Khi con là nhà chắc chắn không phải là một dự án tham vọng của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Phim có kinh phí sản xuất khá tiết kiệm (vỏn vẹn 4 tỷ đồng), không ra mắt rầm rộ, chẳng được gắn mác “bom tấn”. Chuyện phim đơn giản, quy tụ dàn diễn viên là những gương mặt quen thuộc. Bộ phim hoàn toàn không có những yếu tố “sốc, choáng, ngôn tình, diễm lệ”, vốn là thứ khiến khán giả tò mò ra rạp.
Khi con là nhà đơn giản, như Vũ Ngọc Đãng chia sẻ là một cái chạm khẽ ấm áp “để khi xem xong người ta bỗng thấy yêu mình hơn, gia đình mình hơn, cha mẹ mình hơn, con cái mình hơn, quê hương mình hơn.”
Nếu phải chỉ ra điều gì mới ở Khi con là nhà thì chắc có lẽ nó nằm ở việc đây là lần đầu tiên Vũ Ngọc Đãng làm phim gia đình. Dĩ nhiên, trong các tác phẩm trước đó như Vừa đi vừa khóc, Vòng eo 56, yếu tố gia đình cũng là một màng màu khá đậm nhưng mới dừng lại là chất liệu nền để vị đạo diễn kể câu chuyện về tình yêu và thế giới của những người trưởng thành.
Riêng lần này, Vũ Ngọc Đãng chọn trẻ em làm nhân vật chính trong câu chuyện và tình phụ tử là cảm hứng chủ đạo của bộ phim.
Một khúc ca ấm áp về tình phụ tử
Khi con là nhà kể về hai cha con ở vùng quê yên bình. Người cha (Lương Mạnh Hải) rất yêu thương con (bé Duy Anh) nhưng lại có tật xấu là ham mê cá độ, cờ bạc. Một biến cố xảy ra khiến hai cha con phải trốn chạy lên thành phố và lạc mất nhau. Giữa biết bao khó khăn ở một thành phố lớn họ chưa từng đặt chân tới, cả hai phải nhờ vào lòng tốt của bạn bè và những người xa lạ để có thể đoàn tụ.
Mượn chuyến phiêu lưu của hai cha con Quang và Bi , bộ phim đưa chúng ta rong ruổi đến với những cuộc hành trình khác sâu lắng hơn, đáng suy ngẫm hơn.
Đó là hành trình vấp váp, chiêm nghiệm và thức tỉnh của Quang. Ông bổ trẻ từng sa ngã vào những thói hư tật xấu, dù bản thân túng quẫn nợ nần nhưng vẫn u mê không chịu tỉnh ngộ. Chỉ đến khi suýt đánh mất đi thứ quan trọng nhất đời mình là đứa con trai, Quang mới hoảng hốt nhận ra mình đã đi sai đường. Sau khi trả giá cho những lỗi lẫm, một lần nữa, anh học lại cách sống có trách nhiệm và biết trân trọng những gì đang có.
Đó là hành trình lớn lên và trưởng thành của Bi. Từ một chú bé hồn nhiên sống nơi thôn dã, Bi bất đắc dĩ phải theo chân cha đi kiếm ăn nơi thành phố. Ở nơi xô bồ, náo nhiệt này, cậu được cuộc đời dạy cho những bài học đầu tiên. Bài học về người tốt, kẻ xấu, về sự trung thực và lòng tham, về tình yêu là không ích kỉ.
Và sau tất cả, đó cũng là hành trình đi tìm lại mình trong nghệ thuật của Vũ Ngọc Đãng. Chủ động chọn một đề tài hoàn toàn mới có lẽ là cách khởi động lại cảm hứng trong anh sau hơn 16 năm bôn ba với nghề làm phim. Vị đạo diễn cũng không ngại chia sẻ những thử nghiệm điện ảnh mới trong dự án lần này. Sự hào hứng ấy cho thấy Vũ Ngọc Đãng chưa hết nhiệt với nghề. Vẫn còn đó những đam mê và cả một tâm hồn tươi xanh để không ngừng sáng tạo.
Còn nhớ cách đây không lâu, Vũ Ngọc Đãng tâm sự rằng anh “muốn kể một câu chuyện thật đơn giản, đơn giản tới mức không còn thấy bàn tay đạo diễn ở đâu luôn”. Cũng vì thế mà người ta nghĩ sẽ không có quá nhiều điều để nói về Khi con là nhà. Nhưng hóa ra, chính sự đơn giản trong nội dung câu chuyện và cách kể chuyện lại giúp bộ phim chạm đến trái tim khán giả.
Sau tất cả, vẫn là một bộ phim rất Vũ Ngọc Đãng
Một đạo diễn đã định hình phong cách như Vũ Ngọc Đãng luôn biết cách để lại “dấu triện” trong các tác phẩm của mình. Một chút dư vị gì đó đủ để khán giả xem và gật gù nhận ra “À! bộ phim này là của anh”.
Không thể không nhắc những cảnh quay làng quê Nam bộ đẹp dân dã và đậm chất thơ vốn đã trở thành thương hiệu của Vũ Ngọc Đãng. Này thì cây cầu gỗ cheo leo bắc qua con rạch nhỏ, này là cánh đồng lúa trải dài mơn mởn trong nắng chiều, có cây bằng lăng đang mùa trổ bông tím ngắt, có đám vịt nhởn nhơ bơi lội giữa êm ả đồng quê… Đôi khi, chỉ đơn giản là câu vọng cổ da diết được đặt để khéo léo trong đêm cũng tạo nên đủ sức gợi cho bộ phim.
Những cảnh quay đặc tả trong Khi con là nhà cho thấy tài năng nắm bắt và truyền tải cái đẹp của Vũ Ngọc Đãng. Dù là cảnh miền quê tươi sáng, êm ả hay những góc khuất cơ cực trong thành phố phồn hoa, cảnh nào cũng tràn đầy cảm xúc do cách chọn góc quay tinh tế của đạo diễn. Những khuôn hình duy mỹ, đậm chất điện ảnh dù xuất hiện lần thứ bao nhiêu chăng nữa trong phim vẫn cứ đủ sức khiến người xem rung động và thổn thức.
Lời thoại dân dã, tự nhiên và có nét duyên ngầm là thế mạnh của Vũ Ngọc Đãng. Trong phim này, anh tiếp tục phát huy và đã có được một số phân đoạn hài hước rất có giá trị. Ấn tượng nhất có lẽ là chi tiết gã Bủm giả vờ gãy tay để xin tiền nhưng khi thất bại gã lại trách ngược người đời vô cảm. Đây thực sự là một phân cảnh trào phúng thú vị và có chiều sâu. Tiếng cười trong phim Vũ Ngọc Đãng xuất phát từ vốn hiểu biết và kinh nghiệm sống dày dặn của chính đạo diễn. Nhờ thế, nó là một tiếng cười vui nhưng không hề hời hợt.
Phong cách làm phim của Vũ Ngọc Đãng còn thể hiện trong chính là dàn diễn viên quen thuộc. Cặp đôi Lương Mạnh Hải, La Quốc Hùng xuất hiện nhiều tới mức cứ nhắc đến phim Vũ Ngọc Đãng là phải nhắc đến hai “chàng thơ” này. Tuy nhiên, trong bộ phim mới, cả hai đều được dành cho những vai độc đáo cũng như “đất” phô trổ kỹ năng để không đi vào lối mòn của các vai diễn trước đó.
Có thể nói, Lương Mạnh Hải hoàn toàn lột xác trong Khi con là nhà. Mỹ nam Hà thành quyết tâm “hủy hình tượng” đến cùng nhằm đem đến cho khán giả hình ảnh một ông bố nông dân chân thực nhất. Ngoại hình được anh đầu tư kỹ từ chiếc áo bạc màu, đôi tay nứt nẻ, đen đúa đến hàm răng ố vàng. Màn hóa thân hoàn hảo đến mức chẳng ai còn nhận ra hình ảnh của chàng Lam bảnh bao, bất cần đời trong Hotboy nổi loạn hay cậu ấm ngổ ngáo Bảo Nam trong Bỗng dưng muốn khóc.
Không chỉ chỉn chu bề ngoài mà Lương Mạnh Hải cũng cho thấy sự trưởng thành về mặt diễn xuất. Nam diễn viên phải nghiên cứu rất kỹ để có thể thể hiện chính xác những cử chỉ, động tác của một người đàn ông nông dân cục mịch, quê mùa. Vào vai một ông bố với những giằng xé và nỗi đau mất con là một vai diễn nặng ký đòi hỏi ở Lương Mạnh Hải rất nhiều bản lĩnh. Và anh đã thành công.
La Quốc Hùng với vai phản diện đầu tiên của sự nghiệp cũng hoàn thành tốt phần việc của mình. Gã ăn xin tên Bủm không độc ác hoàn toàn mà có nét hài hước, duyên dáng riêng. Sự xuất hiện của tuyến nhân vật này là một chấm phá đầy thú vị trong chuyện phim đồng thời tạo nên những cao trào giúp đẩy mạch phim lên cao.
Điểm sáng trong Khi con là nhà chính là Bi, nhân vật chính của câu chuyện. Bé Duy Anh với đôi mắt sáng, có hồn cùng gương mặt lém lỉnh, thông minh trong vai cậu bé Bi đã chiếm được nhiều thiện cảm của khán giả. Dù có nhiều phân đoạn diễn xuất nội tâm khá nặng nhưng diễn viên nhí này vẫn thể hiện khá mượt mà. Cách diễn bản năng của Duy Anh cũng góp phần đem đến sự tự nhiên cho nhân vật.
Kết
Khi con là nhà truyền tải một thông điệp rất rõ ràng. Nhờ không quá ôm đồm về mặt nội dung, thay vào đó chọn tập trung vào mạch truyện chính, chắt lọc các chi tiết có sức gợi, bộ phim đã dẫn dắt người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc cũng như để lại trong họ những dư âm, suy ngẫm khi trở về nhà.
Trailer phim.
Đầu năm nay điện ảnh Việt có Cha cõng con, một khúc ca đầy cảm động về tình phụ tử thì cuối năm Khi con là nhà được công chiếu, lại một lần nữa gợi nhắc cho khán giả về sự quý giá và thiêng liêng của hai tiếng gia đình. Giản dị, ấm áp và hài hước, Khi con là nhà chắc chắn là một cái kết trọn vẹn khép lại năm 2017 nhiều dấu ấn của điện ảnh Việt.