Một năm 2017 đầy thăng trầm của nền điện ảnh nước nhà sắp qua đi, để lại trong lòng khán giả những dư vị về các tác phẩm Việt Nam nhiều thể loại, đủ sắc màu. Điện ảnh ngày càng phát triển, đề tài phim cũng như cách khai thác kịch bản ngày một đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, nếu những bộ phim phương Tây mang đậm chủ nghĩa cá nhân, thì tác phẩm trên màn ảnh rộng Việt Nam - dẫu mới mẻ, hiện đại nhường nào - vẫn có cái nền, cái gốc rễ nền tảng là sự kết nối giữa người với người, đặc biệt là tình thân, tình thương gia đình.
Cha mẹ yêu thương, đùm bọc con cái, con cái tôn trọng, báo hiếu bậc sinh thành là điều được răn dạy những người con đất Việt muôn đời nay. Chính vì thế, chủ đề gia đình trở thành cảm hứng nghệ thuật, đặc biệt là ở điện ảnh. Năm 2017, tình gia đình vẫn xuất hiện đầy thiêng liêng trong các bộ phim Việt, dù với cách biểu đạt khác nhau.
Tình gia đình hiện lên nhẹ nhàng, dung dị
Để tình cảm gia đình hiện lên đúng như hình dáng của nó trong cuộc sống đời thường - gần gũi, dung dị, nhưng vẫn thiêng liêng, không ít tác phẩm điện ảnh Việt Nam lựa chọn cách khai thác trực diện. Không cần đầu tư kinh phí lớn, đẩy mạnh truyền thông, tạo chiêu trò, mời các gương mặt có sức hút, những bộ phim này vẫn thu hút khán giả bởi chính sự nhẹ nhàng, chân thực. Bên cạnh đó, tình tiết không quá kịch tính, thấm đẫm tình người giúp phim dễ dàng chạm đến trái tim khán giả.
Bộ phim nhẹ nhàng về tình gia đình trong năm 2017 có thể kể đến là Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, phim xoay quanh Nam (Khắc Minh) - con trai bà Tư (NSƯT Kim Xuân) - là cậu bé ngoan ngoãn, nghe lời, học giỏi, nhưng bị hàng xóm khẳng định là kẻ sát nhân. Điều này khiến Nam bỏ nhà đi biền biệt, để lại mẹ ngậm đắng nuốt cay, chịu nghe người đời dèm pha. Suốt 30 năm ròng rã, bà Tư ngồi chờ tin con bên song cửa sổ mở, cho đến khi Sơn (Dương Cường) xuất hiện, và vén tấm rèm bí mật năm xưa…
Có căn nhà nằm nghe nắng mưa được đánh giá là một bộ phim đẹp, đẹp về phần nhìn, khi mỗi cảnh quay đều mang đậm hơi thở nghệ thuật và chứa đựng những ý nghĩa nhất định. Không những vậy, bộ phim do đạo diễn Bình Nguyên thực hiện đẹp bởi tình người thấm đẫm, tác phẩm chạm vào trái tim người xem khi vẽ lên hình ảnh người mẹ một đời nhẫn nhục, một lòng vì con với tình mẫu tử bao la, thiêng liêng: “Dù cho thay dạng đổi hình. Luân hồi kiếp kiếp, Mẹ vẫn nhìn ra con!”.
Trailer “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa”.
Bên cạnh Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, một bộ phim năm 2017 lấy không ít nước mắt người xem là Nắng 2 - phần thứ hai của Nắng, phim kể về bà mẹ thiểu năng nuôi con gái bụ bẫm và lanh lợi bằng nghề bán ve chai. Nếu ở phần đầu, mẹ Mưa nhận án tử do mắc bẫy, thì trong phần sau, bà mẹ bị bắt cóc. Sau hành trình tìm kiếm mẹ với sự giúp đỡ của những người hàng xóm, bé Nắng nhìn thấy và chạy lại phía mẹ. Tuy nhiên, một chiếc ô tô bất ngờ tông trúng bé… Nắng 2 được coi là bản hòa ca nhẹ nhàng, dạt dào tình mẫu tử, khiến khán giả đồng cảm, khóc cười cùng nhân vật.
Trailer “Nắng 2”.
Khép lại năm 2017 là một tác phẩm điện ảnh về gia đình mang hơi thở trong trẻo, nhẹ nhàng - Khi con là nhà do đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thực hiện. Khác với những phim mạnh dạn khai thác vấn đề nóng bỏng trong xã hội trước đó, lần này, Vũ Ngọc Đãng khẳng định Khi con là nhà đơn thuần là bộ phim dành cho gia đình. Mang kịch bản đơn giản, dễ đoán, phim xoay quanh người cha nông dân ham chơi, “gà trống nuôi con” nhưng thường xuyên bỏ bê cậu con nhỏ, chạy theo thú vui. Anh chỉ thực sự nhận ra giá trị gia đình khi biến cố ập đến…
Không có những tình tiết giật gân, gay cấn, câu chuyện đời thường, dung dị nhưng dạt dào cảm xúc ở Khi con là nhà vẫn đủ sức níu chân khán giả suốt 90 phút bộ phim. Tại đây, tình cha con trên cái nền bình yên, suy nghĩ trong sáng của cậu con trai nhỏ, hay niềm vui chân thật, gần gũi khiến khán giả không khỏi rơi nước mắt, nhưng là những giọt nước mắt vì cảm động, hạnh phúc.
Trailer “Khi con là nhà”.
Tình gia đình đặt trong những tác phẩm hành động, gay cấn
Bên cạnh những câu chuyện về tình thân dung dị, đời thường, thì tình gia đình còn được lồng ghép đầy cảm xúc trong các tác phẩm hành động, gay cấn. Dự án phim do đạo diễn Victor Vũ thực hiện - Lôi Báo là minh chứng điển hình. Ngay từ khi đoàn làm phim tung ra hình ảnh, trailer, người hâm mộ Việt Nam hào hứng coi Lôi Báo là bộ phim siêu anh hùng “made in Vietnam”. Mang đậm màu sắc siêu anh hùng, tác phẩm điện ảnh xoay quanh Tâm (Cường Seven thủ vai), một họa sĩ truyện tranh mang sức mạnh và năng lực khác thường sau ca phẫu thuật thay đầu. Tuy nhiên, anh và gia đình nhỏ gặp nhiều nguy hiểm bởi chính “kí ức tế bào” của cơ thể lạ…
Trailer “Lôi Báo”.
Trở đi trở lại và tạo nên thông điệp xuyên suốt bộ phim là tình cảm gia đình, sự tha thứ, thấu hiểu và hi sinh giữa các thành viên. Đan xen vào diễn biến gay cấn, kịch tính, khi Tâm chống lại tổ chức áo đen bí ẩn là sự phát triển trong tình thân, cũng là hành trình nhận thức và tìm lại giá trị mà nam chính xao lãng bấy lâu nay. Dù mang năng lực phi thường, được mọi người xung quanh công nhận, tán dương, thì sức mạnh của Tâm cũng trở nên vô nghĩa nếu anh không bảo vệ được gia đình.
Đằng sau những pha hành động căng thẳng, màn đánh nhau gay cấn, sống còn, Lôi Báo mang đến một cái kết đẹp khi tình cảm gia đình một lần nữa xuất hiện đầy trân quý, thiêng liêng. Như vậy, ở bộ phim, giá trị tình thân “rất người” vẫn được làm nên và thể hiện trong cuộc đời một anh hùng, mà theo đạo diễn Victor Vũ chia sẻ: “Đối với nhân vật Lôi Báo, trách nhiệm lớn nhất là dành cho gia đình của anh ta”.
Tình cảm gia đình vẫn đẹp đẽ ở những cuộc đấu trí đầy sóng gió
Nếu gia đình hiện lên như một bến đỗ bình yên giữa những cuộc chiến tay chân ở Lôi Báo, thì tình cảm gia đình vẫn tiếp tục mang màu sắc riêng trong các cuộc đấu trí đầy sóng gió. Đầu tiên, phải kể đến tác phẩm điện ảnh Mẹ chồng, bộ phim xoay quanh mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, dâu cả - dâu thứ ở gia đình Hội đồng Lịnh, cùng gánh nặng đè lên vai người phụ nữ xưa bởi luật lệ hà khắc, cổ hủ.
Trailer “Mẹ chồng”.
Tuy nhiên, đằng sau hình ảnh mẹ chồng, nàng dâu cay độc, không từ thủ đoạn giành lấy địa vị và quyền làm chủ, Ba Trân (Thanh Hằng), Tuyết Mai (Midu) hay bà Hai Lịnh (Diễm My 6X) cũng là người vợ, người mẹ cả một đời hết lòng vì con. Như vậy, tạm đặt sang bên cạnh những tranh đấu, mưu kế thâm sâu như chốn thâm cung, Mẹ chồng là một bộ phim thấm đẫm tình mẹ - con trong mọi ngóc ngách. Bắt đầu bằng khao khát sinh con, phát triển câu chuyện bởi ước mong cho con trai được hạnh phúc, Mẹ chồng cũng kết thúc bằng chính tình mẫu tử.
Nếu tình mẫu tử ở Mẹ chồng đầy đớn đau, nước mắt, khiến nhân vật bước vào cuộc chiến không có đường lui, thì hai mẹ con Thanh Mai (Ngô Thanh Vân) - Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) trong Cô Ba Sài Gòn có phần may mắn hơn. Sau những bất đồng quan điểm về việc tiếp nối truyền thống may áo dài với mẹ, Như Ý xuyên không đến Sài Gòn thời hiện đại, khi mẹ cô - bà Thanh Mai cũng như tiệm may Thanh Nữ đã không còn. Tại đây, Đệ Nhất Thanh Lịch Sài Thành thập niên 60 làm hành trình nhận thức, tìm lại giá trị đã mất, cũng như thêm yêu thương, trân quý mẹ - người luôn hi sinh, dành cho cô những điều đẹp nhất.
Tình cảm gia đình là điều quý giá nằm bên trong mỗi con người, mà ai cũng có thể hiểu và đồng cảm. Chính vì vậy, dù đề cập trực tiếp hay lồng ghép khéo léo, các bộ phim Việt Nam 2017 đều chạm đến trái tim khán giả khi khai thác đề tài đầy thiêng liêng này.