Phim Ảnh

'Khi con là nhà': Đi đâu cũng được, làm gì cũng được, có ba có con là hạnh phúc nhất rồi

Tiến Đạt
Chia sẻ

Đúng nghĩa khép lại một năm, bộ phim "Khi con là nhà" mang đến không khí trong trẻo, bình yên và đậm màu sắc gia đình.

Nhắc đến đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, đa phần khán giả sẽ lăn tăn trước xu hướng làm phim của anh. Nếu như trên màn ảnh nhỏ, đạo diễn của Bỗng dưng muốn khóc thường mang đến những hình ảnh đơn giản, gần gũi đời thường và có phần nhẹ nhàng, thì ngược lại trên màn ảnh rộng, các vấn đề xã hội được anh quan tâm nhiều hơn. Điểm lại, người xem có thể dễ dàng nhận ra thế giới người mẫu đầy phức tạp trong Những cô gái chân dài hay Vòng eo 56, câu chuyện về những anh chàng “đĩ đực” của 2 phần phim Hotboy nổi loạn, hay một thế giới đầy cám dỗ, dị thường của Con ma nhà họ Vương. Chẳng mấy phim điện ảnh của Vũ Ngọc Đãng có được không khí dễ chịu như phim truyền hình của anh, dẫu cho cũng đã có cài cắm các tình tiết làng quê, gia đình vào đấy, nhưng nó vẫn không thể lấn át được không gian nặng nề, u tối kia.

Vẻ mộc mạc của Khi con là nhà.

Ấy thế mà, Khi con là nhà lại khác hẳn. Ngay từ những ngày đầu giới thiệu tác phẩm này, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã rất kiệm lời. Anh chỉ bảo, đơn thuần đây là một bộ phim dành cho gia đình. Chỉ như vậy thôi. Nó khác lắm với những lần quảng bá rầm rộ trước đây cho Hotboy nổi loạn hay Vòng eo 56. Nó không hề có những yếu tố “giật gân” gây chú ý như cảnh nóng hoặc những góc khuất của xã hội. Và cứ thế, Khi con là nhà ra mắt trong sự bình yên của những ngày cuối năm, với chiến lược truyền thông tạm gọi là “vừa đủ”.

Nhưng có vẻ như, khi người ta không quá trông đợi vào điều gì thì thường bất ngờ với điều đó. Với Khi con là nhà, mọi người đến rạp để xem với tâm thế thoải mái, không kỳ vọng đây sẽ là bom tấn cuối năm hoặc mỹ từ nào đó dành cho bộ phim này. Vậy mà để rồi khi xem, năm lần bảy lượt, khán giả lại rơi nước mắt, lại lén lau vội rồi sụt sùi tiếp tục. Những giọt lệ rơi xuống không phải vì tình tiết cảm động được làm quá lên, mà nó đơn giản chỉ vì… “sao mà dễ thương đến thế”. Bạn có thể khóc vì những bi kịch, nhưng đó là nỗi đau thắt tim, và đôi khi bạn ngại xem lại vì sợ chạm đến những điều đau đớn ấy. Còn với Khi con là nhà, đấy là giọt nước mắt đầy hạnh phúc. Người ta khóc, nhưng miệng vẫn cười, rồi lại bảo nhau: “Vậy mà cũng được ư?”. 

Nói về câu chuyện phim, chắc có lẽ chẳng có gì để bàn nhiều. Vốn dĩ, Khi con là nhà sở hữu một kịch bản đơn giản, quen thuộc đến mức mà hẳn ai cũng có đoán được ngay từ khi xem… trailer hay vài thông tin trên báo chí. Một người cha nông dân ham chơi, “gà trống nuôi con” nhưng lại thường bỏ bê đứa con nhỏ để chạy theo những thú vui của mình như đá gà, gái gú… Để rồi khi biến cố gia đình ập xuống, trên đường chạy trốn khỏi miền quê, anh nhận ra tình cảm thực sự của mình và cậu con trai. Dĩ nhiên, cái kết của motif phim này luôn là niềm hạnh phúc của hai cha con khi ở bên nhau, thế nhưng Khi con là nhà giữ chân khán giả suốt 90 phút dẫu cho kịch bản rất đỗi thân quen ấy, là vì sự dung dị trong tình cảm, vì sự gần gũi đến lạ thường, và vì sự trong trẻo, đáng yêu của cậu con trai.

Có thể nói, bé Duy Anh là một điểm sáng lớn trong bộ phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Từng xuất hiện trong một vài tác phẩm điện ảnh trước đó, nhưng đến Khi con là nhà, cậu bé 8 tuổi ấy mới thực sự tỏa sáng đúng nghĩa. Vẻ ngây ngô với câu nói “Con không muốn xa ba đâu, con muốn đi theo ba”, sự lém lỉnh mỗi khi “lên án” cha của mình: “Con không tin ba đâu, ba toàn hứa mà không giữ lời” khiến người xem phải bật cười và nghĩ thầm: Ơ kìa, sao nó giống thằng bé con ở nhà mình thế nhỉ?

Bé Duy Anh trong vai Bi.

Chính bởi sự gần gũi, diễn như không diễn của Duy Anh đã khiến cho nhịp phim như chính câu chuyện ở ngoài đời, xuất hiện ngay cạnh mỗi người mà ta vẫn cứ thấy hàng ngày. Cậu bé khiến người xem tin rằng nó đang cười vì hạnh phúc, đang khóc vì nỗi đau, đang gào thét vì sợ hãi… Hẳn khán giả sẽ cười tủm tỉm nhưng mắt rưng rưng khi nhìn thấy hình ảnh bé Bi xé đi từng tờ giấy dán hình “tìm trẻ lạc”, chỉ vì nó nghĩ rằng đó là “lệnh truy nã”. Cái sự ngây thơ đơn giản ấy khiến người xem hoàn toàn bị thuyết phục vào nhân vật.

Trailer phim Khi con là nhà.

Trước khi phim ra mắt, công chúng quan tâm đến hình ảnh của nam chính Lương Mạnh Hải. Khác hẳn với vẻ ngoài bảnh bao hào nhoáng mọi lúc mọi nơi, kể cả khi làm gã “đĩ đực” trong Hotboy nổi loạn, Lương Mạnh Hải đã thực sự thay đổi trong Khi con là nhà. Một người cha nhếch nhác, da đen răng vàng tóc xoăn với đầy đủ mọi thói hư tật xấu. Nếu cho rằng đây là một màn “hy sinh vì nghệ thuật” thì không đúng, nhưng chắc chắn Lương Mạnh Hải có quyền tự hào mình đã có một vai diễn có màu sắc khác hẳn trước đây.

Lương Mạnh Hải trong vai Quang.

Thành công mà đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Khi con là nhà đã làm được không dừng lại ở việc mang đến một tác phẩm dung dị, bình yên, mà còn tạo ra những vai diễn “để đời” cho các diễn viên của mình. Hẳn mọi người còn nhớ một La Quốc Hùng hiền lành đến… phát ngán qua hàng loạt những tác phẩm như Vừa đi vừa khóc, Con ma nhà họ Vương hay Hotboy nổi loạn. Dẫu cho ở từng vai diễn, nhân vật của anh được thêm thắt màu sắc cho khác đi, nhưng vẻ hiền lành chân thật của anh vẫn không… chạy đi đâu được. Nhưng đến với bộ phim mới nhất, vai diễn Bủm đã giúp nam diễn viên họ La có được một cái nhìn khác đi từ phía khán giả. Nó chưa hẳn là một vai phản diện, nhưng nó đủ ác, đủ để khiến người xem phải ghét nhân vật ấy. Một kẻ lừa lọc, bắt ép một đứa trẻ đi ăn xin cùng mình, sẵn sàng đánh mắng người vợ và cho đến phút cuối cùng, anh vẫn là một tay lừa đảo.

La Quốc Hùng trong vai Bủm.

Tương tự, Tú Vi đã rũ bỏ vẻ đẹp thường thấy của cô, thay vào đó là hình ảnh lam lũ của một cô thu gom đồng nát (ve chai). Tú Vi vốn xinh đẹp, và nó không thể gọi là cái tội, nhưng vì chính nét đẹp ấy là điểm hạn chế cho các vai diễn của cô. Bản chất Tú Vi là một nữ diễn viên giỏi, có khả năng hóa thân và biểu cảm nhân vật tốt, chính vì thế, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đẩy cô vào một hình tượng mới mẻ, khác với hầu hết những vai trước đây. Hẳn sẽ có khán giả nhận ra nét “giông giống” trong vai của Tú Vi ở 2 phim Vòng eo 56 Khi con là nhà, thế nhưng trong tác phẩm mới nhất này, vai vợ của Bủm là một phiên bản nâng cấp của “chị gái Ngọc Trinh”. Cô mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có những quyết định đúng đắn cho cuộc đời mình.

Tú Vi trong vai vợ của Bủm.

Rời khỏi rạp sau kết thúc phim, nhiều người mỉm cười hạnh phúc. Rõ ràng, sau tất cả, gia đình vẫn là quan trọng nhất đối với mỗi người trong chúng ta. Chắc chắn rằng bộ phim vẫn có những thiếu sót, nhưng “nhân vô thập toàn”, có sai sót, có khiếm khuyết thì mới có nỗ lực làm tốt hơn, không ngủ quên trên chiến thắng. Chính cái không khí bình dị đến đỗi an yên ấy khiến khán giả dễ dàng châm chước cho qua những lỗi trong phim.

Khi con là nhà được hoạch định ra rạp vào những ngày cuối năm, là bộ phim “chốt sổ” điện ảnh Việt 2017, và cũng hoàn toàn phù hợp với ý nghĩa mà tác phẩm của Vũ Ngọc Đãng muốn truyền tải: “Đi đâu cũng được, làm gì cũng được, có ba có con là hạnh phúc nhất rồi. Bởi lẽ, khi con là nhà, khi con là tất cả, là điều khiến ba phải nhìn lại. Mọi đam mê phù phiếm, mọi thú vui bên ngoài, chẳng bằng nụ cười của con”. 

Chia sẻ

Bài viết

Tiến Đạt

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất