Từ sau khi Càn Long lập Như Ý thành Hoàng hậu sau cái chết của Hiếu Hiền Hoàng hậu Phú Sát Lang Hoa, những tưởng đoạn tình cảm của Đế - Hậu từ nay sẽ viên mãn, nhưng chính đó là lúc vết nứt tình cảm giữa hai người ngày càng lớn. Như Ý ngày càng nhận ra, Hoàng đế đã chẳng còn là chàng thiếu niên Hoằng Lịch năm nào, trong khi nàng vẫn giữ tình cảm của nàng Thanh Anh khi xưa dành trọn vẹn cho Hoàng đế.
Chính tình cảm quá sâu đậm này là một lưỡi dao chí tử: nàng không thể dứt tình được với Hoàng đế, bất chấp Càn Long hết lần này đến lần khác làm nàng đau lòng: hoang dâm vô độ với tần phi lục cung, tin lời gièm pha của kẻ tiểu nhân, nghi ngờ tấm chân tình của Như Ý.
Hoàng thượng say đắm Thủy Linh Lung trên du thuyền tuần du Giang Nam.
Tuy nhiên, mọi việc cũng đã đến lúc bùng nổ, trong chuyến tuần du Giang Nam định mệnh năm ấy, Càn Long đã làm một việc kinh thiên động địa mà khó ai có thể ngờ được: tuyển kĩ nữ thanh lâu tên Thủy Linh Lung lên thuyền ngự để thị tẩm, không chỉ có một mình nàng ta, mà thị tẩm cùng lúc 7 chị em thanh lâu trên thuyền. Thậm chí, Càn Long còn muốn tuyển một cô nương thanh lâu về làm phi tần.
Việc này đã đẩy mâu thuẫn giữa Đế - Hậu lên đến cực độ, cộng thêm sự sắp xếp đê tiện của Lệnh Quý phi Ngụy Yến Uyển, chuyện gì đến cũng đã đến, nàng đã dứt tình: “Thứ cho thần thiếp nói thẳng câu này, làm Hoàng hậu của Hoàng thượng, ở bên người Hoàng thượng thật sự rất mệt mỏi. Nếu có kiếp sau, thần thiếp nhất định phải rời khỏi nơi đây, rời khỏi nơi đây càng xa càng tốt.”
“Hoàng thượng… Mái tóc này ban tặng cho Thanh Anh”, đó là câu cuối cùng mà nàng nói trước khi cắt đi mái tóc của mình, mái tóc rơi xuống, cũng xem như dấu chấm hết cho đoạn tình cảm kéo dài ba thập kỉ của Thanh Anh - Hoằng Lịch. Và có lẽ xuyên suốt tác phẩm, khó có thể tồn tại một phân cảnh nào bi thương hơn, khiến cho khán giả không thể kìm được nước mắt
Người Mãn Châu có truyền thống vô cùng quý trọng mái tóc của mình, và xem đó như một bộ phận thiêng liêng của cơ thể. Người đàn ông Mãn Châu vì thế chỉ cạo một nửa đầu, còn phần tóc sau để dài để có thể buộc đuôi sam. Phụ nữ Mãn Châu cũng để mái tóc rất dài, một phần để hợp với truyền thống, một phần để có thể dễ dàng tạo được các kiểu tóc phức tạp theo phong tục riêng của dân tộc mình. Vì thế, việc cắt tóc là một việc vô cùng cấm kị.
Chỉ khi Hoàng đế hoặc Hoàng Thái hậu qua đời, thì thần tử mới được quyền cắt tóc để tỏ lòng thương tiếc người đã khuất. Vì thế nên, chi tiết này được xem như là một hành động đại bất kính khi Hoàng đế lẫn Thái hậu đều vẫn còn sống. Tuy nhiên, đấy chính là cách giải thoát duy nhất dành cho nàng.
Hành động cắt tóc của Như Ý, ta thấy gói gọn ở trong đấy tất cả mọi cảm xúc bị đẩy lên đến cực điểm: bi thương tột độ khi nhận ra tình cảm giữa mình và Hoàng đế đã vĩnh viễn không còn có thể quay trở lại, căm hận tột cùng trước những điều mà vị Hoàng đế trước mặt đã gây ra cho cuộc đời mình suốt ngần ấy năm, nỗi oán thán cùng cực trước những tranh đua, tàn hại gồng gánh suốt mấy chục năm qua. Cắt tóc, xem như đoạn tuyệt một kiếp người cũ, từ nay xin không còn là người của Tử Cấm Thành nữa…
Kế hậu cắt tóc…
Nếu có thể chia Như Ý truyện thành các phần nhỏ, mà mỗi phần ứng với một cột mốc cuộc đời của Ô Lạt Na Lạp Thanh Anh, đa phần hình dung như sau: giai đoạn lúc còn ở tiềm để cho đến khi được phong vị Nhàn Phi; giai đoạn từ khi trở thành Nhàn Phi đến lúc bị Hoàng hậu, Tuệ Quý phi, Gia Quý nhân và A Nhược liên thủ hãm hại, đày vào lãnh cung; giai đoạn phục vị Nhàn Phi, từng bước ngồi lên bảo tọa trung cung Hoàng hậu kéo theo cảnh Đế - Hậu tình thâm một thời gian; giai đoạn tình cảnh Đế - Hậu dần dần rạn nứt, ngày càng không níu kéo được để đỉnh điểm là việc Như Ý cắt tóc trong chuyến Nam tuần định mệnh - xem như là sự kết thúc cho một kiếp người.
Tuy nhiên, có một sự thật rằng, khi nguyên tác của bộ tiểu thuyết Như Ý truyện được chuyển thể thành phim truyền hình, đoàn làm phim đã thực sự tạo nên một giai đoạn sau cùng - từ sau khi Như Ý cắt tóc cho đến khi nàng trút hơi thở cuối cùng tại Dực Khôn cung - một sự phát triển thêm từ nguyên tác của Lưu Liễm Tử. Dù giai đoạn này không kéo dài, nhưng đã khắc họa rõ một con người rất khác: không phải là một Ô Lạt Na Lạp Thanh Anh si ngốc trong mối tình thanh mai trúc mã với Ái Tân Giác La Hoằng Lịch, chả còn là một Ô Lạt Na Lạp Như Ý cả đời tin tưởng vào ba chữ: “Nàng yên tâm” mà Càn Long Hoàng đế, giờ đây nàng chỉ còn là Ô Lạt Na Lạp thị, đã chết tâm, tình cảm với Hoàng đế đã đoạn tuyệt, và từ đây nàng sống vì mình.
Bàn xa một chút, nếu có một sự tương đồng với Chân Hoàn truyện ở đây,thì giai đoạn này tương đương với phân cảnh Hi Phi Nữu Hổ Lộc Chân Hoàn hồi cung sau nhiều năm tu hành tại Cam Lộ tự. Mặc dù tình thế rất khác: trong khi Chân Hoàn ngẩng cao đầu trở về Tử Cấm Thành thì Như Ý thập phần thê lương trong bốn bức tường của Dực Khôn cung, nhưng tình cảnh quả thật giống nhau: đó là giây phút cả hai nữ nhân đã đoạn tuyệt với tình cảm nhà đế vương, đã tỉnh ngộ và bước sang một cuộc đời mới.
Cụ thể, nếu theo bản tiểu thuyết, từ sau khi Như Ý cắt tóc, bị đem về Tử Cấm Thành, giam lỏng tại Dực Khôn cung, nàng như hoàn toàn buông xuôi trước số phận của mình, mọi mưu kế để lật đổ Hoàng Quý phi Ngụy Yến Uyển đều do bộ ba Dung Phi - Du Phi - Dĩnh Phi hợp mưu mà thành. Như Ý lúc này chỉ đóng vai trò then chốt sau cùng khi trước lúc dùng dao tự vẫn đã gọi Yến Uyển đến tẩm điện, gài nàng ta rơi vào thế giết người. Từ đấy về sau gieo lên Hoàng đế và cả Tử Cấm Thành một nỗi nghi kị không cách nào xóa bỏ được rằng Hoàng Quý phi chính là người giết chết Kế Hoàng hậu, thứ áp lực khiến Yến Uyển mười năm sau đó sống không bằng chết.
Còn ở bản phim, theo những tiết lộ mới nhất, rõ ràng khi biết rằng mình sẽ không còn sống được quá ba tháng, nàng đã liên thủ với những phi tần kề cận, bày ra “thiên la địa võng”, bức cho Hoàng Quý phi Ngụy thị phải trả giá cho những điều nàng ta đã gây ra. Hại chết nàng ta ngay lập tức ư? Thế thì quá nhẹ nhàng, Yến Uyển đã phải trải qua khoảng thời gian thống khổ tột độ: bị tần phi lục cung khinh rẻ ra mặt, Hoàng đế bất quá chỉ xem như một “bà quản gia” của Tử Cấm Thành, tất cả con cái đều bị đem hết cho các phi tần có vị phân thấp hơn nuôi dưỡng. Ngụy thị đã bị dày vò suốt thời gian ấy, mỗi giây mỗi phút đối với nàng ta đều thống khổ nhưng không thể tìm đến cái chết, để rồi cuối cùng, cái chết của Ngụy thị là cái chết đau đớn, kéo dài và tàn nhẫn nhất trong số các nữ nhân trong Tử Cấm Thành.
Nhưng tiếc rằng, Như Ý đã nhận ra quá trễ, để đến khi minh bạch, nàng chỉ còn sống được vài tháng, nhưng âu cũng là một sự biến chuyển hợp lí, vì cơ bản, cách xây dựng nhân vật Ô Lạt Na Lạp Như Ý khác hoàn toàn so với rất nhiều các tác phẩm cung đấu cùng thời. Ở đây, sẽ chẳng có một nữ nhân giành chiến thắng cuối cùng sau khi trải qua bao phong ba sóng gió, hiểm nguy sinh tử kề cận nữa - ở Như Ý truyện, chỉ có một nữ nhân bị trói chặt trong bi kịch của người phụ nữ, của người vợ và người mẹ, không cách nào thoát ra được.
Và có vẻ, không gì có thể khiến người hâm mộ ngạc nhiên và sung sướng hơn khi kịch bản phim đã được chuyển thể rất khác với cái kết của tiểu thuyết nguyên tác. Không còn là một cái chết gây nhiều đau đớn và khắc khoải, đổi lại đó là một sự ra đi nhẹ nhàng và thanh thản, không khiến khán giả bị dồn ứ trong cảm xúc cực độ, mà sẽ buồn miên man, buồn đến ám ảnh mãi về sau. Dù là phim hay tiểu thuyết, cả hai cái kết đều lấy đi nước mắt của người hâm mộ.
Sau cùng, cái chết của Như Ý, có lẽ là một sự thống khoái cho khán giả, nàng đã chết như một người tự do, vĩnh viễn rời xa Tử Cấm Thành, nơi nàng đã có một cuộc đời ngập tràn trong khổ ải và thất vọng. Âu cũng xem, đó là sự giải thoát bình yên sau cùng…