Được đánh giá là “bộ phim gây được xúc cảm mạnh mẽ nhất trong số những bộ phim chiến tranh gần đây”, Người trở về đã thu hút sự chú ý của báo giới và công chúng khi ra mắt tại Hà Nội trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Bộ phim dựa theo ý tưởng tác phẩm văn học Người về bến sông Châu của nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh, với ê-kíp sáng tạo trẻ chủ yếu thuộc thế hệ 8X, 9X. Đây cũng là dự án phim truyện nhựa màu 35 mm cuối cùng của điện ảnh Việt Nam.
Sắp tới, Người trở về được chiếu miễn phí tại cụm rạp CGV Art House - Parkson Paragon trong 3 ngày 17, 18 và 19/10 với 7 suất mỗi ngày vào các khung giờ: 9h, 11h10, 13h20, 15h30, 17h40, 19h50, 22h. Để nhận vé, khán giả có thể liên hệ lấy vé trước các suất chiếu tại CGV - Tầng 5, toà nhà Parkson Paragon, số 3 Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP HCM.
Nội dung xúc động
Phim kể câu chuyện về Mây (Lã Thanh Huyền), người thiếu nữ dâng hiến quãng đời thanh xuân tươi đẹp nhất cho cách mạng. Khoác ba lô trở về bến sông Châu với niềm vui đoàn tụ gia đình và gặp lại San (Phạm Tiến Lộc) - mối tình thề hẹn trước ngày ra trận, nhưng trớ trêu thay, ngày Mây về lại là ngày cưới của San, đồng thời gia đình cũng đang chuẩn bị làm đám giỗ khi nhận được giấy báo tử của cô tròn một năm trước.
Không muốn làm một người phụ nữ khác phải đau khổ, Mây từ chối ý định “cùng nhau làm lại từ đầu” của San và bỏ ra bến đò sống cô độc. Rồi một ngày, Quang (Trương Minh Quốc Thái) - người lính trinh sát miền Nam nặng lòng với cơ duyên nơi chiến trận, đã rong ruổi khắp nơi tìm cô y tá ngày nào. Quang nguyện ở lại, dùng tấm chân tình, yêu thương, chăm sóc Mây suốt cuộc đời. Nước chảy thì đá cũng mòn, nhưng ngày Mây quyết định lấy Quang cũng là ngày cô biết được sự thật: vết thương thời chiến đã lấy mất của cô khả năng làm mẹ…
Người trở về được dàn dựng bởi đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền, người từng giành được nhiều giải thưởng trong cả phim truyền hình lẫn tài liệu như 6 giải Bông sen vàng cho bộ phim 13 bến nước, Huy chương vàng Liên Hoan Truyền Hình toàn quốc 2010 với Tấm bản đồ số phận, Giải Ban giám khảo Liên hoan Cánh diều vàng 2015 với bộ phim Đất Lành.
Những câu chuyện hậu trường đặc biệt
Người trở về được quay trong những ngày lạnh giá nhất của mùa đông miền Bắc, trong khi đó cảnh trong phim là mùa hè và hầu hết quay ở dưới nước. Nhiều người trong đoàn phim đã đổ gục vì kiệt sức. Nữ diễn viên chính Lã Thanh Huyền trong một cảnh quay đã ngất trên tay bạn diễn Trương Minh Quốc Thái.
Tuy nhiên với bản lĩnh nghề nghiệp và không muốn làm hỏng cảnh quay, Trương Minh Quốc Thái đã giữ Huyền trên tay để đóng nốt phân đoạn của mình. Ngay sau đó, cả hai được đưa lên bờ sơ cứu, truyền nước, ủ ấm.
Bộ phim cũng có nhiều cảnh cháy nổ mô phỏng lại tình hình chiến tranh. Diễn viên quần chúng đều là những nữ sinh viên quân y còn rất trẻ, chưa từng biết tới bom rơi đạn nổ. Khi cảnh quay bắt đầu, nhiều cô gái đã bật khóc, có cô sau khi diễn xong đã ngất vì sợ hãi. Tuy nhiên, khi nỗi sợ hãi đi qua, các nữ sinh viên đều xin được đóng tiếp.
Cảnh quay chiến tranh trong Người trở về có nhiều hiệu quả hóa trang đặc biệt, nhiều diễn viên đã phải cởi trần phơi mình dưới cái lạnh mấy độ ngoài bìa rừng để hóa trang vết thương trên cơ thể.
Các diễn viên như Lã Thanh Huyền và Dũng Nhi phải học chèo thuyền trong một thời gian dài trước và trong khi bấm máy để thể hiện được ra đúng chất những người dân sông nước.
Diễn viên Thu Trang vai Liễu điên (Liễu hóa điên khi nghe tin chồng hy sinh) đã tự nguyện vào trại tâm thần trong vài ngày để theo dõi, quan sát cách sinh hoạt, nói năng và trạng thái của những người có tâm lý bất thường.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền dù được ưu tiên là đạo diễn, lại là nữ nhưng khi thấy ê-kíp ngâm mình dưới nước quay đã quyết định xuống đứng cạnh diễn viên và quay phim. Cô muốn tiếp lửa và động viên tinh thần của anh em. Người thầy của cô - đạo diễn. NSND Nguyễn Khắc Lợi dù đã ngoài 80 tuổi nhưng đã lặn lội xuống tận trường quay để động viên tinh thần học trò cưng, dù những ngày bấm máy là thời gian lạnh giá và khắc nghiệt nhất của mùa đông phía Bắc.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền và quay phim Trịnh Quang Tùng được coi là cặp bài trùng trong giới điện ảnh phía Bắc. Hai người hợp tác với nhau rất nhiều dự án và hầu như những phim đó đều đạt được thành tích cao trong các giải hội nghề nghiệp. Họ vừa là những người bạn vừa là anh em kết nghĩa coi nhau như ruột thịt. Điều trùng hợp là thầy chủ nhiệm của Đặng Thái Huyền - đạo diễn, NSND Khắc Lợi lại là bạn thân của nhà quay phim - NSƯT Trần Trung Nhàn, thầy chủ nhiệm của Trịnh Quang Tùng. Hai tiền bối đã hợp tác với nhau trong nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam trong đó có bộ phim Tướng về hưu.
Có những cảnh quay phim Trịnh Quang Tùng vì say cảnh đã ôm máy quay để quay những cảnh vác vai theo chuyển động của nhân vật (cả máy quay và ống kính khoảng hơn 40 kg), sau khi quay xong, anh đã không thể đứng vững được vì cột sống bị tổn thương. Nhưng ngay ngày hôm sau, anh Tùng lại tiếp tục công việc mà không hề kêu than một lời.