Phim Ảnh

'Hồn Papa, da con gái': Có quá cường điệu khi nội dung phim đề cao vape là phương tiện truyền cảm hứng?

Jin Yin
Chia sẻ

Suốt thời gian trước khi ra mắt, "Hồn Papa, da con gái" nhận được không ít kì vọng từ phía khán giả và truyền thông. Song cũng chính vậy mà khi ra rạp bộ phim vướng phải những tình tiết bất cập về văn hóa, nhất là khi ekip quyết định đưa vape vào phim và xem nó trở thành phương tiện truyền cảm hứng.

Trước khi đi sâu, nói nhiều hơn về việc sử dụng vape và ý nghĩa của nó trong bộ phim Hồn Papa, da con gái của đạo diễn Ken Ochiai, có lẽ chúng ta cần có góc nhìn khách quan và đúng đắn với về thú chơi thu hút không ít bạn trẻ này.

Vape hay vaping được định nghĩa là hành động hít lượng hơi nước nhất định thông qua một thiết bị tạo khói cá nhân. Ngoài ra, vape còn có thể hiểu là một dạng tương đồng của thuốc lá điện tử, được giới trẻ sử dụng thay cho thuốc lá thông thường bởi họ tin vape không mang đến những phản ứng tiêu cực cho cơ thể: không gây ung thư, không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, không tàn thuốc,… Trên thực tế, loại hình này khá phổ biến bởi cách dùng khá đơn giản và thứ được hút là các loại hương liệu, tinh dầu mùi trái cây chứ hoàn toàn không chứa nicotin như thuốc lá. Thêm vào đó, vape cũng khá đa dạng từ mùi hương cho đến kiểu dáng và kích cỡ, dễ mua và cũng không khó để “người mới” có thể “nhập môn”.

Hon Lik - “cha đẻ” của vape.

Ở xã hội Việt Nam, vape bắt đầu thịnh hành vài năm trở lại đây nhưng ít ai biết rằng nó đã ra đời từ những năm 1960, là phát minh của dược sĩ người Trung Quốc - Hon Lik. Về sau, loại hình này dần chiếm lĩnh thị trường Mỹ và rộ lên vào năm 2000 tại quốc gia này. Đối với văn hóa phương Tây, vape hoàn toàn là thú chơi thông dụng, người ta xem chúng là công cụ xả stress, giải tỏa áp lực, phương tiện truyền cảm hứng và là “gia vị” cho những buổi tụ họp bạn bè thêm thú vị. Có lẽ với tất cả những ý nghĩa này, ekip Hồn Papa, da con gái đã mang vape lên màn ảnh với những thông điệp riêng, đồng thời tạo sức hút về phần nhìn. Song vô luận thế nào đi nữa, đây cũng là một phim Việt và đối với xã hội Việt Nam, việc làm này ít nhiều đều có chút bất cập.

Được chuyển thể từ tiểu thuyết Papa to Musume no Nanokakan (7 ngày của cha và con gái) của Nhật Bản, có hai phiên bản chuyển thể của Nhật và Hàn vào những năm 2007, 2017, cộng thêm những gương mặt bảo chứng doanh thu như Thái Hòa, Kaity Nguyễn cùng nhà sản xuất Charlie Nguyễn, Hồn Papa, da con gái được kì vọng sẽ thống lĩnh hệ thống các rạp chiếu dịp cuối năm. Xoay quanh hai cha con Hải (Thái Hòa) và Châu (Kaity Nguyễn) - người cha trẻ con và cô con gái “bà cụ non”, Hồn Papa, da con gái đã mang đến thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình và góc nhìn mới về bản sắc của mỗi con người trong cuộc sống. “Không ai có thể nhìn thấy mình qua người khác” và vì lẽ đó, người cha trong câu chuyện luôn khuyến khích con gái mình làm lại chính bản thân, tạo nên nét riêng vốn có bởi mỗi người đều là phiên bản “limited” của chính mình.

Ở khía cạnh khác, “ba” Thái Hòa trong phim lại có thói quen hút vape để tìm ý tưởng và khơi gợi cảm hứng vì nhân vật Hải là nhân viên sáng tạo của một công ty có tiếng. Bên cạnh đó, vape cũng giúp anh hoàn thành tốt phần ballet - kungfu trong thân xác con gái mình khi hai cha con bị hoán đổi vì một sự cố tình cờ. Tiết mục với khói vape đã tạo nên nét độc đáo khác biệt, gây ấn tượng cho mọi người có mặt tại buổi biểu diễn và nó cũng giúp Châu có được học bổng du học. Tuy nhiên chính chi tiết này lại ít nhiều gây tranh cãi bởi sự khác biệt về văn hóa.

Như đã đề cập ở trên, vape xuất hiện ở các nước phương Tây từ khá sớm và bản chất của chúng cũng khác hoàn toàn với chính chúng khi du nhập vào Việt Nam. Chúng ta có thể khẳng định vape hoàn toàn không xấu, chỉ là những sai khác về văn hóa đã khiến chúng lọt thỏm và trở thành nỗi trăn trở của người xem phim. Bên cạnh đó, trước những thông tin độc hại và không mấy tốt đẹp về loại hình này trên các phương tiện thông tin đại chúng của người Việt càng làm khán giả và truyền thông nghi ngại về việc sử dụng vape trong bộ phim Hồn Papa, da con gái.

Gần đây, những thông tin từ Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế về thuốc lá điện tử cho biết một số cơ sở kinh doanh vape đã để nicotin lỏng vào dung dịch mà người ta sử dụng để hút vape thay vì tinh dầu trái cây. Hơn thế nữa, có những loại vape còn độc hại hơn cả thuốc lá thông thường bởi chúng có khả năng gây nghiện và dẫn đến ung thư tương đối cao. Những thông tin này ít nhiều gây ác cảm cho khán giả về vape và đương nhiên, việc sử dụng loại hình này trên màn ảnh sẽ có tác động không nhỏ đến người xem, nhất là trẻ vị thành niên.

Mặc dù bộ phim Hồn Papa da con gái gắn mác C16 (không dành cho khán giả dưới 16 tuổi), thế nhưng 16-17 tuổi vẫn còn đang học cấp 3, việc nhận thức còn chưa thực sự hoàn thiện. Cộng thêm thú chơi vape tại Việt Nam đã biến tướng rất nhiều so với nước ngoài lại càng dễ dẫn đến những hậu quả tiêu cực. Vì lẽ đó, việc cân nhắc sử dụng các phương tiện tạo hiệu ứng như vape trong các sản phẩm được công chiếu rộng rãi là điều rất quan trọng. Khi ra rạp, bộ phim của đạo diễn Ken Ochiai gắn mác giới hạn độ tuổi, điều này lại gây tiếc nuối bởi đây là sản phẩm khá thích hợp dành cho gia đình.

Sự sai khác giữa văn hóa Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng và các quốc gia phương Tây đã khiến kịch bản và diễn biến Hồn Papa, da con gái không thể chạm đến cảm xúc khán giả, dù là sự xúc động hay vui vẻ. Ví như ekip có thể chọn một cách khác hay một phương tiện khác có lẽ mọi thứ sẽ trọn vẹn hơn rất nhiều.

Song sau tất cả, trong thời buổi hội nhập và dung hòa văn hóa, có lẽ bộ phim sẽ nhận được sự đón nhận của đại đa số khán giả trẻ bởi sự phóng khoáng trong quan niệm sống của họ. Hơn nữa, giới trẻ hiện nay đa phần đều đủ tỉnh táo và sáng suốt để hiểu, nhìn nhận những hiện tượng như vape một cách nhẹ nhàng. Họ ý thức rõ ràng đâu là sử dụng chừng mực, đâu là lạm dụng để rồi gây hại cho sức khỏe, nên đối với phân khúc thị trường nhất định, Hồn Papa, da con gái vẫn sẽ có chỗ đứng cho riêng mình.

Chia sẻ

Bài viết

Jin Yin

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất