Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Ký sinh trùng' - Phim kinh dị 'Us' của xã hội Hàn Quốc

Choáng ngợp trước kịch bản của Ký sinh trùng, nhiều người cho rằng bộ phim của đạo diễn Bong Joon Ho có những nét tương đồng với phim kinh dị Us vừa gây chấn động phòng vé toàn cầu cách đây không lâu.

Phim Ký sinh trùng (Parasite) là tác phẩm Hàn Quốc của đạo diễn Bong Joon Ho vừa thắng giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes (Pháp) lần thứ 72. Bên cạnh danh hiệu phim Hàn Quốc đầu tiên thắng giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Cannes, phim Ký sinh trùng thu hút khán giả châu Á với cốt truyện bất ngờ cùng sự pha trộn giữa yếu tố kinh dị, giật gân và hài hước.

Choáng ngợp trước kịch bản của Ký sinh trùng, nhiều người cho rằng bộ phim của đạo diễn Bong Joon Ho có những nét tương đồng với phim kinh dị Us vừa gây chấn động phòng vé toàn cầu cách đây không lâu.

Ký sinh trùng, người bị xích và những tầng hầm

Chuyện phim Ký sinh trùng (Parasite) theo chân gia đình nghèo bốn người gồm ông bố Ki Taek (Song Kang Ho), bà mẹ Choong Sook (Jang Hye Jin) thất nghiệp ở nhà, con trai cả Ki Woo (Choi Woo Sik) phụ việc bố mẹ sau bốn lần thi trượt đại học và em gái Ki Jung (Park So Dam) phải nghỉ học do không đủ tiền trả học phí. Cuộc sống gia đình sang trang mới sau khi Min Hyuk (Park Seo Joon) - bạn thân của Ki Woo - mang đến tặng hòn đá tài lộc và nhờ Ki Woo làm gia sư thay mình tại một gia đình giàu có.

Trong khi đó, phim Us theo chân gia đình bốn người Adelaide Wilson (Lupita Nyong’o), Gabe Wilson (Winston Duke), con trai út Jason Wilson (Evan Alex) và con gái Zora Wilson (Shahadi Wright Joseph). Trong chuyến đi chơi biển vào dịp nghỉ hè, cả gia đình chạm mặt và đối đầu với nhóm người đáng sợ được gọi là ”The Tethered” - phiên bản kinh dị của chính bản thân mình.

Gia đình “ký sinh trùng”…

…và gia đình “người bị xích”.

Trong khi gia đình bốn người của ông Ki trở thành ký sinh trùng ăn bám vật chủ, thì nhóm người bị xích phải sống cuộc đời giống hệt bản thể. Cả hai cùng muốn thoát khỏi thực tại: nhà Ki Woo khao khát được đường đường chính chính sống ở căn biệt thự của ông Park, còn người bị xích muốn giết chết bản thể để thế chỗ.

Ở Us, tầng hầm rộng thênh thang chứa những người bị xích đã được đạo diễn Jordan Peele gợi ý ngay từ đầu phim: có nhiều tầng hầm bị bỏ hoang tại Mỹ không được sử dụng với mục đích gì. Chứa một thế giới mô phỏng lại cuộc sống trên mặt đất nhưng tăm tối và thiếu thốn hơn, hình ảnh tầng hầm tượng trưng cho mặt trái của xã hội đương thời, cũng như sự đối lập giữa những người bị xích và bản thể hào nhoáng với các “món quà đẹp, bữa ăn ngon, hoàng tử và công chúa”.

Còn trong phim Ký sinh trùng, tầng hầm là nơi chứa ký sinh trùng - trước kia là chồng cũ của bà quản gia và sau này là ông Ki Taek. Ở đó, những kẻ nghèo hèn phải sống cuộc đời tối tăm, chui lủi, hôi hám và âm thầm “hút máu” từ vật chủ. Họ cũng như loài gián, hằng đêm lén lút kiếm ăn rồi chạy toán loạn vì sợ gia chủ phát hiện ra. Hình ảnh tầng hầm trong tác phẩm của đạo diễn Bong Joon Ho cũng tượng trưng cho sự chênh lệch giàu nghèo gay gắt tại xã hội Hàn Quốc hiện đại.

Kịch bản hài hước, kinh dị và kết thúc gây shock não

Cả tác phẩm Ký sinh trùng lẫn Us đều không thuộc thể loại kinh dị thuần túy như công chúng hình dung trước đó. Trái lại, đạo diễn người Hàn Quốc Bong Joon Ho và đạo diễn da màu Jordan Peele sử dụng chung công thức: dùng cách kể chuyện hài hước xen lẫn giật gân, kinh dị, các tình tiết mang tính chất gợi mở, những hình ảnh mang nhiều tầng nghĩa.

Cả hai tác phẩm đều gợi mở ngay từ tựa phim Ký sinh trùng Us. “Us” với ý nghĩa “Chúng ta” được nhắc đi nhắc lại xuyên suốt bộ phim, đặc biệt là lời thoại quan trọng của cậu con trai Jason: “They are us” (“Họ là chúng ta”). Song, “Us” cũng có nghĩa là nước Mỹ, những người bị xích đại diện cho hình ảnh nước Mỹ chia rẽ thời nay và đang đánh mất dần sự tự do bởi các chính sách nhập cư dưới thời tổng thống Donald Trump. Những liên tưởng mang tính châm biếm về xã hội và chính trị Mỹ càng trở nên hợp lý hơn khi phim được cầm trịch bởi một đạo diễn da màu từng xuất sắc giành giải Oscar nhờ phim Get Out- bộ phim lấy chủ đề phân biệt chủng tộc.

Trong khi đó, tựa phim Ký sinh trùng chỉ cả người giàu lẫn kẻ nghèo trong xã hội hiện đại Hàn Quốc. Không chỉ riêng mình gia đình Ki Woo, nhà họ Park cũng là ký sinh trùng: ông Park bị ám ảnh về sự giàu sang và hạnh phúc hoàn hảo, bà Park sống lệ thuộc vào chồng, cô con gái thiếu vắng tình thương bấu víu lấy những ảo mộng về tình yêu, còn cậu con trai cảm thấy thiếu an toàn trong chính nơi gọi là nhà.

Dù sử dụng cách kể chuyện hài hước nhưng càng về sau, phim Ký sinh trùng và Us càng giật gân và cuối cùng khép lại bằng cái kết shock não. Những cái bóng trong phim Us thành công giết chết bản thể của mình, còn ký sinh trùng ở Ký sinh trùng đâm chết vật chủ. Thế nhưng, khi giết chết vật chủ, ký sinh trùng không thể trở thành vật chủ, mà buộc phải trông đợi một vật chủ khác. Cũng giống như kẻ nghèo hèn ở tận đáy xã hội không bao giờ thoát khỏi tầng hầm tối tăm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Grassie

Được quan tâm

Tin mới nhất