Phim Ảnh

Lịch sử Việt Nam cũng có một 'Ngụy Anh Lạc' ngông nghênh để lấy cảm hứng làm phim cung đấu

Minh Khôi
Chia sẻ

Trong lịch sử Việt Nam, từng có một phi tần có cá tính không khác gì Ngụy Anh Lạc: Dương Tài nhân.

Ắt hẳn bất kì ai đã xem qua bộ web drama cực kì đình đám Diên Hi công lược xoay quanh cuộc đời của thiếu nữ Ngụy Anh Lạc đều biết cá tính cực kì mạnh mẽ của cô gái này. Trong đó, có một chi tiết “dở khóc dở cười” chính là việc Ngụy Anh Lạc cả gan mắng chửi Hoàng đế Càn Long xối xả, không kiêng dè bằng tất cả những từ ngữ thậm tệ nhất, thậm chí còn cả gan gọi bậc cửu ngũ chí tôn là… cô nương thanh lâu, với mục đích để… chữa bệnh cho Hoàng đế (!).

Và tất nhiên, với “hào quang nữ chính” tỏa ra ngời ngời, Ngụy Anh Lạc dễ dàng thoát khỏi đại tội khi quân phạm thượng, đại tội mà người khác phạm phải chắc chắn không thoát khỏi án tru di cửu tộc.

Trích đoạn Ngụy Anh Lạc mắng Hoàng đế thậm tệ.

Tại Việt Nam cũng có một trường hợp khá tương đồng, cũng là một nữ nhân đã mạo muội xúc phạm Hoàng đế, tuy nhiên, liệu số phận của nữ nhân này có giống với Ngụy Anh Lạc?

Câu chuyện với kết cục “cười ra nước mắt” của
một vị Tài nhân dưới triều Thành Thái

Hoàng đế Thành Thái, huý Nguyễn Phúc Bửu Lân, là vị quân chủ thứ 10 của triều đại nhà Nguyễn trị vì trong khoảng thời gian từ 1889 - 1907. Thành Thái đế là con trai thứ 7 của Cung Tông Huệ Hoàng đế (Dục Đức đế) với Từ Minh Huệ Hoàng hậu, ông được đưa lên ngôi năm 10 tuổi.

Là một trong những vị Hoàng đế có tinh thần chống người Pháp mạnh mẽ nhất, qua những ghi chép trong chính sử lẫn những giai thoại truyền miệng, Thành Thái đế hiện lên là một vị Hoàng đế có cá tính mạnh và độc đáo đến mức ngang tàng. Tuy nhiên đó là những câu chuyện ở tiền triều, hậu cung của Thành Thái đế lại là những giai thoại độc nhất như chính cuộc đời ngài vậy.

Ảnh chụp của người Pháp, Hoàng đế Thành Thái mặc áo hoàng bào, đội mũ Cửu long Đường cân.

Câu chuyện của chúng ta xoay quanh Cửu giai Tài nhân Dương Thị Ngọt vẫn là một trong những giai thoại thú vị nhất khi nói về hậu cung của Hoàng đế Thành Thái.

Quê quán của bà Dương Thị Ngọt là vùng đất ngày nay thuộc thôn Hội Kì, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ của bà là Dương Quang Xứng, làm đến Bố chính tỉnh Khánh Hoà (chức quan đứng đầu việc quản lí hành chính tại tỉnh Khánh Hoà) dưới triều Thành Thái. Cùng với sự thăng tiến trên hoạn lộ, ông đã đưa con gái của mình tiến cung. Dương Thị Ngọt nhập cung và được sơ phong làm Cửu giai Tài nhân, vị trí xem như thấp nhất trong thứ bậc phi tần hậu cung Nguyễn triều.

Thứ bậc hậu cung của Thành Thái gồm Hoàng Quý phi Nguyễn Thị Vân Anh là người đứng đầu, kiêm nhiếp Lục viện. Dưới Hoàng Quý phi, thứ tự từ trên xuống dưới là: Huyền Phi Nguyễn Hữu thị, Khoan Phi Hồ thị, Tiết Phi Đoàn thị, Thịnh Tần Nguyễn thị, Dịch Tần Trương thị - ngoài ra còn nhiều bậc Tiệp dư, Mỹ nhân, Tài nhân. Với số lượng nữ nhân đông đảo cùng “quây quần” trong một Tử Cấm Thành, việc xảy ra những cuộc tranh đấu, thị phi là điều không thể tránh khỏi.

Ảnh chụp Huyền Phi Nguyễn Hữu Thị Nga trong Đại Nội Huế.

Tài nhân Dương thị có với Thành Thái đế một người con trai (song người con này lại chết sớm khi chỉ được vài ngày tuổi), bà mất đột ngột vào năm 1901, nguyên nhân cái chết của bà không được ghi trong chính sử - tuy nhiên sau khi bà chết, Thành Thái đế vẫn ban thuỵ hiệu là Thục Thận và dùng đầy đủ điển lễ của một Cửu giai Tài nhân để hạ táng, đưa về quê nhà chôn cất chu đáo. Ngày nay mộ của bà vẫn còn nguyên vẹn với tấm bia ghi rõ: “Hoàng triều Cửu giai Tài nhân thuỵ Thục Thận Dương Thị chi tẩm, Thành Thái thập tam niên bát nguyệt cát nhật tạo”. (Tẩm của bà Cửu giai Tài nhân Dương thị, thụy hiệu Thục Thận của Hoàng đế. Lập vào ngày lành tháng Tám, năm Thành Thái thứ 13).

Gia tộc họ Dương vẫn còn truyền lại câu chuyện hi hữu về nguyên nhân cái chết của bà… Số là Hoàng đế Thành Thái tuy là một ông vua yêu nước, có tinh thần chống Pháp nhưng ông không bài bác văn minh phương Tây. Mà ngược lại, Hoàng đế là một người khá chuộng văn minh phương Tây, ông có tinh thần cấp tiến với việc học tiếng Pháp, mặc âu phục, học lái xe hơi. Một ngày nọ, Hoàng đế cắt tóc ngắn theo kiểu phương Tây và đem “quả tóc” mới toanh ấy khoe với dàn hậu cung của mình…

Nguồn ảnh: Trang Facebook Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi - 天南歷代后妃.

Tất nhiên, các bậc phi tần khắp nội cung đều thừa dịp “khen lấy khen để” nhằm tranh giành sủng ái trong mắt Thành Thái, tuy nhiên, không biết vì lí do gì, Tài nhân Dương Thị Ngọt lại buộc miệng thốt lên: “Trông như kẻ cướp ấy”. Tất nhiên, câu nói “vạ mồm” này đã làm long nhan đại nộ… Và bà đã bị khép tội khi quân phạm thượng và xử tử hình ngay sau đó!

Nguồn ảnh: Trang Facebook Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi - 天南歷代后妃.

Có lẽ, nếu Ngụy Anh Lạc mà sinh nhầm thời, vào thời Nguyễn ở nước ta thay vì thời Thanh của Trung Quốc, vào triều Hoàng đế Thành Thái thay vì triều Hoàng đế Càn Long, thì có lẽ Diên Hi công lược đã kết thúc sớm từ tập 10 mất rồi!

Chia sẻ

Bài viết

Minh Khôi

Thiết kế

Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất