Phim Ảnh

'Justice League: Snyder Cut' và hiệu ứng domino của lĩnh vực điện ảnh

Theo Tổng hợp
Chia sẻ

Việc Justice League phiên bản hoàn chỉnh được phép ra mắt khán giả có thể xem như chiến thắng của fan DC, nhưng đồng thời nó cũng tạo nên một làn sóng mới trong lĩnh vực điện ảnh.

Vừa qua, cộng đồng mê điện ảnh nói chung và fan DC nói riêng đã có dịp bùng nổ trước thông tin Justice League: Snyder Cut (phiên bản đầy đủ của Justice League – 2017) sẽ được ra mắt trong năm 2021 trên nền tảng HBO Max. Đây được xem như kết quả không thể ngọt ngào hơn của chiến dịch #ReleaseTheSnyderCut được người hâm mộ kiên nhẫn theo đuổi suốt 3 năm ròng rã. Và ngay lập tức nó đã manh nha có những tác động dễ dàng nhận thấy đến nền điện ảnh.

Làn sóng mới từ các đạo diễn

Justice League của đạo diễn Zack Snyder có thể là trường hợp vô tiền khoáng hậu, nhưng nó cũng có thể là sự bắt đầu cho một trào lưu mới khi mà các đạo diễn mong muốn thành quả thực sự của mình được đón nhận.

Thời gian trước đây, đạo diễn David Ayer của tác phẩm Suicide Squad (2016) đã bóng gió về việc đứa con tinh thần của mình bị cắt xén không thương tiếc những phân cảnh quan trọng, trong đó có rất nhiều đất diễn của tài tử Jared Leto trong vai Joker. Và tất nhiên cũng giống như bao người làm nghệ thuật khác, ông mong muốn khán giả được thưởng thức trọn vẹn tác phẩm của mình. Tuy nhiên David Ayer cũng nhấn mạnh rằng điều đó phụ thuộc vào hãng phim sản xuất.

Và mới đây nhất là trường hợp của Ghostbusters (2016). Đạo diễn Paul Feig mong muốn bản phim dài 3,5 tiếng của mình cũng sẽ được trao cơ hội trình chiếu giống như Justice League của Zack Snyder. Bởi vì như khán giả đã biết, bộ phim reboot thương hiệu này hoàn toàn là một bom xịt và bị chê bai thậm tệ.

Chẳng cần nói đâu xa, Thiên linh cái ở Việt Nam cũng từng hứa hẹn là một bộ phim độc nhất vô nhị rất đáng mong chờ. Sau thời gian kiểm duyệt và cắt xén, tác phẩm ra rạp bỗng trở thành “một đứa trẻ tật nguyền”, chỉ là những mảnh chắp vá không rõ hình thù khiến cả ekip lẫn khán giả vừa thất vọng, vừa đau đớn. Chỉ đến khi bản hoàn chỉnh được công bố, Thiên linh cái: Chuyện chưa kể mới được nhìn nhận là một bộ phim có chất lượng tốt.

Có lẽ không chỉ người hâm mộ mà ngay cả các đạo diễn cũng mong muốn những tâm huyết của mình được hãng phim tôn trọng thay vì cắt xén cho đủ thời lượng.

 Tiếng nói của người hâm mộ được coi trọng

Khán giả không chỉ là người tiếp nhận sản phẩm mà còn góp phần không nhỏ vào việc định hướng văn hóa điện ảnh. Đối với những thương hiệu lớn như DC thì người hâm mộ lại là điều cực kỳ quan trọng.

Từ năm 2017 đến nay, chiến dịch #ReleaseThe SnyderCut vẫn âm thầm và bền bỉ diễn ra trong cộng đồng fan DC. Họ liên tục mở rộng tầm ảnh hưởng của mình bằng việc thuê các biển quảng cáo hay quyên góp tiền tài trợ cho các quỹ từ thiện. Đến tháng 11 năm ngoái, chiến dịch đã đạt được hơn 60.000 lượt tweet trên Twitter. Thậm chí đạo diễn Zack Snyder và dàn diễn viên của phim cũng lên tiếng ủng hộ.

Để rồi cuối cùng, chính ông Toby Emmerich, chủ tịch của Warner Bros. đã chia sẻ rằng: “Nhờ sự nỗ lực của rất nhiều người, chúng tôi vui mừng đem đến cho khán giả phiên bản đáng mong đợi của Justice League”.

Tuy nhiên theo cây viết Drew Taylor của tờ Collider, việc này có thể tạo nên “một tiền lệ nguy hiểm” khi khán giả được trao quyền năng quá lớn, có thể quyết định vận mệnh của một bộ phim.

Minh chứng rõ ràng nhất chính là người hâm mộ Star Wars cũng đã lập nên chiến dịch #ReleaseTheJJCut khi tác phẩm Star Wars: The Rise of Skywalker ra mắt năm 2019 không được như những gì họ kỳ vọng. Theo Drew Taylor, việc làm này là “vô cùng lố bịch” khi các fans luôn mong đợi vào một bản phim xuất sắc nhưng đã bị bỏ qua dù không hề chắc chắn nó có tồn tại hay không.

Chia sẻ

Theo

Tổng hợp

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất