Phim Ảnh

'Hai Phượng': Đỉnh cao hành động nhưng vẫn còn lắm điều gây tranh cãi

Pollyeste
Chia sẻ

Trái ngược với sự suýt xoa và tung hô của giới truyền thông, "Hai Phượng" của đạo diễn Lê Văn Kiệt lại không thực sự ấn tượng như kỳ vọng, hay nói đúng hơn chê dở thì không nỡ mà khen hay thì lại hơi quá lời.

Một bộ phim hành động thành công là bộ phim không chỉ mang tới những pha đánh đấm đẹp mắt, hấp dẫn mà còn cần phải có một phong cách độc đáo cùng nội dung logic, thuyết phục. Hai Phượng của đạo diễn Lê Văn Kiệt với sự góp mặt của đả nữ hàng đầu Việt Nam - Ngô Thanh Vân đã thành công trong việc chiêu đãi khán giả một tác phẩm hành động Việt Nam với những pha hành động đậm chất Hollywood.

Thế nhưng, sau những màn đánh đấm đẹp mắt, kịch tính thì chẳng còn mấy ai đọng lại gì về bộ phim khi bước chân ra khỏi rạp. Nói đúng hơn, Hai Phượng là một trong những ví dụ điển hình của khái niệm phim hành động “không não” mà chính rất nhiều những bộ phim Mỹ cũng mắc phải, nghĩa là xuất sắc về mặt đánh đấm nhưng lại trôi tuột về mặt cảm xúc.

Nhân vật chính vì yêu con nên hành động bất chấp

Bộ phim xoay quanh trình đi tìm con đầy kịch tính, căng thẳng của bà mẹ đơn thân Hai Phượng (Ngô Thanh Vân). Cô chỉ có 14 tiếng đồng hồ rượt đuổi từ Cần Thơ, Sài Gòn cho đến Phan Thiết để cứu con gái khỏi đường dây tội phạm bắt cóc và buôn bán nội tạng xuyên quốc gia. Trong suốt hành trình của mình, Hai Phượng phải đối đầu với rất nhiều giang hồ cộm cán, sẵn sàng tiêu diệt ai dám cản đường chúng.

Điều đáng khen cho Hai Phượng là đã mang tới được một bộ phim chỉn chu về bối cảnh, phục trang cũng như sở hữu một cốt truyện khá chất lượng. Có lẽ, đã lâu lắm rồi khán giả Việt mới được thưởng thức một bộ phim Việt Nam mãn nhãn và không “nhảm” đến như vậy. Sự trở lại của Ngô Thanh Vân trong vai trò “đả nữ” sau 10 năm kể từ Bẫy Rồng (2009) cũng đã làm thỏa mãn fan hâm mộ và tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong làng phim Việt.

Thế nhưng khen nhiều mà tiếc nuối thì cũng nhiều. Điều tiếc nuối đầu tiên phải kể đến sự hời hợt trong việc khai thác tâm lý nhân vật. Chị Hai Phượng trong phim được xây dựng như một nhân vật truyền cảm hứng rằng người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất và giỏi giang chẳng kém gì các mỹ nhân cầm súng ở trên thế giới. Chị đánh nhau rất giỏi, chị sẵn sàng đập nhừ tử những ai cản đường chị đi tìm con.

Tuy nhiên, từ đầu tới cuối phim chẳng thấy được sự chuyển biến nhiều trong cảm xúc của chị Phượng: đau khổ, buồn bã, tức giận hay đôi lúc còn bất lực…Tất cả những điều ấy chỉ đều được thể hiện bằng một gương mặt giận dữ có phần ngơ ngác cùng câu hỏi “Con tôi đâu?” với bất cứ ai mà chị gặp, chẳng cần biết có đúng người ta bắt con chị không. Dù cho Ngô Thanh Vân cũng đã tốn rất nhiều nước mắt để khóc lóc, nhưng cảm xúc sau đó chỉ được khai thác rất lửng lơ, nửa vời khiến cho khán giả muốn thương chẳng được mà muốn khóc theo cũng chẳng xong.

Bên cạnh đó, sự lỏng lẻo và có phần vô lý trong việc xây dựng đường dây kịch bản cũng góp phần khiến cho nhân vật Hai Phượng trở nên khá… kém duyên và khó hiểu. Từng là một chị đại giang hồ khét tiếng khiến nhiều người nể sợ thế nhưng khi mang bầu thì Hai Phượng lập tức về quê. Cứ tưởng rằng chị ở ẩn và muốn tránh xa giới giang hồ, nhưng chị lại “ngựa quen đường cũ” làm nghề đòi nợ thuê? Chưa kể một chuỗi những hành động phi lý khó hiểu của nữ chính cũng vô tình tạo cảm giác chị Phượng như dân côn đồ không học thức hơn là một “đả nữ” cool ngầu. Tất nhiên chúng ta không thể đòi hỏi một bộ phim hành động phải khác thác tâm lý thật tốt như một bộ phim tâm lý, thế nhưng cũng cần phải có sự thuyết phục và logic.

Tuyến nhân vật phụ thừa thãi, rườm rà

 Hiếm có bộ phim nào mà toàn bộ tuyến nhân vật phụ đều nhạt nhòa và thừa thãi như trong Hai Phượng. Đồng hành cùng chị Phượng trong hành trình cứu còn có sự xuất hiện của Lương (Phan Thanh Nhiên) - một cảnh sát có năng lực, đảm nhiệm điều tra đường dây bắt cóc trẻ em. Dù cũng được xem là nhân vật nắm giữ vai trò quan trọng, nhưng nguyên bộ phim Lương chẳng bộc lộ được một tý năng lực nào của mình ngoài việc hút thuốc phì phèo và rình rập chị Phượng khắp mọi nơi.

Chính nhân vật Lương cũng là một hạt sạn lớn cho phim. Tự xưng là người chịu trách nhiệm điều tra đường dây bắt cóc và buôn bán nội tạng trẻ em, và đã điều tra vụ án tới 3 năm nhưng Lương vẫn chưa triệt phá được bọn tội phạm. Thế nhưng khi chị Phượng xuất hiện thì chỉ mất 14 tiếng đã vào tận hang ổ của bọn bắt cóc. Sự vô lý này khiến nhiều khán giả thắc mắc vậy đưa nhân vật Lương vào có mục đích gì?

Anh cảnh sát Lương có lẽ nên được xếp vào danh sách nhân vật phụ vô dụng nhất mọi thời đại.

Ngoài ra, nhân vật anh trai của Phượng và đàn em Hương cũng được nhắc tới nhiều trong mỗi đoạn hồi tưởng của chị. Cứ tưởng rằng cả hai nhân vật này sẽ là những mắt xích quan trọng giúp chị trong việc tìm con. Thế nhưng ngoài việc quát mắng và xua đuổi khiến chị thêm bứt rứt thì chẳng ai thèm đoái hoài đến việc con chị bị bắt cóc. Cứ như cả hai nhân vật này được thêm vào chỉ để làm màu cho cuộc sống của chị Phượng thêm khổ vậy.

Phản diện kém thông minh

Ngoài các nhân vật phụ hơi vô duyên thì nhân vật phản diện trong phim cũng không được xây dựng khá khẩm hơn là bao. Biết mình là bắt cóc trẻ em, đang bị truy nã, thế nhưng hai tay giang hồ thản nhiên bắt bé Mai giữa ban ngày, nơi rất gần khu vực sinh sống của người dân. Như chưa đủ gây ấn tượng, hai anh bắt cóc còn ngang nhiên đưa bé qua khu chợ, lướt qua mặt chị Phượng như để thông báo cho chị rằng con chị đang bị chúng tôi bắt cóc.

Nhân vật bà trùm Thanh Sói cũng ghi tên mình vào danh sách phản diện kém thông minh này. Đứng đầu đường dây bắt cóc và buôn bán nội tạng xuyên quốc gia từ Bắc vào Nam thế nhưng Thanh Sói lại bất cẩn đến mức khó tin. Ngoài việc dễ dàng để Hai Phượng lọt vào tận hang ổ của mình thì bà trùm “nguy hiểm” này còn vô tư đọc cả số hiệu con tàu vận chuyển của mình mà chẳng nghĩ tới việc điều này sẽ khiến mình bị tóm nhanh hơn.

Nguy hiểm nhưng thiếu cẩn thận như chị thì bị “tóm” là đúng rồi

Lạm dụng màu phim

Một điều đáng tiếc nữa cho Hai Phượng là đạo diễn Lê Văn Kiệt đã lạm dụng bảng màu retro futurism cho phim. Sử dụng hai tông màu chính là hồng và tím giống nhiều phim bom tấn Hollywood đã từng ứng dụng như Atomic Blonde, John Wick,..Nhưng thay vì mang tới một hiệu ứng nghệ thuật đẹp mắt thì Hai Phượng lại bị phản tác dụng khi khiến phim trở nên quá tối tăm và gây nhiều khó khăn trong việc theo dõi. Ngoài ra, việc đổ quá nhiều màu neon vào bối cảnh đường phố Sài Gòn hiện đại, đông đúc còn vô tình khiến cho phim có cảm giác hơi “ảo” và lỗi thời.

Màu sắc trong phim khiến không ít khán giả cảm thấy khó chịu, nhức mắt hơn là thích thú.

Như đã đề cập ở phần đầu, một bộ phim hành động hấp dẫn không chỉ có đánh nhau là đủ mà cần phải có “não” nữa. Sự yếu kém về xây dựng nội dung kết hợp với sự gắn kết rời rạc trong đường dây nhân vật khiến cho Hai Phượng trở nên thiếu sức nặng và dễ gây thất vọng.

Nếu so riêng với hai bộ phim trước của Ngô Thanh Vân với vai trò “đả nữ” là Dòng Máu Anh Hùng Bẫy Rồng thì Hai Phượng vẫn còn thua xa nhiều bậc. Tuy không thể phủ nhận đây là phim điện ảnh sáng giá nhất của điện ảnh Việt thời gian gần đây, thế nhưng nếu như muốn vươn tầm tới bạn bè quốc tế hay trở thành một franchise riêng thì Hai Phượng vẫn còn cần phải được đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng hơn.

Chia sẻ

Bài viết

Pollyeste

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất