Kể từ sau giai đoạn 2012-2015, khi các nhà làm phim “đổ xô” chuyển hướng sang thể loại phim kinh dị, dòng phim này dường như đang chững lại và bị bão hoà tại thị trường Việt Nam. Các mảng miếng “rùng rợn” để tăng cảm giác hồi hộp hay những chiêu thức doạ ma đang bị không ít khán giả “bắt bài”. Vì thế, phần lớn các bộ phim đều không còn giữ được yếu tố bất ngờ vốn có. Mặt khác, việc Đà Lạt - một địa điểm có nhiều biệt thự bỏ hoang, hẻo lánh - được khai thác triệt để trên màn ảnh rộng cũng dần khiến những “mọt” phim kinh dị chán ngán.
Không chỉ dừng lại ở đó, việc các tác phẩm kinh dị Việt bị “đặt lên bàn cân” so sánh với tác phẩm trong khu vực như Thái, Nhật hay Hàn cũng trở thành một chướng ngại vô hình nào đó cản trở bước tiến của dòng phim này. Nhằm phá tan định kiến ấy, Lý Hải không ngần ngại đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho dự án bom tấn Lật Mặt: Nhà có khách. Ngoài ra, quyết định đưa chất liệu hài vào bộ phim cũng là một bước đi vừa sáng tạo, vừa liều lĩnh của ê-kíp. Liệu hai khía cạnh tưởng chừng như trái ngược của điện ảnh có hoà hợp được với nhau?
Hài - kinh dị: Tưởng không sợ nhưng lại…sợ không tưởng
Thật ra, thể loại hài - kinh dị đã từng được một số nhà làm phim áp dụng trước đây, như Housebond (2014) hay Oh! My Ghost (2014). Điểm mạnh của chất liệu này chính là sự đa dạng hoá đối tượng khán giả đến rạp. Kể cả khi bạn là một người sợ ma, thì sự căng thẳng, lo sợ cũng được giảm đi nhiều hơn nhờ các tình tiết hài hước trong phim. Chưa từng có một tác phẩm kinh dị Việt Nam nào lại khiến khán giả một giây trước vừa khóc vì sợ, một giây sau đã phải cười trong vỡ oà vì không đỡ nổi “cây hài” Mạc Văn Khoa - nhân vật có thể nói là sáng và đáng nhớ nhất bộ phim.
Tuy nhiên, không vì thế mà Lật Mặt giảm đi độ rùng rợn. Phần lớn các phân cảnh “lạnh sóng lưng” của bộ phim đều diễn ra xung quanh một căn nhà tồi tàn có ô cửa sổ hướng ra một khu rừng lớn. Chính nhờ sự kết hợp hợp lý giữa không gian kín và không gian mở này, ê-kíp cũng có nhiều cách sáng tạo chiêu thức “doạ ma” mới mẻ hơn, ít trùng lặp hơn.
Đầu tư có tâm nhưng liệu khả năng diễn xuất của diễn viên chính đã đủ tầm?
Dàn diễn viên trẻ chính là khía cạnh khán giả dành nhiều hoài nghi nhất cho Lật Mặt, đặc biệt là cặp đôi diễn viên chính Vy - Huân (Katleen Phan Võ - Jay Quân). Ở một vài phân cảnh đòi hỏi tâm lý diễn xuất sâu lắng, Katleen Phan Võ đã không thực sự thể hiện xuất sắc, do vậy, yếu tố cảm động trong bộ phim từ đó cũng giảm đi khá nhiều. Jay Quân thì lại quá an toàn. đa số khán giả chỉ “trầm trồ” bởi nhan sắc “soái ca”. Có lẽ do đều là hai gương mặt khá mới trong làng điện ảnh, nhân vật Vy và Huân có thể được nhận xét là tròn vai, nhưng không để lại ấn tượng sâu đậm.
Có thể nói, bộ ba hài hước Bình (Mạc Văn Khoa) - Thông (Huy Khánh) - Hoàng Mèo (Phương) quá “ăn rơ” trong việc tạo tiếng cười cho khán giả nên vô tình che lấp đi sự nổi bật của cặp đôi diễn viên chính. Các mảng miếng gây cười trong phim tuy được lồng ghép với yếu tố kinh dị nhưng không hề “lệch tông” một chút nào. Đây đều là các diễn viên đã từng tham gia nhiều dự án hài lớn, nhỏ khác nhau. Trong khi đó, nghệ sĩ Tú Trinh (vai Bà La) nhập vai khá tốt một người mẹ khó hiểu, che giấu nhiều bí mật về Hoàng - em trai của Vy nhưng đồng thời, cũng hết mực yêu thương con.
Tổng kết lại, việc lựa chọn thể loại hài - kinh dị khá mới lạ với thị trường Việt Nam chính là một bước đi đột phá nhưng không hề liều lĩnh của ê-kíp Lật Mặt, nhất là khi thị hiếu xem phim chiếu rạp của nước ta tập trung rất lớn ở thể loại hài. Bằng chứng cho bước đầu thành công của quyết định này chính là việc tác phẩm được công chiếu tại Mỹ và Úc, được dự đoán sẽ bùng nổ về mặt doanh thu.
Đây cũng là tín hiệu đáng mừng dành cho các bộ phim Việt khi chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, đã có 2 phim Việt Nam xuất hiện ở các phòng chiếu nước ngoài. Tiết lộ cuối cùng của Saostar dành cho bạn: “khách” chính là…Suỵt, là người bạn đang nghĩ đến đấy.
Lật Mặt: Nhà có khách sẽ công chiếu trên các rạp trên toàn quốc từ ngày 12.04.2019.