Năm nay, Leonardo DiCaprio được coi là ứng cử viên hàng đầu cho giải Nam diễn viên xuất sắc nhất nhờ vai diễn cống hiến trong The Revenant. Nhưng giải thưởng này sẽ giá trị hơn nếu được trao cho anh từ vai tay chơi trở nên ẩn dật trong The Aviator, hay ông hoàng chứng khoán nghiện ngập của The Wolf of Wall Street, vì chúng đều có chiều sâu hơn nhân vật người thợ săn từ cõi chết trở về để trả thù trong The Revenant. Nhưng một chiến thắng cho DiCaprio sẽ tiếp nối truyền thống không mấy tích cực của mỗi kì Oscar là trao giải, hoặc ít nhất một đề cử, cho người hoàn toàn xứng đáng nếu họ được đề cử bằng một phim khác. Điều này thường xảy ra bởi các thành viên bỏ phiếu đáng ra phải sáng suốt lại thiên vị cho những diễn xuất ấn tượng hơn là tinh tế. Và đôi khi, họ không còn hoà nhập với thời cuộc khi mải bù đắp cho những tài năng bị bỏ qua.
DiCaprio đã có bốn lần thất bại tại Oscar trước đây, với những vai diễn khó quên như trong What's Eating Gilbert Grape? và cả những vai nhạt nhoà hơn như trong Blood Diamond. Tất cả những ví dụ nêu trên đều không phải chuyện chỉ thời nay mới có, mà trong quá khứ Katharine Hepburn đã nhanh chóng nhận giải Oscar đầu tiên với Morning Glory năm 1933, rồi thất bại liên tiếp trong 8 năm sau đó.
Khi ai đó đã được đề cử nhiều lần, Viện Hàn lâm rồi sẽ gật đầu trao giải cho họ. Quy luật này không chỉ áp dụng cho diễn viên, mà còn cho những hạng mục khác, như việc đạo diễn tài ba Martin Scorsese năm lần bảy lượt vô duyên với Oscar để rồi nhận được một tượng vàng đền bù khi đã bước qua tuổi 60 cho tác phẩm The Departed năm 2006. Dù xuất sắc, nhưng nó vẫn không thuộc hàng kinh điển cùng các tác phẩm khác của ông như Raging Bull hay Goodfellas. Vào năm Goodfellas được đề cử, giải thưởng Scorsese xứng đáng lại rơi vào tay Kevin Costner với bộ phim Dances With Wolves, có lẽ vì chăn ngựa trông mạnh mẽ hơn những tay anh chị.
Ở mảng nhạc phim, Ennio Morricone có lẽ sẽ thắng bởi 5 lần trước đây ông chưa từng nhận giải nào, và ông là một trong những bậc thầy. Di sản âm nhạc của ông phải được kể đến từ bản nhạc khó quên trong The Good, the Bad and the Ugly năm 1966, nhưng không nhận được đề cử trong khi nhạc nền The Hateful Eight mang về cho ông đề cử năm nay lại có phần mờ nhạt và lặp đi lặp lại. Cũng thật đáng tiếc cho người xứng đáng năm nay là Carter Burwell với phần nhạc nền đầy tao nhã cho Carol - đây mới là đề cử đầu tiên trong suốt sự nghiệp vĩ đại của ông.
Ennio Morricone đã nhận được một tượng vàng danh dự mà có lẽ phải đổi thành giải “Xin lỗi vì không trao giải xịn được”, Paul Newman cũng nhận được phần tương tự sau 6 lần thất bại trong mảng diễn xuất, rồi mới thắng sít sao với The Color of Money năm 1986. Rõ ràng Viện Hàn lâm chỉ đền bù cho giải thưởng Newman đáng lẽ đã nhận được vì tạo ra nhân vật Fast Eddie của The Color of Money từ tận 25 năm trước trong The Hustler, hay vì những vai diễn còn mang tính biểu tượng hơn trong Hud hay Cool Hand Luke.
Dẫu vậy, những đề cử kiểu “mỳ ăn liền” vẫn còn phổ biến, đơn cử như Jennifer Lawrence với Joy. Là lần đề cử thứ tư của cô, chẳng ai mong nữ diễn viên trẻ thắng cả, chưa kể đến màn thể hiện của Lawrence cũng không tốt như vai diễn đã giúp cô đoạt giải trong Silver Linings Playbook. Tuy vậy, Lawrence giờ đã thuộc nhóm những ngôi sao chỉ cần tham gia phim là tự động có tên trong Oscar. Cate Blanchett cũng thuộc nhóm đó, nhưng cũng không tạo được áp lực gì tới ban bỏ phiếu. Như Lawrence, Blanchett cũng không cần giải bởi ngoài đề cử cho Carol, nữ diễn viên từng bước lên bục nhận giải cho Blue Jasmine và The Aviator, nên con đường tới tượng vàng cho Brie Larson trong Room trở nên thoáng đãng hơn. Chiến thắng được mong đợi của cô có lẽ sẽ là một trong những dịp hiếm hoi Viện Hàn lâm thực sự trao giải cho màn thể hiện xuất sắc nhất và theo kịp thời đại.
Việc chọn đúng người để trao giải mà sai năm là còn khá nhẹ nhàng so với nan đề cấp bách mang tên #OscarsSoWhite. Nghiêng về lối diễn xuất và đạo diễn hào nhoáng không đáng lo bằng việc bỏ qua xã hội đa sắc tộc - nơi từ đó những bộ phim được làm nên. Không có lý do nào để biện minh cho việc phớt lờ các diễn viên và nhà làm phim da màu, đặc biệt là khi một bộ phim như Straight Outta Compton đã chuẩn bị tất cả, kể cả một chiến dịch để tiến vào Oscar. Nhưng truyền thống đúng người, sai năm của Oscar không phải là không liên quan tới những tranh cãi về sự đa dạng sắc tộc. Chừng nào ban bỏ phiếu còn không thực sự xem những bộ phim được đề cử và vẫn phản ứng theo kiểu tụt hậu, họ vẫn sẽ lạc nhịp so với thế giới bên ngoài.
Giờ đã là quá muộn cho những nhân tài đáng lẽ phải có đề cử như Michael B. Jordan trong Creed. Các thành viên bỏ phiếu vẫn còn đủ thời gian để quan sát kỹ hơn phần thể hiện gây ấn tượng sâu sắc của Michael Fassbender trong Steve Jobs, và anh xứng đáng với giải Oscar. Nhưng anh đã đưa tới cho người xem một Jobs phức tạp, đầy muộn phiền, quá khích và quá lý trí chứ không phải người dám ăn một miếng gan sống, và đó không phải thứ Oscar sẽ ưa thích.