Lần thứ 4 được đề cử Oscar, Jennifer Lawrence đã thất bại trước người đồng nghiệp Brie Larson. Có thể, Lawrence vẫn diễn tốt nhưng bản thân cô lẫn tác phẩm Joy đều chưa có sự đột phá như Larson và Room đã làm được.
Mối duyên của đạo diễn David O. Russell và Jennifer Lawrence bắt đầu từ năm 2012 với tác phẩm Silver Linings Playbook giúp cô giành tượng vàng Oscar. Một năm sau đó, David tiếp tục giao cho nữ minh tinh vai người vợ của tay lừa đảo Irving Rosenfeld (Christian Bale) trong American Hustle. Joy đánh dấu lần thứ ba hai người cộng tác, với nội dung về cuộc đời của nữ doanh nhân Joy Mangano, người sáng chế ra hàng loạt sản phẩm nội trợ sáng tạo.
Đi theo môtip “from zero to hero”, bộ phim bắt đầu ở thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời Joy. Cô đã li dị, sống cùng hai người con trong một gia đình có đến bốn thế hệ. Cha của Joy (Robert De Niro) là chủ một doanh nghiệp nhỏ nhưng tính tình gàn dở, còn mẹ cô (Virginia Madsen) chỉ biết nằm dài cả ngày xem ti vi. Trong khi đó, chồng cũ của Joy (Edgar Ramirez) là một nghệ sĩ nhưng không kiếm ra tiền và vẫn sống trong tầng hầm của gia đình.
Chỉ có bà của Joy, Mimi (Diane Ladd), là người duy nhất hỗ trợ và động viên cô theo đuổi trí tưởng tượng của mình. Sau một sự cố, Joy lóe lên ý tưởng và sáng tạo ra chiếc chổi lau tiện dụng Miracle Mop. Cô quyết tâm kinh doanh sản phẩm này, song hành trình đến với sự thành đạt của Joy còn lắm gian nan với những trò lừa đảo, sự thờ ơ của người tiêu dùng và cả sự ganh tức từ trong gia đình.
David O. Russell là đạo diễn lừng danh trong việc xây dựng tác phẩm xoay quanh các nhân vật. Trong phim của ông, mọi thứ như cốt truyện, ngoại cảnh, thậm chí cả nhạc phim đều phải góp phần làm tôn vinh diễn xuất của diễn viên. Chính vì vậy, những tài tử cộng tác với David được dịp phô bày hết khả năng của mình, và trong hai năm liên tiếp, Silver Linings Playbook và American Hustle đều nhận trọn vẹn bốn đề cử ở bốn hạng mục diễn xuất.
Ở Joy, mọi ưu ái của David O. Russell tập trung vào Jennifer Lawrence. So với hai phim trước, nền tảng vai diễn của Jennifer vẫn không thay đổi, đó là một cô gái mạnh mẽ và có phần cứng đầu. Song bên cạnh đó, nhân vật Joy còn được bổ sung thêm tính cách hiền hậu, vẹn toàn cho gia đình. Dù ở ngoài đời chưa kết hôn, Jennifer Lawrence vẫn thể hiện xuất sắc trong phân cảnh nuôi dạy những đứa con hay chăm lo cho bà mẹ trái tính.
Dưới một góc nhìn khác, Joy còn là đại diện cho chủ nghĩa sáng tạo của người Mỹ. Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu thế giới và được xem là “mảnh đất của cơ hội”, chính nhờ biết khuyến khích sự nỗ lực không ngừng của dân chúng. Ở một góc khuất nào đó trong xó bếp, có một bà nội trợ mày mò chế tạo ra cây lau nhà giúp làm việc hiệu quả hơn. Cô ta làm mọi thứ để thực hiện giấc mơ của mình, đưa sản phẩm đến với mọi người và trở thành một người thành đạt. Chiến thắng cuối cùng của Joy là minh chứng cho giấc mơ Mỹ, với lòng đam mê và kiên trì, ai cũng có thể “đổi đời” trên con đường mình đã chọn.
Trong tác phẩm, Jennifer Lawrence cho thấy khả năng biến hóa mượt mà khi liên tục chuyển đổi giữa hai vai trò “người phụ nữ của gia đình” và “nữ doanh nhân sáng tạo”. Với đẳng cấp của mình, cô dễ dàng nắm trọn vai diễn và tỏa sáng cả trong những phân cảnh mà đường dây câu chuyện còn yếu. Cách Jennifer Lawrence sử dụng hình thể, ánh mắt kết hợp với thoại thật sự làm bật lên tính cách kiên cường của nhân vật. Đề cử Oscar lần thứ tư là hoàn toàn xứng đáng cho nữ minh tinh 25 tuổi.
Thế nhưng, đáng tiếc là do quá tập trung vào vai chính, kịch bản do chính David O. Russell chắp bút lại không để lại dấu ấn. Nhiều chi tiết thiếu logic cùng cách giải quyết nút thắt có phần quá dễ dàng đã làm tác phẩm mất đi cao trào. Ở đôi chỗ, nhân vật chính quá quyết tâm và mạnh mẽ, trong khi câu chuyện xung quanh cô lại được xây dựng theo lối “dark comedy” với nhiều tình tiết châm biếm. Điều đó gây ra sự lệch pha đáng kể khiến người xem bị chơi vơi về cảm xúc.
David O. Russell từng ghi dấu ấn với nét hài hước và nhịp phim nhanh trong American Hustle hay The Fighter, nhưng khi cố áp đặt phong cách này vào một tác phẩm tiểu sử như Joy, nhà làm phim 57 tuổi đã không thành công. Đó là chưa kể đến việc ông còn hư cấu nhiều tình tiết về cuộc đời của cô. Câu chuyện vượt khó của Joy nên được kể theo một cách “chính chuyên” hơn, tập trung nhiều hơn vào những ngã rẽ trong cuộc đời cô.
Cũng như vậy, dàn diễn viên tên tuổi như Bradley Cooper hay Robert De Niro dường như chỉ làm nền cho Jennifer Lawrence. Ngôi sao kỳ cựu Robert De Niro vẫn sở hữu nét diễn tinh tế, nhưng nhân vật của ông không có tính cách rõ ràng như trong Silver Linings Playbook. Trong khi đó, Bradley Cooper gây được ấn tượng khi hóa thân thành nhà sản xuất truyền hình Neil Walker, thì lại chỉ xuất hiện với thời lượng ngắn ngủi.
Như tên gọi của mình, Joy là người đem đến niềm vui cho những bà nội trợ. Dù kịch bản chưa thật thuyết phục, tác phẩm của đạo diễn David O. Russell vẫn là một bộ phim truyền cảm hứng và đề cao những giá trị Mỹ. Đó còn là câu chuyện cổ tích thời hiện đại, cũng như nguồn động viên cho những người yếu thế trong cuộc sống tự tìm lấy thành công cho mình. Đối với người hâm mộ Jennifer Lawrence nói riêng, họ sẽ hoàn toàn hài lòng vì cô lại tìm được một vai diễn xuất sắc, một nấc thang mới trong sự nghiệp.