Parasite (tựa Việt: Ký sinh trùng) là bộ phim điện ảnh mới nhất của đạo diễn Bong Joon-ho, phim mang đầy vẻ kịch tính, gay cấn đồng thời châm biếm lối sống của lớp trẻ hiện nay, cùng thông điệp xã hội sâu sắc. Đây là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của nền phim ảnh Hàn Quốc đạt được giải Cành cọ vàng tại liên hoan phim Cannes.
Bộ phim lấy bối cảnh đất nước Hàn Quốc thời hiện đại với màu phim lạnh và âm u như chính cuộc sống của bốn nhân vật chính. Họ là thành viên của một gia đình nghèo gồm ông bố Ki-taek (Song Kang-ho), bà mẹ Choong-sook (Jang Hye-jin) cùng hai người con là Ki-woo và Ki-jung. Hai trụ cột gia đình là Ki-taek và Choong-sook đều không có công việc ổn định, làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Có một khoảng thời gian, hai người nhận gấp hộp bánh pizza để kiếm tiền sinh hoạt cho cả nhà.
Cậu con trai là Ki-woo thì lận đận trong việc học khi thi đại học bốn lần đều trượt, cũng không có nghề nghiệp gì nên chỉ biết ở nhà phụ bố mẹ. Vì nhà quá nghèo không thể đóng nổi học phí nên cô em gái Ki-jung cũng nghỉ học. Cứ thế bốn người sống chen chúc trong ngôi nhà hầm dột nát, tối tăm. Nhà họ túng thiếu đến mức ăn uống phải chạy từng bữa một, tiền sinh hoạt thì thiếu trước hụt sau.
May mắn đến với nhà của ông Ki-taek khi cậu con trai lớn rành rẽ đề thi đại học môn tiếng Anh đã tìm được một chân gia sư trong một nhà giàu có nhưng trịch thượng. Biết được gia thế khủng của nhà chủ, Ki-woo đã tìm đủ mọi cách để đưa người thân của mình vào nơi đây để làm việc. Gia đình túng quẫn này tưởng rằng điềm may đã thật sự đến với mình khi gia chủ tin tưởng họ hết mực, thì từ đâu, những rắc rối liên tục kéo đến và vạch trần bộ mặt giả tạo của cả bốn thành viên.
Đạo diễn Bong Joon-ho đã rất may mắn khi nhận được sự tham gia hết mình của các diễn viên tài năng trong dự án của mình, nhất là nam tài tử Song Kang-ho. Nhờ đó, bộ phim của ông mới sinh động và chân thật đến vậy. Tựa đề của bộ phim cũng thể hiện sự tinh tế của nam đạo diễn khi vừa gây được hiệu ứng tò mò cho khán giả, khiến họ nghĩ rằng đây là phim kinh dị; vừa ẩn ý cho những kiếp người trong phim.
Đây là tác phẩm phim điện ảnh Hàn Quốc đầu tiên đạt được giải Cành cọ vàng trong lịch sử, vượt qua nhiều đối thủ nặng ký như Portrait of a Lady on Fire của nữ đạo diễn người Pháp, hay bộ phim Once Upon a Time… in Hollywood của đạo diễn Quentin Tarantino. Việc Ký sinh trùng nhận được bốn tượng vàng Oscar cho những đề cử đạo diễn xuất sắc nhất, phim hay nhất, kịch bản gốc xuất sắc nhất và phim quốc tế xuất sắc nhất, đã chứng minh được sức hút tuyệt vời, cũng như những giá trị sâu sắc của bộ phim.
Sau bộ phim Tây Ban Nha Talk to her nhận được tượng vàng Oscar cao quý cách đây mười tám năm, Ký sinh trùng là tác phẩm nói tiếng nước ngoài kế tiếp đại thắng tại giải thưởng do Viện Hàn lâm Mỹ tổ chức hàng năm.
Thông điệp rằng khoảng cách giàu-nghèo trong một xã hội đôi khi chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều bi kịch cho các gia đình được bộ phim khắc hoạ sâu sắc trong phim. Qua từng cảnh quay, từng cử chỉ, từng câu thoại của các nhân vật, khán giả đều cảm nhận được rõ ràng thông điệp này. Giọng kể vừa hài hước, trào phúng vừa chua xót, sâu cay của nam đạo diễn người Hàn cũng góp phần không nhỏ trong việc đả kích hiện tượng phân biệt giàu nghèo của các thành phần trong xã hội. Và có lẽ, vì vấn nạn này đang trở thành một mối ung nhọt trong rất nhiều xã hội, không riêng gì xã hội Hàn Quốc, nên bộ phim phê phán lối suy nghĩ sai trái này đã dễ dàng chinh phục được các thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ hay Pháp. Từ đó, bộ phim gặt hái về cho ekip của mình nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá.
Dưới góc nhìn của đạo diễn Bong, các cặp giá trị trong xã hội không có ranh giới rõ ràng, như thể màu đen và màu trắng, cái giàu và cái nghèo, lẽ phải và điều càn quấy. Mọi thứ đều mang tính tương đối. Người tự cho là mình nghèo chưa chắc đã thật sự nghèo trong mắt người khác. Kẻ tự xem là mình sang giàu liệu đã thật sự thấy cuộc sống của mình đầy đủ hay họ vẫn luôn khao khát nhiều hơn?
Xem Ký sinh trùng, đến cuối cùng, chúng ta sẽ nhận ra không có ai là kẻ chiến thắng, cục diện lưỡng bại câu thương mới là hiện thực. Vậy thì thay vì phải đấu tranh, giành giật đến một mất một còn để phân định xem ai là kẻ thắng cuộc, ai là người giàu có thì sao chúng ta không chấp nhận sống giữa những lằn ranh của các cặp giá trị, tại đó, mỗi người được sống cuộc đời của mình, không vì điều gì mà phải ký sinh sinh mệnh của mình cho kẻ khác.
Chất lượng của bộ phim, nhìn ở góc độ kĩ thuật và hình ảnh đều rất tuyệt vời. Máy quay đi qua từng căn phòng rồi đến hành lang trong nhà một cách nhịp nhàng, khiến người xem có cảm giác như mình đang ẩn thân trong căn biệt thự bạc tỉ kia để theo dõi từng hành động của các nhân vật. Các cảnh quay được thực hiện một cách mượt mà, tỉ mỉ. Tuy bộ phim ít sử dụng ngoại cảnh, hầu hết các sự việc đều xảy ra trong khu biệt thự mà gia đình nọ kí sinh, nhưng khán giả không hề có cảm giác nhàm chán. Để đạt được hiệu ứng này, ekip của Ký sinh trùng đã khéo léo kết hợp các yếu tố như ánh sáng, âm thanh, nhịp phim để tạo nên sự mới mẻ cho khán giả, mỗi khi “bước chân” vào căn nhà ẩn chứa nhiều dục vọng kia.