Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Khán giả tìm thấy câu chuyện của loạt phim về nạn xâm hại trẻ em trong lời ca 'Ông kẹ' (Sing My Song)

Hàng loạt tác phẩm điện ảnh trong và ngoài nước đang lên án gay gắt vấn nạn xâm hại trẻ em - tội ác mà theo ca khúc "Ông kẹ" là "cướp mất bình yên", tạo nên "vết thương tuổi thơ là vết thương còn mãi".

Trong tập 2 chương trình Sing My Song - Bài Hát Hay Nhất 2018, thí sinh Trương Phước Lộc đã trình bày ca khúc mang tên Ông kẹ. Đây là bài hát nói về chủ đề nóng đang được xã hội quan tâm - vấn đề xâm hại trẻ em, cuộc chiến mà toàn thế giới đang đấu tranh. Những lời ca đầy ám ảnh mà Phước Lộc thể hiện khiến khán giả và các huấn luyện viên không khỏi xúc động. Đồng thời, các hình ảnh trong ca khúc Ông kẹ gợi liên tưởng đến một số bộ phim khai thác chủ đề nóng ấu dâm.

Ca khúc “Ông kẹ”.

Nghệ thuật luôn gắn liền với đời sống, và những chủ đề nóng được xã hội quan tâm thường được phản ánh qua văn học, âm nhạc hay lăng kính điện ảnh. Vấn nạn xâm hại trẻ em cũng không ngoại lệ. Hàng loạt tác phẩm điện ảnh trong và ngoài nước đang lên án gay gắt tội ác này, tội ác mà theo ca khúc Ông kẹ“cướp mất bình yên”, tạo nên “vết thương tuổi thơ là vết thương còn mãi”.

Giống như cấu trúc một bộ phim, ca khúc Ông kẹ cũng kể câu chuyện đầy day dứt, phác họa hình ảnh một em gái nhỏ là nạn nhân của vấn nạn xâm hại trẻ em, đang gào thét gọi mẹ, mong được giải thoát để trở về nhà: “Có em gái nhỏ/ Bên kia đám cỏ / Nằm khóc thật to/ Mình cuộn co ro”, “Mẹ ơi/ Cứu con với/ Họ đang chạm vào con thế này/ Họ đang nhìn vào ngay trong đấy/ Họ đang cố làm đau từng chút trong con”.

Những hình ảnh được tái hiện qua lời ca Ông kẹ khiến khán giả không khỏi liên tưởng đến nạn nhân từng xuất hiện trong các bộ phim đã gây chấn động màn ảnh rộng Hàn Quốc như tác phẩm Hope, Silenced,… hay thậm chí là phân cảnh đã được cắt bỏ ở Điều kì diệu trong phòng giam số 7 vì bị cho là cổ xúy nạn ấu dâm.

Hình ảnh đã bị cắt bỏ trong “Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7”.

Trong đó, người xem gợi nhiều liên tưởng đến bộ phim Hope nhất, đây là tác phẩm lấy cảm hứng từ sự kiện có thật gây làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ tại Hàn Quốc. Không trực tiếp đi sâu vào tình tiết bé gái So Won bị cưỡng bức, đánh đập dã man, phim chọn cách làm thắt lòng người xem khi mô tả những tổn thương thể xác, nỗi ám ảnh và vết thương lòng không bao giờ lành lại được trong em, giống như cách mà ca khúc Ông kẹ chỉ gợi, chứ không tả: “Nằm khóc thật to/ Mình cuộc co ro”

Cứa lòng người xem và gây ám ảnh hơn cả khi Hope để cha mẹ So Won quá tất bật, lơ là em, người cha mỗi ngày vội vã đến công sở, người mẹ cố gắng chắt chiu, dành dụm từng đồng để vun vén gia đình. Thế nhưng, họ vô tình để cho đứa con gái bé bỏng rơi vào cạm bẫy kẻ biến thái trên chính con đường đến trường thường nhật.

Để rồi, cuối cùng, đau đến xé lòng và hối hận khôn nguôi khi biết sự thật, người mẹ hỏi câu hỏi đầy day dứt: Trên thế giới có biết bao đứa trẻ, tại sao điều này lại xảy ra với con tôi?”. Giống như câu chuyện trong tác phẩm điện ảnh Hope, em gái nhỏ ở ca khúc Ông kẹ cũng kêu cứu đến người cha, người mẹ đang bận bịu, “tối mắt tối mũi” vì cuộc sống cơm áo gạo tiền ngoài kia: “Một hai ba giây đó thôi/ Là ông kẹ bắt con rồi/ Mẹ ơi! Đừng lo miếng ăn/ Đừng lo cái chăn, hãy đem con về nhà”.

Quả đúng như những lời kêu cứu đầy ám ảnh ở ca khúc Ông kẹ, tuổi thơ trẻ nhỏ có thể bị hủy hoại trong vài giây thôi. Ranh giới mong manh giữa thơ ấu trong sáng, hồn nhiên và vết xước không bao giờ lành dễ dàng bị phá bỏ bởi hành động bẩn thỉu của những ông kẹ đứng khuất lấp sau bóng tối: “Một hai ba giây đó thôi/ Là ông kẹ bắt con rồi”.

Và trên hết, những ông kẹ không dễ dàng bị nhận ra trong đám đông: “Mẹ ơi ông ấy giống ta/ Chẳng như cổ tích vẽ ra/ Phải chăng người quanh chúng ta/ Đều không hiểu ra ông ấy ở trong ta/ Hiện ra”… Như vậy, không giống chuyện cổ tích, không giống lời dọa của bà, của mẹ, ông kẹ mang hình hài con người, nhưng vẫn có thể hủy hoại tuổi thơ một đứa trẻ…

Nếu chỉ nhìn ở bề ngoài, rất khó để phân biệt được một người có mắc chứng ấu dâm hay không. Đó có thể là một công nhân viên chức mẫn cán, một người bạn thân của gia đình, một ông lão hàng xóm hay thậm chí là một người làm công tác sư phạm. Trong bộ phim Hope, kẻ thủ vai ác vốn từng bị bắt bởi tội lạm dụng trẻ em, sau khi được thả ra lại tiếp tục tìm con mồi khác. Và điều đáng sợ hơn cả là hắn chỉ sống cách nhà nạn nhân vài cây số.

Trong khi đó, ở tác phẩm Silenced, tội phạm phạm tội cưỡng bức trẻ em là một thầy giáo. Thậm chí, ngôi trường đó có tới bốn giáo viên và nhân viên bị buộc tội xâm phạm học sinh, trong đó đa phần là trẻ mồ côi, khuyết tật, thiểu năng. Thậm chí, từ hiệu trưởng, trưởng phòng quản lý ký túc xá, bảo vệ đến thanh tra đều nhúng tay vào vụ việc này.

Kẻ phạm tội ở Hope hay Silenced đều là các ông kẹ ẩn mình trong hình hài con người, và thậm chí là những người ngay bên cạnh chúng ta. Ngoài ra, người xem còn liên tưởng đến tác phẩm [S.O.S] Sói Trắng của đạo diễn Lê Hoàng. Thay vì mượn hình ảnh ông kẹ, bộ phim ẩn dụ bằng loài sói trắng: “Sói trắng để ám chỉ những kẻ ấu dâm, những con sói khác biệt so với đồng loại. Ngoài ra, “sói” cũng là hiện thân của nhân tính. Trong mỗi con người đều có hai con sói: 1 con sói tốt hiền lành và không muốn hãm hại ai, chỉ tấn công và chiến đấu cho những điều đúng đắn nhất; nhưng con còn lại luôn chứa đầy giận dữ và độc ác. Quan trọng là ta chọn con sói nào để nuôi dưỡng?”.

Trailer bộ phim.

Hàng loạt trường hợp trẻ em bị xâm hại như một hồi chuông cảnh tỉnh cho bậc cha mẹ, đồng thời, là nguồn cảm hứng của các tác phẩm nghệ thuật từ khúc hát, câu chuyện đến những bộ phim. Khi đây vẫn còn là vấn nạn nóng, thì khán giả, người nghe, người xem vẫn còn thổn thức, xúc động, khao khát muốn làm điều gì đó cho những mảnh đời bé nhỏ, bất hạnh.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Thảo

Được quan tâm

Tin mới nhất