Không nhắng nhít như trên sân khấu, Huỳnh Lập xuất hiện trong đời sống thường nhật đầy giản dị nhưng những khi anh nhắc đến đam mê, đến nghề và nghệ thuật thì đôi mắt kia lại ánh lên nhiều tia nhiệt huyết khó tả. DAMTV là một trong số những kỉ niệm nghệ thuật đáng nhớ trên con đường kiến tạo thành công của Huỳnh Lập.
Từ một nhóm bạn trẻ tầm 12, 13 người cùng chung đam mê, gắn kết nhau bởi chân thành, họ họp lại làm những thước phim cho thỏa lòng thèm muốn. Chưa bao giờ DAMTV ở thời điểm đó nghĩ rằng mình sẽ vụt sáng. Có lẽ chính cái tâm dành cho các sản phẩm - điều làm nên tên tuổi DAMTV sau này - đã giúp họ thêu tên mình vào lòng khán giả.
Dự án đầu tiên của DAMTV: Mỗi nơi một nơi (Parody).
Đối với một nhóm các bạn sinh viên, để có được một đoạn phim hoàn chỉnh ngoài đầu tư về chất xám còn phải nhắc đến kinh phí. “Kinh phí là các bạn nhịn ăn nhịn uống hùn hạp với nhau. Nhiều người nói làm nghệ thuật không tốn tiền đâu, thật ra điều đó chỉ đúng với điều kiện không lấy caste. Các thành viên DAMTV nhịn ăn nhịn uống cứ hùn vô, mỗi người mấy trăm ngàn thì được vài triệu. Cùng nhau làm, cùng nhau sản xuất ra những sản phẩm mình yêu thích”. Một giá trị đẹp đẽ mà DAMTV làm được ngoài các đoạn phim hài hước chính là họ đã dùng ước mơ của mình như động lực để thôi thúc sự nỗ lực hết mình cho những điều mình hằng mong mỏi. Sức trẻ dồi dào thật nhưng cũng trở nên vô nghĩa nếu không có ước mơ, đam mê dẫn đường.
“Mình chưa bao giờ muốn buông xuôi, không thực hiện tiếp các sản phẩm vì áp lực kinh phí cả. Chúng ta làm bất cứ một công việc nào kể cả không liên quan đến nghệ thuật đều cần kinh phí. Nó không phải là yếu tố để mình phải từ bỏ sản xuất”. Một câu chuyện sản xuất khác Huỳnh Lập chia sẻ, khi kinh phí không cho phép nhóm thỏa sức sáng tạo, nếu không mượn được thì nhóm sẽ xoay sở trong chính những cái mình sẵn có. Không đi được trên biển lớn sáng tạo bằng những con thuyền buồm căng không có nghĩa chúng ta không tạo ra được những chiếc thuyền cho chính mình. Trong quá trình đóng thuyền biết đâu chúng ta lại có thêm nhiều hơn nữa những phương pháp, những kinh nghiệm phục vụ cho những lần vượt sóng, chống bão sau này.
Tuy nhiên, để đánh dấu cột mốc DAMTV hãnh diện giới thiệu tên mình đến khán giả có lẽ là sau đoạn phim ngắn Kính Vạn Bông, một phiên bản cực ngắn nhưng cực nhắng của chuỗi phim đình đám Kính Vạn Hoa. Ý tưởng ban đầu DAMTV thực hiện chỉ để tái hiện lại cho mình những kỉ niệm ngây dại, ngô nghê tuổi học trò. Nếu bạn vẫn còn đang đi học và tình cờ xem được Kính Vạn Bông, bạn sẽ thấy mình trong đó đôi chút. Nhưng khi bạn đã xa rồi những năm tháng phổ thông ấy, xem lại Kính Vạn Bông sẽ như một chuyến tàu thời gian đưa bạn quay lại những kỉ niệm, những khoảnh khắc tưởng như đáng ghét mà giờ muốn có được trải qua lần nữa lại không còn cơ hội nào. Chính điều này đã khiến đoạn phim trở nên bùng nổ trên mạng xã hội lúc đó, góp phần đưa tên tuổi những bạn trẻ nhiệt huyết bước gần hơn đến công chúng.
Kính Vạn Bông với hơn 31 triệu lượt xem.
Và một trong số những tài năng trẻ vụt sáng từ Kính Vạn Bông lúc ấy là Duy Khánh. Xuất hiện trong đoạn phim với tạo hình khả ái, điển trai, Duy Khánh mang nụ cười tỏa nắng cướp mất ánh nhìn của bao nữ sinh khi máy quay vô tình lia đến anh. Từng có nhiều tin đồn cho rằng Duy Khánh tách khỏi DAMTV để đi tìm chân trời mới, Huỳnh Lập vui vẻ chia sẻ khi quay Kính Vạn Bông một nhóm bạn tầm 11, 12 người như DAMTV lúc đó không đủ để tái hiện một lớp học thật sự vì vậy nhóm cần tuyển thêm các bạn cộng tác viên và Duy Khánh là một trong số đó. Chính cái duyên dáng vốn có của Khánh đã giúp anh có chỗ đứng trong lòng khán giả. “Sau này mình cũng giao vai cho Khánh trong một vài dự án khác của DAMTV nếu vai diễn đó phù hợp với Khánh. Khánh và DAMTV chưa bao giờ có mâu thuẫn với nhau cả” Huỳnh Lập tâm sự.
Sau sự thành công đến từ Kính Vạn Bông, Huỳnh Lập cùng ekip DAMTV như có thêm động lực để tiếp tục hành trình tạo ra những sản phẩm chỉn chu hơn để gửi đến khán giả. Đó là Chầu Hoan Cua Chống, Chuyện thần tiên xứ sở Odam, Pikachu đâu rồi?, Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể,… đầy ấn tượng. “Mình cảm nhận được thị hiếu của khán giả ngày càng cao và mình không thể chỉ giậm chân tại chỗ với những sản phẩm nhỏ lẻ được. Vì vậy nhóm quyết định đầu tư một sản phẩm hoành tráng thật sự như một món quà cho sự yêu mến khán giả dành cho nhóm”.
Huỳnh Lập kể tiếp câu chuyện thực hiện những dự án “khủng” của nhóm khi đã bắt đầu dám đầu tư mạnh tay cho flycam, cho phục trang, cho đạo cụ đầy công phu. Sự kỳ vọng của khán giả đôi khi cũng là động lực để những người trẻ lao động nghệ thuật có thêm tinh thần, sự ủng hộ để mạnh dạn thử sức ở nhiều khía cạnh nhằm mục đích cuối cùng tạo ra cho người hâm mộ những món quà ấn tượng.
Chầu Hoan Cua Chống với hơn 20 triệu lượt xem.
Tập 1 của Chuyện thần tiên xứ sở Odam với 15 triệu lượt xem.
Tập 1 của Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể.
“Đi một ngày đàng học một sàng khôn” có lẽ là một câu tục ngữ khá đúng để hình dung về con đường lao động nghệ thuật cho đến hiện giờ của Huỳnh Lập. Thành công gọi tên anh khi tuổi đời còn khá trẻ khiến nhiều người hoài nghi. Nhưng để công bằng đánh giá, Huỳnh Lập dấn thân vào con đường này sớm hơn rất nhiều so với một số diễn viên cùng thời. Từ khi học cấp 3, anh đã có những sản phẩm đầu tiên của mình, bước chân lên đại học, anh thử sức với nhiều vai trò từ biên kịch, đạo diễn cho đến diễn viên và sản xuất hậu kì. Tất cả sự lăn xả đó như những lần mài ngọc quý giá, trui rèn để tạo ra một Huỳnh Lập như ngày hôm nay đầy tài năng và sáng giá. Thành công không dễ dàng gõ cửa nếu như bạn chưa sẵn sàng đón nhận nó, chỉ có lao động cật lực mỗi ngày mới giúp bạn biết lúc nào nên mở cửa để thấy thành công.