Màn ảnh Hoa ngữ cuối năm 2017, đầu năm 2018 chắc chắn không thể không gọi tên Hậu cung Như Ý truyện, dự án phim truyền hình đình đám đã hao tốn không ít giấy mực của truyền thông với dàn diễn viên hùng hậu cùng tạo hình đẳng cấp. Như Ý truyện được dự báo sẽ nối tiếp Chân Hoàn truyện để trở thành một bộ phim kinh điển nữa trong dòng phim cung đấu Hoa ngữ.
Tuy nhiên, đối thủ số một của Như Ý truyện đã bất ngờ lộ diện, không phải Thắng Thiên hạ của Phạm Băng Băng hay Phù Dao Hoàng hậu của Dương Mịch mà đó chính là Diên Hi Công Lược. Đây là một đối thủ thực sự ngang sức, ngang tài mà Như Ý truyện chắc chắn phải dè chừng! Và tất nhiên, tất cả các khía cạnh của cả hai bộ phim đều đã được đặt lên bàn cân để người hâm mộ có thể săm soi tỉ mỉ.
Kẻ tám lạng, người nửa cân
Diên Hi Công Lược biên kịch bởi “biên kịch vàng” Vu Chính. Vu Chính một cái tên đình đám trong làng giải trí Hoa ngữ với các tác phẩm gặt hái nhiều thành công Mỹ Nhân Tâm Kế, Cung Tỏa Tâm Ngọc, Cung Tỏa Châu Liêm cũng như bộ phim điện ảnh Cung Tỏa Trầm Hương. Bên cạnh đó Vu Chính còn là một cái tên gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là về vấn đề bản quyền và đạo nhái ý tưởng.
Ngay từ khi mới có những thông tin đầu tiên về việc khởi quay cũng như về nội dung bộ phim, một làn sóng phản đối và chỉ trích rầm rộ đã dấy lên, chủ yếu là từ người hâm mộ Như Ý truyện. Không biết do vô tình hay cố ý mà bối cảnh và nhân vật lịch sử của Diên Hi Công Lược hoàn toàn trùng khớp với Như Ý truyện, bộ phim đã được khởi quay trước đó hơn 1 năm. Cả Như Ý truyện lẫn Diên Hi Công Lược đều xoay quanh nhưng cuộc đấu đá chốn thâm cung của các Hoàng hậu và Phi tần của của Thanh Cao Tông - Càn Long Hoàng đế.
Mọi việc càng trở nên căng thẳng khi Vu Chính công khai chỉ trích tạo hình của bộ phim Như Ý truyện bằng những lời lẽ vô cùng thậm tệ, thậm chí khiếm nhã. Người hâm mộ Như Ý truyện phẫn nộ và xem đó như một chiêu trò PR của Vu Chính cho bộ phim Diên Hi Công Lược đang được khởi quay song song với Như Ý truyện. Họ cho rằng nhà biên kịch đang cố dựa hơi vào dự án đình đám này để quảng bá cho bộ phim của mình thậm chí còn chỉ ra Vu Chính cũng đã có những tạo hình “thảm họa” không kém!
Tuy nhiên khi đặt cả hai bộ phim lên trên bàn cân để so sánh một cách khách quan thì rõ ràng cả hai đều một chín, một mười, không hề kém cạnh nhau. Chính điều này đã làm cho cuộc đối đầu giữa hai dự án truyền hình ngày càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Diên Hi Công Lược: phiên bản trái ngược một cách cố tình
của Như Ý truyện?
Nội dung của Diên Hi Công Lược lấy bối cảnh từ năm Càn Long thứ 6, cô gái Ngụy Anh Lạc nhập cung hòng điều tra cái chết của trưởng tỷ, bất phục cái chết không minh bạch của chị vì có liên quan mờ ám đến Hòa Thân vương Ái Tân Giác La Hoằng Trú, em trai của Càn Long. Hoàng hậu Phú Sát Dung Âm, không đành lòng thấy Ngụy Anh Lạc chấp mê bất ngộ vì báo thù mà ương ngạnh, thu phục dạy dỗ bên người, từ đó hóa giải ý chí điên cuồng của Anh Lạc.
Sau khi Hoàng hậu bất hạnh qua đời, Anh Lạc theo di nguyện của Hoàng hậu thành tần phi của Càn Long, trở thành Lệnh phi, Lệnh Quý phi rồi cuối cùng là Hoàng Quý phi (tương đương Phó hậu, vị trí cao nhất trong hậu cung lúc bấy giờ vì không có Hoàng hậu) giúp Càn Long gầy dựng nên một thời đại thịnh thế. Cuối cùng, Càn Long di mệnh để con trai của Anh Lạc là Gia Thân vương Vĩnh Diễm kế vị - tức Hoàng đế Gia Khánh sau này.
Trailer đầy ấn tượng của Diên Hi Công Lược hé lộ một kịch bản kịch tính cùng tạo hình đậm chất cổ xưa
Ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy, kịch bản của Diên Hi Công Lược dường như đang ngầm “đá xoáy” Như Ý truyện. Cùng dựa trên những nhân vật lịch sử có thật, nếu như trong Như Ý truyện của tác giả Lưu Liễm Tử, nhân vật chính là Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp Như Ý và kẻ địch nguy hiểm nhất của Kế Hoàng hậu không ai khác ngoài Lệnh Quý phi Ngụy Yến Uyển. Khi chuyển đến kịch bản của Vu Chính, mọi thứ dường như được đảo ngược lại: Lệnh Quý phi Ngụy Anh Lạc trở thành nhân vật chính và Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp Thục Thận trở thành nhân vật thứ yếu, làm nền để tôn lên vai trò Lệnh Quý phi Ngụy Anh Lạc.
Ngụy Yến Uyển trong Như Ý truyện có một kết cục thảm thương, một kết cục đau đớn cùng sự khinh bỉ của cả hậu cung mặc dù nắm tạm quyền cai quản lục cung sau khi Ô Lạt Na Lạp Như Ý qua đời thì kết cục của Ngụy Anh Lạc trong Diên Hi Công Lược hoàn toàn trái ngược: đầy vinh quang và ân sủng. Bên cạnh đó, nếu như nhân vật Hiếu Hiền Hoàng hậu Phú Sát Lang Hoa trong Như Ý truyện là một vai phản diện khi không ngừng ra tay lập mưu sâu kế hiểm với các phi tần khác để giữ vững địa vị của mình thì ngược lại, khi đến Diên Hi Công Lược, Hiếu Hiền Hoàng hậu Phú Sát Dung Âm trở thành một người phụ nữ nhân hậu và rộng lượng, sẵn sàng ra tay che chở và giúp đỡ, cảm hóa Ngụy Anh Lạc.
Tất nhiên, bất kì kịch bản nào cũng phải có nhân vật chính diện và phản diện, việc kịch bản tạo dựng nhân vật như thế nào là quyền của tác giả kịch bản cũng như người biên kịch, tuy nhiên, với sự trùng hợp đến mức đáng ngạc nhiên như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể đặt một dấu hỏi lớn: Liệu Vu Chính có đang cố tình đá xoáy dự án của đạo diễn Uông Tuấn?
Hai phong cách tạo hình đối đầu nhau
Câu hỏi tiếp theo được đặt ra: Vu Chính có phải quá tự mãn khi vùi dập tạo hình của Như Ý truyện đến tận bùn đen? Câu trả lời có lẽ sẽ khiến fan của Như Ý truyện không mấy vui vẻ: tạo hình của Diên Hi Công Lược cực kì xuất sắc và rõ ràng không hề kém cạnh Như Ý truyện một chút nào, thậm chí còn hơn ở một số khía cạnh.
Đạo diễn Uông Tuấn mạnh tay thuê cả một xưởng may chỉ để mục đích tạo nên hàng nghìn phục trang cho các nhân vật trong phim. Các trang phục của Như Ý truyện đã được nghiên cứu tỉ mỉ để có sự kết hợp hài hòa giữa phục trang của quý tộc Mãn Thanh trong lịch sử với các gam màu hiện đại, đó chính là điều đặc biệt làm nên sự thuyết phục và mãn nhãn khán giả trong tạo hình của dàn “nương nương” trong Như Ý truyện. Những tạo hình của Như Ý truyện hoàn toàn quen thuộc nhưng đã được thổi hồn vào để trở nên đẳng cấp hơn và ấn tượng hơn bao giờ hết.
Tạo hình của Diên Hi Công Lược là một ván cược khá lớn với Vu Chính khi đoàn làm phim đã tạo ra những bộ trang phục hoàn toàn đúng với những tư liệu để lại: từ kiểu dáng, màu sắc đến các hoa văn trang trí đều giống gần như hoàn toàn với lịch sử, có thể nói không ngoa rằng bộ phim còn là một dự án phục dựng lại quy mô lớn phục sức của quý tộc Mãn Thanh thời đại Càn Long.
Trang phục của các nhân vật trong Diên Hi Công Lược chắc chắn sẽ khiến cho rất nhiều người hồ nghi, cho rằng đó không thể là trang phục Mãn Thanh được vì trong hình dung của đại đa số khán giả truyền hình, trang phục Mãn Thanh ít ra phải giống như Chân Hoàn truyện, Như Ý truyện hoặc ít ra cũng phải như Vạn Phụng Chi Vương, Thâm Cung Nội Chiến hay tệ lắm cũng phải là Hoàn Châu Công chúa. Tuy nhiên, sự thật mất lòng: không đề cập đến khía cạnh thẩm mĩ của nhãn quan hiện đại, những ai hiểu biết và có nghiên cứu về trang phục quý tộc Mãn Thanh thời đại Càn Long đều đánh giá tạo hình của Diên Hi Công Lược cao hơn Như Ý truyện về mặt phục dựng lịch sử. Thật sự đúng như vậy, Diên Hi Công Lược đã tạo nên một bước ngoặt mới về mặt tạo hình trong phim cổ trang Hoa ngữ, đưa ra một cái nhìn chính xác hơn và cũng … lạ lẫm hơn về trang phục những năm đầu của nhà Thanh.
Vì sao lại có nhận định như trên? Câu trả lời cũng khá rắc rối: trang phục của Như Ý truyện, (và cả Chân Hoàn truyện cũng như các bộ cung đấu Thanh triều khác) cũng không phải là sai về lịch sử nhưng điểm mấu chốt ở đây là chúng đã bị đặt nhầm thời điểm! Thật vậy, một phần lớn kiểu dáng trang phục, các kiểu tóc, mũ đội của các phi tần trong Như Ý truyện (vốn lấy bối cảnh vào thế kỉ 18 dưới thời trị vì của Càn Long) thật ra đến tận thời Thanh mạt (tức cuối thời Thanh - khoảng nửa cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20) mới xuất hiện. Suy nghĩ và tư duy sai lầm trên đã ăn sâu vào tạo hình của gần như tất cả các bộ phim cổ trang về triều Thanh trong suốt ngần ấy năm, khiến đại đa số khán giả đều ngộ nhận rằng đã là trang phục Mãn Thanh thì phải giống như trên và đã mặc định đó là chuẩn mực của trang phục Thanh triều.
Sự thật là Như Ý truyện (cũng như đa số các bộ phim cung đấu khác) thường lấy bối cảnh vào những năm trị vì của Hoàng đế Khang Hi, Ung Chính và Càn Long, tức là thời Thanh sơ (thế kỉ 17 - thế kỉ 18) nên việc sử dụng các trang phục trong phim đều trở nên bất hợp lí vì chúng vốn là trang phục xuất hiện vào cuối thời Thanh.
Trường hợp oái ăm tương tự cũng đã xảy ra với Nữ y Minh phi truyện (2015) khi những bộ trang phục “đúng chuẩn” nhà Minh lại bị la ó là giống với trang phục Triều Tiên trong khi sự thật đã được chứng minh hòa toàn ngược lại: chính trang phục Triều Tiên đã vay mượn kiểu dáng và phong cách của nhà Minh.
Dàn diễn viên thực lực đối đầu nhau
Nếu như đạo diễn Uông Tuấn đã mời được những tên tuổi lớn hàng đầu của C-biz góp mặt như “đại hoa đán” Châu Tấn, Hoắc Kiến Hoa, Đổng Khiết… và cả diễn viên kì cựu Ô Quân Mai thì Diên Hi Công Lược cũng không kém cạnh khi sở hữu dàn diễn viên thực lực: Xa Thi Mạn, Tần Lam, Nhiếp Viễn. Chính dàn diễn viên sẽ làm cho không khí của cuộc đối đầu này trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Sự đối đầu giữa “Đại hoa đán” Châu Tấn và “Ảnh hậu” Xa Thi Mạn trong cùng một nhân vật chắc chắn là sự đối đầu được mong chờ nhất và sẽ khiến làng giải trí bùng nổ vì cả hai đều là những diễn viên cực kì tài năng, đạt vô số giải thưởng trong nước và quốc tế cũng như có tầm ảnh hưởng lớn trong làng giải trí Hoa ngữ.
Tần Lam thể hiện được nét sắc sảo, mặn mà trong khi Đổng Khiết toát ra vẻ hiền lương thục đức. Cả hai đều xứng đáng vào ngôi mẫu nghi thiên hạ của vị Hoàng hậu nổi tiếng trong lịch sử này.
Liệu Càn Long do Hoắc Kiến Hoa thủ vai có thực sự toát ra được hết tâm cơ thâm trầm và tính cách phức tạp của nhân vật này? Đối đầu với Hoắc Kiến Hoa trong vai diễn này là một diễn viên cực kì thực lực: Nhiếp Viễn.
Một Hoàng Thái hậu uy quyền bao trùm lục cung và một Hoàng Thái hậu hiền từ, trầm ổn, liệu Ô Quân Mai hay Tống Xuân Lệ sẽ thể hiện vai diễn này tốt hơn?
Ngay cả bối cảnh cung điện cũng nhất quyết không nhường nhau
Có vẻ như Vu Chính thực sự muốn “ăn thua đủ” với Như Ý truyện khi anh cũng mạnh tay không kém cạnh đối thủ của mình trong việc tạo dựng nên bối cảnh cung điện hoành tráng, hoa lệ “phục vụ” cho các vụ đấu đá bất tận chốn thâm cung. Nếu như bối cảnh của Như Ý truyện lộng lẫy, choáng ngợp với những gam màu rực rỡ thỏa mãn thị giác cùng cách bố trí đa dạng thì bối cảnh cung điện của Diên Hi Công Lược ít hoa mĩ hơn nhưng đổi lại, tất cả đều đậm một không khí cổ xưa với tông màu nâu tối trầm ấm, tạo một không khí đầy cổ điển và uy nghiêm.
Cùng một kiểu dáng nội thất nhưng phong cách của Diên Hi Công Lược đơn giản và thanh nhã hơn.
Ai mới là người thắng cuộc?
Nếu xét về mặt nội dung kịch bản thì chắc chắn Như Ý truyện vẫn sẽ nhỉnh hơn vì dựa theo tiểu thuyết đình đám cùng tên của Lưu Liễm Tử, ai đã đọc qua trước tiểu thuyết đều đánh giá tích cực, thậm chí khá nhiều nhận xét còn cho rằng nội dung của Như Ý truyện còn nhỉnh hơn cả phần 1: Chân Hoàn truyện vì trong phần 2, Lưu Liễm Tử viết chắc tay hơn, tình tiết cũng căng thẳng và hồi hộp hơn bội phần, cá tính nhân vật qua đó cũng nổi bật hơn rất nhiều. Trong khi kịch bản của Diên Hi Công Lược không được đánh giá cao bằng, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng kịch bản đi theo lối mòn, tình tiết vô lí, thiếu sáng tạo, “đậm chất” Vu Chính.
Tuy nhiên trừ mảng kịch bản ra thì từ dàn diễn viên, tạo hình, bối cảnh của cả hai dự án đều rất tương đồng và đầy hứa hẹn, rất xứng đáng là kì phùng địch thủ của nhau.
Dù cả hai dự án đều chưa ra mắt nhưng chung quy lại, người được lợi nhất trong cuộc đấu này chính là khán giả chứ không phải là ai khác. Chả phải cuối năm 2017, đầu năm 2018 sẽ có ít nhất hai bộ phim cung đấu chất lượng và mãn nhãn để theo dõi: Như Ý truyện và Diên Hi Công Lược sao?