Vào thời đại mà khán giả đặt càng lúc càng nhiều kỳ vọng vào nội dung của mỗi sản phẩm ra rạp cộng thêm bản tính thiện lương của con người thường dễ dàng chia đất diễn cho các nhân vật về hai phe phản diện và chính diện - thì các nhân vật phản diện càng ngày càng có chiều sâu đáng kể hơn. Tạm gạt đi những ác nhân một chiều, tôn thờ cái ác thuần túy như Immortal Joe, Ultron hay Doomsday…, càng ngày, kẻ ác trên phim càng có những suy nghĩ sâu sắc và lý tưởng hơn.
What Happened to Monday - tác phẩm điện ảnh tới từ Netflix hiện đang công phá phòng chiếu thế giới và Việt Nam cũng có một phản diện như vậy. Cốt truyện của bộ phim diễn ra vào năm 2030, khi mà dân số thế giới đã đạt ngưỡng đỏ, vấn đề miệng ăn nhiều hơn tay làm khiến cho tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, chất lượng cuộc sống theo đó kéo xuống mức báo động. Chính trị gia - tiến sĩ Nicolette Cayman đã đưa ra một giải pháp kiểm soát dân số, theo đó mỗi gia đình chỉ được phép nuôi dưỡng một đứa con duy nhất, bất cứ đứa con thứ nào sẽ được đưa thẳng tới CAB - Child Allocation Bureau - và đặt vào phòng đông lạnh, sống trong trạng thái thực vật cho tới khi một giải pháp khác được đưa ra. Chính sách có phần vô nhân đạo của Cayman được bào chữa bởi lời hứa “những đứa trẻ ngủ đông ít nhất sẽ không phải đối mặt với nghèo đói, bệnh tật, chúng sẽ chỉ ngủ yên bình và chờ đợi một tương lai tươi sáng hơn.”
Xung đột của bộ phim bắt đầu khi nhân vật chính - hay nói đúng hơn - là bảy nhân vật chính, bảy chị em nhà Karen Settman với bí danh là các ngày trong tuần bị truy sát bởi tổ chức của Nicolette Cayman. Lần lượt chị cả Monday, chị hai Tuesday biến mất, những chị em còn lại trong Tuần bị truy sát gắt gao. Trải qua nhiều thử thách, cuối cùng họ đã lật tẩy được trò lừa đảo vĩ đại của Cayman - những đứa trẻ được hứa hẹn cuộc sống an toàn và đầy đủ trong buồng ngủ đông đều bị hỏa thiêu trong vòng một nốt nhạc để tiết kiệm chi phí vận hành của hệ thống CAB đồ sộ.
Đoạn kết phim, khi được đưa tới tòa án để xét xử tội ác chống lại nhân loại của mình, Cayman đã để lại lời nhắn cuối cùng: “Nếu không phải là tôi, vậy thì ai sẽ để tay nhúng chàm mà cứu vớt nhân loại?”. Bộ phim không kết thúc một cách đơn thuần, nó để lại một thông điệp, một lời cảnh cáo thống thiết tới từ kẻ phản diện chính; đây không phải là những lời đố kị sau cùng, đây thực sự là những suy nghĩ chân thật từ một kẻ có tâm với tồn vong của nhân loại.
Đặt vào bối cảnh của bộ phim, khi mà dân số thế giới cứ 4 ngày tăng một triệu người thì giải pháp của Cayman đã đem lại tia sáng le lói cho hàng tỉ người. Hàng loạt hình ảnh về bệnh dịch, chiến tranh và đói nghèo được đưa ra xuyên suốt bộ phim; thành phố nơi bối cảnh phim xảy ra được xây dựng như một đô thị thời chiến với quân cảnh kiểm soát cùng dòng người đông đúc trong những khu phố tồi tàn mua cả thịt chuột về ăn…, tất cả khiến người xem có thể cảm nhận rõ ràng hồi kết không thể tránh khỏi của nhân loại.
Ấy vậy mà, tình hình lúc đó cũng đã là khả quan hơn nhiều, so với thời điểm Đạo luật phân bố trẻ em của Cayman chưa được ra đời. Một trích đoạn phim đã thể hiện rõ với những bảng biểu, đồ thị cho thấy dấu hiệu đi lên của việc kiểm soát dân số, những chính trị gia hết lòng tin tưởng vào một tương lai đang được vực dậy - rõ ràng, bỏ qua những chiêu trò, những thủ đoạn tàn nhẫn trong phòng đông lạnh, Nicolette Cayman đã mang dáng dấp của một Superman; giống như áo choàng đỏ đem theo biểu tượng chữ S đến trái đất, Nicolette Cayman đem đến thứ quý giá nhất mà một địa cầu đang chết dần, chết mòn cần có - ‘hy vọng’. Lý tưởng của Cayman không hề sai, mục đích của bà cũng là mục đích chung của nhân loại, chỉ có điều, cách thức bà chọn đã đi ngược lại với bản chất thiện lương của con người.
Thế nhưng có bao nhiêu kẻ ‘thiện lương’ có thể vực lại một thế giới bên bờ đổ nát như Cayman.
Có một lý thuyết đã được khoa học chứng minh, đó là mọi sinh vật đều có một cơ chế kiểm soát giống nòi riêng. Đơn cử là loài chuột, khi chúng sinh sôi quá nhanh và đạt tới ngưỡng số lượng không thể kiểm soát được, bản thân loài chuột sẽ tự tàn sát lẫn nhau, đồng thời mầm bệnh mang sẵn trong người sẽ phát tác và tiêu diệt một số lượng cá thể nhất định nhằm đảm bảo điều kiện sống lý tưởng của giống loài. Con người là sinh vật thông minh nhất hành tinh, trí tuệ của con người tạo ra khoa học kỹ thuật và y tế, chúng ta đã vượt qua được rào cản của tạo hóa để liên tục bứt phá lằn ranh ấy. Ý tưởng sử dụng chiến tranh và các vũ khí hạt nhân để ngay lập tức đưa dân số thế giới và mốc kiểm soát được thật ra chưa phải là không có.
Nếu ai đã xem Watchmen của đạo diễn Zack Snyder hẳn sẽ nhớ Ozymandias - siêu anh hùng, siêu phản diện đã lên kế hoạch giết hàng triệu người giữa thời điểm chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ đã leo đến những nấc thang cuối cùng; cuộc chiến tranh hạt nhân này nếu nổ ra sẽ khiến cho Trái Đất không còn cơ hội để chứng kiến một cuộc chiến nào khác.
Tội ác của Ozymandias đã khiến Nga và Mỹ lập tức dừng đối đầu và bắt tay để chống lại kẻ thù chung, nguy cơ về Đại chiến thế giới lần thứ ba được xóa sổ. Ozymandias đã giết hai triệu người để cứu lấy nhân loại, cũng như Nicolette Cayman đã tước đi nhiều sinh mạng vô tội để đem lại hy vọng cho một thế giới quá tải, vậy họ có phải là ác nhân hay không?
Ác mà không phải là ác, vậy thiện cũng chưa chắc đã là thiện. Những thước phim cuối cùng của What Happened to Monday là một phòng hậu sinh, nơi những đứa bé được ra đời trong tự do, không còn lo sợ những lò hỏa thiêu trá hình kho đông lạnh. Những thiên thần nhỏ này rốt cục sẽ bước tiếp vào một thế giới không có Nicolette Cayman - một thế giới không có kiểm soát, không có sợ hãi nhưng cũng không có đủ cái ăn, cái mặc, chẳng có lấy một tương lai thực sự. Những nụ cười trẻ thơ cuối bộ phim rốt cục lại là một lời cảnh tỉnh tới một nhân loại đầy rẫy những vấn đề mà lại không có một kẻ độc tài đủ tài giỏi để hướng nó vào một con đường đúng.
Vậy theo bạn, Nicolette Cayman là một ác nhân hay sẽ là đấng cứu thế mà Trái Đất cần có?