Ra rạp vào những ngày cuối năm 2017, Khi con là nhà - một bộ phim do đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thực hiện - để lại nhiều dư âm trong lòng khán giả. Xoay quanh các phận đời nhỏ bé, khổ cực, tác phẩm điện ảnh vẫn làm nổi bật lên những nhân cách cao đẹp, cũng như tình cảm gia đình thiêng liêng. Bộ phim kể về Quang (Lương Mạnh Hải thủ vai), một người cha đơn thân, “gà trống nuôi con”, cùng cậu con trai là Bi (bé Duy Anh đóng) sống ở ngôi nhà nhỏ nơi thôn quê nghèo, nhưng bình yên. Với tạo hình lấm lem, lôi thôi, Lương Mạnh Hải trở thành người cha đam mê bài bạc, chọi gà, anh chỉ thực sự nhận ra và làm lại sau biến cố xảy ra…
Trailer “Khi con là nhà”.
Trong Khi con là nhà, người cha là Quang và bé Bi rong ruổi suốt những nẻo đường, từ làng quê nghèo lên Sài Gòn, từ con ngõ nhỏ chật hẹp, tối tăm cho đến gầm cầu bụi bặm. Trốn chui trốn lủi, dầm mưa dãi nắng tìm kế mưu sinh, hai cha con khiến không ít khán giả phải thốt lên: “Sao mà khổ thế?!”. Ám ảnh đối với người xem hơn cả là tiếng cậu con trai nhỏ gọi “Ba ơi”. Từ đầu đến cuối phim, tiếng gọi “Ba ơi” ấy mang nhiều sắc thái khác nhau.
“Ba ơi” - Tiếng cậu con nhỏ giục giã ba khỏi tệ nạn cờ bạc
Trong những phân cảnh đầu tiên Khi con là nhà, hình ảnh xóm nhỏ nghèo bình yên hiện lên với cánh đồng bát ngát, con đường đất đỏ hay chiếc thuyền lờ lững trôi sông. Trên cái nền đầy thơ mộng ấy là cuộc sống có phần ồn ào, lộn xộn của hai cha con Quang - bé Bi khi thiếu người mẹ chăm lo. Các phân đoạn hai cha con tranh nhau chỗ đi vệ sinh, cùng đi trên chiếc xe lọc cọc khiến người xem không khỏi bật cười. Lúc này, tiếng “Ba ơi” là lời Bi thúc giục bố thức dậy, mua kem đánh răng hay xà bông.
Có tạo hình lấm lem, khắc khổ, nhưng người cha trong Khi con là nhà luôn mang thái độ lạc quan, trẻ trung, tuy nhiên, anh không tránh khỏi sự cám dỗ của tệ nạn, bài bạc. Các chuyến vui thâu đêm suốt sáng khiến ông bố đơn thân mệt mỏi, bỏ bê công việc. Vẫn là tiếng “Ba ơi” phiền phức, Bi hết cố gắng gọi ba dậy, lại vội vã thúc giục Quang ra khỏi đám chọi gà. Những hình ảnh đầu tiên mang màu sắc vui tươi, hài hước, nhưng phần nào dự báo biến cố ập đến phía sau…
Sa đà vào những cuộc cá cược, cờ bạc, Quang bị bắt, trong sự hoảng loạn, anh vùng bỏ chạy và vội vã trốn đi. Tin tức lan nhanh chóng ra làng xóm, bé Bi hoang mang, chạy khắp nơi tìm bố với tiếng gọi “Ba ơi”. Lúc này, tiếng “Ba ơi” nức nở không còn là tiếng thúc giục cha như thường ngày, mà nó đánh dấu bước chuyển trong cuộc đời hai cha con, cũng như hướng mạch phim Khi con là nhà sang một lối rẽ khác.
Tiếng gọi cha trên suốt những con đường mưu sinh kiếm sống
Tội lỗi của người cha đẩy hai cha con vào cuộc sống khổ cực, trốn chui trốn lủi, dầm mưa dãi nắng trên suốt những con đường Sài Gòn, từ ngõ nhỏ chật hẹp đến nơi thị thành ồn ào, tấp nập. Tại đây, từ cậu con trai luôn miệng than thở: “Ba ơi, con đói”, “Ba ơi, con mỏi chân”, bé Bi dần trưởng thành hơn, biết học cách “đói cho sạch, rách cho thơm” hay phụ giúp bố công việc.
Cuộc sống khắc khổ mà hai cha con phải chịu đựng khiến người xem không khỏi nhói lòng. Người cha nhếch nhác, nghèo khổ ấy dẫn theo cậu con trai nhỏ vất vả tranh hộp cơm phát miễn phí, tìm chỗ ngủ hay kiếm một công việc mưu sinh. Tuy nhiên, điều làm khán giả cảm động hơn cả là dù cực khổ ra sao, bé Bi vẫn nhất quyết không về quê cùng cô Liễu mà đi theo cha, giấu những thiệt thòi vào trong với lý do rất ngây thơ, chân thành: để bố không bắt về quê nữa. Lúc này, tiếng gọi “Ba ơi” trở thành minh chứng cho sự gắn kết giữa nhân vật Quang và người bạn đồng hành bé nhỏ.
Những tiếng “Ba ơi” đầy nước mắt!
Thế nhưng, những thiệt thòi, khốn cùng mà hai cha con trải qua dẫu nhiều thế nào vẫn không đau đớn bằng việc họ lạc mất nhau. Sự éo le của cuộc đời đẩy Quang và bé Bi ra xa nhau, khiến ngõ nhỏ chật hẹp - nơi người ta vẫn thường thấy hai bóng dáng một lớn, một nhỏ sớm hôm đi về - trở thành cuộc rượt đuổi mà cha vội vã tìm con, con hớt hải gọi: “Ba ơi”, nhưng mãi chẳng tìm thấy nhau.
Ấn tượng và day dứt nhất trong lòng khán giả có lẽ là phân cảnh cậu con trai ngây thơ, không biết chữ nhầm tưởng giấy tìm trẻ lạc thành lệnh truy nã. Cha cứ mải miết dán giấy tìm con, còn Bi vội vã bóc đi theo cách cha vẫn hay làm. Phân cảnh cảm động trên nền lời hát đầy ám ảnh: “Thương con vẫn sống xa nhà. Thương con vất vả bôn ba. Thương con thèm bát cơm nhà. Thèm nhìn đôi mắt con yêu” khiến người xem không cầm được nước mắt.
Do vậy, giây phút cha con đoàn tụ, bé Bi cuống cuồng bỏ vội bát cơm, chạy đến ôm lấy ba là phân cảnh chạm đến tim người xem. Lúc này, tiếng gọi “Ba ơi” vẫn nức nở, nhưng là giọt nước mắt hạnh phúc, giọt nước mắt đoàn viên. Đây cũng chính là tình tiết đẩy cao tình phụ tử và giá trị nhân đạo mà Khi con là nhà mong muốn truyền tải.
Trở đi trở lại trong Khi con là nhà là tiếng gọi “Ba ơi” khi thì vội vã, hoảng loạn, lúc lại mừng tủi, hạnh phúc. Để bé Bi luôn miệng gọi cha, bộ phim không chỉ thể hiện chân thực hình ảnh của cậu bé lên 6 trong sáng, mà còn khiến tình cha con ở tác phẩm càng trở nên day dứt, sâu đậm.