Mới đây, cộng đồng người yêu thích phim điện ảnh Việt Nam đang tranh luận xôn xao về một topic có liên quan đến tình hình chiếu phim tại các rạp hiện tại. Theo đó, hai bộ phim Việt đã được Box Office Vietnam đặt lên bàn cân để cho thấy mức độ quan tâm của khán giả trong từng giai đoạn khi chịu ảnh hưởng bởi suất chiếu của các tác phẩm điện ảnh nước ngoài.
Cụ thể, hai tác phẩm được nhắc tới là Thưa mẹ con đi và Bằng chứng vô hình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. Ra mắt vào năm 2019, Thưa mẹ con đi phải đối đầu với các tác phẩm điện ảnh ngoại nhập như Địa đạo cá sấu tử thần, Angry Birds 2, Hobb and Shaw,... dẫn đến tình trạng số lượng xuất chiếu bị hạn chế, khách ra rạp không đông, doanh thu thấp hơn kỳ vọng rất nhiều.
Tại thời điểm đó, nhiều người lên tiếng phê phán, cho rằng nhà rạp đang cố tình chèn ép phim Việt. Các suất chiếu ít, sắp xếp vào thời gian không hợp lý khiến lượng người xem giảm mạnh.
Sang đến năm nay, Bằng chứng vô hình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh ra mắt gần như không có đối thủ tại phòng vé. Bộ phim remake từ tác phẩm đình đám Hàn Quốc Blind, với sự góp mặt của dàn diễn viên thực lực như Phương Anh Đào, Quang Tuấn, Otis, Ái Phương,... và được ưu ái quảng bá suốt nhiều tháng trước khi chính thức ra rạp.
Khi ra mắt chính thức, Bằng chứng vô hình có lượng suất chiếu áp đảo so với các tác phẩm đang công chiếu hiện nay. Mặt khác, thị trường phòng vé Việt cũng như thế giới đang không có bất kỳ một tác phẩm bom tấn nào. Thế nhưng, bộ phim vẫn chưa thể thu hút sự quan tâm của khán giả như mong đợi.
Sau tuần đầu ra mắt, Bằng chứng vô hình chỉ đem về doanh thu ngày 305 triệu đồng/1316 suất chiếu, bằng một nửa so với Ngôi đền kỳ quái 2 là 637,8 triệu đồng dù phim đã ra mắt trước đó 1 tuần. Thậm chí, phim còn kém doanh thu hơn so với Cuộc phiêu lưu của Scooby-doo - bộ phim hoạt hình không được đầu tư quảng bá với số lượng suất chiếu ít hơn hẳn.
Với đà hiện tại, Bằng chứng vô hình dường như rất khó để đạt được doanh thu kỳ vọng, thậm chí chỉ ngang ngửa so với Thưa mẹ con đi năm ngoái. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ về việc nhà rạp có thực sự chèn ép phim Việt như lời đồn?
Mặt khác, với sự thiếu vắng của các bom tấn Hollywood như hiện tại, dù là Ngôi đền kỳ quái 2 hay Cuộc phiêu lưu của Scooby-doo - những phim hiện đang thống trị phòng vé cũng có doanh thu không cao so với năm ngoái. Nói cách khác, thị trường phim Việt dù không chịu ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19 vẫn đang bị "thất thu" do thiếu vắng những tác phẩm điện ảnh đặc sắc nước ngoài.
Nhận xét về điều này, khán giả Leminh Dao bình luận: "Vấn đề là hiện tại rạp chưa có cú hích nào để lấy đà cả, cần một bom tấn như Tennet hoặc Fast phần tới thì mới tạo ra hiệu ứng dây chuyền, có đà để nhiều người đi xem" . (nguồn: Box Office Vietnam Group)
Đồng quan điểm trên, khán giả khác nhận định, vào tuần sau, khi phim Peninsula của Hàn Quốc ra rạp thì cục diện có thể khả quan hơn rất nhiều. Đây được xem là phần 2 của Train To Busan, một phim lớn của Hàn với đề tài zombie rùng rợn và cũng được đầu tư nhiều về kỹ xảo, hình ảnh lẫn cốt truyện.
Khán giả Van Jenny Nguyen có chung quan điểm:"Giờ này Fast and Furious ra rạp chẳng hạn thì lại đông ngay ấy mà". Trong khi đó, bạn Lê Phong cho biết:"Hữu xạ tự nhiên Hương. Không hay nên không hút được khán giả".
Mặt khác, một số khán giả lại cho rằng phim Việt không được khán giả ưa chuộng bởi khâu quảng bá chưa đến nơi đến chốn. Bạn Bùi Đình Thăng chia sẻ:
"Phim này ổn, xem hấp dẫn. Mà nếu không có bạn bè liên quan đến ngành phim thì mình cũng không biết nó có chiếu. Nói rạp chưa có cú hích kéo khán giả đi xem thì chưa chuẩn lắm. Mình đi xem Sky Tour movie ở ngày thứ 3 hay 4 gì đó thấy full rạp. Mình đoán vấn đề ở quảng cáo, truyền thông cho phim".
Ngoài ra, số khác cho rằng vấn đề lớn hiện tại không nằm ở số lượng suất chiếu hay yếu tố quảng bá mà do giá cả quá cao sau tình hình kinh tế suy thoái bởi COVID-19:
"Trong rổ chi tiêu của gia đình thì giải trí bằng điện ảnh và sân khấu được tính là tiền dư dả nhé, mời mọi người check thử doanh thu của sân khấu và quán nhậu để thấy mọi thứ còn xa lắm mới bình thường cũ. Con số hiện tai cũng phản ánh đúng nhu cầu và túi tiền khán giả cho toàn thị trường mà giờ lại lôi chuyện phim Việt có bị ép hay không vào làm gì?" - Bạn Duc. Truong Huyen cho hay.
Dù là lý do gì đi chăng nữa thì không thể phủ nhận hiện tại, tình hình rạp phim tại Việt Nam đang khá ế ẩm do phim Việt không thu hút khán giả như mong đợi, trong khi các bom tấn nước ngoài thì... còn lâu mới đến ngày ra rạp.
Trong khi nhà rạp vẫn phải thuê địa điểm, vận hành bộ máy nhân viên và quảng bá phim, dẫu hoạt động trở lại nhưng chắc chắn rằng cả họ và nhà sản xuất phim đều phải chịu áp lực cao về mặt doanh thu.
Theo bạn, đâu là nguyên nhân lớn nhất và giải pháp để "kích cầu" phòng vé Việt trong thời điểm hiện tại là gì?