Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Không chỉ phản ánh những góc khuất , 'Về nhà đi con' trọn vẹn xúc cảm qua thước phim giàu ý nghĩa về gia đình

Từ sau thành công của dự án phim Khi người đàn ông góa vợ bật khóc, Về nhà đi con tiếp tục thu hút khán giả nhờ cốt truyện xoay quanh tình phụ tử ấm áp trong ngôi nhà thiếu vắng bóng hình người mẹ. Song từ góc nhìn nghệ thuật, bộ phim truyền tải một cách chân thực những bài học ý nghĩa về gia đình.

Tựa như tiêu đề phim, Về nhà đi con dạt dào tình thương với câu chuyện kể về cuộc sống “gà trống nuôi con” của ông Sơn do NSƯT Trung Anh thủ vai bên ba cô con gái của mình. Để rồi bên cạnh những sóng gió không của riêng ai, thước phim mang đề tài tâm lý gia đình ghi dấu trong lòng khán giả bởi những bài học ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

NSƯT Trung Anh trong vai người đàn ông góa vợ

Mất đi dáng hình của người phụ nữ yêu thương, ông Sơn với lối suy nghĩ gia trưởng và cổ hủ tự bao giờ phải gồng gánh nuôi các con khôn lớn trong sự cô đơn tràn đầy khi màn đêm buông xuống trước di ảnh vợ. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, người đàn ông ấy theo dòng chảy của tháng năm dần trở nên già nua bởi những nếp nhăn đang hằn trên trán. Song nét trầm lặng và điềm tĩnh ở ông Sơn như phần nào bày tỏ sự ăn năn với các con vì bản ngã do chính mình đã gây ra trong quá khứ.

Xem thêm 'Về nhà đi con': Khi ngôi nhà không phải là nơi sóng gió sẽ ngừng sau cánh cửa nhưng ở đó luôn chan chứa hai tiếng 'yêu thương'

Dù vậy, trải dài gần phân nửa bộ phim, những tình tiết xoay quanh câu chuyện thường ngày cùng vô vàn khúc mắc khó lòng tháo gỡ của từng thành viên trong gia đình ông Sơn không chỉ khiến mạch phim thêm phần kịch tính mà còn chạm tới cảm xúc khán giả khi làm nổi bật được sự quan tâm thầm lặng mà họ dành cho nhau.

Thu Huệ (Thu Quỳnh) tuy hiền lành nhưng gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống hôn nhân

Làm cha của ba đứa trẻ vốn không phải điều dễ dàng, song cách giáo dục của ông Sơn đối với Thu Huệ (Thu Quỳnh) - Anh Thư (Bảo Thanh) và Ánh Dương (Bảo Hân) lại khác nhau trên nhiều phương diện. Bởi nếu đối với người con đầu lòng Thu Huệ luôn nhẹ nhàng hay sự nuông chiều dành cho cô thứ Anh Thư thì ở Ánh Dương, ông Sơn có phần nghiêm khắc hơn cả. Tuy nhiên trên tất cả những gì bản thân nhận được, tình yêu thương mà người cha già ấy trao cho các con lại lớn lao và ấm áp vô cùng.

Anh Thư (Bảo Thanh) là cô con gái gần bố nhiều nhất

Trong khi đó Ánh Dương (Bảo Hân) lại có vẻ ngoài cá tính nên được ông Sơn đặc biệt quan tâm

Xem thêm Tập 3 'Về nhà đi con': Khi những 'đứa trẻ' vào nhà nghỉ, nỗi ám ảnh lớn nhất của các bậc phụ huynh

Để rồi, lối sống dù khác biệt thì lòng vị tha, sự bao dung cùng những chở che chính là giá trị gắn liền với mỗi gia đình. Bởi xây dựng tình tiết dựa trên cái nhìn bao quát trong cuộc sống mà ở Về nhà đi con, khán giả như dần đắm chìm vào câu chuyện của nhân vật khi hình dung ra sự hiện diện của bản thân ở một góc độ nào đó. Điển hình như nguyên do khơi nguồn cho những tổn thương dưới mái ấm vốn trọn vẹn của ông Sơn, sự ra đi của vợ không chỉ gây nên những mất mát đối với người ở lại mà còn tố cáo lối tư duy cổ hủ, phong kiến trong xã hội trước.

Âm thầm tồn tại trong nhận định của nhiều gia đình truyền thống, việc sinh con trai để nối dõi tông đường dù nhận được không ít phản ứng trái chiều trong thời đại bình đẳng giới ngày nay, song những thước phim lột tả một cách chân thực tư tưởng “trọng nam khinh nữ” qua bóng hình của ông Sơn thời trẻ. Để rồi khi phải nói lời từ biệt vĩnh viễn với người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời, ông mới nhận ra hạnh phúc gia đình không đến từ cái sĩ diện tầm thường mà xuất phát từ sự trân trọng lẫn nhau.

Xem thêm Tập 1 'Về nhà đi con': Những góc khuất không của riêng ai trong căn nhà thiếu bóng hình người vợ

Song ông Sơn của hiện tại lại trở thành trụ cột gia đình với đức tính kiên nhẫn cùng sự tâm lý đủ để xoa dịu những tổn thương mà các con phải chịu đựng. Luôn ngồi lặng lẽ ở một góc sân vườn mà trầm ngâm nhớ về thời xa vắng như để nhắc nhở bản thân, hình ảnh quen thuộc ấy của ông Sơn tuy bình dị nhưng lại tạo nên vẻ đẹp sâu sắc nhờ ẩn ý bên trong của nó. Vì muốn là người đầu tiên và duy nhất chào đón các con trở về nhà , ông Sơn bằng hành động này đã mang lại giá trị tinh thần mạnh mẽ. Bởi dù bên ngoài có gặp phải bao nhiêu gian nan, trắc trở thì chỉ cần đặt chân qua cánh cửa thân quen, những người con sẽ luôn tìm được một chốn bình yên trong vòng tay cha mẹ.

Tuy nhiên, tình cảm gia đình vốn dĩ không thể tồn tại nếu chỉ dừng lại ở sự đơn phương, một chiều. Lý do khiến mái ấm của ông Sơn có thể duy trì và ngày càng bền chặt còn đến từ sự yêu thương, kính trọng mà Thu Huệ, Anh Thư hay Ánh Dương dành cho bố. Dù cách quan tâm và bày tỏ khác nhau nhưng xét cho cùng, cả ba đều thương và đồng cảm với nỗi lòng của ông Sơn.

Không chỉ vậy, bên cạnh việc chăm sóc bố, điều mà ba chị em gián tiếp thể hiện sự chín chắn trong nhận thức chính là tinh thần đoàn kết. Bởi song song với tình phụ tử, sự đùm bọc và gắn kết keo sơn giữa những người con chính là yếu tố tiên quyết để kiến tạo nên mối quan hệ bền chặt trong gia đình.

Tiếp tục khai thác những góc khuất tiềm ẩn để khơi dậy yêu thương, bộ phim bên cạnh các phân đoạn gay cấn nhằm đẩy tâm lý nhân vật lên cao trào thì giây phút bình yên được lồng ghép trong đó cũng góp phần củng cố tình cảm gia đình.

Đón xem diễn diễn câu chuyện ở các tập kế tiếp, mời quý khán giả cùng SAOStar theo dõi Về nhà đi con, được phát sóng vào lúc 21h từ Thứ Hai đến Thứ Sáu hàng tuần trên kênh VTV1.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đinh Huyền

Được quan tâm

Tin mới nhất