Phim Ảnh

Khi chiêu trò của những 'ông hoàng, bà hoàng' dần lỗi thời trên màn ảnh

Chia sẻ

Việc khán giả quay lưng với những trò câu khách cũ kỹ, nhàm chán được xem là tín hiệu thay đổi tích cực cho nền điện ảnh Việt Nam.

Công chiếu từ ngày 24/12, Già gân, mỹ nhân và găng tơ có Hoài Linh đóng vai chính được dự báo sẽ thắng lớn như mọi khi. Song, bất ngờ đã xảy ra bởi một tuần sau đó, suất chiếu của phim đã giảm rõ rệt. Già gân bị đánh giá là câu chuyện chắp vá, nhiều lỗ hổng, lạm dụng mảng miếng gây cười khiến bộ phim của đạo diễn Đức Thịnh phải nhường bước trước Em là bà nội của anh - bộ phim đã trụ rạp gần một tháng.

Hoailinh

“Già gân” bị phớt lờ.

Tuy có thể là tin buồn đối với nhà sản xuất Thanh Thúy, nhưng rõ ràng đây là một tín hiệu tích cực của điện ảnh Việt trong năm 2015. Hầu hết các phim dựa trên chiêu trò câu khách đang bị đẩy lùi bởi những tác phẩm chỉn chu và tử tể. Bởi là thể loại hài, chỉ một số phim đạt yêu cầu chất lượng như Lật mặt hay Ma dai mới đủ sức kéo khán giả tới rạp.

Câu chuyện muôn thuở: Hài nhảm chiếm lĩnh thị trường

Cách đây vài năm, điện ảnh Việt gần như bị thống trị bởi làn sóng phim nhảm theo kiểu “ăn xổi”. Kinh phí thấp, thời gian sản xuất ngắn, một vài cái tên đang hot, thế là đủ để phim ra rạp và kiếm lời. Đặc điểm của những tác phẩm này là kịch bản cẩu thả, được chắp ghép từ nhiều mảng miếng tấu hài. Khâu diễn xuất lại càng tệ hơn, khi các diễn viên gần như bê nguyên kiểu “hài cương” đặc trưng của sân khấu lên màn ảnh. Đó là chưa kể tới những thủ pháp “rẻ tiền” như lạm dụng hình tượng người đồng tính, nhại giọng hay gây cười quá lố bằng hình thể.

hoailinh

Hello cô Ba dẫn đầu mùa Tết 2012

Tiêu biểu cho phong cách này là các sản phẩm của nhà sản xuất Phước Sang. Trong nhiều năm liền, những Võ lâm truyền kỳ, Hello cô Ba, hay Công chúa teen và ngũ hổ tướng của ông bầu này luôn dẫn đầu mùa phim Tết. Về sau, nhiều nhà sản xuất khác cũng “học hỏi” theo và thực hiện các phim với công thức tương tự như Nhà có năm nàng tiên, Nàng men chàng bóng, Biết chết liền, Em hiền như ma xơ, v.v…

Kết quả là một “dòng chảy” phim hài nhảm tràn ngập màn ảnh, trong khi số ít sản phẩm có đầu tư như Thiên mệnh anh hùng, Lửa Phật hay Lấy chồng người ta bị lép vế tại phòng vé. Một số đạo diễn có tay nghề cũng bị cuốn theo trào lưu này. Ngay cả Victor Vũ và Charlie Nguyễn cũng từng thực hiện những Cô dâu đại chiến 2 hay Cưới ngay kẻo lỡ bị đánh giá là kém duyên, gượng gạo, dù chúng vẫn tạo được đẳng cấp riêng so với phần còn lại. Đáng nói hơn cả là cú ngã của đạo diễn đình đám Lưu Huỳnh, khi nhà làm phim tài hoa này bỗng nhiên “hạ mình” thực hiện một tác phẩm có thể so sánh với… một video ca nhạc tạp kỹ. 

Chuyển biến trong năm 2015

toithayhoavangtrencoxanh

Chuyện về ba đứa trẻ tại một làng quê nghèo ven biển ở những năm thập niên 90

Những tín hiệu lạc quan bắt đầu từ mùa Tết năm ngoái. Dù Quý tử bất đắc dĩ vẫn dẫn đầu doanh thu với 30 tỷ sau 10 ngày, song xếp ngay sau đó là hai tác phẩm “tử tế”: Trúng sốNgày ngảy ngày nay. Ngày nảy ngày nay được đầu tư kỹ xảo hoành tráng, còn Trúng số cũng là phim hài nhưng mang đậm thông điệp về tình người. Tác phẩm của Dustin Nguyễn nhận nhiều lời khen ngợi và còn được cử đi dự Oscar. 

Ba “chiêu thức” quen thuộc là hài nhảm, kinh dị và khoe thân được vận dụng tối đa, nhưng đều bị khán giả thờ ơ. Tiêu biểu có thể kể đến Tình + Tình, Oan hồn, Sơn đẹp trai, Bộ ba rắc rối hoặc Hay không bằng hên. Có sự góp mặt của nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng hay các hot boy, hot girl, nhưng các phim này nếu không lỗ cũng chỉ dừng lại ở mức hòa vốn. 

emlabanoicuaanh

Phiên bản Việt hóa của Miss Granny

Thành công lớn nhất trong năm lại thuộc về hai bộ phim được thực hiện bài bản. Được chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh khiến người xem nức lòng với những thước phim đẹp như tranh cùng nội dung đầy tính nhân văn. Ra mắt sau đó hai tháng, Em là bà nội của anh kết hợp hài hòa giữa yếu tố hài hước và cảm động. Cả hai bộ phim đều tạo được sự kết nối với khán giả, và đạt doanh thu trên 70 tỉ đồng.

Khán giả đã thay đổi?

Có thể nói, tư duy ỷ lại và dậm chân tại chỗ của nhà sản xuất là nguyên nhân cho thất bại của một loạt tác phẩm “mì ăn liền”. Công thức cũ kỹ là có vài ngôi sao, thêm bớt chút hài nhảm, đồng tính thành một nồi lẩu tạp nham đã không còn hiệu quả nữa. Khán giả ngày nay tiếp xúc thường xuyên với Internet cũng như nền điện ảnh nước ngoài, khiến họ có vô số lựa chọn thay vì đến rạp xem các bộ phim “nửa nạc nửa mỡ” như hài kịch 90 phút.

ngothanhvan

Bom tấn hè 2016 - Tấm Cám: Chuyện chưa kể

Nếu khán giả thích hài, mỗi tuần đã có không ít những chương trình truyền hình hay clip hài trên mạng. Với người thích các lĩnh vực nhạy cảm, có vô số phim hay nước ngoài về chủ đề kinh dị, tình dục hay đồng tính, lại không bị bó buộc trong khuôn khổ kiểm duyệt như Việt Nam. Chính vì vậy, phim Việt giờ đây muốn ăn khách không thể chỉ dựa vào các chiêu trò này, mà phải có nội dung mới lạ, quan trọng hơn nữa là quá trình sản xuất nghiêm túc.

sieutrom

Không có “ông hoàng, bà hoàng” nào mãi mãi ngồi trên ngai vàng. Quy luật thị trường sẽ giúp đào thải những sản phẩm kém chất lượng. Đó cũng là sự kỳ vọng dành cho điện ảnh Việt trong năm 2016, một năm đón nhận nhiều tác phẩm đa dạng như Siêu trộm của Hàm Trần, Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân hay Trên 1000 like, tôi sẽ chết của Victor Vũ. Bên cạnh đó là một lớp đạo diễn khác như Lê Văn Kiệt, Phan Gia Nhật Linh hay Vũ Ngọc Phượng đã định hình được phong cách, sẵn sàng tạo nên chuyển biến tích cực cho điện ảnh nước nhà.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất