bộ phận người xem vào rạp chỉ trực chờ quay lén lại nội dung. Thậm chí với sự phát triển của công nghệ hiện nay, nhiều người còn livestream, phát trực tiếp về cho anh em bạn bè trên mạng xã hội cùng xem, chia sẻ, bàn luận. Chỉ cần một chiếc smartphone có camera và kết nối 3G, khán giả đã có thể “bê” cả một bộ phim ra ngoài rất nhẹ nhàng, đơn giản.

Nhiều khán giả vào rạp xem phim và vô tư ghi lại nội dung tác phẩm.

Vấn nạn ngày càng trở nên nghiêm trọng đến mức đích thân các thành viên trong đoàn làm phim như nam diễn viên Kiều Minh Tuấn, Will 365, nhà sản xuất Charlie Nguyễn đều lên tiếng phản đối hành động này. Đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ: “Tôi thật sự cảm thấy buồn vì ý thức của những bạn trẻ này. Không chỉ nói riêng cho bộ phim và việc phạm luật, những gì họ đang làm sẽ gây ra hậu quả tiêu cực cho cả nền điện ảnh mà trong đó có cả họ là khán giả”. Có thể nói đây là vấn đề khiến nhà làm phim đau đầu, gây nhức nhối cho nhiều khán giả chân chính.

Vào rạp xem phim, nhân tiện… ghi hình: Câu chuyện chưa bao giờ cũ

Thật buồn, hành vi vào rạp xem phim rồi… tiện tay ghi hình được cho là câu chuyện không mới tại thị trường điện ảnh Việt. Nhiêu người có suy nghĩ khá hồn nhiên rằng mình bỏ tiền ra mua vé thì có thể chụp ảnh, quay phim tác phẩm để bạn bè, người thân ở nhà có thể xem miễn phí, mà không nghĩ rằng đây là sự ngược đãi, coi thường sức lao động của các nghệ sĩ và cả ê - kíp thực hiện bộ phim. Từ những năm trước, tình trạng này đã khá phổ biến, người xem còn đăng tải lên các trang chia sẻ video. Nhưng những năm gần đây, cùng sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, tính lan truyền của hành động này càng được nâng lên mức cảnh báo cao độ.

Ngô Thanh Vân từng đau đầu về vấn nan này khi Tấm Cám: Chuyện chưa kể ra rạp.

Còn nhớ năm ngoái, khi bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể ra rạp, đạo diễn Ngô Thanh Vân từng mắc vào trường hợp đau đầu khi một khán giả nữ tại TP.HCM thản nhiên dùng điện thoại quay phim rồi phát toàn bộ nội dung lên trang cá nhân khiến phía VAA và BHD phải mời ra ngoài làm việc, có hình thức lập biên bản xử lý tại rạp, yêu cầu tháo bỏ đoạn video nếu không sẽ nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng. Vụ việc sau đó được giải quyết êm thấm nhưng là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều khán giả, cụm rạp cũng như các nhà sản xuất. Nhiều phim Việt sau đó cũng gặp tình huống dở khóc dở cười tương tự như Vòng eo 56; 4 năm, 2 chàng, 1 tình yêu; Chạy đi rồi tính…

Để cẩn thận, ê-kíp Em chưa 18 còn làm hẳn một video nhắc nhở khán giả những điều nên tránh khi vào rạp xem phim.

Livestream khi xem phim chiếu rạp: Hãy cận thận, vì có thể bị… ngồi tù

Trong đó, việc không ghi hình trong rạp được nhấn mạnh.

Một điều đáng lưu ý hơn nữa đó là tại tất cả các cụm rạp hiện nay đều quy định rõ người xem không được quay phim, chụp ảnh trong phòng chiếu. Thông báo này được phát đi phát lại nhiều lần trước khi phim chiếu, được nhân viên rạp đi nhắc nhở tận nơi, nhưng việc các vụ việc liên tiếp xảy ra không thể đổ thừa cho vô tình, không biết. Dù không thể phủ nhận để xảy ra việc này một phần do quản lý tại rạp chưa thực sự chặt chẽ, nhưng cũng không thể bỏ qua yếu tố quan trọng nhất - ý thức của người xem.

Vô tình ghi hình, ngồi tù như chơi

Nhiều khán giả khi vào rạp thường nghĩ việc quay phim, chụp hình tác phẩm, nếu bị phát hiện cũng chỉ dừng ở mức nhắc nhở hay cảnh cáo từ nhân viên trong rạp. Nhưng thật ra, mọi việc nghiêm trọng hơn thế rất nhiều. Việc quay lén trong rạp chiếu phim trước tiên đã vi phạm quy định, nội quy của rạp chiếu phim. Việc này sẽ bị xử phạt theo quy định của rạp chiếu phim đó. Thậm chí đây là hành vi vi phạm bản quyền, đã được quy định rất rõ ràng trong các văn bản pháp luật, .

Theo Điều 27 Nghị định 131/2013/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, người thực hiện hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình sẽ bị phạt tiền từ 15-35 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên internet và kĩ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép, ghi âm ghi hình.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người có hành vi vi phạm còn có thể bị xử lí hình sự. Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình. Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50 - dưới 300 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 - dưới 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 - dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50 -300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Như vậy, việc quay lén trong rạp chiếu phim để cho bản thân lưu lại hoặc cho bạn bè xem, nếu bị phát hiện thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, còn việc quay lén trên nhằm vào mục đích mua bán nhiều sản phẩm, nhiều lần nhằm thu lợi bất chính sẽ bị xử lý hình sự. Vậy nên hãy là một khán giả thông minh và sáng suốt khi vào rạp, bạn nhé!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vân Ngọc

Được quan tâm

Tin mới nhất
iPhone 15 vẫn là lựa chọn tốt vào năm 2025?