Có những người có thể làm chúng ta vui cười thì ngược lại cũng có những người làm chúng ta không vui. Họ luôn tồn tại, đứng ở đâu đó để phán xét chúng ta, ai cũng từng trải qua chuyện này ít nhất một lần trong đời. “Lần đầu tiên bước lên sân khấu ghi hình, mình chuẩn bị cho vai diễn nhiều mảng miếng nhưng bị người ta không cho thoại, diễn lướt để mình hết vai. Lúc đó Lập nghĩ sao có thể oan trái, cay nghiệt đến như vậy”. Những dạng sốc trời giáng như vầy là điều dễ thấy dù là ở đâu. Có người chọn cách né tránh, riêng với anh chàng Huỳnh Lập, anh không làm như vậy. Điều anh muốn làm đó là lại được hợp tác với người không thích mình để từ đó anh có thể dùng hành động, thực lực để chứng minh năng lực của mình hay chí ít để người đó có cái nhìn đúng đắn hơn về mình.
Huỳnh Lập chia sẻ lúc còn đi học, anh đã từng mắc bệnh trầm cảm nặng. Với một người sống có phần nội tâm, luôn giữ những điều buồn cho riêng mình, Huỳnh Lập chia sẻ mình rất dễ rơi vào tình trạng trầm cảm. Nếu là trước đây từng một lần buồn miên man do trầm cảm thì bây giờ anh hiểu được cảm giác đó nên không cho phép bản thân mắc phải nữa. Những lúc cảm thấy có quá nhiều nỗi buồn, áp lực xâm chiếm, Huỳnh Lập sẽ tự tìm cho mình cách giải thoát. “Những lúc như vậy Huỳnh Lập thường xem những thước phim kinh dị. Khi xem những cảnh có phần rợn người đó, Lập thấy mình như được nổi loạn”.
Sau này, Huỳnh Lập cũng gặp nhiều tình huống giống mình như xưa. “Con người bây giờ rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm do áp lực điểm số, cơm áo gạo tiền, công việc hay dư luận” anh chia sẻ. Là một người luôn muốn mang những năng lượng tích cực đến cho mọi người, Huỳnh Lập sẵn sàng đồng hành và giúp đỡ những ai mắc phải trầm cảm. Anh chia sẻ thêm, có lần có một bạn chia sẻ việc bản thân cảm thấy áp lực vì điểm số. Huỳnh Lập dùng chính câu chuyện ngày còn đi học của mình để giải tỏa cho bạn trẻ kia. Điểm số không quyết định một người mai này có thành công hay không vì vậy đừng quá buồn vì nó. “Nhiều người thậm chí rất dễ bị những điều nhỏ nhoi đưa vào trạng thái tiền trầm cảm, họ không thể vượt qua vì đơn giản họ không có những điều lớn lao hơn như tình cảm hay ước mơ để tựa vào”.
Huỳnh Lập là một chàng trai tình cảm, sống duy tâm, với anh khi một ai đó truyền đến cho mình những điều tiêu cực, điều không nên làm nhất chính là đáp trả điều đó lại cho họ. “Lập sẽ buông bỏ hết để tinh thần bình tĩnh lại, không bị ảnh hưởng. Cũng đừng nên tự gặm nhấm những nỗi ưu uất đó mãi”. Vì con người sau cùng vẫn phải bước tiếp về phía trước, vậy tại sao chúng ta không bước đi thật vui vẻ, thoải mái mà phải nện những bước chân hằn học, giận dữ xuống nền đất?
Quay lại câu chuyện trầm cảm của mình, Huỳnh Lập dù sao cũng là người của công chúng, sức ép từ dư luận ít nhiều vẫn sẽ ảnh hưởng đến anh hay đôi khi nhiều biến cố cùng đến cũng khó bề xoay chuyển. Vậy mà Huỳnh Lập chưa bao giờ nghĩ sẽ kể những điều đó cho ba mẹ nghe. Anh tâm niệm rằng “Ba mẹ đã lo lắng cho mình cả đời rồi thì đến lúc này, khi bản thân đã có thể chịu trách nhiệm với cuộc sống của riêng mình rồi, không thể để ba mẹ lo lắng thêm một ngày nào nữa”.
Gần đây, kênh trực tuyến của Huỳnh Lập đã trở lại với rất nhiều dự án rôm rả, gây xôn xao người hâm mộ như Thiên tài bắn hảo, Hàng xóm khó ưa, The cup - quá đói lắm luôn á, Tết như vậy chưa đủ đẹp sao má?. Điều thú vị ở đây đó là việc lồng ghép quảng cáo vào những sản phẩm hết sức dễ chịu, không bị phản tác dụng như một số đoạn phim ngắn quảng cáo khác. Huỳnh Lập chia sẻ: “Khi đưa quá nhiều quảng cáo một tác phẩm nghệ thuật, rất dễ bị phản tác dụng đó là gây cho khán giả sự ác cảm. Dù vậy đó lại là cách nhanh nhất để quảng bá sản phẩm. Thực tế bây giờ, khán giả họ cũng dần tinh tế hơn và không thích cái gì quảng cáo quá nhiều, nên mỗi một sự sắp đặt quảng cáo trong sản phẩm nghệ thuật cần được tính toán tinh tế, khéo léo”.
Anh chia sẻ thêm, hai yếu tố làm nên một sản phẩm mang yếu tố quảng cáo đúng điệu đó là kịch bản và khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng. Ở khâu kịch bản, người biên kịch phải linh hoạt để lồng ghép mặt hàng quảng cáo sao cho duyên dáng nhất. Ở việc đáp ứng nhu cầu khách hàng, người sản xuất phải tỉnh táo, phải cân bằng được giữa yếu tố thương mại và nghệ thuật để sản phẩm không trở nên quá đà. “Nhiều lúc Lập phải đấu tranh với nhãn hàng quyết liệt để đảm bảo sản phẩm có được tính hiệu quả cao nhất. Những người làm quảng cáo nhiều lúc họ đặt yếu tố kinh doanh lên trên mà quên đi yếu tố vừa phải, chừng mực của nghệ thuật nên dễ bị phản tác dụng. Hãy tin ở người làm nghệ thuật như Lập có thể biến những sản phẩm quảng cáo trở nên tinh tế theo cách của nghệ thuật”.
Khi được hỏi về những dự án sẽ tiến hành trong năm 2018, anh chàng Huỳnh Lập của chúng ta kể ra rất nhiều dự án mang tính bất ngờ cao do lần đầu thử sức. Một chuỗi phim ngắn phát sóng trực tuyến là cơ hội mới mà Huỳnh Lập muốn trải nghiệm. Ngoài ra Huỳnh Lập cũng mong năm 2018 sẽ là dịp để mình khẳng định tên tuổi trên mặt trận đạo diễn khi cho ra đời một sản phẩm điện ảnh gắn mác Huỳnh Lập. Bộ phim đó sẽ mang màu sắc nghệ thuật cũng như nội dung xoay quanh yếu tố nghệ thuật.
Dù vậy vai trò đạo diễn với anh là cái duyên nhiều hơn là sự yêu thích ban đầu. Định hướng ban đầu của Huỳnh Lập không phải trở thành một đạo diễn. “Ngày trước khi Lập thi thi vào trường Sân khấu Điện ảnh, Lập không dám thi diễn viên mà thi đạo diễn vì không đủ chiều cao. Lập nhất định phải thi được vào trường để từ đó mới có cơ hội học thêm khả năng diễn xuất ở các thầy cô, bạn bè đồng nghiệp”. Chính vì cơ duyên đó mà Huỳnh Lập đã có trong mình kha khá những am hiểu ở cả hai lĩnh vực, đạo diễn và cả diễn viên. Anh chia sẻ những kiến thức về đạo diễn đã giúp anh rất nhiều trong lúc quay, giúp anh có cái nhìn bao quát hiện trường, lựa chọn những vị trí đứng sao cho phù hợp với nhân vật của mình nhất. Ngoài hàng loạt những tác phẩm do mình biên kịch và đạo diễn, Huỳnh Lập còn sở hữu một nhóm kịch nhỏ cho riêng mình. Vì thế, sự cọ xát của Huỳnh Lập giữa sân khấu và điện ảnh khá sâu sắc.
Hiện nay có rất nhiều người vẫn khó phân biệt một cách tường tận khái niệm sân khấu và điện ảnh. Với điện ảnh có những phân đoạn diễn viên không thể thể hiện được cảm xúc trọn vẹn thì đạo diễn có thể linh động chuyển sang dùng góc máy xa; có thể quay ở phim trường chưa thật sự xuất sắc nhưng khi mang về hậu kì, cắt ghép chỉnh sửa thêm âm nhạc, hiệu ứng thì lại trở nên hấp dẫn. Với sân khấu, người đạo diễn nắm tổng thể lúc dựng nhưng lúc lên diễn có nảy sinh biến cố thì diễn viên ứng biến nhanh, xử lý tình huống cho phù hợp. Tuy vậy nếu có cảnh cần khóc mà diễn viên không khóc được khán giả sẽ phát hiện ra ngay.
Đối với đạo diễn điện ảnh, có một không gian rộng lớn để xử lý không phải lúc nào cũng thuận lời bởi nếu không tinh tế thì tổng thể sẽ dễ bị hòa loãng vào đó. Còn đối với đạo diễn sân khấu, bị giới hạn trong một không gian cụ thể ngỡ sẽ là thách thức lớn nhưng nếu họ có khả năng kiểm soát bố cục tốt, biết cách ước lệ để phá vỡ giới hạn không gian thì sẽ là bước đột phá rất lớn. Tuy nhiên với Huỳnh Lập, anh lại chọn nghệ thuật sân khấu là nơi để nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn nghệ sĩ của mình. “Mọi người đi xem phim điện ảnh nhiều, họ sẽ rất khó hiểu được nghệ thuật sân khấu hay ở chỗ nào nhưng nếu họ đi xem kịch đúng những tác phẩm chất lượng, họ sẽ tự động yêu kịch sân khấu ngay”.
Câu chuyện Huỳnh Lập kể ngày hôm nay, không phải là những câu chuyện lần đầu anh chia sẻ trước công chúng, nhưng sau mỗi ngày sống, lao động và trải nghiệm, cách kể của Huỳnh Lập dành cho chúng đã có nhiều đổi khác hơn, chín chắn, sâu lắng hơn. Những câu chuyện Huỳnh Lập mang ra kể mang đậm màu sắc cuộc sống phong phú của mình, không có bất cứ sự giấu diếm, gượng ép nào cả vì anh tin rằng để có ngày hôm nay, mình đã từng vui buồn với những câu chuyện đó mỗi ngày. Để nói Huỳnh Lập là một tấm gương sáng hay bức tượng vĩ đại để người trẻ nhìn theo, nghe có vẻ xa xôi, hư ảo. Điều Huỳnh Lập làm được cho đến lúc này chính là chứng minh được rằng chỉ cần bạn có sức trẻ, bạn có đam mê và bạn dám thử, thành công sẽ không ngần ngại gọi tên bạn. Ngoài ra, anh còn truyền đến cho những người trẻ khác những giá trị tích cực cần có để nuôi dưỡng thanh xuân phía trước, điều mà Huỳnh Lập vẫn luôn thực hiện mỗi ngày.
“Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại,
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
(Vội vàng - Xuân Diệu).