Kim Ji Young 1982, phim điện ảnh được chuyển thể từ tiểu thuyết gây tranh cãi tại chính Hàn Quốc vừa qua đã chính thức ra rạp. Bộ phim là câu chuyện về người phụ nữ Kim Ji Young (Jung Yu-Mi đóng) trầm cảm sau khi sinh con với những lát cắt quá khứ của một cô gái từng rất hoạt bát, vui tươi. Và ở đó, Jung Dae-Hyun (Gong Yoo đóng) - người chồng luôn ở bên cạnh, tìm mọi cách bảo vệ vợ, giúp cô điều trị căn bệnh này.
Câu chuyện rất đời và chân thực của người vợ, người mẹ
Không quá xa hoa và hào nhoáng, chuyện cô Kim có thể bắt gặp ở rất nhiều gia đình tại Hàn Quốc. Ở đó người phụ nữ khi kết hôn và sinh nở, buộc phải ở nhà để chăm sóc nuôi nấng con cái, sống nhờ vào đồng lương của người đàn ông. Ở cô Kim, chúng ta bắt gặp người phụ nữ tất cả đưa con đi học mỗi sáng, chiều đến tất tả đón con về. Mỗi ngày đương đầu với vô số công việc không tên mang tên việc nhà, từ dọn dẹp, nấu nướng, rửa chén dĩa, tắm và cho con ăn …
Có ai hiểu được sự vất vả đó khi chồng quá bận bịu với sức ép công việc, nhà mẹ chồng và nhà mẹ đẻ đều ở xa không trợ giúp được nhiều. Mỗi ngày trôi qua của bà mẹ bỉm sữa là đối mặt với những bức tường của căn hộ chung cư, nơi chỉ có mình cô vò võ mà không thể nói tỏ cùng ai.
Xung đột của mẹ chồng và nàng dâu mỗi lần lễ Tết
Chăm lo cho gia đình của mình chưa đủ, cô Kim hàng năm còn cùng chồng về nhà để hiếu kính với mẹ cha mỗi dịp lễ Tết sinh nhật. Tưởng là đi về để nghỉ ngơi nhưng không, thay vì hầu hạ làm việc của ba người thì cô phải gánh gồng thêm cho nhiều người khác. Trong gia đình Hàn Quốc, người đàn ông dù có làm gì thì cũng không thể đụng tay chân vô việc bếp núc nhà cửa. Chỗ của họ là ở nhà trên, ở phòng khách, nơi tấp nập những tiếng cười vui đối lập với sự ghẻ lạnh tàn nhẫn nơi căn bếp ngập tràn những bộn bề công việc.
Mỗi sáng sớm khi ngủ còn chưa đủ giấc, cô Kim lại phải thức dậy theo mẹ chồng để tiếp tục công việc bếp núc tưởng chừng vô tận mãi mãi không xong. Nhà vài người nhưng nấu nướng như thể cả đội quân. Mở miệng ra mua đồ bên ngoài thì bị coi là con dâu lười biếng nhưng nai lưng ra làm thì lại quá vất vả đến khùng điên. Những tích tụ đó từ ngày này qua ngày khác, lần này tới lần khác khi mẹ chồng chỉ mải mê kêu con dâu làm nữa đi mà không thể nghỉ ngơi. Để rồi ngọn lửa đó bùng phát lên bất cứ lúc nào không biết !?
Xã hội tàn khốc với những lời lẽ miệt thị khinh bỉ
Trong nhà vất vả làm lụng, về nhà chồng thì bị o ép bức bí này kia. Những lúc thoát ra khỏi bức tường nhàm chán để uống được ly cà phê, thư thả đẩy con đi dạo phố thì cũng là lúc cô Kim nhận lấy những lời lẽ khó nghe từ kẻ xa lạ. Ai nấy nhìn vào tưởng rằng cô sung sướng ở nhà nghỉ ngơi, thoải mái xài tiền chồng đưa mà không lo lắng. Không ai hiểu được những vất vả mà cô phải đương đầu mỗi ngày, những áp lực mà việc gia đình đang đè nén. Có lẽ cũng chẳng ai biết được sự hi sinh thực sự mà mỗi người phụ nữ sinh con phải nhận lấy.
Ra đường mà chẳng thể yên thân với lời xì xầm khắp chốn. Con nhỏ quấy phải dỗ ngon ngọt đã đành, lại bị những con người tưởng là văn minh thượng đẳng kia nói này kia thêm thắt. Chỉ bằng ánh nhìn, bằng sự chớp nhoáng lướt qua nhau mà mẹ con cô Kim trở thành nỗi phiền phức của xã hội, đầy ồn ào và rắc rối. Có lẽ phán xét một người đang trở nên quá dễ dàng mà không ai hiểu những hậu quả đau khổ mà nó đem đến cho người nghe.
Có thể nói chuyện cô Kim phản ảnh đầy đủ những áp lực khó khăn mà người phụ nữ phải đương đầu trong sự cô đơn và thiếu yêu thương chia sẻ khi sinh con. Mỗi người phụ nữ khi xem có thể thấy được sự đồng cảm ở đâu đó và chính cuộc đời mình đang nằm trong một mảnh ghép nào đó của phim. Chúng ta có thể cảm thấy thương xót cho nhân vật hay cũng chính bản thân, và cũng có thể cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi mình tốt hơn nhân vật không rơi vào những éo le và hiểm cảnh như vậy.
Trailer phim.
Kim Ji Young 1982 khởi chiếu từ 01/11/2019 tại Việt Nam.