Phim Ảnh

Không phải tình cờ, màu sắc trang phục 5 mỹ nhân trong 'Mẹ chồng' đều có ý nghĩa riêng

Băng Ly
Chia sẻ

“Phong cách là thứ sẽ nói lên bạn là ai mà không cần cất lời”– Rachel Zoe. Màu sắc trang phục cũng là một nhân vật đặc biệt, một vai diễn không lời quan trọng trong các bộ phim, nhất là phim cổ trang, rất có ý nghĩa trong việc giúp khán giả hiểu được nhân vật.

Trong phim Mẹ chồng, lấy bối cảnh giả tưởng là vùng Đại Điền (một vùng đất mang phong cách Nam Bộ) năm 50, mỗi người phụ nữ trong gia đình hội đồng Lịnh lại được gắn với một màu sắc đặc trưng, thể hiện qua trang phục. Ý nghĩa của màu sắc ấy phản ánh phần nào tính cách và số phận các nhân vật.

1. Bà Hai Lịnh - Màu vàng quý phái

Bà Hai Xuân, tức bà Hai Lịnh, là người nắm quyền lực cao nhất trong gia đình hội đồng Lịnh, giữ chìa khóa hòm gia bảo. Với địa vị cao quý nhất vùng Đại Điền - chủ của Huỳnh gia, bà Hai Lịnh rất uy quyền, quý phái, nhưng cũng khắc nghiệt, bảo thủ, có phần tàn độc với con dâu Ba Trân và mọi người xung quanh. Như phần giới thiệu đầu phim, bà sống một đời chỉ để gìn giữ nề nếp gia phong, thi hành những luật lệ phong kiến hà khắc trong gia đình họ Huỳnh danh giá.

Áo bà ba của bà Hai Lịnh màu vàng, khoác bên ngoài là áo choàng xanh thêu phượng cũng bằng chỉ vàng. Bộ trang phục cầu kỳ, sang trọng, gợi nhớ tới các thái hậu trong phim cung đấu.

Màu vàng vốn là màu tượng trưng cho hoàng gia, cho sự sung túc, thịnh vượng. Đồng thời đó cũng là màu của sự thận trọng và ích kỷ.

Khi bà Hai Lịnh bán thân bất toại, chỉ có thể ngồi im một chỗ, trang phục của bà chuyển sang vàng nhạt ngả nâu, gợi sự héo úa, lụi tàn như lá rụng mùa thu, là dấu hiệu của bệnh tật và tuổi già, báo trước sự “soán ngôi” bà của cô Ba Trân…

2. Ba Trân - Màu đỏ quyền lực

Ba Trân ngày cưới mặc trang phục đỏ tươi sánh bước bên chồng. Cô trẻ trung xinh đẹp, tươi cười rạng rỡ như bông sen trong nắng hạ… Màu đỏ lúc ấy gắn với tình yêu, sức sống, ước mơ và hạnh phúc của người thiếu nữ.

Trang phục cưới của Ba Trân là áo dài đỏ thuần kiểu truyền thống cùng mấn đỏ, rực rỡ như đóa sen trên tay cô

Màu đỏ trong phim hậu cung là màu của phượng hoàng, thường mặc định là dành cho hoàng hậu - mẫu nghi thiên hạ, như địa vị của Ba Trân trong nhà họ Huỳnh vậy.

Võ Mị Nương (Phạm Băng Băng) lộng lẫy trong bộ phượng bào ngày phong hậu

Những ngày mới làm dâu, Ba Trân thường mặc trang phục hồng phấn, đỏ nhạt rất dịu dàng, khiêm nhường… Màu đỏ tươi cũng là màu của máu và nỗi đau đớn tột cùng khi cô sẩy đứa con đầu lòng, phải gánh chịu những lời cay nghiệt từ bà Hai Lịnh…

Màu đỏ ma mị, quyến rũ và gợi cảm, thường dành cho vai các mỹ nhân họa thủy hoặc vai phản diện trong phim cổ trang.

Đông Phương Bất Bại (Trần Kiều Ân) quyến rũ mê hồn trong xiêm y đỏ

Sau khi chịu đủ những tủi nhục, đau khổ trong Huỳnh gia, Ba Trân dần dần thay đổi, biến thành “rắn độc” để bảo vệ mình và con trai, bảo toàn địa vị mợ cả.

Trang phục của cô cũng vì thế mà thay đổi: màu đỏ đậm hơn, đỏ sậm, đỏ rượu, có lúc chuyển hẳn sang màu đen.

Áo dài, áo bà ba của Ba Trân làm bằng chất liệu nhung, tay phồng, độn vai, thêu hoa văn hình rắn, làm nổi bật sự mạnh mẽ, uy quyền, vương giả và vị trí lãnh đạo vùng Đại Điền của mợ cả nhà họ Huỳnh.

Đi kèm với trang phục là các phụ kiện tinh xảo: quạt tre và trâm cài màu đỏ, kiềng cổ, hoa tai, nhẫn.. hình rắn làm bằng vàng hoặc bạc rất lộng lẫy, toát lên sự toan tính, thủ đoạn của “xà mẫu”.

Lối trang điểm mắt sắc môi trầm cũng khiến mợ Ba Trân “nguy hiểm” hơn

3. Bảy Loan - Màu xanh lá cây lặng lẽ

Mợ Bảy Loan là nhân vật an phận thủ thường nhất trong số những người phụ nữ nhà họ Huỳnh. Mợ sống cam chịu, mờ nhạt, và luôn nghe lời Ba Trân dù mợ chẳng kém gì ai, cũng cưới xin đàng hoàng, cũng xinh đẹp, lại sinh được cậu Thiện Khiêm khôi ngô tuấn tú…

Bảy Loan sinh được cháu đích tôn đầu tiên cho Huỳnh gia

Mợ Bảy Loan là người phụ nữ phong kiến điển hình: thu mình, yên ổn, trầm lặng và luôn mặc cảm về thân phận vợ lẽ.

Để thể hiện tính truyền thống, nề nếp của nhân vật, trang phục cho mợ Bảy giản dị, khiêm nhường, ít cách điệu nhất, mang màu xanh lá cây.

Trang phục Bảy Loan đơn giản, ít cách điệu nhất

Màu xanh lá cây là màu của cỏ cây, thiên nhiên, tượng trưng cho sự hòa thuận, tươi mát và cảm giác an toàn. Màu xanh lá cây cũng có ý nghĩa tiêu cực, đó là sự yếu đuối, nhu nhược, đúng như tính cách của Bảy Loan.

Mợ Bảy Loan chỉ muốn sống bình yên

Nhưng kỳ thực mợ Bảy Loan chấp nhận sống như thế là vì mục đích riêng của mợ. Màu xanh lá cây trong trang phục của mợ cũng đồng thời là màu của niềm tin và hi vọng vào tương lai, chính là Thiện Khiêm.

Cậu ba Thiện Khiêm - con trai mợ Bảy Loan đang ngồi bên mẹ trong bữa cơm gia đình

Mợ biết nếu mình im lặng, con trai sẽ được đảm bảo một tương lai tốt hơn: được đi học trường Tây, được tiếp xúc với thế giới rộng mở bên ngoài. Bà nhẫn nhục chịu đựng, mợ yên phận mười mấy năm, chịu đủ mọi tủi nhục mà không hề oán thán hay phản kháng. Mợ còn sẵn sàng quỳ xuống trước Ba Trân xin tha cho Thiện Khiêm. Tất cả những việc mợ làm đều là vì con. Đây chính là sự vĩ đại vô cùng của tấm lòng người mẹ.

Màu xanh lá cây, tưởng chừng bình thường, nhạt nhòa, nhưng thực chất lại rất thiêng liêng, cao cả, như Bảy Loan vậy.

4. Tư Thì - Màu tím bí ẩn

Xem đến nửa phim, khán giả mới biết hóa ra Tư Thì là vợ cậu Hai Phước, con dâu cô Ba Trân, bởi Tư Thì xuất hiện bất thình lình, là vợ cả mà không hề có đám cưới, cũng chẳng được chồng thương, suốt ngày phũ “không thích chơi với chị Tư Thì”.

“Cậu hai thích chơi cào cào, không thích chơi với chị Tư Thì đâu”

Trừ cậu Hai ngây ngô, Tư Thì được lòng tất cả mọi người: từ mẹ chồng Ba Trân, mẹ ba Bảy Loan đến gia đinh, tá điền, người hầu kẻ hạ trong nhà. Thậm chí cô còn tươi cười chu đáo đón tiếp vợ mới của chồng là Tuyết Mai.

Tư Thì khuyên Tuyết Mai cách sống yên ổn trong nhà họ Huỳnh

Mợ Tư là người khôn khéo trong cư xử, giỏi che giấu cảm xúc, thảo mai, dịu hiền, khiêm nhường, quan tâm đến tất cả mọi người. Nhưng ánh mắt sắc sảo và thói quen “rình khắp mọi nơi” thể hiện mợ không phải là người đơn giản.

Trang phục chủ đạo của mợ Tư là màu tím, biểu tượng của sự nhã nhặn, chung thủy nhưng cũng đầy bí ẩn, khó đoán. Và quả thật đây là nhân vật gây nhiều bất ngờ nhất trong phim.

Màu tím ma mị, bí ẩn và quyền lực, đó là lý do khi Hoa Thiên Cốt hóa Yêu Thần gắn liền với sắc tím kiêu sa. Tỷ Nhan lộng lẫy đầy yêu khí trong bộ đồ cosplay tím, đẹp như bước ra từ tiểu thuyết

Màu tím cũng là màu của hoàng gia, của sự sang trọng và quý phái. Trang phục tím xưa kia vô cùng đắt đỏ, chỉ dành cho vua chúa - những người quyền lực nhất.

Tư Thì đứng trung tâm bức ảnh với tư thế kiêu sa, ngạo nghễ. Phải chăng ngay từ đầu, trang phục tím đã ám chỉ Tư Thì sẽ là “người quyền lực nhất”?

5. Tuyết Mai - Trắng và xanh nước biển tinh khôi

Mợ Tuyết Mai là người trẻ tuổi, hiện đại nhất trong số những người phụ nữ trong “hậu cung” Huỳnh gia. Tuyết Mai khoảng độ mười chín, đôi mươi, xinh đẹp, tân thời, là tiểu thư lá ngọc cành vàng, được học trường Tây.

Éo le thay, vì biến cố gia đình, cô phải chịu làm vợ lẽ cậu Hai Phước, trở thành con dâu Ba Trân. Tuyết Mai trẻ người non dạ, lại được giáo dục Tây hóa, tính cách thẳng thắn, bộc trực, nghĩ gì nói nấy, tự do đã quen, không khuất phục cường quyền, không quen nín nhịn.

Dĩ nhiên, một cô gái có tư tưởng mới kiểu phương Tây không thể ngay lập tức thích ứng với sự gò bó khuôn phép “khó hầu khó hạ” của nhà họ Huỳnh, vì thế sinh ra nhiều mâu thuẫn với mẹ chồng Ba Trân.

Cuộc tình ngang trái của cô với Thiện Khiêm cũng gây ra nhiều sóng gió trong gia tộc.

Tuyết Mai xuất hiện với áo sơ mi trắng ngắn tay và chân váy hồng hiện đại, khiến khán giả nghĩ rằng cô ngây thơ và non nớt

Đêm tân hôn, Tuyết Mai mặc đồ trắng, thể hiện sự trong trắng, thanh tân

Chấp nhận thân phận dâu con trong một gia đình đậm chất phong kiến, Tuyết Mai khoác lên mình chiếc áo bà ba, nhưng có sự cách điệu bằng vải xuyên thấu gợi cảm.

Trang phục của nhân vật nay tân thời, quyến rũ, tươi trẻ, mang màu trắng và xanh nước biển là chủ đạo. Đây là hai màu sắc gợi sự tinh khiết, trong sáng tuyệt đối. Trong phim cổ trang Trung Quốc, những nhân vật chính diện, ngây thơ, thánh thiện đều hay diện hai màu sắc này.

“Tiểu Long Nữ” Lưu Diệc Phi đẹp như tiên, băng thanh ngọc khiết trong bộ đồ trắng “không tì vết”

“Phong Tình Tuyết” Dương Mịch lanh lợi, hoạt bát trong bộ váy xanh nước biển cách điệu

Hoặc cũng có thể là nhân vật đó có tâm cơ thâm sâu, nhưng chọn hai màu này để tạo vỏ bọc thiên sứ thuần khiết, đánh lừa người khác.

“Từ Huệ” Trương Quân Ninh có vẻ đẹp mong manh như sương khói nhưng mưu mô thủ đoạn, lòng dạ thâm sâu ẩn dưới vỏ bọc hiền lương thục đức

Tuyết Mai dần dần bộc lộ sự thông minh, tinh khôn, đáo để “không phải dạng vừa đâu”.

Màu xanh nước biển còn được coi là màu của sự thật, như Tuyết Mai thẳng thắn tố cáo những sự thật “ô nhục”, những bí mật khủng khiếp dưới lớp nhung lụa gia giáo mẫu mực của nhà họ Huỳnh.

Tuyết Mai phát hiện bí mật động trời của mẹ chồng

Kết cục của Tuyết Mai không mấy tốt đẹp. Xét cho cùng, cô cũng là một nhân vật bi kịch, như tất cả những phụ nữ thời ấy.

Kết

5 người phụ nữ, 5 màu sắc cá tính khác nhau, nhưng đều có điểm chung là số phận thảm thương và nhỏ bé của phận hồng nhan dưới luật lệ hà khắc của chế độ phong kiến. Dẫu là vàng quý phái, đỏ quyền lực, xanh lặng lẽ, tím bí ẩn hay trắng ngây thơ, dẫu mưu mô tàn nhẫn hay khiêm nhường cam phận thì các thế hệ mẹ chồng - nàng dâu Huỳnh gia đều luẩn quẩn trong vòng tròn bi kịch không hồi kết.

Các nhân vật chẳng có ai hoàn toàn đáng trách, họ đáng thương nhiều hơn, bởi họ cũng chỉ là nạn nhân của xã hội đặt gông cùm lên vai người phụ nữ - chiếc gông “tam tòng tứ đức”, “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, chiếc gông đã tước đi quyền sống và quyền yêu chính đáng của những kiếp đàn bà phong kiến.

Chia sẻ

Bài viết

Băng Ly

Tin mới nhất