Với thị trường phim Việt trong những ngày vừa qua, tác phẩm điện ảnh Kiều do Mai Thu Huyền chỉ đạo sản xuất đã trở thành chủ đề gây xôn xao dư luận. Được biết, Kiều được lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung phim xoay quanh mối tình tay ba giữa Kiều (Mỹ Duyên), Thúc Sinh (Lê Anh Huy) và Hoạn Thư (Cao Thái Hà).
Tưởng chừng như sẽ trở thành một bộ phim ăn khách để đời trong nửa đầu năm 2021, song Kiều nhận phải không ít chỉ trích từ khán giả sau suất chiếu đặc biệt trở lại ngày 07-08/04. Với những vị khách đầu tiên được thưởng thức, Kiều khá nhàm chán và nhiều lỗ hổng. Đồng thời, diễn xuất của các diễn viên không nổi bật, chưa lột tả được hết cảm xúc của nhân vật.
Kiều chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng nên dễ bị so sánh với nguyên tác. Thay đổi một số nội dung bản gốc khiến thông điệp phim thay đổi
Ở Kiều, các chi tiết quan trọng bị bỏ sót, thêm thắt và "biến chuyển" tính cách nhân vật không giống với bản gốc. Thúy Kiều trong ngòi bút của Nguyễn Du không chỉ là một nhân vật nổi tiếng mà còn là một biểu tượng trong xã hội Việt Nam. Cụ thể, Kiều là nhân vật điển hình cho hình tượng người phụ nữ xưa tài hoa mà bạc mệnh.
Những ai từng ngồi trên ghế nhà trường thì đã biết, Kiều là người con gái có vẻ đẹp tuyệt sắc giai nhân khiến thiên nhiên cũng phải ganh tị. Nhan sắc của Kiều đã vượt ra ngoài khuôn khổ của quy luật tự nhiên, ngoài trí tưởng tượng. Không chỉ tài sắc vẹn toàn, nàng Kiều còn là một cô gái "biết ý biết tứ" và có tấm lòng lương thiện.
Trong một lần đi tảo mộ vào tiết Thanh minh, Kiều bắt đầu đồng cảm với số phận của nữ nhân quá cố Đạm Tiên. Kiều đã khóc thương và không khỏi cảm thấy ái ngại cho một "kiếp hồng nhan" mà giờ đây "hương khói vắng tanh". Vốn là một con người giàu tình cảm và tinh tế, Kiều cũng đã liên cảm tới thân phận của mình và của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung.
Nhưng, Thúy Kiều trong bản điện ảnh 2021 thì không. Nhân vật Kiều của Mỹ Duyên không chỉ mất đi đất diễn mà còn hoàn toàn mất phong thái. Dù sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp, nhẹ nhàng như hoa ban mai nhưng Mỹ Duyên vẫn còn non nớt trong lối diễn. Thành thật mà mới, nữ diễn viên tân binh này đã thất bại khi không đủ sức kéo khán giả đứng về phía mình.
Trong nguyên tác, Thúc Sinh đã chuộc Thuý Kiều ra khỏi lầu xanh. Tuy nhiên, vì là gái lầu xanh, Kiều đã không được Thúc ông - cha của Thúc sinh, thừa nhận. Kiều cam tâm chịu kiếp lẽ mọn để được hưởng hạnh phúc yên bình của gia đình, tuy không được trọn vẹn với Thúc Sinh.
Thấy Thúc sinh đau khổ vì Kiều mà gặp nạn, quan kia đã cho Kiều làm một bài thơ bày tỏ nỗi niềm. Đọc thơ của Kiều, vị quan khen ngợi rồi khuyên Thúc ông nên rộng lượng chấp nhận Kiều lại cho đồ sính lễ cưới xin. Nhờ thế Kiều thoát kiếp thanh lâu. Kiều đã ở cùng Thúc sinh suốt một năm ròng và vẫn luôn khuyên Thúc sinh về thăm vợ cả Hoạn Thư.
Với bản điện ảnh, sau khi Thúy Kiều được Thúc Sinh chuộc ra khỏi chốn "trêu hoa ghẹo nguyệt", cả hai đã quyết định "cao chạy xa bay" đến chốn thâm sơn cùng cốc. Thậm chí, bản thân Kiều không hề hay biết Thúc Sinh đã "yên bề gia thất". Cho đến khi Hoạn Thư lên kế hoạch "cưu mang", Kiều mới vỡ lẽ ra sự thật mình là kẻ thứ ba.
Trên thực tế, Kiều chỉ làm nền cho nhân vật Hoạn Thư của Cao Thái Hà. Cô nàng khắc họa rõ nỗi đau chua xót qua từng ánh mắt, cử chỉ và tiểu tiết nhỏ trên gương mặt xinh đẹp. Ngay cả khi bắt đầu trả thù "tiểu tam", Hoạn Thư cũng đánh nặng về tâm lý chứ không cần động chạm nhiều tới xác thịt.
Với khán giả, thay vì đồng cảm cho Thúy Kiều, họ lại đồng cảm cho Hoạn Thư nhiều hơn. Diễn biến nội dung từ đầu đến cuối, hình tượng của cô luôn ở trong tâm thế đáng thương, vật vã đau khổ và đại diện cho kiểu phụ nữ thời hiện đại khi rơi vào hoàn cảnh chồng ngoại tình. Do đó, tất cả những gì Kiều chịu đựng đều được xem như là cái giá phải trả cho việc dám tiến tới với người đã có gia đình.
Thực ra, trong nguyên tác, Hoạn Thư đánh Kiều rất nhiều và Nguyễn Du miêu tả về "đòn ghen" của Hoạn Thư là "nhẹ như bấc, nặng như chì". Hoạn Thư đã ứng xử theo thường tình hiện hữu của dân gian, là "chút dạ đàn bà, ghen tuông thì cũng người ta thường tình!". Hoạn Thư khéo léo phá vỡ dây tơ giữa Kiều và Thúc sinh, làm Kiều ra đi một cách tự nguyện.
Về nhân vật Đạm Tiên (Mai Thu Huyền) của Kiều điện ảnh 2021. Thay vì là nhân vật báo mộng cho Kiều về số mệnh như một người bạn đồng hành mang tính tâm linh, khuyên nhủ và động viên Kiều bước qua bể khổ, Đạm Tiên ở bản điện ảnh được tưởng tượng hóa thành hồn ma, có năng lực siêu nhiên.
Về ngoại hình, tính cách và hành động, các nhân vật trong phim Kiều hoàn toàn đánh mất ý nghĩa thật sự vốn có ở nguyên tác của Nguyễn Du. Bản thân khán giả cũng khó lòng có thể hình dung ra các nhân vật khi được miêu tả "quá lố" trên màn ảnh.
"Nguyên tác hay hơn'' là phản ứng phổ biến của khán giả sau khi bước khỏi rạp chiếu phim. Thật vậy, với lượng sách/truyện khổng lồ được chuyển thành phim ngày nay, hầu như khó có thể tìm thấy một bộ phim nào trên màn ảnh rộng mà không được lấy cảm hứng từ một tác phẩm hay. Đối với một số người, bản chuyển thể không bao giờ hay bằng bản gốc, trong khi với những người khác, bộ phim này cũng đáng để thưởng thức đó chứ!
Theo dõi SAOstar để cập nhật thêm thông tin mới nhé!