Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Đại gia Thủy Nguyên phải chăng đã quá tàn nhẫn với Hãng phim truyện Việt Nam?

Câu chuyện giữa Hãng phim truyện Việt Nam, đại gia Thủy Nguyên và vấn đề cổ phần hóa hiện vẫn là đề tài khiến nhiều nghệ sĩ trăn trở, dư luận quan tâm và không kém phần bức xúc.

VFS và VIVASO - Khởi nguồn của mọi tranh luận

Thời gian gần đây, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là một trong những vụ việc thu hút sự quan tâm hàng đầu của dư luận với nhiều thông tin trái chiều. Cụ thể, những thua lỗ kinh tế triền miên trong nhiều năm qua khiến ban lãnh đạo cũ của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) buộc phải chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư mới để cứu vãn tình thế.

Không lâu sau đó, Hãng phim được bán cho Tổng Công ty Vận tải thuỷ (gọi tắt là Vivaso, do ông Thủy Nguyên đứng đầu) - cũng là đối tác tiềm năng duy nhất tham dự buổi đấu giá cổ phần theo một quy trình vội vã, không công khai đầy đủ, và với mức giá rẻ đến đáng ngờ.

Hãng phim truyện Việt Nam.

Trên lý thuyết, không thể phủ nhận rằng cổ phần hóa là chủ trương đúng, góp phần tạo điều kiện thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân vào nhiều lĩnh vực kinh doanh. Để trả lời cho câu hỏi tại sao phải cổ phần hóa các đơn vị nghệ thuật Nhà nước, Tiến sĩ Vũ Phương Đông (giảng viên trường ĐH Luật Hà Nội) chia sẻ: “Nghệ thuật cũng chỉ có thể tồn tại khi có khán giả, tổ chức các hoạt động nghệ thuật đã trở thành một hoạt động kinh doanh, như: Sản xuất phim truyện truyền hình là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện (Mã ngành kinh tế: 5911), tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị nghệ thuật Nhà nước rất kém hiệu quả. Hãng phim truyện Việt Nam không phải là một ngoại lệ.

Vì vậy, việc cổ phần hóa các đơn vị nghệ thuật Nhà nước là giải pháp hiệu quả để kêu gọi khu vực tư nhân đầu tư, qua đó, thúc đẩy các hoạt động nghệ thuật tiếp tục phát triển”.

Đại gia Thủy Nguyên.

Thế nhưng, gần 3 tháng sau ngày chính thức được cổ phần hóa, dường như tình hình chung của Hãng phim truyện Việt Nam (hiện đã đổi tên thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam) vẫn không hề chuyển biến tốt đẹp. Ngược lại, những mâu thuẫn giữa các nghệ sĩ thuộc Hãng phim đối với ban lãnh đạo mới của công ty ngày càng trở nên gay gắt. Giọt nước tràn ly, sự bất mãn lên đến đỉnh điểm khi đại gia Thủy Nguyên đã có những lời lẽ mạt sát, xúc phạm nặng nề đối với nghệ sĩ, nhân viên Hãng phim trong cuộc họp nội bộ công ty ngày 19/9.

Kết quả của sự việc đem đến một làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ, với nhiều luồng ý kiến trái chiều. Đến mức Chính phủ cũng đã phải trực tiếp vào cuộc chỉ đạo Bộ Văn hoá TT&DL phải rà soát và thanh tra lại quy trình cổ phần hoá của đơn vị này.

Nghệ sĩ Quốc Tuấn từng bị đại gia Thủy Nguyên gọi là “Chí Phèo”.

Để giải quyết vấn đề, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp giữa các bên để tìm ra phương thức giải quyết tình hình, đồng thời Chính phủ ban lệnh thanh tra lại toàn bộ quá trình thực hiện cổ phần hóa Hãng phim và yêu cầu báo cáo kết quả trước ngày 1/12.

Mặt khác, những diễn biến phức tạp của vụ việc đang ngày càng đặt ra nhiều câu hỏi lớn về mặt pháp lý, về đạo đức kinh doanh và chính sách cổ phần hóa đối với những đơn vị nhà nước đặc biệt.

Những điều chưa hợp lý trong Luật cổ phần, đặc biệt là cổ phần hoá các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Văn hoá nghệ thuật.

Trên thực tế, đơn vị nghệ thuật là những đơn vị mang yếu tố đặc thù, với mục đích không nhằm vào yếu tố lợi nhuận. Do đó, khi thực hiện cổ phần hóa, việc đánh giá chính xác được giá trị thương hiệu của đơn vị nghệ thuật là vô cùng phức tạp.

Trong vụ việc cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam, thương hiệu “Hãng phim truyện Việt Nam” với bề dày lịch sử hơn 60 năm được định giá 0 đồng, gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, theo Thông tư 127/2014/TT-BTC của Luật doanh nghiệp Việt Nam thì cách tính này không phải không có cơ sở. Vấn đề đáng chú ý ở đây là do mục đích của Hãng phim truyện Việt Nam không phải lợi nhuận, nên việc sử dụng mức độ lợi nhuận để xác định giá trị thương hiệu không phù hợp với các đơn vị nghệ thuật.

Khung cảnh bên trong Hãng phim đã xuống cấp nghiêm trọng.

Mặt khác, khi thực hiện cổ phần hóa theo Luật cổ phần, phương án cổ phần hóa thường không quy định tổ chức phải có chức năng nghệ thuật mới được tham gia đấu giá để mua cổ phần. Nghĩa là, bất cứ doanh nghiệp nào có tiền là được đấu thầu và khi thắng thầu thì sẽ thực hiện cổ phần hoá. Thế nên, dù định giá quá rẻ thương hiệu “Hãng phim truyện Việt Nam”, hay không hề có liên quan đến văn hóa nghệ thuật thì chỉ cần đấu giá thành công, Vivaso vẫn có thể nghiễm nhiên trở thành chủ đầu tư hợp pháp của đơn vị nghệ thuật này.

Mấu chốt cơ bản gây ra tranh cãi quyết liệt ở Hãng phim truyện là sự khác nhau về mục đích đầu tư và quan điểm cá nhân của mỗi bên. Trong khi các nghệ sĩ chờ đợi cổ phần hóa sẽ mang tới nguồn vốn mới để có tiền sản xuất phim, thỏa ước mơ và đam mê của mình thì mục tiêu của nhà đầu tư lại không phải vậy. Để tối đa hóa lợi nhuận, họ đã tìm nhiều cách nhằm hạn chế những cơ hội tham gia sản xuất phim, đẩy người nghệ sĩ vào tình cảnh chán nản, dẫn đến bỏ nghề.

Bên ngoài cũng hoang tàn, rêu phong.

“Từ khía cạnh đầu tư, rõ ràng sản xuất phim không phải là một ngành nghề kinh doanh có cơ hội sinh lời tốt. Nhà đầu tư có thể nhìn thấy những lợi ích từ “vị trí địa lý” hiện tại của hãng phim hơn là khả năng làm phim và bán phim.” - Tiến sỹ Vũ Phương Đông (giảng viên trường ĐH Luật Hà Nội nhận định).

Luật pháp không ngăn cấm nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội để thu lợi nhuận, thế nhưng cái cách mà đại gia Thủy Nguyên cùng Tổng Công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) đã làm với món hàng béo bở mang tên “Hãng phim truyện Việt Nam” phải chăng đã quá tàn nhẫn? Từ việc đóng băng mọi hoạt động của Hãng phim, từ chối trả lương nhân viên đến những phát ngôn shock gây xúc phạm nặng nề tới anh em nghệ sĩ của đại gia Thủy Nguyên, dù có hợp tình hợp lý hay không, đều phải đối mặt với tòa án lương tâm cùng làn sóng bất bình cực độ từ phía dư luận.

Đại gia Thủy Nguyên từng bàn về bộ phim Sống cùng lịch sử (phát hành năm 2014) của NSND Thanh Vân, ông cho rằng đó là sự thất bại khi phim ra rạp nhưng không bán được vé: “Công ty mà có 4 người như anh Thanh Vân thì đúng là phá sản”.

Trong cuộc họp diễn ra vào ngày 29/09, ông Thủy Nguyên đã có phát ngôn xúc phạm đạo diễn Quốc Tuấn: “Đồng chí Tuấn đi đâu cũng khóc như mưa, khéo tới đây có nơi nghệ sĩ đau xót quá… rồi treo cổ sợ chết. Tôi đang dự phòng đây. Tôi nói thật với Quốc Tuấn, người ta gọi anh là Chí Phèo”.

Đại gia Thủy Nguyên tiếp tục gây tranh cãi khi bất ngờ nói Hãng phim truyện Việt Nam là cái chợ trời từ trước khi ông đến.

Câu chuyện Cổ phần hoá Hãng phim truyện rồi sẽ đi về đâu?

Cuộc chiến dành lại công bằng giữa anh em nghệ sĩ và chủ tịch Tổng Công ty Vận tải thuỷ Thủy Nguyên tạm thời lắng xuống để chờ đợi kết quả cuối cùng sau đợt thanh tra của Chính phủ về quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam công bố trước ngày 1/12 tới. Nếu trong quá trình thanh tra, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát hiện được sai phạm của các cá nhân trong quá trình cổ phần hóa, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tuy nhiên, kết thúc đợt thanh tra, dù Tổng Công ty Vận tải thuỷ Vivaso có hoàn toàn hợp pháp trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, thì những thiệt thòi mà những người nghệ sĩ ở đây phải gánh chịu vẫn là điều không thể phủ nhận. Vấn đề nằm ở chỗ Luật cổ phần Việt Nam không hề đưa ra quy định rõ ràng về việc cổ phần hóa một đơn vị có liên quan đến nghệ thuật, cũng không có chế tài áp dụng cho các vấn đề nảy sinh sau khi một cơ quan không liên quan được quyền tiếp quản đơn vị đó. Thế nên người nghệ sĩ dường như không hề có một sự bảo hộ nào từ phía pháp luật trong trường hợp này.

Em bé Hà Nội là một trong những bộ phim từng gây dấu ấn của Hãng phim truyện Việt Nam.

Vụ việc lùm xùm diễn ra trong suốt thời gian qua khiến người theo dõi đặt ra một câu hỏi, rằng có nên chăng việc thực hiện sửa đổi Luật cổ phần, hoặc ít nhất là đưa ra những chế tài mới dành riêng cho các đơn vị nghệ thuật?

Mặc dù quyết định cổ phần hóa các đơn vị nghệ thuật của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch là giải pháp phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay, với quy luật cạnh tranh chi phối buộc các đơn vị sản xuất nghệ thuật phải có đủ các nguồn lực để có sự thay đổi phù hợp. Tuy nhiên, các đơn vị nghệ thuật có những đặc điểm riêng. Bộ văn hóa, thể thao và du lịch nên chăng phải xây dựng Phương án cổ phần hóa riêng để phù hợp với các đơn vị nghệ thuật, trong đó, đặc biệt quan tâm đến vấn đề đầu tư vào lĩnh vực nghệ thuật của các nhà đầu tư.

Hay mới nhất là Sống cùng lịch sử, tuy không có giá trị thương mại cao nhưng tính nghệ thuật và nhân văn của bộ phim vẫn được công nhận.

Sự chưa hợp lý của Luật cổ phần Việt Nam đã góp phần tạo ra những mâu thuẫn nặng nề giữa nhà đầu tư và hãng phim. Một câu hỏi nữa được đặt ra, là: Liệu sẽ có sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước cho các nghệ sĩ, nếu như việc cổ phần hoá của ông Thuỷ Nguyên với hãng phim là hợp pháp và đúng trình tự?

Hơn lúc nào hết, giờ đây chính là lúc công chúng chờ đợi một sự phản ứng công bằng và nhân đạo nhất từ phía các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nếu như cơ quan pháp luật Nhà nước không có sự cải tổ, hay những chế tài riêng dành cho việc cổ phần hóa một đơn vị nghệ thuật thì rất có thể trong tương lai, việc xuất hiện một Hãng phim truyện cổ phần hóa thứ 2, thứ 3 với tình cảnh “tréo ngoe” như hiện tại sẽ là điều tất yếu.

Đại gia Thủy Nguyên với những câu nói gây bức xúc trong dư luận.

Một giả thiết khác đặt ra rằng, việc sớm lựa chọn cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam liệu có phải là một quyết định đúng đắn? Không thể phủ nhận những thất bát, thua lỗ của Hãng phim trong những năm gần đây, thế nhưng cũng đừng quên rằng, đơn vị nghệ thuật thuộc Nhà nước đó đã từng tự mình hoạt động rất tốt và duy trì vững suốt hơn 60 năm qua, cống hiến cho nền nước nhà hàng trăm tác phẩm phim ảnh có giá trị.

Trong tình cảnh khó khăn nhất, dù không thể tự nuôi sống bản thân, Hãng phim vẫn có thể nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước với 50% vốn đầu tư. Mặt khác, nếu như những nghệ sĩ đồng tâm, nỗ lực hết mình thì rất có thể Hãng vẫn sẽ được cứu sống mà không phải lâm vào tình cảnh cổ phần “đau đầu” và “nhục nhã” như hiện tại.

Tạm kết

Ngày nay, khi xã hội phát triển theo xu hướng hiện đại hóa, mở cửa, các hoạt động văn hoá, tác phẩm nghệ thuật cũng trở thành hàng hóa, chịu sức ép cạnh tranh theo sự thay đổi của cơ chế thị trường. Bởi vậy, không những cần chau chuốt về mặt nội dung, bản chất, nhà sản xuất, hãng phim cũng buộc phải học cách đẩy mạnh việc đầu tư chuyên môn, quảng cáo cho sản phẩm, phá bỏ cách làm việc kiểu bao cấp cũ. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà khiến chúng trở nên lệch lạc, biến tướng, khăng khăng chạy theo những lợi nhuận vật chất.

Dư luận chờ đợi kết quả cuối cùng sau đợt thanh tra của Chính phủ về quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam công bố trước ngày 1/12.

Nghệ thuật luôn cần có sự tôn trọng, cần cho người nghệ sĩ sự tự do cần thiết để thoải mái sáng tạo, phát triển tư duy. Thứ mà người lãnh đạo nghệ thuật nói chung, hay chính ông chủ Hãng phim truyện Việt Nam phải làm hiện nay nói riêng chính là tìm cách để kết hợp hài hoà giữa nguyên tắc và sự tự do. Hãy để cho những người nghệ sĩ tự do phát triển và cống hiến, cho nghệ thuật được “sống” theo đúng nghĩa!

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ (bên trái) với những tác phẩm nổi tiếng: Cuộc đời của Yến, Chờ em đến ngày mai…

Mượn tạm câu phát biểu của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ, người đã rất thành công với những bộ phim nghệ thuật lẫn thương mại để kết lại câu chuyện về Hãng phim truyện Việt Nam và đại gia Thủy Nguyên cùng vấn đề cổ phần hóa: “Trong câu chuyện cổ phần hóa, tôi đã rất hy vọng, và càng hy vọng bao nhiêu, lúc này lại càng buồn bấy nhiêu. Bởi đáng ra chúng ta (nghệ sĩ và nhà đầu tư) đã có thể đứng trên cùng một con tàu lớn, cùng hướng ra đại dương, chứ ko phải ngồi trên hai chiếc bè tròng trành và gắng sức đánh chìm lẫn nhau như lúc này. Đối với cá nhân tôi, tôi sẽ vẫn tiếp tục bơi, tiếp tục chờ đợi một ngày mà mình thực sự có thể góp sức cho con tàu Hãng phim truyện Việt Nam tiếp tục giương buồm tiến lên”

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngọc Trang

Được quan tâm

Tin mới nhất
Cơ hội cho Hoa hậu Ý Nhi
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?